SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT
PHẦN II : THÁI LAN - NGÀY THỨ HAI MƯƠI BA (22.01.2025) - NGÀY THỨ HAI MƯƠI BỐN (23.01.2025)
******
I/ NỘI DUNG
A.
1. THEO NHƯ LAI, GIẢI THOÁT CHO MỌI NGƯỜI, ĐÓ LÀ CHỮ HIẾU LỚN NHẤT
Hỏi: Hiện nay, trên mạng xã hội, nhiều người có thắc mắc, nhờ thầy giải thích cho rõ hơn, thế nào là Trung Hiếu, Đại Hiếu, và Tiểu Hiếu?
Đáp: Đó là hiếu với cha mẹ, hiếu với Tổ Quốc rồi hiếu với Như Lai. Ở nhà thì hiếu với cha mẹ, nhưng đó là những người bình thường thôi. Còn mình bỏ ra, và lấy cái to lớn, cái rộng lớn hơn, ai mình cũng xem như cha mẹ mình, học đạo từ bi, Giải Thoát theo Như Lai dạy, để đem lại hạnh phúc cho mọi người, thì đấy là chữ hiếu lớn nhất, cao thượng nhất.
******
2. NGƯỜI LÀM ÁC ĐỀU LÀ GIẶC CẢ
Hỏi: Con được biết là thầy đang giữ 250 Giới. Trong 250 Giới đấy, con thấy có giới là “không theo giặc”. Thầy có thể giải thích giúp con về Giới này không ạ.
Đáp: Không theo giặc, chẳng hạn như mình không làm cái điều ác, không sát sanh, không trộm cắp, mình không theo những người làm những điều ác, mình theo những người làm điều thiện, như vậy có nghĩa là mình không theo giặc, không làm ảnh hưởng hay làm hại người khác. Giặc đến, thì chọn thiện pháp của Như Lai mà học. Không phải ai thương mình, thì mình chạy theo. Cũng không phải ai ghét mình, thì mình bỏ mình đi.
Người nào làm thiện, làm tốt, thì mình đi theo mình học hỏi, giống như các bậc A La Hán, các Thánh Tăng, Như Lai, thì mình đi theo mình học. Còn lại, những người làm ác, đều là giặc cả.
******
B.
1. ĐỦ DUYÊN VỚI ĐỨC PHẬT, THÌ ĐỀU CÓ THỂ ĐẾN HỌC TU
Ông Đoàn Văn Báu: Có rất nhiều Phật tử comment, Phúc Giác mà cũng được khắc tượng à. Con không biết trả lời sao.
Người ta còn nói, họ rất là yêu quý thầy với các sư, nhưng có Phúc Giác vào, khi bái lạy, người ta thấy rất là vô nghĩa. Mình lý giải với Phật tử sao hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Một sát nhân ác độc, nhưng từ nay trở đi, họ không có ác độc nữa, họ từ bi, họ thành Phật, khác với người, từ xưa đến nay hiền lành tốt đẹp, tu có vẻ ngon lành nhưng mà lại độc ác.
Ông Đoàn Văn Báu: Ở đây là mình bái lạy cái áo của Phúc Giác.
Sư Minh Tuệ: Từ bây giờ trở đi.
Ông Đoàn Văn Báu: Họ giữ Giới, họ tu đã là tốt, đúng không thầy.
Sư Minh Tuệ: Trong quả này, họ như thế là họ có phước rồi. Khi phạm Giới, họ sẽ mất ngay phước đó đi.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhiều người nói, tăng đoàn bây giờ như cái chợ, ai muốn ra thì ra, ai muốn vào thì vào. Một người như Phúc Giác, trước đây ăn chơi như vậy, mà cũng được vào tăng đoàn.
Sư Minh Tuệ: Ở đây hơn cả chợ nữa. Người như thế nào, không phân biệt giai cấp, già trẻ. Đủ duyên với Đức Phật, thì đều có thể đến để học tu. Muốn đi thì đi, muốn về thì về, tự do, thoải mái, tự do mình, tự do hành, không có ép buộc, không có quy định, không có bắt bớ.
Ông Đoàn Văn Báu: Thời xưa, tăng đoàn của Đức Phật cũng ra vào, có ông ra vào tới bảy lần phải không thầy?
Sư Minh Tuệ: Có ông ra vào bảy lần, nhưng đi với tăng đoàn là phải tương ưng, giữ Giới. Ai giữ Giới được thì đi, không giữ Giới được thì chạy ra.
Ông Đoàn Văn Báu: Trên mạng còn nói, con, Achan Báu, là người đuổi Minh Không về. Con nói, con làm gì có quyền hành đó. Con muốn giữ lại, mà giữ không được ấy chứ, nên tùy duyên thầy nhỉ.
