TỰA: Thưa các bạn, BBC Tiếng Việt đã có mặt tại Quận Phibun Mangsahan, Tỉnh Ubon Ratchathani vào sáng ngày 03.01, để ghi nhận hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ.
Như các bạn đã biết, sau giai đoạn tu tập tại Việt Nam, nhiều lần bị gián đoạn, hiện nay, sư Minh Tuệ đã thực hiện một cuộc bộ hành Hạnh Đầu Đà qua nhiều nước. Đích đến của hành trình này là đất Phật tại Ấn Độ.
Ngày thứ tư, kể từ khi đặt chân lên đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi theo dọc đường 217, trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, Tỉnh Ubon Ratchathani ở miền Đông Bắc Thái Lan.
Đoàn gồm tám nhà sư. Đồng hành cùng họ, có ông Đoàn Văn Báu, người trước đây, được báo chí trong nước giới thiệu là Tiến Sĩ ngành Tâm Lý Tội Phạm. Bên cạnh đó là ông Lê Khả Giáp, một người từng đi bộ qua nhiều nước và là nhà sản xuất nội dung số trên các nền tảng như YouTube. Ngoài ra, còn có một người Thái Lan, tự nhận là cảnh sát, cũng tham gia hỗ trợ hậu cần và đảm bảo an ninh trật tự trong suốt hành trình. Dù tự nhận là cảnh sát, nhưng người này mặc thường phục.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với sư Minh Tuệ, khi đoàn đang nghỉ chân vào buổi trưa ngày 03.01.
Cuộc phỏng vấn có sự quan sát và quay phim của ông Đoàn Văn Báu.
******
I/ NỘI DUNG:
1. Ở LÀO VÀ Ở THÁI, CON ĐI BỘ THOẢI MÁI HƠN
Hỏi: Xin sư cho biết, đi bộ ở Lào và đi bộ ở Thái, có khác với việc đi bộ ở Việt Nam không, và khác như thế nào ạ?
Đáp: Con đi bộ ở Lào với ở Thái, nói chung là mệt mỏi, rát chân. Ở Việt Nam cũng thế.
Ở bên Lào, và bên Thái, con còn đi bộ thoải mái được, vì mọi người không đi theo mình nhiều, nên mình cũng có điều kiện hơn.
Ngày xưa, đi bộ ở Việt Nam, thì cũng giống như thế này. Nhưng rồi sau đó, đông người đi theo, nên khó khăn. Khó khăn ở chỗ đông người.
******
2. CẢM ƠN CHÁNH PHỦ NƯỚC THÁI LAN ĐÃ CHO CON MƯỢN ĐƯỜNG ĐI TRONG HAI THÁNG
Hỏi: Ở thời điểm hiện tại, bên Thái, khá là nóng, không biết việc đi bộ dưới thời tiết nắng nóng này, thì có quá khó khăn không ạ?
Đáp: Nóng hay lạnh cũng đều khó khăn. Nhưng đây là tập học, nên con khắc phục được. Con thấy bình thường, không khó khăn lắm.
Ở đây có anh Báu và anh Giáp, họ giúp đỡ con trong việc tìm chỗ ở, cũng như làm các thủ tục về mặt giấy tờ. Chẳng hạn như đi qua Thái Lan, đất nước Thái cho mượn đường đi, một nghìn hai trăm cây số, tính ra khoảng sáu mươi ngày đi. Trung bình con đi một ngày từ 20 đến 25 cây số. Đi như vậy thì phù hợp về thời gian, quãng đường, sức khỏe.
Chớ nếu một ngày đi 50 cây, bữa sau hư chân, hư cẳng, cũng không được. Đi như vậy thì vừa với thời gian mà chính phủ Thái cho phép, vừa với quy định của nước Thái.
******
3. NHƯNG KHI CON ĐÃ NHẬN LỜI ANH BÁU GIÚP ĐỠ RỒI, THÌ NHẬN LỜI NGƯỜI KHÁC NỮA LÀ KHÔNG ĐƯỢC
Hỏi: Con có xem ở trên YouTube của anh Đoàn Văn Báu, thì anh có đến xin sư đi cùng. Không biết đây có phải là lần đầu tiên, hai người gặp mặt không ạ?
Đáp: Ngày xưa, lúc còn ở Việt Nam, con có đem tâm nguyện của mình lên mạng, thì bất kể là ai, vì tất cả đều bình đẳng, làm được, giúp đỡ được, con cũng hoan hỷ. Sẽ có người cảm thấy, tôi làm tốt hơn, tôi làm giỏi hơn, nhưng khi con đã nhận lời anh Báu giúp đỡ rồi, thì nhận lời người khác nữa là không được. Người ta đã giúp mình thì mình cũng vui vẻ. Họ làm tốt việc đó thì cứ để cho họ làm.
