SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT
PHẦN II. ĐẶC BIỆT (2) - BẢN VIDEO DO ĐOÀN VĂN BÁU QUAY BUỔI TỌA ĐÀM GIỮA SƯ LUANGPOR JIEW VÀ SƯ MINH TUỆ
******
I/ PHẦN THUYẾT GIẢNG CỦA SƯ LUANGPOR JIEW
Sư Luangpor Jiew: Chúng ta có ba con đường để thực hành theo Giáo Pháp của Đức Phật.
Thứ nhứt là giáo huấn của ngài, dạy người ta biết cách đọc kinh, lạy Phật. Thứ hai là Thiền Định giống như sư vậy. Thứ ba là dạy cho chúng sinh biết đủ, ít mà đủ.
Thông thường của cuộc đời, tâm của con người, không bao giờ là đủ, muốn được rồi lại muốn được thêm, không bao giờ biết dừng lại. Giống như mặt biển, giống như đại dương, không bao giờ là đủ, để hấp thu cho bầu trời này. Giống như cây cao lớn, sau mưa bão, một vài nhánh cây, sẽ bị gãy đổ đi.
Khi chúng ta có nhiều đệ tử, chúng ta cũng sẽ gặp những phiền phức giống như vậy. Mình sẽ có ba điều phiền phức như sau: thứ nhứt là già, thứ hai là bệnh, và cuối cùng là chết. Tất cả những điều đến với thế gian này, đều là như vậy: sanh, già, bệnh, chết.
Con người thì có hai điều: tất cả những gì đến với bản thân mình đều được lưu giữ trong tâm mình, và việc của mình, là đừng có nghe nhiều quá, đừng có nhìn nhiều quá, đừng có nghĩ nhiều quá, thì mình sẽ dọn dẹp được những ô nhiễm trong tâm mình.
Nói ra những điều này, không phải là dạy sư, mà là muốn chia sẻ thêm, để các đệ tử ở đây, nghe và hiểu.
Chính vì thế, Đức Phật luôn dạy rằng: ngồi thiền, lạy Phật và tụng kinh. Ba phương pháp này, giúp cho chúng sinh bình thường, tiêu trừ được nghiệp chướng, rồi mới có lực Định, mới có đủ phước để bắt đầu đi vào sâu hơn nữa con đường của Giáo Pháp.
Kể cả việc, oan gia trái chủ đi theo mình, thì ba phương pháp nói trên, cũng sẽ giúp chúng sinh chuyển hóa nghiệp chướng, nhằm dễ dàng thực tập hơn.
Cuối cùng, quan trọng nhứt vẫn là tự mình tu tập, cho chính bản thân mình.
Với đệ tử, sư phụ luôn cố gắng giảng sao cho ngắn gọn. Hãy luôn luôn nhớ, lạy Phật và tụng kinh. Thứ hai là yêu thương, tha thứ và buông bỏ. Mọi người đều có thể có Định lực từ những lời dạy này, thực hành tốt, sẽ có được lợi lạc.
Khi đoàn tới Ấn Độ, sư phụ sẽ đưa một lá thư, gửi cho chùa của sư phụ bên đó. Đoàn sẽ được nhà chùa đón tiếp chu đáo, có thể nghỉ ngơi tại đây, cho đến khi nào, mọi người không muốn ở nữa.
Nếu quý sư muốn ở trong cốc, thì sẽ được sắp xếp ở trong cốc. Nếu quý sư không muốn ở trong cốc, muốn ngồi ở dưới các gốc cây, thì cũng sẽ sắp xếp để các sư ngồi dưới các gốc cây rất là đẹp, có chư thiên gia hộ, để tu tập của quý ngày được thành tựu.
Sư phụ chưa biết đoàn đã có kế hoạch như thế nào ở Ấn Độ, nếu có kế hoạch, thì sư phụ sẽ cùng tham gia. Còn nếu như mà chưa có kế hoạch gì, cần sư phụ hỗ trợ hay có ý kiến gì thì sư phụ luôn sẵn sàng để chia sẻ với đoàn mình.
