PHẦN II : THÁI LAN - NGÀY THỨ HAI MƯƠI MỐT - BUỔI CHIỀU 20.01.2025
******
VIETUCTV: Dạ hôm nay chúng con được đủ duyên, cũng như phước báu, chúng con được đến đây đảnh lễ sư và Phật Pháp.
Tụi con ở bên Sydney Australia. Trước tiên con cầu xin chư Phật mười phương, chư vị Long Thần Hộ Pháp, xin gia hộ cho sư, thân tâm thường an lạc, pháp thể khinh an, Phật đạo thêm thành. A Di Đà Phật.
Sư Minh Tuệ: A Di Đà Phật
VIETUCTV: Bữa nay, gặp sư, chúng con xin được thỉnh Pháp. Chúng con xin khoảng mười lăm phút. Nếu hữu duyên, chúng con xin được chia sẻ thêm.
Sư Minh Tuệ: Thưa mọi người, thứ nhất, con thì không phải sư thầy gì cả. Con là một người công dân tập học, theo lời Phật dạy bình thường. Mọi người ngồi bình thường, chứ không mỏi.
Thứ hai, hữu duyên chia sẻ, không ảnh hưởng đến luật pháp, ảnh hưởng quy định quốc tế.
Con biết gì thì con chia sẻ nấy, chớ không phải thỉnh Pháp, thỉnh phiếc gì cả. Cần biết gì mà con hiểu được, con chia sẻ với mọi người. A Di Đà Phật.
******
01. TỔNG TRÌ PHÁP MÔN
Hỏi: Trước tiên, cho con xin phép hỏi sư, trong Đạo Phật, có nhiều Pháp môn, như Thiền Tông, Tịnh Độ, Mật Tông và những môn Pháp Hoa, Liên Hoa, với nhân duyên thù thắng nào, sư đến với Pháp môn mười ba hạnh Đầu Đà, thưa sư. Và kinh nào để cho sư cảm thấy được gia trì để đưa sư đến hạnh này vậy. Nam Mô A Di Đà Phật.
Đáp: Kinh Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Mật Tông hay Khất Sĩ, hay Nam Tông Bắc Tông hay Nikaya, A Hàm, hay là tất cả Tam Tạng kinh điển, Tạng Luật, nếu ai tu hành theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì đều dẫn đến mười ba hạnh Đầu Đà.
Cũng có người tu theo Pháp môn niệm Phật, họ ở một chỗ. Nhưng mà con nghe kinh Nikaya, nói chung là phương diện tổng trì.
Con bây giờ, cả mười ba hạnh Đầu Đà, cả niệm Phật, cả Thiền Tông, cả Mật Tông, nói chung là hữu duyên gặp được gì thì con hành trì, chớ không chỉ một pháp môn mười ba hạnh Đầu Đà.
******
02. NGUYỆN TU THÀNH VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG GIÁC
Hỏi: Dạ thưa sư, ngoài mười ba hạnh Đầu Đà, sư cũng chia sẻ, tất cả những tinh túy khác trong Phật giáo mà sư có thể thực tập cho thân tâm được an lạc và Định, thì sư còn tu Giới nào nữa, cũng như có nguyện vọng gì riêng cho sư không?
Đáp: Nguyện vọng lớn nhất của con là phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, để làm lợi cho mình, lợi cho mọi người. Nguyện vọng này, giúp con tinh tấn hơn, tốt đẹp hơn. A Di Đà Phật.
******
03. CÓ NIỀM TIN LÀ SẼ THÀNH TỰU
Hỏi: Thưa, Phật có dạy, thân người giống như rùa mù, chui lên mặt biển, tìm bọng cây. Lời dạy hàm ý, thân tứ đại này rất là khó được. Bây giờ, sư miên mật, hành trì mười ba hạnh Đầu Đà này, nếu một ngày nào đó, vô thường xảy ra, thì có ảnh hưởng đến sự tu tập của sư không?
Đáp: Thân người khó được, nhưng nếu biết, thì cũng dễ được. Khó với những người làm ác, những người không nghe lời Phật dạy. Còn những người tinh tấn siêng năng, đặt niềm tin ở Đức Thế Tôn, thì dễ.