******
4. AI ĐẾN GIÚP ĐỠ CON TRƯỚC, THÌ CON THẤY NGƯỜI ĐÓ TỐT ĐẸP
Hỏi: Khi anh Báu đến xin sư để anh Báu đi cùng, thì điều gì đã khiến sư tin tưởng rằng, anh Báu sẽ đủ khả năng để đi cùng với mình ạ?
Đáp: Con không biết anh Báu là ai, con cũng không biết anh Báu là an ninh, là quân đội hay là nông dân, nhưng khi con cho đăng lên nguyện vọng của mình, mà có người, họ chạy đến với mình đầu tiên, có nghĩa là, họ có một niềm tin, rằng họ có thể làm được, thì họ mới tới.
Giả dụ như bây giờ, con nói với người ta, bơi cùng con qua sông. Nếu là người không biết bơi, họ sẽ chẳng bao giờ nhận lời. Còn nếu như, họ có khả năng, và họ chạy tới ngay tức khắc, thì đó chính là lòng chân thật của họ.
Con thật lòng không biết, họ sẽ người hại mình, hay họ là Việt Cộng, hay họ là phản động, con cũng chẳng cần biết điều đó. Chỉ cần họ giúp con về mặt thủ tục, giấy tờ. Bất kỳ ai đến trước, thì con sẽ nhận lời người ấy trước, cho dù, con cũng không biết họ có làm được hay không.
Những người đến sau, thì lại hay nói tùm lum, hay chỉ trích người ta. Nếu mình làm tốt, sao mình không đến sớm?
Với con, ai đến giúp đỡ con trước, thì con thấy người đó tốt đẹp.
******
5. CHO ĐẾN NAY, MỌI NGƯỜI TRONG ĐOÀN VẪN KHẮC PHỤC ĐƯỢC MỌI CHƯỚNG NGẠI
Hỏi: Nghĩa là từ ngày 12.12 cho đến nay, mọi chuyện đều tốt đẹp, đúng không ạ?
Nãy, sư có nói đến việc bị đau ốm. Không biết đi cả đoàn thế này, các sư, cùng anh Báu, anh Giáp, đã có ai bị ốm trong quá trình đi chưa ạ?
Đáp: Vâng, không có gì khó khăn cả.
Ốm thì có ốm nhưng chỉ là ốm lặt vặt, bình thường: sổ mũi, nhức chân, dẫm đinh, dẫm gai, thay đổi thời tiết, nhưng mọi người đều khắc phục được.
******
6. CON THẤY MÌNH ĐÃ ĐỦ DUYÊN ĐỂ ĐI ẤN ĐỘ
Hỏi: Có một lá đơn của sư, trong lá đơn này, sư có nói là muốn đi tới Ấn Độ?
Trước đó, sư bộ hành ở Việt Nam cũng được một vài năm, vậy lý do gì, đã khiến sư quyết định sang Ấn Độ?
Đáp: Tất cả đều do duyên. Đủ duyên thì đi. Chưa đủ duyên thì chưa đi. Nhưng cho đến thời điểm này, con thấy, đã đủ duyên rồi. Tất cả đều là nhân duyên. Chỉ khi chết rồi, thì đành chịu, không khi được. Chớ vẫn còn sống, thì cũng nên đi Ấn Độ.
Điều cần học ở Việt Nam, thì cũng đã học rồi. Đi ra nước ngoài, thế giới, thì sẽ học được nhiều hơn. Đi nhiều, học nhiều. Sự học được mở rộng ra, ai mà không muốn. Các sư tập học trong đoàn cũng đều nghiêm túc. Có đi mới mở mang được, mới có thêm kinh nghiệm được. Chớ ở nhà, trong lũy tre làng, chẳng thể thoát được.
******
7. LÚA CHÍN RỒI THÌ MÌNH GẶT KẺO LÚA RỤNG
Hỏi: Sư có nói, mình thấy đủ duyên rồi thì đi. Vậy sư có thể giải thích kỹ hơn, đủ duyên là như thế nào không ạ? Đủ duyên là do mình cảm thấy? Hay là dựa vào những tiêu chí nào, cho biết đây là thời điểm thích hợp để đi?
Đáp: Lúa chín rồi thì mình gặt kẻo lúa rụng.
Mình đang trẻ khỏe, ở Việt Nam thì mình đi rồi. Và đi lại ở Việt Nam, thì cũng hơi khó khăn. Nếu có cơ hội ra ngoài thoải mái hơn, và mình đủ điều kiện thì mình nên đi. Mai mốt già, sức khỏe không cho phép, hoặc như vừa rồi, bệnh dịch tới, lại khó để đi. Nếu đã đủ duyên, hợp thời, mình nên đi khi sức khỏe mình đang tốt nhất.
Đường xa, mà sức khỏe hạn chế, sẽ rất khó khăn cho việc bộ hành. Vì vậy, con xác định, mình nên đi sớm, học hành sẽ tốt đẹp hơn.