Sư phụ sẽ quay về chùa vào ngày 19.01.25, và quay về Mỹ vào ngày 20.01.25. Hôm nay, giờ này, sau khi chia sẻ với đoàn, sư phụ cũng muốn nói lời chia tay. Hãy yên tâm rằng, sư phụ sẽ luôn dõi theo đoàn của mình, và nếu đoàn có gặp bất kỳ khó khăn nào, hãy cứ liên lạc với sư phụ, thì sẽ có người hỗ trợ cho đoàn mình.
Tất cả những việc mà sư phụ đã làm, là mong muốn cho tất cả mọi người, đi trên con đường mình đã chọn, một cách bình an, yên lành, không có gì phải lo lắng, khiến cho mình phải động tâm.
Tất cả quý sư có nhiều phước báu và may mắn, vì đã có hai người đi theo, ông Báu, ông Hùng, hộ trì chánh Pháp rất là tốt. Bởi vì hai anh đã cúng dường trái tim mình cho sư, cho Đức Phật, cũng như cúng dường cho toàn thể tăng đoàn của mình.
Điều mà khiến sư phụ băn khoăn nhứt, lo nhứt, chính là ở Myanmar. Vì tại nơi đó, mình không thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, sư phụ tin rằng, Chư Thiên sẽ luôn bên cạnh, gia hộ cho cả đoàn mình.
Có ai trong đoàn mình đến từ Mỹ?
Có một điều quan trọng nữa, muốn dặn đoàn mình, đó là, có một vị sư bị đau chân. Cũng không nên gấp gáp bộ hành, cứ từ từ bộ hành, chờ đến khi sức khỏe vị sư đó bình phục. Hãy gắng giữ gìn sức khỏe, vì con đường của mình còn dài. Cháu gái của sư phụ, có mua thuốc cúng dường cho đoàn mình.
Khi mà sư phụ mới có tám tuổi, một lần nghe quý sư tụng kinh, tự dưng, những lời kinh ấy thấm sâu vào trái tim sư phụ, gây cho sư phụ nhiều cảm xúc, khiến sư phụ muốn xuất gia ngay lập tức.
Nhưng mẹ của sư phụ không đồng ý, bởi vì bà thấy con mình còn nhỏ quá. Đến khi sư phụ được sự đồng ý của gia đình cho xuất gia, thì vị thầy lại không muốn cho sư phụ vào chùa, bởi vì thấy sư phụ còn nhỏ quá, mà chùa thì tuốt trên cao, mỗi ngày đi lên đi xuống, sợ sư phụ không đủ sức.
Trở thành sư, hay không trở thành sư, là thiền định, là lực thực tập của mỗi người. Cho nên, nếu như mình xuất gia, mà không thực tập, thì cũng vô ích.
Sau đó, sư phụ quyết định cúng dường thân, tâm của sư phụ cho Đức Phật, nguyện đi theo con đường của Đức Phật. Hình thức bên ngoài, mặc y giống như sư phụ hay sư Minh Tuệ đây, không quan trọng. Quan trọng là trong tâm mình có Đức Phật, và mình là đệ tử của Đức Phật.
Cho nên cuộc đời của mình, thật ra, mình không cần phải quan tâm người ta nói tốt hay nói xấu về mình. Điều đó không quan trọng. Không nên để tâm vọng ra ngoài nhiều quá. Người ta nghĩ tốt, thì là tốt. Người ta nghĩ nó không tốt, thì là không tốt. Đó là việc của người ta. Việc của mình là giữ tâm cho thanh tịnh và thực hành đúng Giáo Pháp.
Sư phụ cũng đã đến Việt Nam nhiều lần, và cũng đã hướng dẫn nhiều người thực hành, và mọi người cũng thấy được sự lợi lạc, an bình, hạnh phúc.