Nếu mình nguyện hạnh Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, đời này chưa thành, mình sẽ có tiếp đời sau để tu. Mình có niềm tin, không lo. Mình phát nguyện, đặt niềm tin ở Giáo Pháp, thì khó cũng sẽ thành không khó. Khó nhưng vẫn có. Khó hành nhưng mà mình vẫn hành được.
Có niềm tin là sẽ thành tựu. Không lo.
Không có niềm tin thì mình không làm được. Nhưng khi đã có niềm tin, đã có hạt giống, thì chờ thời cơ, mưa xuống, nảy mầm thì sẽ tươi tốt lại, và thành tựu.
Phải gieo được thiện căn, có đức tin, rồi tinh tấn tu hành theo Giáo Pháp, trì Giới, tu hạnh Đầu Đà, thì không có gì là không thành tựu được.
Nếu ước nguyện mà viên mãn Giới Luật, thì ước nguyện đó sẽ thành. A Di Đà Phật.
******
04. LÀM ÁC, MÀ PHÚT CUỐI BIẾT BUÔNG XUỐNG THÌ VẪN TỐT ĐẸP
Hỏi: Thưa sư, nếu phạm Giới, không có vườn công đức, thì ngày sau, mình trồng lại vườn công đức, có được không ạ?
Đáp: Có công đức, bị phạm, mình vẫn có thể lấy lại được, có lại được, không vấn đề gì.
Làm ác, nhưng mà đến phút cuối, mình biết, mình ăn năn, mình quay lại. Có nhiều người, làm ác, làm đồ tể cả đời, nhưng mà phút cuối, họ niệm Phật, họ buông xuống, họ không làm ác nữa, thì thiện căn của họ vẫn thắng, vẫn tốt đẹp, không sao hết. A Di Đà Phật.
******
05. NGHIỆP SẼ CHUYỂN NẾU KIÊN TRÌ GIỚI LUẬT
Hỏi: Anh Báu có chia sẻ, hiện tại, thân của đại sư có một số bất an, điều này, có thể sẽ có những cảm xúc thọ tưởng trong thân. Xin hỏi, sư dùng những cách nào, để tiết chế cơn đau?
Đáp: Đời thì ai cũng có bệnh cả: sanh, già, bệnh, chết. Bệnh thì có bệnh về thân, về tâm và có cảm thọ về các bệnh ấy.
Tu hành tinh tấn, kiên trì Giới Luật, gìn giữ Giới, không phạm Giới, kham nhẫn, thì Giới sẽ hộ trì cho mình.
Thêm vào đó, mình đặt niềm tin nơi Giáo Pháp, sống trong Giáo Pháp, mình sẽ thấy vui vẻ, hoan hỷ, hạnh phúc, không thấy mệt mỏi, không có buồn chán, thì mình mới khắc phục được cơn đau.
Còn sống trong Giáo Pháp, chỉ cho có, hay qua loa, không kiên trì, không thành tựu, thì sẽ không khắc chế được bệnh tật.
Theo Giáo Pháp, thì bệnh tật, có người khắc phục được, mà có người không khắc phục được, chứ không phải là ai cũng khắc phục được đâu.
Tùy theo căn duyên, nhưng đa số những người kiên trì Giới Luật, thì chỉ khắc chế được những cảm thọ thông thường thôi. Chớ còn nghiệp quá khứ mà nặng quá, khi nó tới, mình khắc chế không nổi, mình phải theo nghiệp đó.
Nhưng đa số, nghiệp sẽ chuyển, cho mình vui vẻ, kham nhẫn được. A Di Đà Phật.
******
06. HÔM NAY THẤT BẠI, NGÀY MAI KIÊN TRÌ, RỒI SẼ THÀNH CÔNG
Hỏi: Khi cơn đau đến, thì sư sẽ Quán Pháp gì để tâm được thanh tịnh ạ?
Đáp: Tùy cảm thọ mà mình Quán.
Tham dục tới, thì mình Quán Bất Tịnh. Sân hận tới thì mình rải tâm từ bi. Ngu si tới thì mình Quán Nhân Duyên. Ngã mạn tới thì mình Quán Vô Thường, để mình tiêu diệt.