Sư Minh Tuệ: Duyên nghiệp tới rồi, mình đâu có giữ được. Tự họ mà thôi.
Ông Đoàn Văn Báu: Phúc Giác so với Angulimala, đâu bằng thầy ha. Ông kia hồi xưa còn giết 99 người.
Sư Minh Tuệ: Trước đó nhiều nữa thì không biết. Ngài ấy sau này đắc đạo, thành A La Hán, Giải Thoát. Vua cũng đảnh lễ.
Ông Đoàn Văn Báu: Phúc Giác đâu bằng ngài Angulimala, cũng chưa có tội ác gì đáng kể, mới là ăn chơi, thì cũng chưa có tội đúng không? Chưa đi tù, chưa giết người.
Sư Minh Tuệ: Tu một ngày, giữ Giới được một ngày, cũng là tốt.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhiều người bảo rằng, bây giờ tăng đoàn mình như cái chợ, người không có tinh tấn cũng cho vào. Họ chán, họ không xem nữa. Họ chán, họ không ủng hộ nữa, thì cũng là hữu duyên, thầy nhỉ. Duyên hợp, duyên tan.
Sư Minh Tuệ: Vâng, ủng hộ tốt đẹp mà không ủng hộ cũng tốt đẹp.
Ông Đoàn Văn Báu: Không ủng hộ mình, họ đi ủng hộ người khác, lại tốt đẹp cho họ.
Sư Minh Tuệ: Đâu cần phải chạy theo mình đâu nhưng vẫn ủng hộ, vẫn ước nguyện cho họ hạnh phúc. Không ủng hộ thì cũng thế, chứ mình đâu có đòi hỏi đâu. Một người thiệt là xấu ác, xã hội ai cũng chê, ruồng bỏ, mà đến với mình, mình không bỏ. Mình vẫn chấp nhận để họ sửa, chớ không chê bai họ, kỳ thị họ.
Mình cho họ tu cùng, là mong họ bỏ ác xấu để về với thiện tốt, chứ đâu có phải tu từ tốt thành xấu đâu. Thấy họ xấu, mình giúp cho họ tốt. Thấy họ tốt thì giúp cho họ tốt hơn nữa. Thấy họ xấu, sợ đến làm ảnh hưởng cho mình, rồi đuổi họ đi để cho mình tốt đẹp, thì như vậy, mình không bằng những người xấu đấy.
Ông Đoàn Văn Báu: Đang là một người xấu mà trở lại, tốt hơn lên thì lại quá tốt đẹp, phải không thầy. Đang là người tốt, tốt hơn chút nữa, thì cũng bình thường.
Sư Minh Tuệ: Người xấu, đến với mình, mình nói với họ, nhưng nếu họ không nghe mình, thì mình phải bỏ. Không đủ duyên.
Nhưng họ đã tới, thì cũng nên cho họ cơ hội, để họ có điều kiện sửa mình và cùng tập học với mình. Nếu họ không tự sửa được, nghĩa là hết duyên rồi, thì mình lại đi đường mình.
Ông Đoàn Văn Báu: Thầy giao sư Phúc Giác cho sư phụ Chơn Chí kèm cặp, hướng dẫn.
Sư Minh Tuệ: Nói thì nói như thế thôi. Cứ theo Giới Luật, Giáo Pháp của Như Lai, không ai kèm được ông ấy đâu. Tự ông ấy Giới Luật, tự ông ấy Giáo Pháp, tự ông ấy phát nguyện, tự ông ấy kiên trì, tự ông ấy tu cho ổng.
******
2. NHƯ LAI, SỐNG KHÔNG PHẢI VÌ MÌNH MÀ VÌ CHÚNG SANH
Sư Minh Tuệ: Chẳng hạn như con nói, cho AChan Báu, thọ mạng bảy mươi tuổi. Nhưng bây giờ nói, thôi cho ông thọ sáu mươi thôi, và, thôi cho ông thọ mạng đến một trăm hai mươi tuổi thì Achan Báu thấy cái nào hoan hỷ hơn?
Ông Đoàn Văn Giáp: Người có trí tuệ bình thường, thì sẽ chọn một trăm hai mươi tuổi, là hoan hỉ hơn. Nhưng với con, con sẽ chọn sáu mươi tuổi thôi, bởi vì đời là bể khổ mà, sáu mươi tuổi là nhập được rồi.