Vị sư đứng đầu dạy gì, thì đệ tử sẽ đi theo hướng đó. Sư phụ rất tin tưởng, các sư đi bộ hành như thế này, với Định vững chắc như thế này, nếu đủ duyên, nghe được sư thuyết giảng thêm, thì chánh pháp của quý sư sẽ xuất hiện tại Việt Nam, và mang đến rất nhiều lợi lạc cho mọi người.
Không chỉ ở Việt Nam, tại Mỹ, các đệ tử của sư phụ, cũng rất kính ngưỡng sư Minh Tuệ, kính ngưỡng hạnh tu của sư Minh Tuệ. Các đệ tử ở Châu Âu cũng vậy, nhắc về sư, họ rất là tán thán. Họ yêu quý ba điều từ sư Minh Tuệ: thứ nhứt, họ rất yêu y áo của sư; thứ hai, họ yêu quý việc sư giữ Giới rất nghiêm minh, không nhận bất kỳ sự cúng dường tài vật nào từ bá tánh của sư, thứ ba, điều làm họ yêu quý sư Minh Tuệ nhiều nhứt là, sư đã thực hành rất kiên định, rất miên mật.
Cũng như thế, khi sư phụ đến và thực hành với sư Minh Tuệ một ngày, sư phụ đã yêu mến sư Minh Tuệ và tăng đoàn rất nhiều. Và một lần nữa, biết ơn nhứt chính là các vị hộ pháp, đã chăm lo cho đoàn rất chu đáo. Nếu không có họ, thì tăng đoàn cũng sẽ rất vất vả. Bởi vì, có một số việc, các vị tu sĩ, sẽ phải hạn chế hơn họ, và họ sẽ giúp mình, thay mình, giải quyết được rất nhiều việc.
Sau khi sư phụ xong công việc ở Mỹ, sư phụ sẽ liên lạc với đoàn, xem đoàn đang ở đâu. Nếu ở Myanmar, sư phụ sẽ có cách tham gia cùng đoàn. Và đoàn hãy yên tâm một điều, là đoàn mình sẽ thành tựu việc bộ hành đến Ấn Độ.
Thật ra, cũng không dễ dàng để liên lạc với sư phụ, vì sư phụ rất nhiều việc. Nhưng nếu đúng giờ và đúng duyên, chắc chắn sư phụ sẽ ở bên cạnh đoàn.
Sư phụ mong muốn, sư Minh Tuệ sẽ là người khai mở con đường Phật Đạo. Giáo Pháp, Phật Pháp, có ba điều: Thứ nhứt là giảng Giáo Pháp, thứ hai là Thiền Định, thứ ba là tụng kinh, cầu nguyện. Thực hành đúng ba điều trên, nghĩa là mình đã khai mở đúng Giáo Pháp của Đức Phật, và mọi người sẽ cùng thực hành theo mình. Nếu mình hiểu đúng và thực hành đúng Giáo Pháp của Đức Phật, thì tự nhiên, mình sẽ có được sự bình an, hạnh phúc ở trong tâm hồn của mình.
Cuộc đời của mỗi người ở trên thế gian này, nếu như mình thông suốt được Giáo Pháp của Đức Phật và giúp cho mọi người cùng hiểu được Giáo Pháp ấy, thì điều đó là ý nghĩa nhứt đối với kiếp nhân sinh, ý nghĩa nhứt đối với việc luân hồi của mình trong kiếp này.
Một ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ, và tất cả 24 tiếng đồng hồ đó, sư phụ cúng dường hết cho tất cả những gì liên quan tới Phật Pháp.
Sư phụ trước đây, từ Ấn Độ về Việt Nam cũng không có nghỉ ngơi gì hết. Dạy lớp thiền xong, quay trở lại Thái, thì lúc nào cũng có việc. Vậy mà khi nghe con nói, muốn sư phụ chăm sóc cho đoàn, là ngay lập tức, sư phụ gác những việc khác lại.
Với sư phụ, việc lo cho đoàn cũng là lo cho Phật Pháp, nên sư phụ ưu tiên.