Đa số, xoay quanh Tứ Niệm Xứ, Thân Thọ Tâm Pháp, mà mình Quán là đủ rồi. Nhớ những lời Phật dạy ở trong kinh, mình Quán theo, mình làm theo, mình hành trì theo.
Chẳng hạn như khi bộ hành, mình rát bàn chân, hay ngồi kiết già, mình đau chân, thì mình kham nhẫn, mình Quán. Lúc ấy, có thể Giới Luật của mình bị sứt mẻ, chưa tròn đầy, chưa hoàn hảo.
Kiên trì chưa được thì mình tập lại, mình kham nhẫn lại, mình sửa chữa lại, xem lỗi chỗ nào, mà tại sao đau đến mức mình chịu không được.
Rà soát lại Giới Luật của mình, rồi nói, bữa nay mình làm chưa được, hẹn ngày mai, mình cố gắng lại. Chuyện này bình thường mà. Hôm nay thất bại, mai mình làm lại, làm lại miết, kiên trì miết, thì thế nào, mình cũng chịu được.
Ngồi kiết già, bữa nay, ngồi một tiếng. Mai mình cố gắng lên một tiếng mười phút. Bữa sau lên một tiếng rưỡi. Nhưng đến hai tiếng, mà thấy không được, thì xem lại, lý do tại vì sao.
Chưa được thì tiếp tục kiên trì, không từ bỏ. Đặt niềm tin mãi mãi thì chắc chắn sẽ thành tựu. Cần siêng năng, tinh tấn, tinh cần. Sống với chánh niệm, sống miết với chánh niệm như vậy sẽ không có buồn chán. A Di Đà Phật.
******
07. KINH HÀNH THIỀN HAY TỌA THIỀN, CŨNG NHƯ NHAU
Hỏi: Pháp thì có Tọa Thiền và có Kinh Hành Thiền. Vậy, Pháp Định khi Tọa Thiền, và Pháp Định khi Kinh Hành Thiền của sư là gì ạ?
Đáp: Pháp Thiền Tứ Niệm Xứ, thì Định Niệm hơi thở, xoay quanh Tứ Chánh Cần.
Kinh Hành Thiền hay là Tọa Thiền gì cũng thế.
Ngồi thì mình biết là mình ngồi. Đi Kinh Hành thì mình biết là mình đi Kinh Hành. Tỉnh thức thì biết là đang tỉnh thức. Nói chung là hướng đến xả bỏ dục tham. Khắc phục tham sân si để đem đến ly dục, Giải Thoát khỏi khổ đau.
Học được rồi, mình ly dục, để hướng tới, để chia sẻ với mọi người, giúp mọi người cùng ly dục, mọi người cùng tốt, mọi người cùng Giải Thoát, để chơn chánh, để tốt đẹp.
******
08. CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA ĐẠI CHÚNG LÀ TIẾP CẬN VỚI KINH SÁCH
Hỏi: Thưa sư, bây giờ, vật chất kim tiền, làm cho mọi người u mê, giống như màn đêm tăm tối, bao phủ mọi người, và sự xuất hiện của sư, như tia sáng, tia hy vọng cho chúng con.
Xin sư chỉ bảo cho chúng con, một con đường tu tập, để chúng con có được tâm thanh tịnh.
Đáp: Con cũng giống như mọi người thôi. Con luôn xem mọi người như người thân, như cha mẹ. Con khuyên mọi người nên tiếp cận với kinh sách.
Thời này, không có Đức Phật. Chúng ta cũng không gặp được những bậc tu hành A La Hán. Nhưng may thay, chúng ta còn kinh sách.
Hãy tiếp cận với kinh sách: Nikaya, A Hàm, Tam Tạng kinh điển, Tạng luật, rồi mình kiên trì, đặt niềm tin, tu hành, hiểu biết.
Còn ở đời, ai dục tham thì kệ người ta dục tham. Mình hiểu rồi mình từ bỏ dục tham.
Mình tự tu cho mình, ai hữu duyên với mình thì mình nói, mình bày cho họ. Còn ai chưa hữu duyên thì đợi duyên khác.
Biết đời sống dục tham là khổ đau, thì con cũng tu tập. Con không dám dạy ai cả, nhưng con sẵn sàng chia sẻ với mọi người.