Sư Minh Tuệ: Nhưng có người, thì họ chọn một trăm hai mươi tuổi là để gieo duyên, độ được nhiều chúng sanh hơn. Tuy là khổ nhưng mà vì mọi người. Người mà như Như Lai, sống ở trên đời, rất có lợi. Lúc ấy, sống không phải vì mình nữa mà vì chúng sanh. Tốt đẹp hơn nhiều.
Ông Đoàn Văn Báu: Sư Minh Trí, chân khỏe lại, con nghĩ là thầy nên rèn tốc độ cho các sư để thích nghi với Myanmar.
Sư Minh Tuệ: Sang Myanmar, sẽ có cách của Myanmar.
Ông Đoàn Văn Báu: Mình đi nhàn, để dưỡng sức ở đây. Nhưng khi đi Myanmar với Bangladesh, càng những vùng khó khăn, mình phải càng đi nhanh.
Sư Minh Tuệ: Không sao đâu. Hãy cứ xem, chỗ nào cũng như chỗ nào, khó khăn thì cũng giống chỗ không tốt đẹp.
Ông Đoàn Văn Báu: Mình chưa đi tới Myanmar mà mình cứ lo nghĩ, đâm ra sinh sợ hãi thầy nhỉ. Chẳng lo nghĩ gì, cứ đi đến đó rồi tính.
Sư Minh Tuệ: Nếu cho nhập cảnh thì vào, còn không cho, thì thôi.
******
3. CON ĐI NHANH ĐỂ CON VỀ NHANH
Ông Đoàn Văn Báu: Vùng này giao thoa giữa hai miền. Ngày thì nắng nóng. Tối thì như miền Trung của mình.
Sư Minh Tuệ: Vùng này họ trồng bưởi.
Ông Đoàn Văn Báu: Đi bên Lào thì suối đầy, còn đi bên Thái Lan, hầu như không có suối luôn.
Sư Minh Tuệ: Đi nhanh hay chậm là do thầy Minh Tạng. Con đi phía sau, đâu biết gì, cứ đi theo thôi.
Ông Đoàn Văn Báu: Hôm trước con xin lên dẫn đầu, thế là sư phụ Minh Tạng bảo, bỏ giày ra, mặc y với cầm bát vào đi thế. Con chịu luôn.
Sư Minh Tuệ: Chưa hữu duyên.
Ông Đoàn Văn Báu: Đi giày, con dám dẫn đầu, đi nhanh. Chân đất là tiêu.
Sư Minh Tuệ: Sư Vô Sanh còn chịu không nổi.
Ông Đoàn Văn Báu: Hôm sư phụ Minh Trí dẫn đầu, tốc độ đi khủng khiếp luôn. Bảy cây số một giờ, con có đo. Phúc Giác mà đưa lên, khéo có khi, lún hết đường nhựa. Hôm nào thầy lên dẫn đầu một bữa đi thầy, coi tình hình ra sao, các sư phụ theo nổi không?
Sư Minh Tuệ: Nổi chứ. Họ đi mạnh lắm. Con đi bình thường một ngày là ba mươi cây, thấp nhất là hai mươi bảy cây. Có lúc ba mươi tám cây, thậm chí lên tới bốn mươi cây luôn.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhưng lúc đó đang thư thả, sao thầy đi nhanh vậy thầy?
Sư Minh Tuệ: Con đi nhanh để con về nhanh. Có năm đi, lượt về có chuyện. Năm vừa rồi đây, lúc đang đi ở Huế.
Ông Đoàn Văn Báu: Đến Quảng Bình là bắt đầu đông người theo. Hôm ấy tăng đoàn lên tới bảy mươi tám người hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Con không biết, con có nghe anh Tuấn ngoài Hà Tĩnh nói vậy, nhưng hình như, anh ấy bị bắt rồi.
Ông Đoàn Văn Báu: Anh Tuấn bị sư cô Nhuận Hải kiện vì lừa tiền, một trăm mấy chục triệu, bị đi tù rồi.
Sư Minh Tuệ: Nghe ni cô đấy viết đơn, cho họ rồi mà.
Ông Đoàn Văn Báu: Viết cũng như không, tại người ta đã khởi tố vụ án rồi. Và tội đó không bãi nại được thầy. Giảm thôi.
Sư Minh Tuệ: Giảm cho họ về, mình cũng không có đòi nữa, để cho họ có điều kiện họ sửa.
Ông Đoàn văn Báu: Nhưng trong trường hợp đó, sao không thương lượng với cậu Tuấn ấy để lấy lại tiền? Chỉ cần gọi nói, nếu không đưa lại thì sẽ đi báo công an, đâu nhất thiết là phải đưa người ta vào tù?
Sư Phúc Giác: Có đến mười người tố ông Tuấn. Người ta gọi đến thì ông Tuấn chặn hết số.
