1.
Con chỉ là người đang tập học, sống theo hạnh xả bỏ, sống đạo đức theo lời Đức Phật dạy. Có một chỗ để tránh mưa, tránh nắng, tránh gió như thế này, đối với con, cũng quá hạnh phúc rồi.
**
2.
Năm đầu tiên, khi con bắt đầu khất thực, con ngủ nằm. Sang năm thứ hai, con ngủ ngồi. Ngủ ngồi, lúc đầu, con tựa lưng vào vách. Các vị tu hành khác, vẫn có thể nằm khi ngủ, không sao cả. Nhưng với riêng con, con đã nguyện học theo pháp tu mười ba hạnh đầu đà, thì con sẽ ngủ ngồi. Nghĩa địa, hay rừng núi, chỗ nào con cũng có thể qua đêm. Khi con đi đường rừng Trường Sơn, chỗ ngủ của con là ở dưới chân cầu.
**
3.
Con đi khất thực, người dân họ thắc mắc, sao con không mặc y vàng? Rồi họ quy kết con là ngoại đạo, con là cái bang. Con không dám xưng sư hay là thầy, càng không phải Bồ Tát hay Phật. Con chỉ là một công dân, biết vâng theo lời dạy ở trong kinh sách Phật, bộ kinh Nikaya. Con tập học thôi, con không giảng đạo được. Con chỉ khuyên, nếu ai có niềm tin vào Đức Phật, thì hãy học bộ kinh Nikaya. Học kinh, và thực hành sống thiện, thì những ước mong sẽ đạt thành, sẽ tới. Đức Thế Tôn có để lại kinh điển, mình cứ theo đó mà học, cứ theo đó mà hành trì thôi.
**
4.
Pháp tu hành của con, không vì danh vì lợi, cũng không nhận đệ tử. Nếu ai hỏi con, con chỉ biết khuyên, hãy làm theo lời dạy của Phật. Cứ tự học, rồi dần dần biết ra. Không có ông Phật nào có sẵn mà chỉ bày cho chúng ta.
**
5.
Sự suy nghĩ, hiểu biết bây giờ của mọi người, đa dạng, nhiều chiều hướng, nên không thể cho rằng, tôi nói là đúng mà bạn nói là sai. Chẳng hạn như chuyện đi khất thực, nhận tiền là đúng hay sai? Có người nói đúng, có người nói sai. Riêng con, con đã từng thực hành khất thực, thì thấy, các sư nào muốn nhận tiền thì cứ nhận tiền. Sư nào không nhận thì họ sẽ lắc đầu, chối từ, không nhận. Tất cả đều tùy thuộc vào hạnh tu. Như con bây giờ, đã bỏ hẳn được lòng tham. Con đang dần giảm sân, giảm si. Giảm được chừng nào thì sẽ càng đỡ khổ cho mình chừng ấy. Các vị ấy cũng vậy.
**
6.
Con vừa mới khâu xong mấy tấm. Y của con, thường mau mục, rách, nên con phải khâu liên tục. Con đọc trong kinh Tiểu Bộ, tập ba, Trưởng Lão Tăng Kệ, thấy ghi, các vị tu hành, nhặt vải xong thì nhuộm, và khâu y. Con thì không nhuộm. Màu vàng là màu tượng trưng cho A La Hán, tu giải thoát, hoặc các bậc đại đức, có đức độ, họ mới thích hợp dùng y đó. Còn như con, chỉ là chú tiểu, hay cư sĩ, đang là người tập học, nhặt được cái gì thì con mặc cái đấy. Đức độ, phước đức của con còn nhỏ, con cần cố gắng siêng năng học tập.
**
7.
Khi người ta biết mình nhiều quá, ngã mạn mình sẽ tăng. Danh là thứ, mà nếu mình đam mê thì nó sẽ trở thành cái làm phiền. Cái gì cũng đều có hai mặt, lợi và hại. Con bây giờ không sử dụng mạng, không sử dụng điện thoại, những thứ đó bây giờ không thuộc về con. Ai nói gì cũng mặc kệ họ. Khen cũng như thế mà không khen cũng như thế. Chê bai cũng mặc kệ họ. Con sống như thế này, theo sự thật. Ai hỏi gì, con nói nấy. Biết thì con nói mà không biết thì thôi.
**
8.
Đây là sự chọn lựa suốt đời trong cuộc sống của con: ba y một bát, sống nghĩa địa, núi rừng. Đêm, con vẫn tập ngồi tư thế kiết già, lưng thẳng, thiền tỉnh thức, định niệm hơi thở. Con cứ kiên trì như thế cho đến khi nào mệt quá thì con ngủ. Con cũng tập tỉnh thức sớm. Khi dậy, con lại thiền tiếp. Mặt trời lên thì con ôm bát đi khất thực. Đi khất thực, con đồng thời nhặt vải áo. Có vải áo, con giặt, và may. Nếu không, con ngồi thiền tiếp. Cứ như thế.
**
9.
Đối với mọi người, cuộc sống của con rất là buồn chán, không gì hay ho cả. Một mình cô độc, phải tập quen, nếu không, sẽ bỏ chạy, bỏ tu. Bây giờ, con ngồi hang đá. Mười năm sau nữa, con cũng sẽ vẫn ngồi hang đá như thế này tiếp, không gì thay đổi. Ba mươi năm sau, hay trước khi chết, con cũng như thế này thôi. Trước khi chết, mà vẫn hành trì thế này, giữ được hạnh này, thì rất là tốt.
**
10.
Trước khi vào chùa, con đã tu tập sáu tháng, ăn chay một bữa. Con giảm chín ký. Người con ốm và xanh mướt. Bụng con lỏng bỏng, vì không có gì. Mỗi khi con đói và đau, con ôm bụng gắng chịu hoặc đi đi lại lại cho nó qua. Con không thối lui, vì nghĩ, điều này mà mình không tập được thì sao có thể tập những điều khác nữa. Vượt qua sáu tháng ấy, con trở lại bình thường. Khất thực, khi thì cơm, khi thì trái cây, khi thì bánh mì, tuy không điều độ nhưng con vẫn giữ được sức lực.
**
11.
Khi học Tứ Niệm Xứ, buộc mình phải ngồi được tư thế kiết già. Ngồi chéo chân, một, hai tiếng không nói làm gì nhưng nếu ngồi cả một ngày, thân thể rất đau. Những cơn đau ấy, kéo dài cả năm. Sau đó, nó êm dần, và bây giờ, thì ngồi cả ngày, cũng không thấy đau gì nữa.
**
12.
Trong kinh Tiểu Bộ có nói điều này. Lúc ngài Sariputta - Xá Lợi Phất, một nhà khổ hạnh, đã bắt đầu tu hành rồi, thì Đức Phật vẫn còn đang bận bịu làm thái tử, thế mà sau này, Đức Phật lại là thầy của Sariputta. Mọi chuyện đều có thể. Tất cả đều vô thường.
