SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT
PHẦN II : THÁI LAN - NGÀY THỨ HAI MƯƠI MỐT (20.01.2025)
******
I/ NỘI DUNG
A. TÔI ĐÃ NGHĨ RA ĐƯỢC MỘT KẾ, ĐỂ CÁC THẦY BUỘC PHẢI KHÁM CHỮA BỆNH (!)
1. SƯ PHÚC GIÁC (KIM CANG)
Ông Đoàn Văn Báu: Thầy và các vị sư phụ khác đều nói, khi đi cùng đoàn, thì trừ chi tiết, nổ với các youtuber là chủ doanh nghiệp, bị cuốn vào vòng của youtuber, còn lại những vấn đề khác như giữ Giới thì tương đối tốt.
Nhưng có thể nói rằng, trong số những người đi theo thầy Minh Tuệ, đợt ở miền Trung, thì Phúc Giác (Kim Cang) là người tệ nhất, người có tu tập ở mức thấp nhất, nhiều drama nhất, được nhiều người yêu thích nhất và cũng nhiều người phản đối nhất, tức là người này hội tụ đủ các drama.
Nhưng khi tôi với mấy anh em bàn với nhau, và sau đó xuống xin ý kiến thầy và các vị sư phụ, thì thầy phân tích cũng nhiều điều hay.
******
2. BUỘC THẦY VÀO THẾ (!)
Sau một đêm suy nghĩ, thì tôi đã nghĩ ra được một kế, để các thầy buộc phải khám chữa bệnh.
Hôm nay, sẽ bàn với anh Theerawat, đầu tiên là sẽ công bố tình hình dịch bệnh đã đến Thái Lan rồi. Nên bắt buộc, để bảo đảm gia hạn hộ chiếu, thì người ta cần phải có kết quả khám chữa bệnh, để qua cửa khẩu mới đóng dấu được.
Mình chấp nhận phạm Giới một ngày, để nói với thầy như vậy.
Xong rồi nhờ anh Theerawat, thuê một đoàn bác sĩ, trong đó sẽ có một nha sĩ, đến để khám, cũng như xử lý răng của thầy luôn.
Ông Lê Khả Giáp: Anh nghĩ khả năng này có được hay không?
Ông Đoàn Văn Báu: Chắc chắn là phải thành công. Quan trọng nhất là lấy mẫu máu, để đi xét nghiệm sinh huyết học, kể cả nước tiểu. Nếu có bệnh gì thì người ta sẽ phát hiện được.
Hôm nay đầu tuần, thì dự tính khoảng giữa tuần sẽ phải làm động thái này, buộc thầy vào thế, thầy phải làm thôi, còn không làm thì không gia hạn được.
Ông Lê Khả Giáp: Nếu mình hỏi các thầy, chắc chắn là các thầy sẽ từ chối hết.
Ông Đoàn Văn Báu: Nên đặt thầy vào thế bắt buộc như vậy, thì chắc là sẽ ok.
Ông Lê Khả Giáp: Trước, em xem bộ phim Cuộc Đời Đức Phật, khi mà Phật tử cúng dường bát cháo, biết độc, nhưng vẫn ăn.
Ông Đoàn Văn Báu: Tức là mình sẽ đưa vào cái thế đã rồi, buộc phải có giấy khám chữa bệnh đó, mới vào được Myanmar, mới gia hạn được hộ chiếu ở Thái Lan.
Chúng tôi sẽ thuê một đoàn bác sĩ chuyên khoa, xong rồi đưa mẫu máu và nước tiểu để xét nghiệm.
Quan trọng nhất là mình biết được, thầy và các sư phụ, đang trong tình trạng sức khỏe như thế nào. Và chúng tôi cũng mua bảo hiểm y tế luôn. Mua bảo hiểm y tế trước khi khám, thì sẽ tốt hơn. Bảo hiểm y tế du lịch, thì họ sẽ chi trả cho mình, còn khám này là khám dịch vụ.