Ông Đoàn Văn Báu: Phúc Giác mà qua sớm một ngày, là để cho gặp sư cô đó rồi.
******
4. HỌ MUỐN GIẢ CHỮ KÝ THÌ CỨ GIẢ, THÂN MÌNH ĐÂY CÒN GIẢ MÀ
Ông Đoàn Văn Báu: Hôm trước, thầy có ký tặng vào cái áo cho cô phóng viên Úc Châu TV. Rất nhiều người bảo rằng, chữ ký đó sẽ bị giả. Nhưng con thấy mỗi lần thầy ký một chữ khác nhau, giả sao được thầy nhỉ.
Sư Minh Tuệ: Rắc rối. Họ muốn giả thì cứ giả. Thân mình đây còn giả mà.
Ông Đoàn Văn Báu: Hôm trước có một người giống y như thầy. Thế là họ livestream, nói rằng: ông Minh Tuệ đang đi ở Lào là ông Minh Tuệ giả. Còn ông ở nhà đang livestream mới là thật.
Sư Minh Tuệ: Con đâu có biết livestream đâu.
Ông Đoàn Văn Báu: Thời trước mà công nghệ là thầy cũng giỏi. Nhưng từ lúc thầy đi tu là thầy bỏ hết công nghệ, phải không thầy.
Sư Minh Tuệ: Công nghệ thì làm trên máy.
Ông Đoàn Văn Báu: Thầy làm bên địa chính thì thầy cũng biết các phần mềm rồi.
Sư Minh Tuệ: Con biết sử dụng máy nhưng không giỏi.
Ông Đoàn Văn Báu: Sư phụ Minh Trí, trước đây, sử dụng các loại máy của youtuber, nên bây giờ, sư phụ biết hết.
Sư Minh Tuệ: Họ biết nhưng họ không làm. Achan Hà cũng giỏi. Achan Báu cũng giỏi mà.
Ông Đoàn Văn Báu: Con bình thường thôi. Con còn phải học nhiều thứ lắm. Đi từ đây qua đến Ấn Độ, con học được từ thầy và các sư phụ thêm được nhiều đức tính tốt nữa là được rồi. Thế gian này, bây giờ không thiếu người giỏi, không thiếu người tài, chỉ thiếu người biết yêu thương.
Sư Minh Tuệ: Người ngu, nghĩ mình ngu. Nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí. Trí đó gọi trí ngu.
Ông Đoàn Văn Báu: Còn người giỏi, mà tưởng mình ngu, thì sao hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Người giỏi thì phải biết mình giỏi chứ.
Ông Đoàn Văn Báu: Vì họ là người khiêm tốn đó thầy.
Sư Minh Tuệ: Thế thì lại ngu nữa.
Ông Đoàn Văn Báu: Có trí thì phải thể hiện hả thầy.
Sư Minh Tuệ: Mình phải biết mình có trí, tỉnh thức chứ. Đi mình biết đi. Ngu mình biết ngu.
Ông Đoàn Văn Báu: Người ngu mà biết mình ngu là người có trí. Người ngu mà cứ ví mình, cứ nghĩ mình giỏi, là người trí ngu. Người giỏi mà biết mình giỏi là được phải không thầy.
Sư Minh Tuệ: Giải thoát mình biết Giải Thoát, ngu mình biết ngu, tham mình biết tham, sân mình biết sân, si mình biết si thì mới được, chứ bây giờ mình giỏi, mà mình lại nói mình si, thì đâu được.
Ông Đoàn Văn Báu: Những người đó là giả vờ khiêm tốn.
Sư Minh Tuệ: Còn những người tu hành chưa đạt, họ chưa biết là họ giỏi, thì họ sẽ im lặng. Còn mà tu thành Như Lai rồi, là nhận ngay, nói ngay.
Do mình chưa đạt đến, mình không biết đến, nên mình không dám nói. Các A La Hán cũng không biết.
Chẳng hạn bây giờ Achan Báu là siêu máy tính, có thể tính bao nhiêu triệu phép tính trên giây.
Achan Báu tuyên bố, ta hiện nay là trí nhất, giỏi nhất, không ai bằng. Nhưng mai mốt có người tính được sáu tỉ phép tính trên giây, thì làm sao Achan Báu dám tuyên bố?
Có người giỏi hơn, nhưng mà khi tột bậc rồi, hết rồi, không có ai, nhưng có khi lại thua máy tính. Đánh thắng máy tính ít người lắm.
