SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT
PHẦN II : THÁI LAN - NGÀY THỨ HAI MƯƠI BỐN (CHIỀU 23.01.2025)
I/ NỘI DUNG
9. KHI NÀO CÒN THỞ THÌ CÒN HÀNH TRÌ
Ông Đoàn Văn Báu: Sau khi đi đến Ấn Độ, qua Nepal, qua Bhutan, thì tiếp theo sẽ là gì? Mục tiêu của đoàn mình là gì?
Sư Minh Tuệ: Mục tiêu của việc bộ hành là loại bỏ tham sân si, làm lợi mình, lợi người. Khi nào còn thở thì còn hành trì. Giống như sứ giả của Như Lai, đem Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni đến cho nhiều người biết, nhiều người biết giữ năm giới, nhiều người thọ bát trai giới, nhiều người tu, xuất gia, quy y, để đem lại cho mình, cho nhiều người được hạnh phúc, được an lạc lâu dài, được niết bàn, Phật pháp nhiều hơn. Tốt đẹp, hạnh phúc, để đền ơn, báo hiếu cha mẹ, đất nước, báo hiếu với tổ tông. Cảm ơn Phật tử, mọi người, chúng sanh. Cảm ơn Đức Như Lai. Nhiều việc con chưa làm xong.
******
10. BỘ HÀNH LÀ ĐỂ PHỔ ĐỘ CHÚNG SINH
Ông Đoàn Văn Báu: Như các sư phụ đây là đang tu tập cho bản thân mình, nhưng cũng phổ độ chúng sinh được rồi phải không thầy?
Sư Minh Tuệ: Họ đi là họ phổ độ.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhận bố thí là cũng phổ độ rồi. Và thân giáo là tấm gương giữ giới để cho mọi người noi theo, hoặc là học theo, hoặc là ủng hộ tinh thần, cũng đã là phổ độ rồi, đúng không thầy?
Sư Minh Tuệ: Đem cái lợi ích, lợi lạc cho mọi người, để mọi người đừng tham lam nữa, biết thương yêu, không si mê nữa, làm cho mọi người nhanh về thiên giới, loại bỏ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đi đến an lạc.
******
11. ĐẠI THỪA HAY TIỂU THỪA LÀ NGUYỆN HẠNH CỦA HỌ. MỖI NGƯỜI MỖI DUYÊN, MỖI NGƯỜI MỖI NGHIỆP
Ông Đoàn Văn Báu: Nên phân làm hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa? Tiểu Thừa chú trọng vào tu giải thoát cho mình? Còn Đại Thừa là phổ độ hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Đại Thừa giải thoát cho mình lẫn giải thoát cho chúng sanh. Lợi mình lợi người. Tu Tiểu Thừa, vẫn giải cứu cho mình và cho mọi người, nhưng chỉ có ít thôi.
Chẳng hạn như bây giờ, mình phát nguyện tu một đời, mình giải thoát, gieo duyên mới được một số người đời này thôi.
Những người tu Đại Thừa, biết mình chưa nhập niết bàn, họ lại tiếp tục tái sanh để gieo duyên, độ sanh thêm. Thành Chánh Đẳng Giác nhiều lần, nên họ không sợ khổ đau, họ vẫn xuống chúng sanh, họ độ nhiều hơn. Họ không sợ hãi.
Nguyện hạnh to lớn, nhưng bây giờ thấy khổ quá, thôi nhập niết bàn quách cho rồi, tu hành bây giờ thấy khó khăn quá, ta biết con đường rồi, ta chạy mất đi, thì nó lại khác.
Như Achan Báu, biết được con đường giải thoát rồi, nhưng khổ quá, thôi ở nhà. Nhưng rồi chịu không nổi, quay lại, để bày cho họ giữ năm giới, thì lại khác.
Ông Đoàn Văn Báu: Con thấy Đại Thừa, chú trọng vào phổ độ chúng sinh. Giảng kinh, giảng pháp, làm nhiều hoạt động phục vụ tôn giáo, còn Tiểu Thừa thì người ta ít hơn. Nhưng Đại Thừa, con thấy nhiều người lại không chú trọng đến giữ giới của mình.
Sư Minh Tuệ: Đại Thừa là phải vượt qua Tiểu Thừa. Chưa vượt qua được Tiểu Thừa mà đòi tu Đại Thừa thì rất là khó.
Giống như mất căn bản. Học cấp ba không học, bay lên học đại học, chẳng biết gì. Phải qua Tiểu Thừa.