**
13.
Phật dạy, nơi khu rừng, hốc cây, hang đá, đều có thể ngồi kiết già. Lưng thẳng, chánh niệm, tôi biết tôi thở ra, chánh niệm, tôi biết tôi thở vô. Ngồi kiết già cả ngày, là điều có thật. Điều đó phụ thuộc vào sự gìn giữ giới luật, kham nhẫn, kiên trì. Cảm thọ ấy giúp mình vượt qua, cho mình an ổn. Ban đầu, có thể tê nhưng khi vượt qua được, nó tự sửa, trở về trạng thái ban đầu của nó. Con cũng bị đau khi gấp gối suốt hai mươi sáu ngày. Thọ này, nhiều người cũng không vượt qua được. Nó đau tới mức, duỗi chân ra không được, đứng dậy cũng khó khăn. Nhưng khi qua được rồi, mọi chuyện trở nên hết sức dễ dàng.
**
14.
Khi còn ham ngủ, còn hôn trầm, thụy miên, tham sân si còn dày đặc, chưa muội lược, nhân duyên chưa tới, thì khó mà ngồi thiền nhiều ngày liền. Như trồng lúa, chưa tới mùa, sao gặt được? Nếu cứ ép, thân dễ thành bệnh, hoặc không thì tâm cũng sẽ loạn. Hãy cứ tập xả ly, hôn trầm giảm, tham sân si giảm, thậm chí, bị vô cớ đấm vào mặt, đánh đập, chửi mắng, cũng không buồn khổ, cũng không sân hận. Được đưa lên video, nổi danh, cũng không vì thế mà ưa thích, cũng không vì thế mà quan tâm. Muội lược như thế, ngồi mấy ngày cũng vẫn được.
**
15.
Cơ duyên, nhân duyên chưa tới, không áp đặt được. Quả còn xanh quá, vặt vào, giấm, cũng hư. Tu tập là một lộ trình, cần phải hiểu lộ trình ấy. Không hiểu lộ trình mà cứ ép, dễ hóa điên. Mình như con ngựa, phải có thầy hướng dẫn. Không hôn trầm, không sân si, tâm từ bi rồi, không ham muốn gì nữa, cũng sẽ thấy không buồn ngủ nhiều. Khi ngủ, không gục lên gục xuống, không té lên té xuống nữa.
**
16.
Có đại uy lực, có đại thần lực, giữ được sự thanh tịnh, mới để lại kim thân. Thân bất tịnh, thân sẽ rã ngay.
**
17.
Con phát nguyện đi khắp đất nước, tỉnh, thành nào, con cũng sẽ đi. Con đi theo nhân duyên, nên con sẽ không khẳng định, con đi tới nơi này, nơi kia. Con không hứa là vì con biết đời sống vô thường.
**
18.
Hiện nay, con đang học hạnh buông xả, nghĩa là con không trốn thực tại, nơi hang con đang ở đây, là thuộc về đường người ta đi lên xuống. Ở chỗ kín quá, đôi khi, con không tỉnh thức được, con ngủ quên đi. Đi tu, đâu phải là để ăn rồi ngủ. Đồ ăn khất thực đó đâu phải dễ ăn. Đức Thế Tôn nói, ăn đồ ăn khất thực đó, giống như nuốt hòn sắt. Mang cái áo của gia chủ cúng, giống như lấy sắt nóng mà áp, mà cuốn lên người. Nhận đảnh lễ, cúng dường của người ta, giống như lấy sợi lông đuôi ngựa, ngay chỗ đầu gối, mà siết cho đứt da, đứt thịt, đứt xương, tới tủy mới dừng lại. Ai còn dám? Ăn đồ ăn khất thực là phải lo mà tu hành siêng năng. Bằng không thì thôi, về tự làm mà ăn. Mang nợ đó không được đâu.
**
19.
Một số người hỏi con: To khỏe như thế, không bệnh tật gì, sao không đi làm mà ăn? Con thưa: Làm để ăn, thì ở đời, ai cũng làm được. Đây là con đang tập đi xin ăn theo lời Phật dạy. Ngay cả cái bánh họ cho con, con cũng tự hỏi lòng, không biết họ có dám cho con cái họ hào phóng như thế hay không? Nếu mình không biết nghĩ, cứ dùng vô tội vạ là không được. Vì thế, con phải cố gắng tu hành, để giúp cho họ có niềm tin, để giúp họ bòn thêm chút phước. Và con cũng vậy, cũng bòn thêm chút phước. Chớ nếu khất thực xong, con ngủ, là con mang nợ. Tìm chỗ kín thiền, chưa đủ tỉnh thức, chưa đủ giới luật, sẽ rất dễ rơi vào ngủ. Ngủ, sẽ hỏng hết cả.
**
20.
Khất sĩ mặc y hạ, y trung, y thượng. Còn Nam Tông, thì có y nội, y vai trái và y hai lớp Tăng Già Lê. Ngày xưa, con tu theo phái Bắc Tông. Sau đó, con sang Khất Sĩ. Khi con hành Khất Sĩ, con bắt đầu học kinh Nikaya. Từ lúc ấy, con tu học theo đúng tinh thần của bộ kinh Nikaya, làm theo đúng bộ kinh Nikaya. Chẳng hạn như, về y, thì có y hạ, y thượng, và một Tăng Già Lê, con cũng làm theo y hệt như vậy. Đời sống tu hành theo bộ kinh Nikaya là ở rừng núi, thì con cũng ở rừng núi. Ngồi hang đá, con cũng ngồi hang đá. Họ không nằm, con cũng noi gương không nằm. Họ không dùng tiền, con cũng noi gương không dùng tiền. Họ ăn ngày một bữa thì con cũng tập ăn ngày một bữa. Họ không ca hát, con cũng tập không ca hát.
**
21.
Tiếp tục tu như thế này, con không thấy có trở ngại gì nữa cả. Bệnh tật tới, con cũng khắc chế được, con chưa phải dùng tới thuốc tây, thuốc chữa bệnh. Lạnh, nóng, nắng, mưa, con đều chịu được. Đi bộ trên đường rát bỏng, con cũng kham nhẫn được. Về già, không lên núi cao nữa, ở quanh quanh đồng bằng. Trong kinh Nikaya, và kinh Tiểu Bộ, khi ấy, người tu hành cũng ở Tịnh Xá hoặc Cốc, Thất. Quan trọng hơn cả là phải học được giới hạnh.
**
22.
Họ tu hành có thành tựu, nên có khả năng biết được nhiều đời, biết được quá khứ, vị lai. Điều đó, thuộc về phát nguyện. Họ phát nguyện tu để biết được những điều đó. Con thì không phát nguyện như vậy nên con không biết.