Suy nghĩ nát óc, thì cuối cùng cũng ra giải pháp rồi. Chớ còn những kế như là xin Xá Lợi, thì không khả thi, hoặc những kế như là dụ dỗ, cũng không khả thi, nên là dùng kế này, thì tôi nghĩ là sẽ thành công. Bây giờ tôi sẽ lên hỏi thầy. Tình huống này rất là hay, các bạn hãy xem thầy xử lý thế nào nhé. Anh còn định là đóng giả kiểm dịch phía trước, cho các thầy sợ.
Ông Lê Khả Giáp: Nói nhỏ thôi, không các thầy nghe, lộ hết bài. Đã phá Giới là phải thành công, đúng không.
******
B/ NGƯỜI CÓ TRĂM NĂM ĐÂU?
1. CHẾT, CŨNG KHÔNG ĐI KHÁM
Ông Đoàn Văn Báu: Thầy ơi, anh Theerawat mới gọi cho con. Anh nói, hiện nay Thái Lan đang có dịch bệnh, nên để gia hạn hộ chiếu ở cửa khẩu ở Lào, thì người ta yêu cầu, rồi qua Thái Lan, Myanmar, họ cũng yêu cầu có giấy khám sức khỏe, cho tất cả khách du lịch.
Ở Thái Lan này, mình không thể bùa phép được. Nên chắc ba ngày nữa, thuận tiện, thì sẽ nhờ bệnh viện, người ta đến, người ta khám qua cho mình.
Sư Minh Tuệ: Thôi, đừng có làm vậy.
Ông Đoàn Văn Báu: Đây là khám làm thủ tục đó thầy.
Sư Minh Tuệ: Đừng có làm họ sợ. Họ có sức khỏe tốt mà.
Ông Đoàn Văn Báu: Đây là thủ tục đó thầy. Bây giờ đang dịch, giống như virus covid ở Trung Quốc, nên họ bắt buộc.
Sư Minh Tuệ: Mình đừng có vào những chỗ đông người đấy. Mình cứ ở ngoài.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng họ yêu cầu mình khám, người ta mới cho thông quan.
Sư Minh Tuệ: Khi nào thông quan mình khám.
Ông Đoàn Văn Báu: Tuần sau con phải gia hạn hộ chiếu ở cửa khẩu. Người ta chỉ khám qua loa, ghi nhận thôi.
Sư Minh Tuệ: Làm giấy thôi mà.
Ông Đoàn Văn Báu: Dạ, thủ tục thôi. Ví dụ, buổi trưa tới, người ta vào, lấy tên họ, chiều cao, cân nặng, đo huyết áp là xong.
Sư Minh Tuệ: Mấy cái đấy thì thủ tục cơ quan, anh Báu cứ làm, đừng có đi khám gì hết.
Ông Đoàn Văn Báu: Không phải vào viện.
Sư Minh Tuệ: Anh Báu cứ đi làm thủ tục đấy thôi. Đừng có nghĩ, đi khám, để chữa cho các sư phụ.
Ông Đoàn Văn Báu: Dạ không. Tức là họ chỉ đến để khám sơ sơ thôi.
Sư Minh Tuệ: Còn giấy tờ, thì mình tự khai thôi.
Ông Đoàn Văn Báu: Phải có bác sĩ chứ? Bác sĩ mới đo, huyết áp bao nhiêu, nhịp tim bao nhiêu, cân nặng bao nhiêu, chiều cao bao nhiêu, phổi có vấn đề gì không. Vậy thôi là xong.
Sư Minh Tuệ: Không việc gì đâu.
Ông Đoàn Văn Báu: Để con hỏi anh Theerawat, xem có tắt được không. Nếu không, thầy và các sư phụ hoan hỷ.
Sư Minh Tuệ: Dạ. Không có việc gì, đừng có khám.
Ông Đoàn Văn Báu: Con cũng rất là ngại khám bệnh, tại sợ khám, nó lòi ra bệnh này bệnh kia.
Sư Minh Tuệ: Nếu là giấy tờ thì mình cứ thủ tục giấy tờ với họ. Đừng có nghĩ cách đi khám. Chết cũng không đi khám.
******
2. CHUYỆN BỆNH, ĐỪNG CÓ LO. LO NGƯỢC LO XUÔI, MỆT.
Ông Đoàn Văn Báu: Để con hỏi xem, thủ tục này có tắt được không.