Chê người ta Tiểu Thừa, nhưng họ làm được, mình không làm được. Mình là Đại Thừa, mình to mà, tôi tinh tấn, tôi tu hành độ bao nhiêu người. Còn tuy họ Tiểu Thừa, nhưng mà họ trì giới lại rất tốt.
Đại Thừa giữ giới, giỏi hơn cả Tiểu Thừa.
Ông Đoàn Văn Báu: Cấp cao hơn nữa mà không giỏi về Tiểu Thừa thì như là không có chân.
Sư Minh Tuệ: Người ta giữ giới miên mật, ăn ngày một bữa, hành trì. Còn người thì ngồi xe hơi, hưởng dục, những chuyện đó, không nói được.
Đây là thực tế khách quan, không nói riêng ai. Đại Thừa hay Tiểu Thừa, là do nguyện hạnh của họ. Mỗi người mỗi duyên. Mỗi người mỗi nghiệp. Họ ưng thì họ hành Đại Thừa.
Chúng sanh đó muốn hành đi cúng thì được đi cúng. Chúng sanh đó muốn ngồi thiền thì hành ngồi thiền. Vị sư đó muốn kiểu gì là đều do tâm của họ hết. Ai muốn khổ hạnh thì người đó khổ hạnh. Ai muốn thuyết pháp thì người đấy thuyết
pháp. Việc mình thì mình làm thôi.
Hữu duyên gặp thì chia sẻ với nhau. Không hữu duyên thì thôi. Mình không nói mình là đúng, họ là sai. Con không dám nói ai.
Riêng con, muốn hành Đại Thừa thì Tiểu Thừa, con phải hành qua. Tiểu Thừa mình cũng hành, mà Đại Thừa, mình cũng hành luôn.
Phật dạy gì thì con hành đó. Hành nào thì con cũng không chống trái, không nói tôi giỏi, ông sai.
Hữu duyên thì chia sẻ mà không hữu duyên thì thôi.
Chẳng việc gì phải phân biệt, ông là Đại Thừa, còn tôi là Tiểu Thừa. Đối với con, Đại cũng giống như Tiểu, mà Tiểu cũng giống như Đại. Miễn sao cho đúng với nguyện hạnh của mình, đúng với giới Như Lai dạy là được.
******
12. CÒN CHẤP CHAY MẶN THÌ VẪN KHÔNG GIẢI THOÁT
Ông Đoàn Văn Báu: Bên Tiểu Thừa, Nam Tông, bộ người ta không có giới cấm sát sanh hay sao, mà họ được ăn mặn vậy thầy?
Sư minh Tuệ: Tu hành trong Tiểu Thừa thì không có nói chay mặn gì hết.
Ông Đoàn Văn Báu: Họ có giới cấm sát sinh không Thầy?
Sư Minh Tuệ: Có giới không sát sanh.
Ông Đoàn Văn Báu: Có giới không sát sanh vậy tại sao họ ăn mặn?
Sư Minh Tuệ: Bên Nam Tông, họ muốn ăn mặn, mà không lỗi lầm gì, được giải thoát, thì họ dùng mặn thôi. Con không ý kiến gì, nhưng mà con lại không ăn mặn, con không dùng mặn.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng trong giới luật có cấm không thầy?
Sư Minh Tuệ: Không, không cấm. Trong kinh Nikaya không thấy nói, nhưng trong Đại Thừa, kinh Tăng Già, thì có nói. Còn trong Tạng Luật, Vinaya Pitaka, có nói ăn vật Visakha, tức là ăn, mà không thấy, không nghe, không nghi, thì không sao.
Nhưng cũng tùy theo họ hành thôi. Ở đây không gọi là chay mặn. Nếu mình chấp chay mặn thì vẫn không giải thoát. Như con thì con ăn mặn không được. Họ ăn mặn được nhưng con không ăn được. Chưa được.
Mình còn nhiều, nên mình phải tiếp tục học. Chay mặn tùy theo pháp hành.
******
13. THÂN TÂM CỦA MÌNH LÀ GIẢ. TẤT CẢ LÀ TƯỞNG. TẤT CẢ LÀ ẢO GIÁC.
Ông Đoàn Văn Báu: Con thấy nhiều người làm món chay, chay mà lại giả mặn, thì có ảnh hưởng gì không thầy?
Sư Minh Tuệ: Quan trọng là tâm của người làm thức ăn, còn thèm ăn thôi. Chớ người ta làm cho mình, thì mình vẫn ăn bình thường, và mình biết đó là đồ chay.