Ai tu hành, giữ Giới, đặt niềm tin ở Như Lai Chánh Đẳng Giác, thì những người đó sẽ được hạnh phúc. Còn ai không nghe, chống lại, thì đau khổ còn lâu dài với họ. A Di Đà Phật.
******
09. CÓ ĐI THÌ CÓ ĐẾN. CÓ NGUYỆN THÌ CÓ THÀNH
Hỏi: Sư cầu Chánh Đẳng Giác, vậy sau khi sư thành tựu, sư có dự định cứu rỗi chúng sinh không ạ?
Đáp: Nói chuyện với con không phải chắp tay đâu.
Tự mình cứu mình trước đã. Tự mình thành tựu Chánh Đẳng Giác trước đã. Thành Chánh Đẳng Giác được rồi, mình mới cứu vớt được người khác.
Muốn cứu người chết đuối, mình phải học bơi. Giỏi, thuần thục, mình mới cứu được. Nếu con được Chánh Đẳng Giác, như một người bơi giỏi, con sẽ cứu được người chết đuối.
Bây giờ thì chưa được, nhưng đến duyên thì sẽ tới thôi. Có đi thì có đến. Có nguyện thì có thành.
Với một mình con thì không nổi, nhưng hy vọng sẽ có nhiều bậc Chánh Đẳng Giác, để cứu được nhiều người. Đó mới là tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. A Di Đà Phật.
******
10. ĐẢNH LỄ NHƯ LAI, ĐẢNH LỄ PHẬT PHÁP TĂNG LÀ TỐT ĐẸP NHẤT
Hỏi: Con xin được đảnh lễ sư, thỉnh sư trụ thế lâu dài, hoằng dương Phật Pháp, phổ độ chúng sanh. A Di Đà Phật.
Đáp: Mọi người không cần phải đảnh lễ như thế đâu. Đảnh lễ là phải giữ Giới.
Giữ năm Giới, trì Giới, mang tâm từ bi hướng đến việc giúp đỡ chúng sanh, là đảnh lễ Như Lai, đảnh lễ Phật Pháp Tăng rồi, là an lạc nhất, hạnh phúc nhất rồi.
Mình biết trì Giới, mình nói với những người khác cùng trì Giới. Mình biết bố thí, mình nói với người khác bố thí. Mình biết Thiền Định, mình bày cho người khác tu Thiền Định. Mình có được trí tuệ, mình bày cho người khác có trí tuệ. Mình có được Giải Thoát, mình bày cho người khác có Giải Thoát.
Như thế là đảnh lễ rồi. Đảnh lễ ấy là tốt đẹp nhất, là hạnh phúc nhất. A Di Đà Phật.
******
11. LÀM ÁC NHIỀU SẼ PHẢI KHỔ ĐAU LÂU DÀI
Hỏi: Trước khi chấm dứt buổi cầu Pháp hôm nay, sư có điều gì muốn nói với mọi người không ạ?
Đáp: Không, không, là chia sẻ thôi, không phải là cầu Pháp. Dạ, cứ ngồi bình thường.
Con cũng muốn nói với mọi người, hãy tạo cho mình niềm tin vào Đức Thế Tôn, Như Lai Chánh Đẳng Giác.
Hướng tới việc làm điều thiện, bố thí, trì Giới, tu Thiền Định, hướng tới đời sống hạnh phúc, an lạc lâu dài cho mình nhất. Có phước báu, đời này vui, đời sau vui, khi nào cũng được Giải Thoát. Không nên làm ác. Làm ác nhiều sẽ phải khổ đau lâu dài.
Con ước nguyện cho mọi người, đều được sống trong hòa bình hạnh phúc. A Di Đà Phật.
******
12. BỘ KINH NÀO CŨNG BỔ ÍCH VÀ TỐT ĐẸP
Hỏi: Thưa sư, có một số video quay về sư, cách đây cũng mấy năm rồi. Con thấy sư có cầm một cái máy nghe kinh. Trong các kinh đó, kinh nào có duyên nhứt với sư?
Đáp: Kinh nào với con cũng có duyên cả. Kinh nào mà làm cho mình, bỏ điều ác, làm điều thiện, tinh tấn tu hành, là kinh ấy có duyên.