Sư Minh Tuệ: Đâu có vấn đề gì đâu phải lo sợ. Sợ ngược sợ xuôi, đúng không. Còn lâu mới xuất cảnh mà.
Đoàn Văn Báu: Dạ không, tuần tới là con phải gia hạn. Người ta cần thủ tục đó, và một cái ở Myanmar nữa là xong, hai cửa khẩu. Chắc họ chỉ cử hai nhân viên tới, họ ghi chép là xong.
Sư Minh Tuệ: Mấy ngày nữa, nói chung là hạn chế mấy cái linh tinh đấy.
Ông Đoàn Văn Báu: Hay là đến gần cửa khẩu Myanmar rồi khám thầy? Lúc đó, nếu như họ còn yêu cầu thì mình khám.
Sư Minh Tuệ: Chuyện bệnh, đừng có lo. Lo ngược lo xuôi, mệt.
******
3. NẾU THẤY MỆT QUÁ, NGUY HIỂM QUÁ, THÌ ĐI VỀ CHO KHỎI NGUY HIỂM
Ông Đoàn Văn Báu: Mấy chuyện đấy, con đâu lo. Thầy tự chữa được mà.
Sư Minh Tuệ: Mệt quá, nguy hiểm quá, thì đi về cho khỏi nguy hiểm.
Ông Đoàn Văn Báu: Khám để biết tình trạng như thế nào. Người ta chỉ làm thủ tục thôi. Khám chi tiết là phải vào trong bệnh viện.
Sư Minh Tuệ: Sức khỏe tốt mà. Ai không có sức khỏe tốt, sẽ biết ngay.
Ông Đoàn Văn Báu: Tốt nên mới đi được một người hai mươi cây số. Thay vì ghi là sức khỏe loại A thì ghi là 20km.
Sư Minh Tuệ: Mấy cái lung tung đấy, phiền lắm Achan Báu. Bày ra cái này không được, lại bày ra cái khác.
Ông Đoàn Văn Báu: Dạ, vậy cứ để gần đến lúc gia hạn, mà người ta bỏ cái đó thì thôi.
Sư Minh Tuệ: Mình sẽ không cần gia hạn. Mình cố gắng đi trong hạn cho phép.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng mà mình vẫn phải qua cửa khẩu Thái với Myanmar. Họ vẫn cần đó thầy. Đang dịch dữ lắm. Dịch ở Trung Quốc. Virus lạ vẫn chưa có vắc xin.
******
4. ĐỪNG BÀY RA KẾ SÁCH
Sư Minh Tuệ: Đừng có nghĩ đến việc kêu họ đi khám. Đừng bày ra kế sách. Đừng có nghĩ những việc ấy. Đổ ra cái này cái kia rồi hoang mang.
Ông Đoàn Văn Báu: Thôi cứ gần đến lúc ấy, hẵng hay.
Sư Minh Tuệ: Ai đâu đòi đi khám sức khỏe. Mình đâu phải thuộc cơ quan, tổ chức gì đâu mà phải đi khám?
Ông Đoàn Văn Báu: Khám để biết tình trạng mình đang như thế nào, tốt mà thầy. Ví dụ như, khám để biết thầy đang thiếu loại vitamin nào. Để con nói anh Nọn, coi ảnh lo được không.
Sư Minh Tuệ: Càng đơn giản càng tốt. Càng phức tạp thì càng linh tinh.
Ông Đoàn Văn Báu: Sắp tới, không biết dịch bệnh có lan ra không. Lan ra là người ta cũng kiểm soát chặt chẽ lắm. Mình không vào khu dân cư đông, nhưng mà mình tiếp xúc với nhiều Phật tử. Mấy bữa nay, Phật tử bắt đầu đeo khẩu trang.
Sư Minh Tuệ: Nếu họ sợ bị bệnh dịch thì đừng đến nữa.
Ông Đoàn Văn Báu: Dịch thì dịch, người ta cũng đến. Khi nào mà chính phủ người ta cấm, thì người ta mới không đến.
Sư Minh Tuệ: Giờ có đi vào, họ sẽ khám hết các thứ. Rồi họ yêu cầu nhiều thứ lắm.