Ông Đoàn Văn Báu: Đồ chay, mà giả thành thịt, thành cá, giả thành đồ mặn.
Sư Minh Tuệ: Nhưng người dùng thức giả đó mà bỏ được thức thiệt thì cũng hạnh phúc. Đâu có tội đâu.
Ông Đoàn Văn Báu: Về hình thức là mặn, nhưng bản chất là chay.
Sư Minh Tuệ: Nhờ như thế mà không phải sát sanh.
Ông Đoàn Văn Báu: Khuyến khích mọi người ăn chay.
Sư Minh Tuệ: Thân tâm của mình đây, cũng còn giả nữa mà. Đâu có thật đâu. Tất cả là tưởng. Tất cả là ảo giác. Ăn cũng thế, ảo giác thôi.
******
14. THÂN TÂM LÀ GIẢ, LÀ ẢO, LÀ TƯỞNG, NÊN MỚI CẦN GIẢI THOÁT.
Ông Đoàn Văn Báu: Thân tâm mình là giả, vậy cái gì mới là thật?
Sư Minh Tuệ: Niết bàn. Trí tuệ. Thiện pháp. Tất cả những điều vừa kể trên là thật. Những điều khác là giả. Lừa đảo.
Ông Đoàn Văn Báu: Người thiểu năng không đi tu được phải không ạ. Phải có trí tuệ.
Sư Minh Tuệ: Thương yêu vợ con, dục tham ở đời, đó là giả. Giả nên mới cần giải thoát. Giả là khổ. Vui cũng có, mà ít, khổ lại nhiều, não hại càng nhiều hơn.
Tất cả là giả. Nên làm món ăn giả cũng bình thường thôi, có gì đâu. Theo con nghĩ, nhờ món ăn giả mà nhiều người ăn chay được, thì lại càng tốt.
Ông Đoàn Văn Báu: Khuyến khích mọi người ăn chay. Những việc như thế này, cần nhìn bản chất mà đánh giá. Con trước đây cũng không thích người ta ăn hay kiểu đó, vì con nghĩ, ăn chay mà mà tâm còn ăn mặn, không tốt, còn thua cả người ăn mặn nữa. Nhưng sau khi con nghe thầy giải thích, thì thấy, quan trọng, vẫn là bản chất của vấn đề.
Sư Minh Tuệ: Thấy được lợi lạc cho mọi người. Vì cái sự giả đó mà con gà, con cá, không phải chết.
******
15. KHÔNG THAM CHO RIÊNG MÌNH CHÍNH LÀ THÙ THẮNG
Ông Đoàn Văn Báu: Kênh Đây Đó Cần Thơ, muốn tài trợ một nửa thu nhập cho kinh phí đoàn, nhưng con nói, đoàn có cần gì đâu mà tài trợ, bọn con cũng có cần gì đâu. Thôi giữ đó làm từ thiện đi.
Sư Minh Tuệ: Hoặc bố thí. Achan Báu xem họ giống như cha mẹ mình ấy.
Giống như cha mẹ mình nói, bây giờ có tiền như thế này, đi đâu, bố thí hay làm từ thiện? Làm chi, ở đâu, thì chỉ cho họ, chỗ nào người có giới, có kỷ luật, thì bày cho họ tới đó. Các sư phụ, kể cả mình bây giờ cũng phải đi bố thí nữa.
Có những người tu hành đâu có gì, họ giữ giới thôi. Tự nhiên bày họ đi cho người nghèo khổ, đâu được phước gì đâu. Được mà ít. Việc tốt thì không bày cho họ gieo. Cho các sư phụ một cái quả, hay là ổ bánh mì, được phước.
Điều này thì Phật tử họ tự biết, chứ không cần ai bày cho họ. Còn cha mẹ mình, thì mình bày cho họ.
Nhiều người, với vợ mình, người nhà mình, cha mẹ mình, thì mình bày, với người khác thì không, ấy là tâm phân biệt.
Người có tâm, như Achan Báu, học hiểu rồi, biết cách bố thí rồi, biết cách gieo duyên rồi, thì bày cho người khác bố thí, như bày cho cha mẹ mình bố thí vậy, nghĩa là mình đã thù thắng hơn rồi.
Bày cho họ chứ không để tham cho riêng mình.
Ông Đoàn Văn Báu: Đưa tiền đây, tôi làm từ thiện cho, xong rồi tôi ôm hết, thế là mất phước.