******
5. TA NHƯ LÁ KHÔ TRƯỚC TRẬN CUỒNG PHONG
Ông Đoàn Văn Báu: Con hỏi thầy, thầy tự đánh giá, thầy đã sử dụng hết bao nhiêu công năng của bộ não mình hả thầy? Thầy phát huy được bao nhiêu phần trăm?
Sư Minh Tuệ: Nói chung là con đang tập học, nhưng mà phát huy hết tối đa là từ bỏ tham, không tham. Họ sân, họ hại mình hay họ làm gì, mình tư duy hết cỡ mình có thể có, để mình có thể tinh tấn, không não hại, sân hận với họ.
Họ đánh dập mình, chửi mắng mình, bắt bớ mình, thì mình tư duy, đó là nghiệp nhân quả. Có bao nhiêu trí, mình ra hết cỡ. Không nổi sân với họ.
Ông Đoàn Văn Báu: Tức là mình gạt bỏ tất cả điều ác, điều xấu xa, tham sân si và bộ não mình chỉ còn là phần thiện.
Sư Minh Tuệ: Nhiều khi vẫn còn sân, nhiều khi mình còn tức tối.
Ông Đoàn Văn Báu: Bộ não mình như ổ cứng. Từ lúc sinh ra đến giờ, mình lưu quá nhiều dữ liệu, trong đó có tốt có xấu. Bây giờ mình loại bỏ tất cả những xấu xa đi, chỉ còn toàn phần tích cực không thôi. Dung lượng sẽ lớn lên.
Sư Minh Tuệ: Dùng hết cả trí lực, trí tuệ, bỏ tham dục, bỏ sân, bỏ tham ăn, tham ngủ. Gạt đi, nhưng nhiều khi, hắn vẫn đập cho quay lơ, vẫn thua. Mình vẫn tiếp tục đấu với tham dục, dẫu tham dục đập cho mình nghiêng ngả. Đâu phải là mình không dùng hết công lực của mình đâu. Tham sân si vẫn đập cho méo mặt, chứ đâu phải dễ.
Ông Đoàn Văn Báu: Như nhà bác học Einstein đó thầy, ổng là người phát huy cao nhất, vậy mà người ta đánh giá là ông chỉ sử dụng mới bốn phần trăm công năng của não bộ thôi. Nhưng con nghĩ, Đức Phật chắc phát huy được hết.
Sư Minh Tuệ: Trí của đức Phật, giống như lá trong rừng. Ngài dạy cho chúng sanh, thì giống như lá nắm trong tay. Trí của Như Lai vô lượng vô biên, tính không hết.
Không có gì để so sánh với trí của Như Lai. Trí của mình nhỏ như hạt ngô. Trí của Như Lai, không thể tính được bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu công năng.
Như con hiện nay, con đem hết trí lực của mình ra, để đấu với tham sân si, nó còn đập cho sấp mặt. Ngày nào cũng chiến đấu mà hôn trầm nó vẫn đập cho. Chiến đấu hết, chiến đấu tối đa.
Ông Đoàn Văn Báu: Level của thầy mà còn bị tham sân si nó đập, thì cỡ tụi con, nó đè cho bẹp nhúm.
Sư Minh Tuệ: Tu như ngọn núi, mà tham dục quét qua một cái là bay ngay. Mình như lá khô trước trận cuồng phong. Tham dục chờ cơ hội, đập cái, mình bay.
Ông Đoàn Văn Báu: Mình tham một chút xíu, si một chút xíu, tham dục thả miếng mồi ngon là mình sập bẫy phải không thầy.
Sư Minh Tuệ: Nó đập cho chết. Tham, dục, sân, si, hôn trầm, trạo hối, nghi hoặc, đập cho lên bờ xuống ruộng.
Dục tham ở đời nguy hiểm lắm.
Các sư phụ thấy không, gái đẹp, ăn ngon, ngủ nệm, nhà lầu, xe hơi, công danh, nó đập cho méo mặt.
Ông Đoàn Văn Báu: Thế lực Ma Vương hoàn toàn thắng thế. Còn như thầy, thế lực Phật Pháp đang chiếm ưu thế, lâu lâu, Ma Vương mới xuất hiện, quấy phá một tí.
Sư Minh Tuệ: Chưa đâu, con còn đang tập học.
Ông Đoàn Văn Báu: Vài bữa nữa lại có một người vợ tiền kiếp tìm đến chẳng hạn.
Sư Minh Tuệ: Ai cũng có cơ hội đấu với tham sân si, cứ thử xem, mình thuộc hạng chiến sĩ nào thôi.
Chiến sĩ mà mới thấy bụi mù dấy lên, chùn chân, bỏ chạy, là không được rồi. Hãy đánh xáp lá cà, cũng có thể bị thương và cũng có thể chiến thắng trở về.