Ông Đoàn Văn Báu: Thông thường là, khám sức khỏe như khám giấy phép lái xe thôi, có gì đâu
Sư Minh Tuệ: Nhưng họ sẽ bày ra nhiều điều khác. Bày cái này, rồi bày thêm cái khác. Bày ăn theo cái kia, rồi lại giảm cái này.
Ông Đoàn Văn Báu: Để con hỏi anh xem, thủ tục này có thể lướt qua được không. Nếu không lướt qua được, thì bác sĩ tới, người ta làm thủ tục thôi. Cử một bác sĩ tới ghi nhận cũng được. Khám chữa bệnh là bình thường mà thầy. Đâu có gì đâu.
******
5. NGƯỜI CÓ TRĂM NĂM ĐÂU?
Sư Minh Tuệ: Mình có bệnh đâu mà khám? Bệnh, đâu có đi được? Bệnh, đâu có sống được. Bệnh, đâu có lao động được?
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng mà nhiều khi nó bệnh từ từ, mình không biết.
Sư Minh Tuệ: Người giàu sang, cứ khám tổng quát, rồi cứ lo bệnh. Mình đừng có lo bệnh. Mình đâu thuộc diện đó? Người có trăm năm đâu?
Ông Đoàn Văn Báu: Con có bao giờ đi khám tổng quát đâu? Con toàn trốn không.
Sư Minh Tuệ: Đừng khám, đừng có lo mấy cái đấy.
Ông Đoàn Văn Báu: Chuyện thủ tục, mình thực hiện cho xong. Để con nói anh Theerawat. Bữa nay, anh bình phục rồi, nhưng mà bác sĩ khuyên anh nên nghỉ một hai ngày.
Sư Minh Tuệ: Đó là việc của bác sĩ. Chuyên môn của họ mà. Với họ, nghỉ cả tháng thì càng tốt.
******
C/ ĐỪNG BÀY GÌ. ĐỪNG PHỨC TẠP HÓA. ĐỪNG LÀM KHÁC NGƯỜI TA. CHỈ KHIẾN MÌNH KHÔNG ĐƯỢC THOẢI MÁI.
1. NHẬN THÌ KỆ HỌ
Ông Đoàn Văn Báu: Con dự báo, trong thời gian tới, là sẽ có nhiều người nữa, nhận là người này người kia của thầy từ tiền kiếp. Như, nhận là vợ tiền kiếp hay là người tình tiền kiếp, rồi người ta đi theo. Không biết phải làm sao.
Sư Minh Tuệ: Nhận thì kệ họ. Mình đâu biết. Họ ưng nói sao thì họ nói, nhưng mà mình đừng lưu ý thông tin ấy. Mình đừng có biết. Vợ tiền kiếp hay cha con tiền kiếp thì nhiều.
Ông Đoàn Văn Báu: Có hiện tượng đó không thầy?
Sư Minh Tuệ: Nhiều chứ.
******
2. DO VÔ MINH CHE, NÊN MÌNH KHÔNG THẤY
Ông Đoàn Văn Giáp: Giả sử có thật xảy ra thì sao thầy?
Sư Minh Tuệ: Thật chứ. Những người quanh ta như thế này, trong số họ, có thể có người là vợ, có thể có người là anh em với Achan Báu.
Nước mắt khóc cha mình, nhiều hơn nước mắt bốn biển mà. Đầy vợ đầy con. Nhưng do vô minh che, nên mình không thấy.
Thậm chí, có khi những kẻ thù của mình, từng là người thân của mình nữa. Nhưng những điều đó thuộc về quá khứ.
Ông Đoàn Văn Báu: Họ nhớ lại được quá khứ của mình hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Có chứ.
Ông Đoàn Văn Báu: Giống như vị Phật sống ở Tây Tạng hiện nay, từng là con của một công chúa, công chúa là em của Quốc Vương Bhutan. Khi vị ấy được tám tuổi, qua thăm Tây Tạng, lúc đi đến những địa điểm trong quá khứ, ngài kể ra vanh vách hết.
Sư Minh Tuệ: Chuyện ấy là có thật.
Ông Đoàn Văn Báu: Đó là hiện tượng gì ạ?