Chúng ta không nên nói, kinh này tốt hơn kinh kia. Tùy căn duyên của mỗi người. Đủ duyên thì họ sẽ nghe được.
Với con, bộ kinh nào, con cũng thấy bổ ích cả, cũng tốt đẹp cả.
******
13. QUAN TRỌNG NHẤT KHI ĐỌC KINH LÀ CÓ HIỂU NGHĨA KINH HAY KHÔNG
Hỏi: Có duyên với kinh nào, mình sẽ cảm nhận được một cách mãnh liệt hơn, phải không ạ?
Đáp: Dạ. Mình có duyên với Pháp môn đó, Pháp hành đó. Chẳng hạn như có người thì mười ba hạnh Đầu Đà, có người thì hạnh niệm Phật, có người thì ngồi Thiền, có người thì nhẫn nhục, công đức, có người thì chuyên đi làm thiện, hay còn gọi là nguyện hạnh Ba La Mật, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Kinh nào cũng tốt đẹp. Quan trọng là mình có hiểu nghĩa hay không. Chưa nghe xong, chưa hiểu, mà mình chê, cũng không nên. Kinh nào chưa hiểu thì để sang một bên, kẻo mình lại mang tội phỉ báng. Do trí tuệ mình chưa đến, do duyên mình chưa đủ, nên mình mới chưa hiểu mà thôi.
******
14. MỤC ĐÍCH CỦA GIỚI ĐỊNH TUỆ LÀ MANG ĐẾN HẠNH PHÚC, AN LẠC LÂU DÀI
Hỏi: Khi mình giữ đúng luật, đúng Giới, thì mình sẽ sanh Định và Tuệ. Có nhiều người Thiền Định, rồi họ thấy những cảnh này, cảnh kia. Sư cũng tu mười ba hạnh Đầu Đà, và theo cảm nhận của con, thì sư cũng có Định trong đó. Sư cho con hỏi, cảnh này cảnh kia, là không thật, phải không ạ?
Đáp: Định như thế, khi nói ra, sẽ gây hoang mang cho người khác. Thấy cảnh này, cảnh kia, cũng giống như nằm mơ vậy, có cái thật, có cái không thật.
Định mình học của Phật là tỉnh giác, tỉnh táo, không thấy cảnh này, cảnh kia. Định thực tế, bình tĩnh, bình thản, không có buồn khổ, không có lo âu, được thoải mái, tỉnh táo, được có trí tuệ, được sáng suốt, được an lạc, được thoải mái, không tham, không sân, không si.
Có Định rồi, hễ ai vừa mới nói đụng tới, mà mình nổi sân lên thì đâu được. Có Định rồi, mà thấy tham dục cũng không phải.
Định của mình là để phục vụ, chứ không phải Định của mình là để thấy cái này cái kia, rồi nói bậy bạ, hoặc lòe người ta, hoặc làm cho người ta hoang mang, rồi thần thánh hóa lên.
Định mà kham nhẫn, mà cảm thọ đau được, ngồi kiết già được, ngồi thiền được, khắc chế chữa bệnh được cho mình, ít tham lam hơn, ít bủn xỉn hơn, ít keo kiệt hơn, cởi mở với mọi người hơn, có được cuộc sống hạnh phúc hơn, đó mới là Định, mới là Giới.
Mục đích của Giới Định Tuệ là như thế, đem đến cuộc sống hạnh phúc, an lạc lâu dài, chứ không phải là để thấy ông này ông kia, quỷ này thần kia. A Di Đà Phật.
******
15. ĐẶT NIỀM TIN TUYỆT ĐỐI, TINH TẤN TU HÀNH, SẼ KHÔNG LO LẮNG, KHÔNG SỢ HÃI
Hỏi: Con xem YouTube về sư cũng rất là lâu rồi. Lần đầu tiên, con thấy sư mặc áo Già Lam. Rồi sau đó, sư quấn y trắng và ôm cái thùng bằng nhựa. Sau này, sư quấn y khác. Xin sư cho con hỏi, trong thời gian đó, khi mà sư đi như vậy, thì vấn đề khó khăn của sư là gì? Và sư cảm nhận như thế nào về bước đường tu tập của sư?