**
23.
Cố gắng học theo lời Phật dạy, cố gắng giữ năm giới. Lời Phật dạy khi nào cũng hữu ích và có giá trị. Phải thực hành thì mới thấy được. Cố gắng và khiêm tốn sẽ thành tựu.
**
24.
Nhiều người thắc mắc, tại sao, con xưng con? Là vì, thân con chỉ là thân bụi, thân cát. Là vì, con chỉ đang tập học theo lời Phật dạy. Con chưa tu thành. Tu hành là việc gian nan. Không phải cứ muốn là được đâu. Khi hiểu được nhân quả, rất sợ. Trước khi tu hành, ai không sát sanh, ai không từng làm những việc ác? Đến lúc mình tu đây, nghiệp mới tìm tới để đòi. Mình không tu, có thể mình vẫn thọ mệnh hết đời này, rồi trả nghiệp sau. Nhưng vì mình tu, nên nghiệp mới trổ ra ngay bây giờ.
**
25.
Nhân quả sẽ chờ đợi để trổ. Những nhân quả này, có thể đã từ đời trước, khi mình sát sanh, đánh đập, giết hại ai đó, giờ nó mới tìm tới. Mình muốn ngồi kiết già, nó không cho, nó làm mình đau, mình ngứa, mình lở loét, hư tay, hư chân, nó nhứt định không cho mình tập. Khi hiểu rõ nhân quả, mới cố gắng tu. Thiện tăng, sẽ bào mòn nghiệp lực, muội lược.
**
26.
Anh cố gắng tập luyện rồi tự nhủ: thọ này, con chịu được. Chịu đựng cơn đau, đến một lúc, nó sẽ không đau nữa. Tự nó sẽ trở lại bình thường. Tự nó sẽ lưu thông. Tự nó sẽ điều chỉnh. Tự nó sẽ khôi phục. Đó gọi là bước nền. Nền tảng. Nhưng nền tảng cũng vẫn chưa là gì. Chỉ mới là định thân. Cần phải giảm thêm tham sân si. Tu tập, quan trọng là tâm. Cái thân, khi hiểu rõ về nó, người ta cũng chẳng sợ gì. Cố gắng, là đều làm được cả.
**
27.
Hãy xem thân của mình như một người khác. Hãy rải tâm từ bi, thương chỗ này, thương chỗ kia, thọ trên thân sẽ giảm. Ai đánh đập mình, mình thương họ, rải tâm từ bi cho họ, mong chọ họ điều tốt lành. Mọi việc nhờ thế hóa giải. Cái đau, thì ai rồi cũng sẽ có, chỉ là đến sớm hay muộn thôi. Con cũng đau chứ nhưng khi con làm theo lời Phật dạy, con thấy con giảm đau, con an trú, an ổn. Từ cái thấy ra được ấy, con lại càng tin, và học theo lời Phật dạy.
****
28.
Ngồi kiết già khó, không phải ai cũng ngồi kiết già được. Con ngày xưa cũng chỉ ngồi được năm phút. Mọi tập luyện, mọi chịu đau, đều cần tới hạnh kham nhẫn và xả bỏ. Đau quá, thì mình thả ra. Sau đó, mình lại cố gắng và duy trì tập luyện, khắc chế nó. Cái nóng hay cái rát, cũng vậy thôi, nó buộc phải theo mình. Đó là sự điều phục thân tâm. Nhưng nói cho cùng, ngồi sao cũng được, miễn là mình thấy an lạc, bình ổn, không khó chịu.
**
29.
Mọi người chung quanh con, ai cũng giỏi hơn con cả. Họ đều là những bậc thầy xứng đáng để con noi theo. Có thể không phải là đời này, nhưng biết đâu, họ đã là thầy con, từ nhiều đời, nhiều kiếp trước? Ví dụ, ngày mai, ngày mốt, anh cạo bỏ râu tóc, anh tu hành, thành Phật đạo trước con. Thế nên, con sợ, con không dám xưng mình là sư, là thầy. Xưng hô đó, có thể khiến mình sai lầm. Xưng hô đó, chỉ chứng tỏ ngã mạn của mình mà thôi. Nếu mọi người hỏi con, sư, thầy, đã đạt được thành tựu gì? Con biết trả lời gì bây giờ. Chẳng qua, con chỉ là kẻ cạo bỏ râu tóc mình, chớ thành tựu, thì con chưa có. Con đang từ cái nhỏ nhất, hạt cát, hạt bụi, mà đi lên. Con biết, có nhiều người, đang tu, vẫn bị xã hội kéo ra. Bữa nay, xưng sư, xưng thầy giỏi lắm, chỉ sợ ngày mai, ngày mốt, lại chẳng ra gì.
**
30.
Họ muốn gọi con như thế nào là tùy ý họ. Kính trọng, tôn trọng, hoặc gọi con bằng mày, đều là quyền của họ. Mà biết đâu, đúng thì sao. Biết đâu, từ nhiều đời trước, họ đã từng có tu hành, và ngày mai, họ tiếp tục tu hành thành Phật, họ có gọi con bằng thế này, thế nọ, thì cũng đúng mà. Có nhiều người, gặp con bộ hành, họ hỏi, mày đi đâu đấy? Lại cũng có nhiều nhà, khi con đến khất thực, họ bảo: mày tới đây, thì mày phải nói, con cần gì, chớ mày im lặng thế, ai biết mà cho. Con cũng biết điều này, khi muốn người ta tôn trọng mình, mình cần phải tôn trọng người ta. Nội điều tối thiểu là tôn trọng người ta, mà con còn chưa làm được, thì làm sao con học được cái cao hơn?
**
31.
Cũng có người nói thế này, thầy lớn tuổi hơn con, thầy xưng hô thế, tổn phước con quá. Không phải thế đâu, không phải cứ nhỏ tuổi hơn thì phải là con. Ngày xưa, nhiều Bà La Môn đã trăm tuổi, mà Phật mới chỉ hơn ba mươi, nhưng Phật đã tu thành, thì trăm tuổi cũng phải xưng con với Phật. Việc xưng hô vì thế, tùy. Không cấm ai xưng thầy, và cũng không cấm ai xưng con. Chỉ cần sự an lạc và hợp lý, là được.
**
32.
Việc con tự xưng mình là con như thế, cũng không hề làm mọi người tổn phước. Con tự xưng con là con, chớ mọi người có gọi đâu. Ví dụ, đi trên đường, giẫm đạp kiến chết, không có tội. Chỉ cố tình giẫm đạp, thì cố tình ấy mới có tội. Không biết, không cố ý, không có tội. Tự các vị tu hành cảm thấy mình đã xứng đáng chưa, trong xưng và hô của mình, là được. Chớ để mắc lỗi lầm, là được. Luân hồi liên tiếp, nhỡ như, đứng trước mặt mình là một cậu bé, nhưng kiếp trước cậu ấy từng là một hòa thượng tu hành viên mãn, đức cao vọng trọng thì sao. Thế nên, con chọn xưng con, là mức thấp nhất, cho tránh khỏi mọi sai lầm.