Sư Minh Tuệ: Nhiều đời nhiều kiếp dắt dẫn. Họ biết trước cái duyên nghiệp như thế. Vợ chồng, con cái, đều là người đó.
Ông Đoàn Văn Báu: Giống như ở Phật giáo Hòa Hảo, có một cô bé lên tám, tên Như Ý, thuyết Pháp rất là hay. Bây giờ lớn lên, học đại học, thì lại hết hay.
Sư Minh Tuệ: Lớn lên, do nhiễm dục, dục che mất. Chuyện tiền kiếp là có thật. Có tiền kiếp, có quá khứ, có vị lai, có hiện tại.
Đời này như thế này. Đời sau, vô số kiếp, vô số vợ, vô số con, không thể nào đếm hết, như cát sông Hằng.
Có những người tu được, người ta thấy. Và có thấy biết được như thế, người ta mới chán.
******
D/ ĐỪNG BÀY GÌ. ĐỪNG PHỨC TẠP HÓA. ĐỪNG LÀM KHÁC NGƯỜI TA. CHỈ KHIẾN MÌNH KHÔNG ĐƯỢC THOẢI MÁI.
1. NGƯỜI TU HÀNH, HỌ KHÔNG TIẾP XÚC THÂN THỂ, HAY QUAN HỆ DÂM DỤC VỚI BẤT CỨ AI
Sư Minh Tuệ: Nói với ngài Theerawat, việc khám bệnh như thế, để dành cho ngài Theerawat thôi. Người của hoàng gia, những người quan trọng, những người có phước báu lớn.
Ông Đoàn Văn Báu: Để con trao đổi lại, xem thủ tục thế nào.
Sư Minh Tuệ: Người tu hành, họ không tiếp xúc thân thể, hay quan hệ dâm dục với ai đâu mà lây nhiễm? Chỉ có lúc ăn cơm là chia sẻ với nhau thôi, đúng không anh Báu.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng trong những tình huống mà người ta bắt buộc thủ tục, thì mình cũng thực hiện cho nó qua đi.
******
2. ĐỪNG BÀY GÌ. ĐỪNG PHỨC TẠP HÓA. ĐỪNG LÀM KHÁC NGƯỜI TA. CHỈ KHIẾN MÌNH KHÔNG ĐƯỢC THOẢI MÁI.
Sư Minh Tuệ: Anh Báu đừng lo lắng gì, đừng đề bạt gì. Đừng nói, rồi Phật tử Phật tiếc, lại bày ra, tự bày ra, làm phức tạp hóa, lại lung tung.
Chẳng hạn như đang đi như thế này, an toàn như thế này, không có gì cả, rồi tự nhiên kêu công an, cảnh sát đi bảo vệ, làm lung tung, chẳng giống ai, lại không được thoải mái cho mình.
******
3. NÊN TRÁNH CÔNG AN VÀ BÁC SĨ. TỔ CHỨC, ĐẢNG PHÁI, MÌNH ĐỪNG ĐỤNG TỚI
Sư Minh Tuệ: Mình đâu có gì đâu? Chẳng bệnh gì, tự nhiên lại đi khám bác sĩ. Nên tránh công an với bác sĩ.
Ông Đoàn Văn Báu: Công an đâu có ai đâu. Người ta đi uống cà phê hết rồi.
Sư Minh Tuệ: Nên tránh những phiền phức. Tổ chức, đảng phái, mình đừng đụng tới. Mình đã tìm chỗ ít người, thanh vắng, họ mà nói như thế, lo sợ dịch bệnh, thì đến những chỗ nghỉ, đừng cho ai tới. Nói với Phật tử, tới giờ thì cho cơm, rồi đi về.
Ông Đoàn Văn Báu: Bệnh dịch chưa tới mức đó. Bệnh dịch có nhiều cấp độ. Cấp độ thấp, người ta nghi ngờ những người bị hoặc những vùng bị hoặc những quốc gia bị thì người ta sẽ khoanh vùng đó lại thôi. Còn khi đại trà như covid hồi xưa, thầy đi cũng bị cấm, thầy cũng bị test, đúng không. Hồi xưa thầy có bị test covid không?