Đáp: Khó khăn của con lúc bấy giờ là con còn nghi hoặc, thiếu niềm tin và tham sân si. Nó khiến con sợ hãi, lo âu.
Cho đến khi con nghĩ ra được, đây là con đường Chánh Đẳng Giác, đây là Phật, đây là điều đúng đắn, không sai phạm gì. Từ đó, con đặt niềm tin tuyệt đối, con tinh tấn tu hành, không còn gì lo lắng, không còn gì sợ hãi, kể cả phải mất mạng. Con khắc phục được, và con vượt qua được. A Di Đà Phật.
******
16. CON ƯỚC NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI NHƯ ƯỚC NGUYỆN CHO CHA MẸ MÌNH
Hỏi: Con thành thật cảm ơn sư, đã tạo phước duyên và đủ duyên để chúng con được đến đây.
Đáp: Sadhu. Sadhu. Mọi người hạnh phúc. Mọi người cứ ngồi xuống bình thường như thế, là mọi người sẽ được thoải mái, được khỏi đau và an ổn được lâu. Chứ ngồi như thế là mệt mỏi.
Con cũng cảm ơn mọi người. Con ước nguyện cho mọi người, cũng giống như ước nguyện cho cha mẹ mình được hạnh phúc. A Di Đà Phật.
******
17. MUỐN THIỀN ĐỊNH TỐT ĐẸP: LÀM THIỆN, BỎ DỤC THAM, GIỮ GIỚI
Hỏi: Mẹ của con, năm nay 94 tuổi. Bà là trường trai và rất là minh mẫn. Mẹ con có theo dõi kênh của anh Báu về sư mỗi ngày. Hôm nay đủ duyên, con được qua đây đảnh lễ sư, thì mẹ con có gửi lời, cầu cho sư được thân tâm thường an lạc, pháp thể khinh an và chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Con xin hỏi sư thêm một câu nữa cho bản thân.
Từ nhỏ đến lớn, con cũng được tu tập. Mặc dù không có thành tựu gì, nhưng thời gian đầu, lúc còn trẻ, khi Thiền Định, con thấy thân tâm con rất là an lạc. Nhưng về sau, tự nhiên, không hiểu sao, Thiền Định không mang lại kết quả như lúc đầu. Không biết là con đã mắc phải lỗi gì ạ?
Đáp: Do mình chưa xả ly đời sống của dục tham. Phải trì Giới, xả bỏ, buông bỏ xuống. Khi không còn phiền não thì mình mới vào Định được.
Khi vẫn còn dục tham, vẫn chưa buông bỏ, mà mình cố vào thiền này thiền kia, thì nó sẽ bị cản trở, hay còn gọi là tẩu hỏa nhập ma. Các chướng ngại không cho mình vào, nên càng hành trì, càng tai hại; càng hành trì, càng tệ hại.
Muốn Thiền Định tốt đẹp, mình phải làm thiện, phải buông bỏ đời sống dục tham, giữ Giới kiên trì một thời gian, ít phiền não, rồi mình lại ngồi thiền. A Di Đà Phật.
******
18. NÓI ĐƯỢC, LÀM ĐƯỢC, MỚI TỐT ĐẸP, HẠNH PHÚC
Hỏi: Con thưa sư, con đang khởi tâm tham cầu Pháp. Sư cho con xin hỏi sư thêm câu nữa. Xin sư hoan hỷ.
Con có hứa, khi ba con tới tuổi nào đó, hoặc là trước hoặc sau khi ba con qua đời, thì con hứa con ăn chay trường. Đó là tâm nguyện của con và con cũng đã thực hiện được.
Chướng duyên là con nấu ăn trong nhà, cho bà xã và cho hai đứa con, thì con lại không thực hiện được tâm nguyện đó.
Nhưng tâm con, con không nghĩ đến sát sanh, không nghĩ đến ăn ngon, không nghĩ đến ăn no. Nếu mà mình hướng như vậy mà lại không thực hiện đúng, thì không biết, đối với Đức Phật mười phương, đối với Chư Thiên, có bị phạm lỗi không ạ?