Cứ thử đã.
Ông Đoàn Văn Báu: Với đàn ông thì dùng rượu ngon và gái đẹp để thử hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Nhiều thứ chứ. Năm dục công đức: Sắc dục khởi lên ham muốn sắc đẹp. Thanh dục khởi lên ham muốn âm thanh êm dịu, thích tai. Hương dục khởi lên ham muốn mùi thơm. Vị dục khởi lên ham muốn ngon ngọt. Xúc dục khởi lên ham muốn sự đụng chạm êm ái.
Có người thích gái đẹp. Có người thích nghe nhạc, đàn ca hát xướng. Có người thích ngửi mùi hương. Có người thích ăn ngon. Có người thích thân xúc chạm. Năm thứ dục tham ở đời.
Chúng ta hãy cùng chiến đấu: Ăn lúa xong ta lại lên đường.
******
6. KHÔNG AI CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐƯỢC BỐN CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI, BẤT DI BẤT DỊCH CỦA ĐỨC PHẬT
Sư Minh Tuệ: Không có gì mà ta không bỏ được.
Ông Đoàn Văn Báu: Thân thể mình mà còn bỏ được mà thầy.
Sư Minh Tuệ: Bỏ. Con ngày xưa, mỗi khi suy nghĩ hay buồn bực, là lại làm một điếu, nhưng con tư duy, muốn học theo Phật, phải bỏ thuốc. Không bỏ thuốc, thì học Phật sao được.
Con bỏ thuốc rồi, học Phật, tốt đẹp hơn. Khi con nghe Tứ Diệu Đế, thì con ấy không có thầy nào ở đời giỏi hơn Đức Phật hết.
Thế là con hàng ngày, học theo Đức Phật, Albert Einstein chẳng là gì cả. Đức Phật đưa ra được một định lý mà không ai bẻ được.
Ai mà lật được Giáo Pháp của Phật thì con không cần đi theo Phật nữa. Con bỏ tu luôn.
Không ai có thể thay đổi được bốn chân lý bất di bất dịch của Đức Phật đề ra, đó là chân lý tuyệt đối.
Còn Albert Einstein chỉ là chân lý tương đối.
Ông Đoàn Văn Báu: Và ông ấy nói rằng, tất cả sự vật trên đời này đều mang tính chất tương đối.
Sư Minh Tuệ: Nhưng khi tu hành, viên mãn Giáo Luật, thì Trí Tuệ lại là tuyệt đối.
Ông Đoàn Văn Báu: Ai cũng có thể là thầy để cho chúng ta học, nhưng có một ông thầy giỏi nhất, thì ta lại không chịu học.
Sư Minh Tuệ: Tứ Diệu Đế thì Khổ Tập Diệt Đạo. Có tám nỗi khổ, chia ra thành ba nhóm: khổ khổ, hành khổ, hoại khổ. Khổ tập là nguyên nhân gây ra khổ. Có khổ diệt, con đường đưa đến khổ diệt.
Nói lên sự khổ, chân lý sự khổ, nguyên nhân đem đến sự khổ, con đường đưa đến khổ diệt. Có khổ diệt được và con đường đưa đến khổ đế.
Chỉ cần tư duy về một chữ khổ, là mình đã biết. Mắt nhìn thấy sắc khởi lên là bắt đầu khổ. Thấy hoa hậu, nữ nhân đẹp, ưa thích, bắt đầu muốn chiếm đoạt, không được thì khổ, được rồi lại sợ người ta tước đoạt mất, cũng lại khổ. Chưa có, sợ già, sợ mất đi, khổ.
Các sư phụ thấy đó, ở đời, có gì mà không khổ đâu? Đi làm có tiền rồi bắt đầu khổ. Nhiều tiền, sợ ăn không hết, sợ ăn trộm. Có tiền, hàng trăm tỷ gửi trong ngân hàng, thấy không chắc chắn, sợ chế độ thất bại, mất. Gửi cho vua này nhưng vua khác chiếm hết, mất, không chắc chắn, không an toàn. Xảy ra bệnh dịch, toi. Vua tước đoạt mất, không giữ được, khổ. Có quyền rồi, có chức to, ông khác lên thay, khổ. Sợ chết, sợ bệnh, khổ.
Ông Đoàn Văn Báu: Ông khác không lên thay, mà về hưu rồi, lại sợ người khác coi thường, cũng khổ.
Sư Minh Tuệ: Nguyên nhân từ đâu? Có nguyên nhân rõ ràng là năm dục hồi nãy đấy.
Ông Đoàn Văn Báu: Làm làm nhiều tiền quá, rồi về già, lại không có thời gian xài tiền, cũng khổ.