Ngay từ khi đoàn bắt đầu đi là con cũng đã theo dõi rồi. Con nói, sư phụ ơi, con thấy rằng, các ngài đang bắt đầu đi theo con đường của Đức Phật. Nếu như sư phụ có thể kết nối được, thì ngay bên Lào, có một ngọn núi rất là linh thiêng, mà hầu như tất cả các vị A La Hán đều thiền định và chứng quả ở đó.
Lúc ấy, chúng ta chưa đủ duyên để gặp tại đó. Nếu mà đủ duyên để gặp, thì sẽ lưu sư ở lại núi đó vài ngày, để nhận được thần lực của các ngài, cũng rất là hay.
Đến đây, chúng ta mới đủ duyên. Ở tại đất nước này, sư phụ có nhiều kết nối hơn, dễ gặp hơn.
Ba ngày trước, khi biết đoàn đã bắt đầu đang ở Thái Lan, con là người cập nhật điều đó cho sư phụ biết. Thái Lan thì dễ hơn, bởi vì đây là đất nước của sư phụ.
Hôm nay, đủ duyên, chúng ta gặp nhau. Và sư phụ gọi cho đệ tử của sư phụ, làm trong bộ Cảnh Sát, thì đệ tử trả lời ngay, dạ, con biết, con biết đoàn đang ở đâu rồi.
Ngày mà đệ tử nói, con biết đoàn đang ở đâu, thì sư phụ mừng đến mức, không ăn cơm được luôn, và đi một mạch, thẳng đến đây.
Và khi nhìn thấy cách đoàn mình hành trì, cách đoàn mình thực tập trong chánh niệm rất là miên mật và nghiêm túc, thì sư phụ yêu quý tất cả mọi người rất là nhiều.
Đây cũng là một trong những giây phút lịch sử của cuộc đời chúng ta ở Thái Lan. Sau này, khi mình già đi, mình sẽ nhớ về giây phút ở đây, Thái Lan, mình đã gặp một sư nhỏ xíu như thế này. Và chúng ta, đã có thời gian để nói Pháp với nhau, chia sẻ Pháp với nhau.
Khi sư phụ còn trẻ, sư phụ đã xây rất là nhiều chùa cũng như xây rất nhiều trung tâm thiền ở khắp nơi trên thế giới, nên không có thời gian để ngồi lại, chia sẻ với nhau như bây giờ.
Nếu mà mọi người muốn qua Bhutan thì con cũng có thể giúp được.
Những gì mà sư phụ đang làm đây, giống như là Chư Thiên đang sắp xếp người đến để hộ trì cho sư Minh Tuệ và tăng đoàn.
Mọi người cứ giữ nguyên con đường đã ước nguyện, cố gắng thực hành đúng chánh niệm. Đừng lo lắng. Đừng suy nghĩ nhiều. Đến đâu, chướng ngại gì, chắc chắn sẽ có sự gia hộ, hộ trì của Chư Thiên.
Thái Lan là đất nước của Phật giáo, nên là mình không sợ vấn đề gì hết. Ấn Độ với Myanmar thì nên cẩn thận chút xíu, có nhiều tình huống cũng khó lường. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
Thông Dịch Viên: Con được tiếp cận với sư phụ rất là nhiều nhưng con luôn khát khao về một nhân duyên như ngày hôm nay, cả nhà mình đang ngồi đây, đều giống nhau ở chỗ, ai cũng muốn tìm đến Giáo Pháp của Đức Phật để tập học.
Cuộc sống, con người hiện nay, hết sức phức tạp. Có những người, những việc, nhìn bên ngoài thấy vậy, nhưng bên trong thì không phải như vậy. Thành ra là mình cứ phải đi tìm.
Khi có đủ nhân duyên gặp được sư phụ Luangpor Jiew, con có chia sẻ với anh Báu đây. Thời gian con biết sư phụ, không nhiều bằng thời gian, từ lúc con bắt đầu tu cho đến lúc con hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống. Vậy mà, con có cảm giác như, con biết sư phụ đã mấy mươi năm rồi, và từ khi con gặp sư phụ, cuộc đời con đã chuyển sang một trang mới.