Sư Minh Tuệ: Khi đi ở ngoài thì không ai test cả, nhưng khi họ bắt thì mới bị test.
Ông Đoàn Văn Báu: Đi qua các chốt, thầy có bị test không?
Sư Minh Tuệ: Đi qua các chốt vẫn bình thường. Do mình đi ngoài đường chứ không vào nhà. Nếu bữa nay mà dịch căng thẳng, đến chỗ nghỉ trưa đừng có gặp, đừng có phỏng vấn.
Ông Đoàn Văn Báu: Dịch không đến mức đó. Chỉ có một cái loại virus lạ ở Trung Quốc thôi.
Sư Tuệ Minh: Không gặp để họ khỏi sợ. Đông rồi lại lung tung, rồi bắt đầu họ lại khó khăn với mình.
Ông Đoàn Văn Báu: Dịch, chỉ có một loại virus thôi. Nếu nguy cấp là người ta đã lập chốt rồi.
Sư Minh Tuệ: Rồi lại sợ thuốc độc. Cái gì cũng sợ, sợ ngược lại sợ xuôi.
Ông Đoàn Văn Báu: Chưa đi tới nơi đã chết vì sợ rồi.
******
4. ĐỪNG THAM ÁI. ĐỪNG LO LẮNG. ĐỪNG SỢ THÂN BỆNH. ĐỪNG SỢ CHẾT.
Sư Minh Tuệ: Rồi sợ ngủ ngoài gốc cây lạnh, thôi vào nhà.
Ông Đoàn Văn Báu: Sợ gốc cây rơi vào đầu.
Sư Minh Tuệ: Sợ lung tung cả lên, rồi bắt đầu, thôi vào chùa ở đi.
Ông Đoàn Văn Báu: Con người có quá nhiều nỗi sợ. Có cách nào để khắc chế sự sợ hãi không thầy?
Sư Minh Tuệ: Đừng tham ái. Đừng lo lắng. Đừng sợ thân bệnh. Đừng sợ chết.
Ông Đoàn Văn Báu: Ngày xưa, tại sao Đức Phật biết trong thức ăn có độc, mà ngài vẫn ăn hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Ngài đâu có sao đâu. Ăn độc, uống độc, cũng không làm hại được ngài. Kể cả nước bốn biển mà bảo ngài uống, ngài cũng chỉ trong một ngày, uống khô hết luôn.
Ông Đoàn Văn Báu: Ngài có thần thông.
Sư Minh Tuệ: Ngài có uống cả bầu trời lửa vào trong bụng, thì cũng chẳng có việc gì đâu. Ngài biết, ngài có ăn uống gì thì ngài cũng không sợ. Achan Báu, đi mà sợ vậy, chắc phải tìm cách chạy về trước.
Ông Đoàn Văn Báu: Con đâu có sợ. Thầy đi đâu, con đi đó.
Sư Minh Tuệ: Đi mà, nay thì tư vấn vào bệnh viện rồi khám, mai rồi cái này cái kia.
Ông Đoàn Văn Báu: Thấy rắc rối quá hả thầy. Con đâu sợ gì đâu.
Sư Minh Tuệ: Cứ lo ngược lo xuôi rồi lại làm hoang mang.
Ông Đoàn Văn Báu: Lúc trước mới đi, thì cũng lo. Nhưng bây giờ con đâu lo gì nữa đâu.
Sư Minh Tuệ: Giờ đi, mà cứ kêu, mai đi khám, mốt đi cái này cái kia, rồi lại tin này tin kia, rồi tiền kiếp này tiền kiếp kia, rồi đi này đi kia, rồi đi theo.
Ông Đoàn Văn Báu: Cứ kệ họ thầy nhỉ.
Sư Minh Tuệ: Dạ, tìm cách. Tìm cách không quan tâm. Đi mà chưa tới, thì mình chịu nộp phạt. Nhưng mà các sư phụ không có đồng nào cả. Thế là người ta cho thôi.
Ông Đoàn Văn Báu: Người ta cúng dường hả thầy. Mình vào Thái Lan ngày 31.12.24. Bữa nay là 20.01.25. Vậy là mình đi được 21 ngày rồi.
Sư Minh Tuệ: Được mấy trăm cây rồi?