**
33.
Ngày xưa, con mới ở chùa ra, con cũng xưng là sư. Sau này, con nhận biết được, con chỉ là kẻ tập học, con đã có thành tựu gì đâu, con đã có công năng gì đâu, con đã viên mãn đâu mà xưng sư, xưng thầy? Thế là, con bỏ, không xưng như thế nữa.
**
34.
Khi họ cho thức mặn, thì con cũng thưa với họ, con dùng chay chớ con không dùng mặn. Con thưa rõ, vì nếu con im lặng, con nhận về, rồi con quăng đi, người cho không biết, hôm sau họ lại cho tiếp thức mặn. Im lặng trong trường hợp này cũng là nói dối, nói láo. Phật thì không dạy phải chay hay mặn, ai cho gì dùng nấy. Nhiều phái tu hiện nay cũng vẫn ăn mặn. Con thì không ăn. Ngay cả những cái bánh được làm từ trứng gà, con cũng từ chối, con không ăn. Tu hành mà ăn mặn, thì chất protein (đạm) sẽ làm mình bất tịnh và gây đau khổ cho mình. Ăn chay, giúp giảm ham muốn, hoặc nếu có, mình cũng khống chế được.
**
35.
Con tin việc ăn chay sẽ giúp con giữ giới, ly dục, từ bỏ ham muốn. Có niềm tin thì sẽ có kham nhẫn. Sự thích thú, sự ham ăn ngon, sự hưởng lạc cũng sẽ không khống chế mình được. Dùng chay, và vừa đủ, mọi ham muốn cũng ít đi, không còn khởi lên nữa. Khởi lên là khổ. Giống như dòng nước nhỏ và yếu, mình có thể đắp được, lấp được, chặn được. Chớ còn dòng nước mạnh, mình bỏ viên đất nào xuống là viên ấy trôi, khi mà nước mạnh quá, bỏ cục đá to, nó cũng trôi luôn.
**
36.
Ẩn mình trong rừng cũng thuộc về duyên, và tùy vào mức độ tu hành của mình. Những vị ẩn mình nơi thanh vắng, không muốn gặp ai nữa, thường là họ đã đạt đạo, đạt ngũ thông, thần thông. Họ vô cùng hạnh phúc và không còn muốn vướng vào chuyện thế gian. Khi tâm còn khởi lên dục tham, việc ở ẩn như vậy sẽ không có tác dụng gì cả, như con giờ đây vậy. Vì con chưa xả được dục tham, có trốn đi, có khóa lại, mười năm sau, cũng vẫn y hệt thế. Muốn ở ẩn, phải không còn tham sân si, không hôn trầm, không si mê, không nghi ngờ gì nữa.
**
37.
Không nhất thiết phải bộ hành nhiều nơi mới giảm sân si. Tu hành theo cách thức nào, còn tùy theo duyên, tùy theo hành tướng của từng người nữa. Mục tiêu của con là học kham nhẫn, rèn luyện kham nhẫn. Kham nhẫn để vượt qua được những sân hận, si mê khi bị mắng nhiếc, mạ lỵ. Kham nhẫn sống cảnh không nhà, sống trong khó khăn, khổ sở, để xem mình còn nổi sân không. Nếu vượt qua thì rồi chỗ nào mình cũng ở được, đô thị hay rừng núi, cũng không còn lo buồn, lo sợ.
**
38.
Việc bộ hành của con, giúp con rèn luyện, nhưng cũng không nhất thiết phải đi miết. Cũng có thể con sẽ vào rừng ẩn tu. Bộ hành hay ẩn tu, còn phụ thuộc vào phát nguyện của con nữa. Con đi như thế này là con đang cầu trí tuệ, cầu giải thoát. Nhiều vị tu hành khác, người ta không đi như con, người ta tu ở núi, và người ta cũng vẫn viên thành. Khi con đi như thế này, con xả bỏ nhanh hơn, con mạnh dạn hơn. Con đã từng tu hành trong thất. Sáu, bảy tháng sau, ra ngoài, con vẫn không khắc chế được nỗi lo lắng, sợ hãi, con vẫn chưa kham nhẫn được. Tu ở đâu mà an trú, không sợ hãi, thì ở đó mới là nơi tốt nhất cho mình. Bộ hành là con cũng học theo trong kinh Phật dạy. Các thánh tăng, họ vẫn đi từ làng này qua làng khác, vẫn lưu trú trong nhân gian. Phật cũng dạy là nên quân bình, không nên ở một chỗ quá lâu, mà cũng không nên đi miết, trú xứ mỗi nơi vài tháng.
**
39.
Con không nhận đệ tử. Con và mọi người đều là đệ tử Phật. Họ đi theo con là do hữu duyên. Có thể nhờ con đã từng bộ hành trước họ, nên họ muốn cùng tập học với con, cùng vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách. Con cũng nói với họ, hãy làm đệ tử Phật, hãy làm theo kinh sách. Con đây, chẳng qua là người đi trước giúp đỡ người đi sau, khi biết rồi, thì tự mình hành trì, tự mình đi.
**
40.
Nhưng không phải ai cũng đi được. Muốn đi mà cái chân nó không cho, nó đau. Chưa kể không kham nhẫn, không chịu được những lời nhục mạ, hành hung. Chưa kể đường xá bây giờ xe cộ nhiều, nguy hiểm, tai nạn. Đức Phật nói, mỗi người có mỗi hành tướng, nhân tướng, đặc tướng riêng, không ai giống ai cả, mỗi người mỗi sở nguyện. Nếu có duyên, có tương ưng, thì sẽ tu theo giới cùng nhau. Người tu về thần thông thì đi theo Moggalyana (Mục Kiền Liên) . Người tu về trí tuệ thì đi theo ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) hoặc người khổ hạnh thì cứ đi theo ngài Ca Diếp.
****
41.
Con đi trên đường, gặp rất nhiều người, họ hỏi con, người đánh con là ai, để họ cho một trận. Con nói, thôi. Những rắc rối ấy, chính là nhân quả, chướng ngại của mình. Cho dù có rắc rối cỡ nào đi chăng nữa, con cũng không buồn khổ, con cũng vẫn vui. Bộ hành là để cố gắng tập luyện, rèn luyện nhẫn nhục. Đâu vì một chút chửi mắng hay đánh đập mà bỏ cuộc tu tập đạo pháp của mình.
**
42.