Đáp: Thường thì hứa, là mình phải làm bằng được. Chẳng hạn, hứa cho ai gì thì phải cho, hứa giúp ai gì thì phải giúp, hứa làm được gì thì phải làm.
Nói như thế nào, phải làm như thế đấy. Nói được thì phải làm được, thì mới tốt đẹp, mới hạnh phúc.
Nói mà không làm, phạm Giới nói láo, nói dối, không hay, không tốt đẹp. Mình biết vậy rồi thì bây giờ mình sửa. A Di Đà Phật.
******
19. Ý NGHĨA VÒNG TRÒN LÀ KHÔNG THAM SÂN SI, KHÔNG DÍNH MẮC, TRÍ TUỆ VIÊN MÃN, TRÒN ĐẦY
Hỏi: Trước khi chia tay với anh Lam ở bên Lào, sư có tặng anh hai câu kệ, và sư có vẽ cái vòng tròn. Sư có thể giải thích cho con ý nghĩa của vòng tròn đó không ạ?
Đáp: Ở Việt Nam, con tặng vòng tròn chữ ký đó cho Thiên Định Tuệ rồi.
Ý nghĩa của vòng tròn đó là không có tham, không có sân, không có si, không có ác, hướng thiện, không luyến ái, không có dính mắc, trong trắng, trong sạch, lúc nào cũng có trí tuệ viên mãn, tròn đầy, hướng đến hạnh phúc, an lạc, hướng đến Giải Thoát Niết Bàn. A Di Đà Phật.
******
20. THIỆN DO TUỆ SANH RA. ÁC CŨNG DO TUỆ MÀ BỊ DIỆT
Hỏi: Cảm ơn sư đã cho con cơ duyên gặp gỡ ngày hôm nay. Thiện nhiều thì ác sẽ không khởi, phải không sư?
Đáp: Hai câu ấy, đại loại: Thiện do Tuệ sanh ra. Ác cũng do Tuệ diệt. Thiện viên mãn, đầy đủ, thì lúc nào cũng được hạnh phúc, an lạc, làm lợi cho mình và lợi cho người khác nữa, có trí tuệ, đem đến Giải Thoát, Niết Bàn. A Di Đà Phật.
******
VIETUCTV: Con từ Úc Châu, mang theo tấm chân tình của bà con Úc Châu, và cả con nữa, đến đây, với thỉnh nguyện thứ nhứt là, xin được đảnh lễ sư Minh Tuệ và kính chúc sức khỏe sư, cũng như là tất cả các sư ở đây.
Thỉnh nguyện thứ hai, nếu con đạt được thì rất là tốt đẹp, còn nếu như mà không được, thì con cũng vẫn rất là hoan hỷ.
Con đang làm một chương trình về sư Minh Tuệ tại Úc Châu. Con mong muốn truyền tải lại tất cả những gì tốt đẹp nhất của mười ba hạnh Đầu Đà.
Mỗi khi mà con dẫn chương trình, con mong muốn là con sẽ có được một cái lõi nồi cơm điện như thế này và một chiếc áo. Đây sẽ là kỷ vật, để bà con Úc Châu, cũng như là tất cả mọi người đang ở mọi nơi trên thế giới, luôn thấy được hình ảnh của của sư Minh Tuệ, con xin sư đề bút pháp lên đây, để con đem về Châu Úc, thì con xin cảm ơn sư rất là nhiều. A Di Đà Phật.
Sư Minh Tuệ: Con không kêu gọi mọi người làm gì cả nhưng con cũng không cấm đoán, xua đuổi. Nếu mọi người thấy đúng với quy định của pháp luật cho phép, cũng như mọi người được hoan hỷ, vui vẻ, hạnh phúc, thì cứ làm.
VIETUCTV: Dạ, chỉ là một chiếc áo và một lõi nồi cơm điện thôi ạ.
Sư Minh Tuệ: Vâng. Ký tên này không có vấn đề gì.
******
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi chuyện tốt đẹp.
Sài Gòn 22.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Những Câu Trả Lời Đáng Suy Ngẫm Của Sư Minh Tuệ Trước Truyền Thông Tới Từ Australia. Phát ngày 20.01.2025, trên kênh YouTube Lê Khả Giáp.