Sư Minh Tuệ: Bày cho họ giống như bày cho vợ mình ấy, như cha mình, như con mình. Tâm xả tốt. Chỗ này chỗ kia, buông xả, cho tâm bố thí rộng lớn, bao la. Ông ăn được thì cũng phải chia người ta chút cháo chớ. Ông chiếm cả, ông cho ông ăn, mất phước.
Như vua Pasenadi có nhiều vàng, nhiều bạc, vua Pasenadi, có kêu quân lính canh giữ để cho một mình vua ăn không, hay là chia cho dân chúng cùng ăn thì tốt hơn?
Mình biết bố thí, trì giới, tu thiền, rồi mình nhủ, thôi im lặng, đừng nói ai, để tu hành một mình cho nhiều phước báu hơn, giỏi hơn, ai cũng thua mình cả. Vậy là không tốt.
Mình biết thì mình nên bày. Sẽ tốt hơn.
******
16. CHÂN NHÂN HƠN CẢ CHÂN NHÂN
Ông Đoàn Văn Báu: Ví dụ như là mình biết bát quan trai giới rồi thì mình chỉ cho người khác, cách thế nào để vượt qua. Chẳng hạn như ăn ba bữa giảm xuống hai, cho quen rồi thì hai giảm xuống một, thầy nhỉ.
Sư Minh Tuệ: Giữ giới, bỏ lại vợ con không ai chăm sóc, tự nhiên ôm bát đi, mặc bộ đồ rách rưới, bẩn như thằng điên, không có cái gì cả, giống thần kinh.
Ừ, điên. Vậy ông giữ vợ con ông, giữ gia đình ông được bao lâu, có giữ được mãi không mà giữ?
Tôi biết nên tôi xả. Chờ đến phút cuối sẽ thấy.
Ông Đoàn Văn Báu: Nên mình không chỉ làm việc tốt, giữ giới tốt, mà mình còn nên giúp người khác giữ giới, thì công đức còn hơn nữa.
Sư Minh Tuệ: Đúng rồi. Chân nhân hơn cả chân nhân. Mình giữ, mình biết cho mình, đó là gọi là Tiểu Thừa. Mình đi bày cho người khác, đó chính là Đại Thừa. Chứ không phải, tôi là Đại Thừa, tôi hơn cái này cái kia.
Hoặc, tôi là Tiểu Thừa, tôi thấy xấu hổ quá, tôi ở trong rừng cho an lạc. Đi theo các ông ảnh hưởng quá. Bị họ chê như là cái chợ, toàn đầu trộm đuôi cướp. Đuổi hết, cho mình mình an lạc thôi, là Tiểu Thừa.
Mình bày cho người ta, thôi cố gắng. Duyên được ngày nào cũng tốt đẹp. Rồi gieo duyên, bỏ ác, làm thiện, được ngày nào hay ngày đó. Cho dù họ có chê bai, thì mình vẫn là Đại Thừa.
Một là số ít. Từ hai trở lên là nhiều. Mình biết con đường giải thoát, mà bày cho người khác, vậy là đại rồi.
Người ta còn đại hơn cả mình. Mình chỉ bày được một người thôi, chớ người ta còn bày cho cả ngàn người khác.
Ông Đoàn Văn Báu: Bây giờ, con bày cho Hậu, Hậu bát quan trai giới một ngày đi.
Sư Minh Tuệ: Bày cho Hậu, bày cho vợ, bày cho con, bày cho những người mình quen biết, bà con cửu huyền thất tổ của mình. Gieo duyên, đó chính là lợi lạc. (còn tiếp)
******
II/ CHÂN NHÂN HƠN CẢ CHÂN NHÂN LÀ GÌ?
Chân nhân hơn cả chân nhân là người bỏ sát sanh, và khích lệ người khác từ bỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho, và khích lệ người khác lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, và khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo, và khích lệ người khác từ bỏ nói láo; tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, và khích lệ người khác từ bỏ rượu men, rượu nấu. Người này, này các Tỳ Kheo, được gọi là bậc chân nhân còn hơn cả bậc chân nhân. (Lời Phật dạy, phẩm Bậc Chân Nhân, kinh Tăng chi bộ, quyển 2)
******
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi chuyện tốt đẹp.
Sài Gòn 26.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Bộ Hành Chiều 25.01.2025. Phát trực tiếp ngày 23.01.2025, trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về Miền Đất Phật.