Xã hội lúc nào cũng có người thế này và thế kia. Nhưng đó không phải là việc quan trọng. Cốt lõi là việc rèn luyện ý chí. Bất kỳ chỗ nào cũng có người tốt và người xấu cả, và những người mình gặp đều là nhân quả của mình. Hiểu như vậy sẽ không cảm thấy buồn khổ.
**
43.
Khi con bị mắng, bị đánh, có thể đó là nghiệp của con từ đời trước; cũng có thể, đây là nghiệp mà họ mới tạo ra; cũng có thể, đó là duyên, đến thử thách phát nguyện tu học của con, xem con có vượt qua được không. Nghĩ như vậy để giữ được bình thản, tự an ủi mình, không lo buồn, không lo lắng, chuyên tâm khắc phục khó khăn. Mình chỉ trả nghiệp được khi mình không tham, không sân hận, không si mê nữa. Nghiệp thiện tăng thì nghiệp ác giảm. Ở đời, không có gì dễ dàng, đường đi, thường chông gai, đá sỏi, không phải lúc nào cũng bằng phẳng.
**
44.
Con đắp trên mình ba y. Vải, không chỉ nhặt ở nghĩa địa, nó có thể được nhặt trên đường đi, trong đống rác, hoặc ở những nơi thanh lý đồ cũ cuối năm, vứt bỏ, đều có thể sử dụng được mà không bị mắc tội. Ba y này, luôn trên người con nhiều tháng qua, dù mưa ướt, dù bụi đường, dù hôi hám. Y thứ nhứt là y hạ, tức y quần. Y thứ hai là y con đang quấn quanh người. Y thứ ba là y xếp, đặt trên vai trái con đây. Ba y một bát là hạnh của con. Nghe, thì khó nhưng con vẫn tập được. Tam y nhất bát là sở nguyện, là phát nguyện của con.
**
45.
Tam y nhất bát, phù hợp, thuận tiện cho lộ trình tu bộ hành của con. Y đơn giản như thế này, con mới tự may được. Con vừa bộ hành, con vừa nhặt, để thay kịp thời những chỗ bị mục rách. Nhưng con cũng chỉ nhặt từng miếng, màu sắc phù hợp, và khi cần, con mới nhặt. Con không dự trữ gì, kể cả những mảnh vải. Con cảm thấy vui khi tu tập theo hạnh này. Vui khi thấy mình có thể kham nhẫn, chịu đựng, vượt qua được sự khổ sở khi nhiều ngày không được tắm. Đây cũng là lối tu truyền thống của các vị Phật và các vị A La Hán khi cầu giải thoát.
**
46.
Con cũng xin chúc cho mọi người được hạnh phúc. Con cũng sẽ cố gắng tập học. Mọi vận hành, tùy thuộc vào duyên. Mọi sự việc, đều có tính hai mặt. Việc được nhiều người biết tới, lợi cũng có mà hại cũng có. Lợi ở chỗ, giờ đây, nhiều người biết con đang tập học, tu hành chơn chánh, họ không nghi ngờ, không nói lời ác với con, không mắng con là tu giả, không gọi con, thằng điên kia, ai cho mày giả mạo. Lợi còn ở chỗ, khi con được nhiều người biết tới, chính là khi, cũng sẽ có rất nhiều người đang quan sát con, theo dõi nghiêm ngặt bước đường tu tập của con. Có sự phòng hộ và giữ gìn này, con lại càng cần phải cố gắng nhiều hơn. Ngược lại, hại ở chỗ, mọi giờ giấc nghỉ ngơi, tu tập, thọ thực của mình đều bị ồn ào phá vỡ. Việc tham nổi tiếng, phóng dật ấy khiến mình không còn giữ được sự thanh tịnh mà tu hành được nữa. Con tự biết như vậy nhưng đó là duyên nghiệp, con không tránh được. Miễn sao, những điều tốt tới, con cũng bình thường, những điều không tốt tới, con cũng vẫn bình thường. Giờ con xin chào. Mọi người lo công việc của mình và gắng làm điều thiện ạ.
******
47.
Phải bố thí, trì giới, tu thiền, mới có thể hồi hướng công đức cho chúng sinh. Có công đức rồi, như có tiền vậy, muốn cho ai thì cho. Có công đức rồi thì mới cho được.
**
48.
Nhân của ai, quả người nấy chịu, không can thiệp vào được, không cho tặng được, không chịu đau thay được. Người bị ung thư, muốn người khác đau giùm mình, là chuyện không được. Nghiệp mình, mình tự lãnh. Mình làm ác, mình phải chịu đọa địa ngục, không ai thay được. Khi hiểu được nhân quả là gì, biết sợ nhân quả rồi, thì sẽ tu hành thôi.
**
49.
Con bây giờ đang tập học, chưa thể độ được ai. Khi con phát nguyện, tu thành Chánh Đẳng Giác được rồi, thì con mới độ cho mọi người được. Nhưng trên đường tập học, con vẫn luôn ước nguyện cho mọi người được hạnh phúc.
**
50.
Người không ủng hộ, con cũng nguyện cho họ được hạnh phúc. Người ủng hộ, con cũng không tham đắm, mê say, con cũng ước nguyện cho họ được hạnh phúc. Mọi người đều bình đẳng. Người ta đối với con như thế nào, thì cũng đều là tốt đẹp cả. Con không quan tâm đến việc ủng hộ hay không ủng hộ. Ủng hộ cũng tốt đẹp mà không ủng hộ cũng tốt đẹp.
**
51.
Bệnh tật mà cố ngồi thiền, thì không nên. Thiền mà làm mình ít bệnh tật, ít đau đớn, vượt qua được, thì mới thiền. Vì thiền liên quan đến học giới, giới định, nên mới gọi là thiền định. Ngồi thiền mà càng lúc càng mỗi bệnh thêm, là do giới của mình tu hành chưa nghiêm chỉnh, nên mình hãy lo học tập giới đã, mình làm điều thiện đã, để vượt qua cơn đau. Cố thiền định, chỉ càng hỏng thêm.
**
52.
Còn nhiều việc gia đình, mà muốn thiền này thiền kia thì rất khó. Được, nhưng mà không nhiều. Chỉ những người có căn cơ, căn duyên, họ mới thiền được. Còn không đủ căn cơ, mà cứ ép vào, cứ vọng tưởng thì sẽ loạn tâm, lại càng thêm sinh bệnh.
**
53.
Hiếm muộn, là do đời trước mình có con rồi bỏ, đây cũng là nhân quả. Hoặc do mình không tôn trọng, thành thử, những đứa con, nó không đến với mình, vì nó sợ mình bỏ nó nữa. Nhưng cho dù ra sao, thì mình cũng vui vẻ, làm việc thiện, tạo thêm phước đức, đọc kinh cầu tự trong kinh Tiểu Bộ, hồi hướng, rồi sẽ được sinh con.
**
54.