Sư Minh Tuệ: Mình giỏi rồi, sợ người khác giỏi hơn mình, khổ.
Biết được chân lý rồi, thì mình không chạy theo nữa. Chẳng ai dám nói, ở trên đời không khổ.
Nhiều người cãi lại, tôi đâu có thấy khổ đâu? Gia đình tôi hạnh phúc, tiền lương đầy đủ, con học tốt đẹp. Gia đình tôi ngon lành như thế này, đâu có khổ?
Giờ, tôi có sức khỏe, ăn uống tốt, hưởng lạc, xem phim, nằm hưởng thụ, không khổ. Nhưng mấy bữa nữa, già chết, xem thử có khổ không. Người trẻ đẹp thì sợ già, khổ, thẩm mỹ phải chịu đau, khổ.
Tất cả mọi điều đều dẫn đến khổ. Có gì không khổ đâu.
Ông Đoàn Văn Báu: Thử tìm ra xem có gì không khổ đâu hả thầy. Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo hả thầy.
Sư Minh Tuệ: Bốn chân lý.
******
7. BỎ THAM, BỎ SÂN, NGHE KINH NÀO CŨNG HIỂU
Ông Đoàn Văn Báu: Người mới học Kinh Pháp Cú cũng chưa hiểu hết. Đầu tiên là phải đọc về Giáo Lý, Giáo Luật, rồi sau đó mới đi vào kinh. Kinh gì mình nên đọc đầu tiên hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Hữu duyên. Học chánh kiến, niềm tin, rồi bắt đầu tìm kinh.
Ông Đoàn Văn Báu: Con chưa dám nghiên cứu kinh, con sợ con bị tẩu hỏa nhập ma. Con mới học về Giáo Lý Giáo Luật thôi. Kinh là chưa dám đụng tới luôn.
Sư Minh Tuệ: Mình cứ nghe kinh. Như Lai có thần lực thần thông, Bây giờ chưa hiểu, ngày sau sẽ hiểu. Bỏ tham, bỏ sân, nghe kinh nào cũng hiểu.
Ông Đoàn Văn Báu: Sau này Phật giáo Hòa Hảo, ông Huỳnh Phú Sổ cũng biên tập ra một bản kinh bằng thơ lục bát.
Sư Minh Tuệ: Ông ấy có Trí.
Ông Đoàn Văn Báu: Có những loại kinh nào hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Kinh Nikaya thì có Trung Bộ, Tiểu Bộ, Tam Tạng, Tương Ưng, Trường Bộ, năm bộ kinh. Kinh A Hàm thì có bốn bộ, Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm.
Ông Đoàn Văn Báu: A Hàm nghĩa là gì thầy?
Sư Minh Tuệ: A Hàm là Kinh Luật, viết bằng tiếng Phạn.
Ông Đoàn Văn Báu: Nam Tông là Nguyên Thủy hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Nam Tông, Bắc Tông đều là Nguyên Thủy cả. Các bộ kinh đối chiếu lẫn nhau, bổ sung cho nhau.
Người dịch kinh, đôi khi dịch khác nhau, nên các bộ kinh cũng khác nhau. Có nhiều câu, bên này dịch sát hơn. Lại có nhiều câu, bên kia dịch sát hơn.
******
8. NHAI LẠI KINH, NÓI LẠI LỜI CỦA NHƯ LAI, THÌ KHÔNG PHẢI LÀ THUYẾT PHÁP
Ông Đoàn Văn Báu: Trên mạng người ta hay nói là thuyết Pháp với hành Pháp. Còn hôm trước, thầy gọi là thuyết giảng. Thuyết giảng là đúng hả thầy?
Sư Minh Tuệ: Giảng gì đâu. Đó là nhai lại kinh. Toàn nói lại của Như Lai. Mình là ai, mà thuyết Pháp? Mình toàn nói lại, đọc lại lời của Như Lai. Chỉ là chia sẻ, nói lại lời của Như Lai.
Ông Đoàn Văn Báu: Còn nói hành Pháp là đúng, phải không thầy?
Sư Minh Tuệ: Mình tập theo, mô phỏng theo, tập học theo lời dạy của Phật. Và chia sẻ lại những gì mình hiểu biết, cho người khác, thế thôi. Mình chỉ là người nói lại. Thậm chí, nói lại mà còn sai.
Ông Đoàn Văn Báu: Ví dụ như sau này thầy tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thầy tạo ra một kinh tạng mới, thì lúc đấy mới được gọi là thuyết Pháp, phải không ạ?
Sư Minh Tuệ: Lúc đó gọi là chuyển bánh xe Pháp.