Ông Đoàn Văn Báu: Mình đi được hơn 900 cây rồi. Còn hơn 800 cây. Hơn 800 cây, thì đi 40 ngày.
Sư Minh Tuệ: Bên họ mà khó khăn quá, thì mình đi Bangladesh.
Ông Đoàn Văn Báu: Dạ không, mình phải đi về, xin gia hạn 60 ngày nữa, mình đi về Phuket. Mình lên phà, đi qua Bangladesh.
Sư Minh Tuệ: Dạ, bộ hành toàn thế giới, có nhiều chỗ mình phải đi phà.
******
II/ CẢM NGHĨ
Cho dù là ông Báu rất thương sư Minh Tuệ, rất hy sinh vì sư Minh Tuệ, rất hết lòng, hết cả ruột gan, với sư Minh Tuệ, thì tôi thấy, lần này, bày mưu để ép sư Minh Tuệ phải chữa răng, phải lấy máu, lấy nước tiểu để xét nghiệm, tôi cứ thấy sao sao ấy.
Ngay cả khi, ông Báu nhìn ra, mình như thế là nói dối, là phạm Giới, nhưng ông cho rằng, mình phạm Giới một ngày thôi, tôi vẫn thấy không ổn.
Cách đấy, ông Báu áp dụng với người thân thì được, nhưng với sư Minh Tuệ, một bậc tu hành đáng trọng, đáng kính, với tư tưởng xả bỏ triệt để, thân không cần, mạng kể bỏ, thì xem chừng, ông Báu thương sư thì có thương, nhưng hiểu sư thì chắc chưa hiểu sư rồi.
Với sư Minh Tuệ, không gì tốt bằng nói thật. Dù cho, ông Báu có nói thật rồi, có năn nỉ rồi, mà sư vẫn dứt khoát không nghe, thì phải hiểu, đó là vì, sư có lý lẽ của sư, sư có quan điểm của sư. Đường tu của sư, thân xác của sư, phải do chính sư toàn quyền định đoạt. Không vì bất kỳ lý do gì, mà lo thay cho sư được.
******
Đáng lý, ngay từ câu đầu tiên, sư nói, thôi, đừng có làm vậy, là ông Báu nên ngừng lại, vì sư đã bày tỏ sự không đồng ý của mình rồi.
Nhưng có lẽ, do ông Báu không quen thất bại, không cam tâm thất bại, nên cứ tiếp tục thuyết phục sư mãi. Thành thử, càng về sau, sư càng tỏ rõ sự bất bình; càng về sau, càng thấy sư không vui, sư buồn bực.
Ông Báu nói miết, đến mức, sư thốt, chết cũng không có đi khám, mà ông Báu cũng vẫn chưa thối lui.
Để sau đó, sư cứ phải nói đi nói lại: Đừng có lo, lo ngược lo xuôi, mệt. Bày ra cái này không được, lại bày ra cái khác. Hạn chế mấy cái linh tinh đấy, phiền lắm. Nếu thấy mệt quá, nguy hiểm quá, thì đi về cho khỏi nguy hiểm. Sức khỏe các sư tốt mà, ai không có sức khỏe tốt, sẽ biết ngay. Đừng bày ra kế sách, đừng có nghĩ những việc ấy, đổ ra cái này cái kia, rồi hoang mang. Mình đâu phải thuộc cơ quan, tổ chức gì đâu mà phải đi khám. Càng đơn giản càng tốt. Càng phức tạp thì càng linh tinh. Nếu họ sợ bị bệnh dịch thì đừng ai đến đảnh lễ, chụp hình, phỏng vấn nữa. Mình có bệnh đâu mà khám? Bệnh, đâu có đi được? Bệnh, đâu có sống được. Bệnh, đâu có lao động được? Người giàu sang, cứ khám tổng quát, rồi cứ lo bệnh. Mình đừng có lo bệnh. Mình đâu thuộc diện đó?
Và sư thốt lên: Người có trăm năm đâu?
******
Sư Minh Tuệ cũng căn dặn ông Báu: Họ ưng nói sao thì họ nói, nhưng mà mình đừng lưu ý thông tin ấy.