Hành thiền, bố thí, trì giới, đó là ba con đường tạo phước, tạo công đức cho mình, trong kinh cũng nói như thế.
**
55.
Cầu cho mẹ tròn con vuông, thì mình làm việc thiện, bố thí, giữ đức hạnh, giữ giới luật, tu hành, hồi hướng công đức. Từ giờ đến đó, mình phát nguyện trai giới, cả vợ cả chồng, giữ tám giới, rồi cúng dường cho mười phương chư Phật, chư hiền thánh, ước nguyện những điều hạnh phúc.
**
56.
Con bị bệnh, thì việc đầu tiên là cho con đi bác sĩ. Khi con được khỏe mạnh, lành bệnh rồi thì mình học theo lời Phật dạy, để chuyển nhân quả. Nếu như bác sĩ chữa không khỏi, thì làm điều thiện để hồi hướng, giải trừ những nghiệp ác đó. Đừng làm điều ác nữa. Nghiệp lành tới thì sẽ khỏi bệnh.
**
57.
Thân này có được, có nghĩa là, khi ta có được thân người (cũng giống như “rùa mù bọng cây” là ẩn dụ nổi tiếng bậc nhất trong kinh điển Phật giáo) mà để cho rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thì không biết đến khi nào mới trở lại làm người được.
**
58.
Súc sinh, trâu bò, nhìn lên người, thì thấy quý, thì rất muốn có thân người. Còn con người, ngó lên bậc thánh nhân, thì lại thấy trọng. Các A La Hán, ở góc nhìn của họ, thì họ thấy thân người là ô uế, là bẩn thỉu, là khổ đau, là bệnh tật, là phải chết, là giả tạm, là bọt nước, là huyễn hoặc, là vô thường, có đáng quý gì đâu, nên họ không muốn trở lại thân người. Còn phàm nhân chúng ta, chúng ta thấy thân này là quý, là đẹp, là không dám bỏ, nên khi nhìn bằng góc nhìn của A La Hán, mình tất sẽ không hiểu ra. Do góc nhìn khác nhau mà ra.
**
59.
Có thân người là quý. Bởi vì có thân người, thì ta mới có thể tu hành để thành thánh nhân, để thành Phật được. Người biết quý thân, họ sẽ mượn cái thân giả tạm mấy mươi năm này để tu thành Phật. Còn người không biết quý thân, không chịu tu hành, nên mới đọa địa ngục.
**
60.
Khi xả bỏ thân này, không muốn quay lại thân người nữa, cũng được, nhưng với điều kiện mình phải tu tập, có công đức, có quả báo. Chớ nếu không giữ giới, không tu hành, đòi trả báo thân này để về thì không được. Đây là quy luật, không phải muốn là được. Mình phải tu thiền để chuyển thức này thành trí, mới thoát. Nếu không tu, thức chuyển thành nghiệp, mình sẽ phải bị đọa.
**
61.
Những người tự tử, thường mang theo niềm hận thù, nỗi uất ức, nên khi chết, họ bị đọa vào địa ngục. Gia đình, thân bằng quyến thuộc của họ, có thể làm điều lành, cúng dàng đến mười phương chư Phật, chư hiền thánh, tam bảo, giữ giới, tu thiền, hồi hướng công đức cho họ, thì may ra họ mới giải thoát sớm.
**
62.
Khi công việc không được suôn sẻ, có thể do đời trước mình hứa làm công đức gì với ai, nên bây giờ mình mất phước, hoặc phước của mình hết. Bây giờ hãy cố gắng bố thí, trì giới, tu thiền, tạo công đức, để cho phước trở lại với mình. Như đèn hết dầu, đổ thêm dầu thì nó lại sáng trở lại.
**
63.
Học xong, hay bị quên hết, có thể do đời trước, mình hay chê bai người khác, nên bây giờ, trí tuệ mình bị che. Bỏ chữ tham, hy vọng đời sau có trí tuệ. Nhưng quên, cũng có nhiều cái quên. Có những cái quên được là tốt. Ví dụ, quên cái ác, quên tham đắm, quên ham mê tiền bạc, quên đau khổ. Mình bỏ, không nhét những thứ ấy vào đầu nữa, chỉ giữ lại những thiện lương, giữ giới luật, không sát sanh, không trộm cắp, sống theo những hiền thiện, như thế cũng tốt đẹp. Mình ngu, mình không dùng trí tuệ để đi lừa gạt tài sản hay tranh đua quyền lợi, mình chỉ một mực làm điều thiện trong đời này, nghe lời Phật dạy, tu thiền, như thế là hạnh phúc rồi.
******
64.
Trong kinh, Đức Thế Tôn cũng nói, đây là nghề hèn hạ nhất, thấp kém nhất, đáng bị nguyền rủa nhất. Ôm cái bát trên tay, chạy chỗ này, chạy chỗ kia, để đi xin ăn. Không phải con không thể tự kiếm được mà ăn, nhưng con muốn đi theo mục đích, lý tưởng và thực hành theo lời Phật dạy, để có trí huệ và được giải thoát. Con ôm bát đi khất thực, con không xấu hổ và kể cả bị chửi mắng, đánh đập, con vẫn đi.
**
65.
Con không lấy tiền bạc, đây là hạnh đầu đà của con. Con cũng không nhận nhà, nhận chùa, nhận đất, nhận bò heo, không nhận thị giả, đầy tớ. Con chỉ tự mình đi khất thực, được ngày nào thì tu hành ngày đấy.
**
66.
Con phát nguyện tâm từ bi. Kể cả bây giờ là con ma, con quỷ hay kẻ thù, cầm kiếm chạy tới, đốt hay đánh đập con nhưng con cũng sẽ không đọc câu thần chú để hại chúng. Thà để họ giết mình, chớ nếu hại họ, để mình sống, thì đâu còn từ bi nữa.
**
67.
Con thấy mọi người đi theo, con đưa nước cho mọi người giải khát, chớ không có thuốc men gì trong đó hết. Mọi người làm điều thiện, thì mọi người sẽ được hưởng phước phần. Mọi người làm điều ác thì mọi người lãnh nghiệp, chớ con không có thuốc.
**
68.
Mọi người không cần đảnh lễ con đâu. Sống bố thí, lương thiện là đảnh lễ rồi. Con không bói toán, không phép mầu, không bùa ngải. Con không thần thông, thần chú, không trị bệnh. Con chỉ tập học và thực hành lời Phật dạy.
**
69.