Gặp sư phụ, con hiểu ra, mọi việc trong đời sống, được và mất, đau khổ và hạnh phúc, thành công, luôn tương đương với nhau. Không có một cuộc đời nào nhẹ nhàng mà lại đạt được thành tựu cả.
Khi con hiểu rõ được như vậy, thì những bất như ý của con, những khó khăn của con, những khổ đau của con, đều trở thành những bậc thầy vĩ đại, và con biết ơn những khó khăn, biết ơn những khổ đau, biết ơn những bất hạnh đó.
Con hiểu ra, đó không phải là trở ngại, mà đó là những điều bắt buộc mình phải trải qua, để mình có thể trau dồi, rèn luyện.
Con cũng hiểu ra, tất cả những điều xảy ra, là sự sắp đặt rất hoàn hảo của Pháp. Và, với cuộc đời này, mình không có gì phải lo lắng hết.
******
II/ CÁC CÂU HỎI CỦA SƯ LUANGPOR JIEW VÀ CÁC CÂU TRẢ LỜI CỦA SƯ MINH TUỆ
Sư Luangpor Jiew: Nếu như sư không cảm thấy phiền là sư phụ nói nhiều quá, thì sư phụ có thể hỏi sư Minh Tuệ vài câu hỏi nhỏ được không?
Tại sao sư muốn trở thành một vị sư?
Sư Minh Tuệ: Vì muốn được đi theo con đường của Đức Phật, muốn được Giác Ngộ, Giải Thoát, muốn mình và mọi người được an lạc, được hạnh phúc.
Sư Luangpor Jiew: Sư nghĩ như thế nào về việc bộ hành của mình?
Sư Minh Tuệ: Con đi để rèn luyện, để ước nguyện cho mọi người được hạnh phúc.
Sư Luangpor Jiew: Nếu như sư nghe được, từ một số người, họ nói rằng, con đường mà sư đang đi, có thể là của một hành giả, nhưng lại không phải của một nhà sư, thì sư suy nghĩ như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Con không quan tâm. Con không nghĩ con là một vị sư, cũng không nghĩ con là một người thầy. Con chẳng nghĩ gì cả. Con chỉ là một người bình thường và con đang thực hành lời Phật dạy, đúng với Giới Luật, đúng với Giáo Pháp của ngài, cũng như đặt niềm tin vào lời ngài dạy.
Chỉ cần mình tin, thì mình sẽ thực hành được và thực hành đúng lời Phật dạy. Còn lời của những người khác, con không quan tâm. Mình làm được, thì sẽ cảm hóa được họ. Mình không làm được, thì sẽ không cảm hóa được họ.
Sư Luangpor Jiew: Tất cả những điều mà sư Minh Tuệ vừa trả lời, sư phụ rất là hài lòng. Đây chính là người con của Đức Phật và đi đúng con đường mà Đức Phật đã dạy.
Nếu như mà ai đó nói, sư dùng tà thuật, thì sư nghĩ như thế nào?
Sư Minh Tuệ: Con chỉ là người tập học bình thường. Cho dù người ta nói con dùng tà thuật, hay không dùng tà thuật, con cũng xem họ bình đẳng. Con học theo hạnh của Đức Thế Tôn, không thể vì một câu nói, mà mình khởi tham, khởi sân với họ.
Cho dù họ có nói con dùng tà thuật, con cũng chúc cho họ được hạnh phúc, an lành.
Con tập hạnh bình đẳng, xem kẻ thù cũng giống như người thân, như cha mẹ, như thầy mình để mình học.
Sư Luangpor Jiew: Tất cả những câu hỏi mà sư phụ vừa hỏi sư Minh Tuệ, đó đều là những chướng ngại đã qua, đang xuất hiện, hoặc là sẽ xuất hiện, cho bất kỳ con đường của người thực hành nào, ở trong cuộc đời này.