Ông Đoàn Văn Báu: Nhiều người cứ khen thầy này, thầy kia giỏi về thuyết Pháp, nên câu, tin Phật không tin tăng, tin kinh không tin kệ, là người ta nói cũng có lý, thầy nhỉ.
Ví dụ như tăng mà nói chuẩn như lời Đức Phật, kệ đúng như lời Đức Phật, thì mới tin, mới nghe theo. Còn như năm Giới, mà người ta sửa Giới tà dâm thành Giới trung thành, thì sửa cả lời của Đức Phật, thì giảng gì nữa.
Sư Minh Tuệ: Quan trọng nhất là Pháp hành.
Ông Đoàn Văn Báu: Phúc Giác cũng dị tướng, phía sau có cái u trên đầu, có phải hóa sinh không thầy?
Sư Minh Tuệ: Không phải. Chắc là thai sinh.
Ông Đoàn Văn Báu: Hồi xưa mắt thầy có giống vậy không thầy?
Sư Minh Tuệ: Hồi xưa không có.
Ông Đoàn Văn Báu: Con thấy mấy cái hình hồi xưa của thầy không có, bây giờ mới thay đổi.
Sư Minh Tuệ: Già, thay đổi. Khi quay, chỉnh app, photoshop.
******
II/ CẢM NGHĨ
Đêm qua, để chuyển thoại được video này, tôi cũng đã phải dùng rất nhiều giờ, mới hoàn thành được. Xin đặc biệt cảm ơn bạn Thao Tran, người đã luôn nhắn cho tôi những video mới ra, cũng như nhắn cho tôi biết những từ, những câu thiếu sót, do sư Minh Tuệ không đeo micro, nên giọng nói, hoặc nhỏ, hoặc bị mất tiếng. Đặc biệt nữa, xin cảm ơn B.Lan Vo, người luôn làm cho Mây những bức ảnh rất đẹp, rất ý nghĩa, để Mây kịp thời minh họa cho bài viết.
Nếu so sánh với ba buổi phỏng vấn sư Minh Tuệ của BBC, BolsaTV, VietUcTV, thì cuộc trò chuyện giữa sư Minh Tuệ với ông Đoàn Văn Báu chiều ngày 23.01.2025 này, mới thật là xuất sắc nhất.
Xuất sắc, bởi vì buổi trò chuyện không mang tính cao siêu, bác học. Ở vị trí nào, trình độ nào, hoàn cảnh nào, người đọc cũng có thể lãnh hội dễ dàng và trọn vẹn toàn bộ nội dung buổi trò chuyện.
Xuất sắc, còn là vì, ngay cả tôi, người nghe đến thuộc lòng tất cả các câu trả lời của sư Minh Tuệ suốt gần một năm qua, vậy mà, câu nào của sư nói ra ngày 23.01.25 này, cũng là câu làm tôi ngỡ ngàng, thậm chí bàng hoàng, vì độ Trí Tuệ, thông suốt, vanh vách của sư Minh Tuệ.
Đi không, cũng đủ mệt, huống hồ, ở đây, vừa đi, ngài vừa nói.
Hỏi thì dễ, nhưng để trả lời mà không cần một giây nào suy nghĩ, thì tôi thấy, thế gian này, người như vậy, chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay, và sư Minh Tuệ, nằm trong số ấy.
Tuy ông Báu, có một vài chỗ, cứ hớt ngang câu trả lời của sư Minh Tuệ, khiến người nghe như tôi cũng đâm bực. Nhưng phải công nhận, ông Báu rất “chiều” sư Minh Tuệ. Tôi không biết đây là “chiêu” của ông Báu, hay là lòng dạ thật của ông, nhưng cảm giác của tôi, nghiêng về phần chơn thành của ông ấy hơn, ngay cả khi, ông ấy đang làm một nhiệm vụ nào đó.
Không có ông Báu, thì chúng ta cũng không có duyên để được nghe buổi trò chuyện ngày hôm nay.
Cá nhân tôi, tôi luôn cho rằng, từ ngày đầu cho đến hôm nay - SƯ MINH TUỆ, NGÀI ĐÃ ĐƯỢC CHỌN LỰA ĐỂ ĐẾN VỚI NHÂN GIAN NÀY.
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi chuyện tốt đẹp.
Sài Gòn 24.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video:
Chào Sư Mới, Đón Sư Cũ, Sư Minh Tuệ 20/01. Phát trực tiếp ngày 20.01.2025, trên kênh YouTube Lê Khả Giáp.
Bộ Hành 23/01/2025. Phát trực tiếp ngày 23.01.2025, trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu - Về Miền Đất Phật.