Mọi người cứ tới chùa. Cái gì đúng thì mình nghe. Căn cứ giới đức của người tu hành, năm giới, tám giới, mười giới, mọi người sẽ nhận ra, đó có phải là người tu hành chân chánh hay không. Tu hành chân chánh, đủ giới Sa Di, ngoài tám giới, còn phải giữ thêm giới không nằm giường cao, giường lớn; không cất giữ tiền bạc. Chân chánh tu hành mà vẫn còn một túi tiền, thì vị ấy không có duyên tu hành rồi. Họ có phước, họ sẽ được hưởng phước nhưng mình đừng học theo. Dư luận về họ ra sao, mình mặc kệ, mình chỉ nghe theo kinh sách thôi. Căn cứ vào giới luật rồi đối chiếu với đời sống phẩm hạnh của họ, vị nào giữ được phẩm hạnh, thì mình đi theo học vị ấy.
**
70.
Trong kinh mô tả, Đức Phật đi chân không, còn một số Tỳ Kheo thì Đức Phật vẫn cho đi dép. Khất thực không đi dép, mang ý nghĩa chánh niệm. Đi chân đất, đau chân, mới lo nhìn đường đi. Mang dép, có nhìn lên trời cũng vẫn đi được. Thất niệm ngay. Không mang dép, mới lo dẫm gai trên đường, mới lo dẫm phải con kiến, con sâu, mới để ý tránh, mới để ý được chúng sanh. Mang giày, mang dép, êm rồi, không lo nghĩ đến đau chân, đầu óc sẽ nghĩ lung tung, bậy bạ. Đi chân đất mới chánh niệm. Người chân đất và người mang dép khi khất thực, khác nhau nhiều lắm. Nhìn những người mang chân đất đi khất thực, không cần nói ra, sẽ thấy ngay được hạnh của họ.
**
71.
Con tập sao cho, không để việc ăn uống chi phối và làm khổ được mình. Họ cho gói mì không, cũng ngon. Họ cho trái chuối, cũng ngon. Chớ con không đòi phải đồ chay giống như ở quán. Ngay cả khi họ cho con cơm nguội, hay đồ ăn dư của họ, con cũng thấy ngon. Và con đều mong cho mọi người được hạnh phúc, vui vẻ là tốt đẹp rồi.
**
72.
Đừng để lòng tham khởi lên nhiều. So với người khác, mình như thế là đã thành công, như thế là đã viên mãn, nhưng mình vẫn thấy chưa đủ, chưa được, ấy là do cái tâm của mình. Khi tâm biết đủ, thì mới cảm nhận được hạnh phúc.
**
73.
Ngày nào thì cũng vậy. Ngày nào mà mình buồn bực, đau khổ, làm gì cũng thất bại, bệnh tật, nằm liệt giường, là ngày không vui với mình thôi. Với người khác, ngày đó là ngày vui vẻ, khỏe mạnh, thành công, là ngày tốt của họ. Xấu, là do nghiệp duyên của mình. Mình tìm cách làm điều thiện, để tương lai có thể chuyển biến tốt đẹp, là được.
**
74.
Con không quan tâm tích cực hay tiêu cực. Con không nhận vào người luồng nào cả. Người nào cho tiêu cực thì đó là tiêu cực. Người nào cho tích cực thì đó là tích cực. Con không quan tâm. Con cũng không nói đúng hay sai.
**
75.
Con nghe trong kinh, có một vị vua, chạy tới hỏi Phật, ông ngồi nệm cỏ, ngủ trong lều, trong chòi lá, nơi rừng rậm lạnh lẽo, với áo mỏng manh thế này, có được ngon giấc không? Phật trả lời, tôi an lạc và hạnh phúc. Vua nói, rét buốt như thế này mà hạnh phúc sao? Tôi tưởng hạnh phúc chỉ có trong phòng sưởi ấm, chăn ấm nệm êm? Đức Phật trả lời, ngủ ngoài trời, dục không khởi lên, ưa thích không khởi lên, không ai chi phối mình, giấc rất ngon; ngủ trong nhà, tham dục khởi lên, đi tìm không thấy thì ngủ vẫn không ngon.
**
76.
Công đức là nhân. Phước báu là quả. Đời này mình làm nhiều công đức, đời sau mình sẽ được giải thoát, được quả Niết Bàn.
**
77.
Phải giữ giới, phải tu thiền, có Giới Định Tuệ rồi thì sẽ hết ngu si. Phải quán nhân duyên, học mười hai nhân duyên trong lời Phật dạy. Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Mình đừng có sân với người ta nữa thì mình sẽ hết ngu si.
**
78.
Nghe theo lời Phật dạy, trước tiên, mình học tập đạo đức, hiền thiện trước rồi mới nói được người khác. Giống như, mình bỏ được rượu rồi, mình mới khuyến khích người khác bỏ rượu được.
**
79.
Phật tử thờ Thần Tài mà cảm thấy hạnh phúc, an lạc, thì đấy là việc của họ. Theo con thì làm điều gì, miễn thiện là được. Đừng sát sanh, giữ giới, giữ hạnh, giữ đạo đức cho mình là tốt.
**
80.
Đây chưa phải là thời kỳ mạt pháp. Đây đang là thời kỳ tượng pháp, nên có đủ các pháp môn, ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Thời mạt pháp là không có cái gì nữa cả, không ai biết tu, cũng không còn thiện, không còn pháp gì nữa. Lúc đấy sẽ có ba trung kiếp, trung kiếp đao binh, trung kiếp bệnh tật và trung kiếp đói khát.
******
81.
Trời đang nắng khát, mà ai cho mình một, hai chai nước, rất quý. Nhưng khi họ cho nhiều quá, vượt quá nhu cầu của mình, rồi mình mang đi nặng, thì đấy chính là sự khổ. Biết như thế rồi thì phải hiểu, mình được cho cũng là tốt đẹp, hoặc nắng quá mà không ai cho mình nước, mình cũng cố gắng kham nhẫn, cho điều đó là tốt đẹp, không nổi sân, thì đấy chính là sự cân bằng, là điều hòa thân tâm. Chỉ bộ hành, con mới học được điều này, chớ ở trong thất, không gặp ai, những việc này đâu xảy ra, làm sao học được.
**
82.
Bùa chú, bùa ngải, thần chú, đều có. Giàu hay không giàu, do duyên của họ thôi, nhưng nó chỉ ứng nghiệm với cuộc sống thế gian, tham dục ở đời. Nó không ứng nghiệm với những người tu hành.
**
83.
Con đi như thế này, con cũng có bùa phép. Không có bùa phép, làm sao con đi được? Bùa phép của con là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu, không tham, không sân, không si. Phật dạy, đây là bùa phép cao diệu nhất. Ai mà làm theo, giữ được giới luật, thì ước nguyện điều gì, cũng sẽ đều được hết.
**
84.
Trong kinh, Đức Phật nói, chỉ ai có chánh kiến, chánh hạnh, thì mới không bị đọa thôi, còn ai theo tà kiến, tà mạn, đều phải đọa ác xứ. Người nào tin, mua bùa phép, thì đấy là quyền của họ. Họ nhờ những bùa phép ấy mà cảm thấy an tâm, hạnh phúc, cảm thấy được bảo vệ, thì đó là nghiệp duyên của họ.