Trả lời của sư Minh Tuệ đã làm cho sư phụ rất an tâm và rất vui. Chúc sư Minh Tuệ, mọi việc đều được tốt đẹp và thành tựu
Sư Minh Tuệ: Con sẽ cố gắng, kiên trì học tập theo Giáo Lý, Giáo Pháp của Đức Phật, không có sai phạm, tinh tấn tu hành để đem lại cho mình và cho mọi người hạnh phúc. Con cũng xin cảm ơn ngài Luangpor Jiew. Mọi chuyện đều tốt đẹp.
******
Thông Dịch Viên: Nếu có đủ duyên, con cũng mong muốn, sau khi sư đã tròn ước nguyện đến đất Phật, tại Hy Mã Lạp Sơn có núi Kailash, đó là nơi mà ngày xưa, Đức Phật và năm trăm vị A La Hán đã đặt chân đến.
Hy Mã Lạp Sơn nằm dọc theo Ấn Độ, Nepal, Bhutan. Có một truyền thuyết, tất cả các vị Bồ Tát, khi đến thế gian để độ chúng sinh, sẽ đi qua cánh cổng ở nơi đây, và chúng ta ở cõi người, khi đạt thành tựu, cũng sẽ đi qua cánh cổng này.
Sư phụ Luangpor Jiew cũng đã ở đó tám năm. Các thầy của sư phụ đều là các vị A La Hán. Nếu có duyên, con xin thỉnh các sư về khu rừng mà sư phụ Luangpor Jiew đã tu tập ở đó, cũng có rất nhiều năng lượng. Mà chùa của các sư phụ đều ở sâu trong rừng.
Có lần con hỏi sư phụ Luangpor Jiew, tại sao sư phụ không chịu tu ở phía ngoài rừng, để có chuyện gì, bệnh hoạn chẳng hạn, đi cấp cứu, cũng sẽ dễ hơn? Sư phụ lắc đầu, thân này chưa giác ngộ, vô dụng như thế thì cứu nó làm gì.
Những câu trả lời này làm con kính phục sư phụ vô cùng.
Khi sư phụ đi vào rừng sâu để tu, leo lên hang rồi, sư phụ liền đạp đổ cái thang. Sư phụ nói: nếu không Giác Ngộ, không tìm được Pháp, thì bỏ thân ở đây luôn. Ý chí của sư phụ rất là khủng khiếp.
Rất nhiều người có hiểu biết, kiến thức nhưng lại nghi ngờ con đường Giác Ngộ của Đức Phật. Họ thậm chí, cho những người như chúng ta đây mới là u mê.
Con người thường miệt mài tìm kiếm công danh, sự nghiệp. Người ta cho rằng, đó mới là hạnh phúc. Nhưng họ có biết đâu, hạnh phúc đó không hề bền vững.
Con rất thấm câu: vui trong tham dục, vui là khổ / khổ trong tu hành, khổ để vui.
Niềm vui tu hành đó, hay hơn, cao thượng hơn rất nhiều niềm vui trong tham dục.
Người dân Việt Nam mình, đều mang tâm thiện. Con tin, phần đông người Việt mình, sẽ ủng hộ sư Minh Tuệ. Vì hình ảnh nào đại diện cho những điều tốt đẹp và tình yêu thương, cũng đều là những hình ảnh đáng kính, đáng ngưỡng mộ.
Con mong các sư cố gắng, kiên định với con đường tu hành của mình và sớm đạt được thành tựu mà các sư đã ước nguyện.
Đây là những lời từ đáy lòng của chúng con, và cũng mong đây sẽ là động lực để quý sư lên đường, được thật nhiều bình an, thật nhiều thành tựu.
******
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi chuyện tốt đẹp.
Sài Gòn 19.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Cuộc Tọa Đàm Giữa Luangpor Jiew Và Sư Minh Tuệ. Phát hành ngày 18.01.2025, trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về Miền Đất Phật.