Và nhắn nhủ: Nói với ngài Theerawat, việc khám bệnh như thế, để dành cho ngài Theerawat thôi. Người của hoàng gia, những người quan trọng, những người có phước báu lớn.
Việc nhiễm virus, sư Minh Tuệ cũng bày tỏ: Người tu hành, họ không tiếp xúc thân thể, hay quan hệ dâm dục với ai đâu mà lây nhiễm?
Ông Báu không dừng câu chuyện lại, thành thử, sư Minh Tuệ, cứ phải thuyết phục ngược: Anh Báu đừng lo lắng gì, đừng đề bạt gì. Đừng nói, rồi Phật tử Phật tiếc, lại bày ra, tự bày ra, làm phức tạp hóa, lại lung tung. Chẳng hạn như đang đi như thế này, an toàn như thế này, không có gì cả, rồi tự nhiên kêu công an, cảnh sát đi bảo vệ, làm lung tung, chẳng giống ai, lại không được thoải mái cho mình.
Trong suốt thời gian ông Báu làm trưởng nhóm hỗ trợ, có lẽ, hôm nay là hôm mà sư Minh Tuệ bày tỏ ý kiến quyết liệt nhất: Mình đâu có gì đâu? Chẳng bệnh gì, tự nhiên lại đi khám bác sĩ. Nên tránh công an với bác sĩ. Nên tránh những phiền phức. Tổ chức, đảng phái, mình đừng đụng tới. Mình đã tìm chỗ ít người, thanh vắng, họ mà nói như thế, lo sợ dịch bệnh, thì đến những chỗ nghỉ, đừng cho ai tới. Nói với Phật tử, tới giờ thì cho cơm, rồi đi về. Không gặp để họ khỏi sợ. Đông rồi lại lung tung, rồi bắt đầu họ lại khó khăn với mình.
Sư Minh Tuệ như có dịp, để nói hết những muộn phiền của mình trong bao ngày qua: Rồi lại sợ thuốc độc. Cái gì cũng sợ, sợ ngược lại sợ xuôi. Rồi sợ ngủ ngoài gốc cây lạnh, thôi vào nhà. Sợ lung tung cả lên, rồi bắt đầu, thôi vào chùa ở đi. Achan Báu, đi mà sợ vậy, chắc phải tìm cách chạy về trước.
Nghe như trong câu nói của sư, cũng có sự lẫy hờn, phiền muộn: Đi, mà nay thì tư vấn vào bệnh viện rồi khám, mai rồi cái này cái kia. Cứ lo ngược lo xuôi rồi lại làm hoang mang. Đi, mà cứ kêu, mai đi khám, mốt đi cái này cái kia, rồi lại tin này tin kia, rồi tiền kiếp này tiền kiếp kia, rồi đi này đi kia, rồi đi theo.
******
Tôi thấy ông Báu cũng có vẻ buồn. Buồn vì chắc ông nghĩ, mình lo cho sức khỏe của sư, mà sao sư lại tỏ ra không vui với mình.
Sư Minh Tuệ là một hành giả rốt ráo tu hành, tu hành hết sức miên mật, và khi nói đến cái chết, sư nhẹ như không.
Trong rất nhiều lần phỏng vấn lúc còn ở quê nhà, sư Minh Tuệ có nói, sư không dùng thuốc bao giờ, có nhiều lần bị cảm cúm, bị sốt, sư đều để cơ thể tự khỏi.
Sau lần này, tôi tin ông Báu sẽ hiểu thêm nhiều về sư Minh Tuệ. Tình thầy trò giữa ngài và ông sẽ ngày càng thêm gắn bó. Ngài tuy bằng cấp không cao, nhưng công năng tu hành và đức hạnh của ngài thì siêu việt, vô cùng. Ngài tuy nói năng không trau chuốt, nhưng trí tuệ của ngài là trí tuệ của những bậc đại sư, tu hành đã qua nhiều đời nhiều kiếp.
******
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi chuyện tốt đẹp.
Sài Gòn 21.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Chào Sư Mới, Đón Sư Cũ, Sư Minh Tuệ 20/01. Phát trực tiếp ngày 20.01.2025, trên kênh YouTube Lê Khả Giáp.