**
85.
Nếu có biết bùa chú, bùa ngải, bùa phép, thì cũng đừng dùng mà hại ai cả. Lợi cho mình mà hại cho người khác thì không nên. Có một cách để chữa khỏi bệnh, bệnh tự lui, và tìm thấy an lạc trong cuộc sống, Phật đã bày cho chúng ta, đó là giữ giới luật và làm việc thiện.
**
86.
Nhiều vị thầy giỏi bùa chú. Các vị cũng giúp đỡ được cho nhiều người. Mục đích tu của họ là hướng đến cõi thần tiên. Họ không tu giải thoát như con.
**
87.
Học gì cũng phải có duyên. Nhưng học theo Phật là khó nhất. Con theo Phật học tu giải thoát. Giờ mà có ai dạy bùa chú, dạy võ nghệ cao cường, dạy thuật sát hại người ta, con có biết con cũng nhất quyết không học.
**
88.
Người học tu thần thông trong núi, học tu tiên, để cứu nhân độ thế. Họ thưởng phạt phân minh lắm. Có tội họ xử. Có công họ thưởng. Người tu học theo Phật thì khác, có bị chửi rủa, đánh đập, họ cũng không bao giờ trù lại, không bao giờ nghĩ tới làm hại ai.
**
89.
Con không chê bai hay phản bác họ. Miễn làm gì cũng nên hướng tới điều thiện. Như con, đã tu giải thoát là chỉ chuyên tâm tu giải thoát thôi, không học thêm gì nữa cả. Học thêm gì cũng bị chi phối. Học thêm gì rồi cũng sẽ hóa khổ.
**
90.
Mình hiểu biết rồi thì cần gì phải mua bùa chú. Ai mua thì kệ họ. Như con thì con không mua. Vì con biết bùa chú không làm hại được người thiện. Người ác mà hãm hại người khác, đấy là nghiệp mà họ phải trả. Bùa chú gì thì cũng không ra khỏi quy luật: sanh, già, bệnh, chết. Nếu bùa chú chữa được bệnh, thì chắc bệnh viện phải đóng cửa hết. Chỉ có theo học Phật thì mới giải quyết được sanh già bệnh chết thôi.
**
91.
Quan trọng là làm cho tâm mình mạnh lên. Mọi thứ bên ngoài chỉ là ngụy trang. Người mạnh mẽ sẽ tự có oai thần, oai lực. Người không có, sửa tướng mấy cũng vậy thôi.
**
92.
Gan hay không gan, chính là thiền định, học cái đấy thôi. Chớ xăm để giàu, để trúng số, thì đầy người xăm. Cũng có thể xăm xong thì trúng số, nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên, rồi sau cũng lại mất mát, bệnh tật. Trúng số, không dễ nuốt được, như ăn sắt đá vậy.
**
93.
Cứ làm công đức, bố thí, từ thiện, rồi giữ giới luật cho mình, thiện hành, thiện pháp, thì sẽ có thành tựu. Mình phát nguyện, rồi thực hiện đủ những điều như trên, thì các ước nguyện của mình sẽ thành tựu.
**
94.
Ngày xưa, con cũng nhiều bệnh vặt, nhưng từ khi con quyết tu hành, làm theo lời Phật dạy, thì những bệnh vặt ấy dứt hẳn. Con nói trong lòng con, lá bùa lời Phật dạy thiệt là hay, hiệu lực, và mầu nhiệm.
**
95.
Các chỗ làm ăn, các đền miếu, họ đều có thần hộ mệnh để nương tựa. Như con đây, con cũng đang nương tựa vào Phật, vì con biết, oai lực của Phật là cao nhất.
**
96.
Đừng theo ai cả, hãy theo đúng bản thân mình, theo nội tâm của mình. Mọi việc, có thể đúng với mình nhưng lại sai với người khác, đúng với anh nhưng lại sai với con, sai với anh nhưng lại đúng với con. Tội lỗi hay không tội lỗi, tùy theo góc nhìn. Với con, thì con cũng sẽ vất chúng đi, vì con quan niệm, tiền chỉ mang đến khổ.
**
97.
Không cần biết họ từng là kẻ thù của mình hay họ đã từng sống sai, không cần biết gốc gác của họ, từng giàu sang hay vua chúa, với tâm rộng lớn của mình, khi họ đã mở miệng xin, thì nên cho. Đừng bận lòng hay quan tâm điều tra họ. Nếu còn thắc mắc về họ, rồi mới quyết định, cho hay không cho, nghĩa là mình còn mang tâm phân biệt. Mang tâm phân biệt, nghĩa là mình còn mong họ báo đáp. Mình nên cho với quan niệm, không cần người nhận báo đáp. Hãy đặt mình vào tấm lòng của Bồ Tát, và mang xuống cho thôi. Nếu mà mình cân nhắc, không cho, rất có thể sau này, mình sẽ cảm thấy ăn năn, day dứt, hối lỗi mãi trong tâm, không thôi. Còn khi cho đi, việc chắc chắn trước hết, là mình sẽ không thấy ân hận, mà không ân hận, nghĩa là mình nhận được vui vẻ, hạnh phúc rồi.
**
98
Đôi khi, ở đời, mình mang tâm nhỏ mọn mà mình không biết, khi tính toán, so đo: người nhà mới cho, không cho người ngoài; người đẹp mới cho, không cho người xấu; người biết mới cho, không cho người lạ; người ưa mới cho, người ghét không cho. Hễ người ta xin, mà mình có khả năng, thì nên cho. Còn không xin thì thôi. Họ không xin thì đó là chuyện của họ.
**
99.
Bây giờ, mà ai đến xin cái bát của con, con cũng cho ngay, con không tiếc. Nhưng họ phải xin về để dùng, thứ họ xin ấy phải phục vụ cho họ, làm cho họ hạnh phúc, chớ xin mà đem ra kia vứt, thì thôi. Cứ cho đi, đừng tiếc, cũng đừng lo. Nhân quả, rồi sẽ trả lại đầy đủ.
------------------------
MINH TUỆ NGỮ LỤC
(明 慧 語 錄 )
Ngữ Lục (語 錄) là chỉ các sách ghi chép pháp của các Thiền Sư. Khi nói pháp, các Thiền Sư "không dùng những lời văn hoa bóng bẩy, mà dùng những từ ngữ bình dị, để nói ngay vào tông chỉ, sau đó, các đệ tử hoặc người tham học mới sưu tập, ghi chép lại thành sách, gọi là Ngữ Lục".
Thể loại Ngữ Lục bắt đầu thấy có từ ngài Lục Tổ Huệ Năng người Lĩnh Nam với Pháp Bảo Đàn Kinh.
------------------------
Biên Soạn: Phạm Hiền Mây