******
8. TẤT CẢ CÁC SƯ ĐỀU BÌNH ĐẲNG. GẶP TRƯỚC, ĐI TRƯỚC. GẶP SAU, ĐI SAU. AI ĐI ĐƯỢC, ĐỐI VỚI CON CŨNG ĐỀU LÀ TỐT ĐẸP CẢ
Hỏi: Ở trên mạng, người ta đồn đoán rất là nhiều. Ví dụ như, về anh Báu, anh chấp nhận sư này, hoặc không chấp nhận sư kia vào đoàn. Có người ủng hộ và có người không ủng hộ. Sư nghĩ sao về việc anh Báu quyết định người đi cùng, và người không được đi cùng ạ?
Đáp: Vâng, anh Báu cũng quyết định được. Về phía các sư, con không mời chào ai hết. Vì con và tất cả các sư, đều không phải là thầy trò, đệ tử gì cả. Tất cả chúng con đều theo tập học Đức Thích Ca Mâu Ni, đều là đệ tử Phật, đều bình đẳng, anh em huynh đệ. Hữu duyên thì đi cùng. Không hữu duyên thì thôi.
Con đi như thế này, anh Báu làm cho con giấy tờ. Anh biết rõ quy định của các nước con sẽ bộ hành qua. Anh nắm được tình hình, nắm được số người cho phép của nước sở tại.
Con không kêu ai, rủ ai. Con không sử dụng điện thoại. Con không liên lạc được với bất cứ vị nào, muốn đi hay không muốn đi. Con cũng không biết gì về mạng xã hội.
Anh Báu phụ trách được về mặt liên lạc, cũng như nắm rõ quy định pháp luật, quy định của nước sở tại, anh ấy sẽ tùy nghi, tùy ý. Thấy hợp thời và tạo điều kiện được tốt đẹp, thì anh Báu giúp đỡ cho họ.
Thêm vào đó, anh Báu cũng có tham khảo được trên mạng xã hội, nghe được mọi người nói, sư này như thế này, sư kia như thế kia. Sư nào ổn định, thì nên đi. Chớ còn đi mà phá, hoặc không được, hoặc chưa đạt, lung tung ra, thì cũng không nên.
Vị này đi được hay không đi được, con không thể quyết. Vì đối với con, tất cả các vị đều bình đẳng. Gặp trước thì đi trước. Gặp sau thì đi sau. Ai đi được, đối với con cũng đều là tốt đẹp cả.
******
9. ANH BÁU GIÚP ĐỠ VÀ TẠO ĐƯỢC ĐIỀU KIỆN CHO CON CŨNG NHƯ VỚI CÁC VỊ SƯ KHÁC
Hỏi: Nếu bây giờ nói, sư Minh Tuệ đã ủy nhiệm cho anh Đoàn Văn Báu, được lựa chọn thành viên của đoàn, thì nói như vậy là đúng hay sai ạ?
Đáp: Chỉ đi từ đây đến Ấn Độ thôi. Trong hành trình này, con nhờ anh Báu làm thủ tục giấy tờ, nếu như anh ấy tự nguyện, và giúp đỡ theo đúng nguyện hạnh của con.
Thay vì anh ấy lo giấy tờ cho mỗi mình con đi thôi, thì bây giờ, anh ấy biết được luật từng nước, và có thể mời thêm các sư phụ khác cùng đi nữa, thì để cho anh ấy tự sắp xếp.
Anh có hỏi con, và con trả lời, như thế nào thì cũng đều tốt đẹp cả. Chỉ khi đang đi trên đường, anh Báu làm ngược, làm sai, hoặc dẫn đoàn vào những chỗ ở không đúng hạnh Đầu Đà, không giữ Giới Luật được, như dẫn vào nhà nghỉ, dẫn vào nhà dân, thì con mới không cần anh Báu nữa.
Con cần người tạo được điều kiện và giúp đỡ cho con. Con có từng nói với anh Báu như vậy. Đảm bảo sức khỏe, đảm bảo đúng Giới Luật, cùng con canh được những đoạn nghỉ ngơi cho vừa sức. Con chỉ có thể đi được 20 cây số, mà anh Báu kêu đi 30 cây số mới được nghỉ, thì anh Báu cứ đi, chớ con đi không nổi. Và phải cho con đi chỗ con khất thực được. Con dù sao cũng biết những điều hợp thời.
Dẫn bậy dẫn bạ, không hợp lý, thì con mới cần có ý kiến. Không phải điều gì cũng nhất nhất theo anh Báu.
******
10. NẾU MÌNH LÀM KHÔNG ĐƯỢC, THÌ HÃY ĐỂ CHO NGƯỜI KHÁC LÀM. GÂY RỐI CHO HỌ MÀ LÀM GÌ?
Hỏi: Trên mạng, họ cáo buộc anh Báu là vượt quyền, hoặc, anh Báu kiểm soát hết cả mọi người, không cho người này đi, không cho người kia đi, mong sư giải đáp.
Đáp: Bây giờ, nước Thái, họ cho đoàn là mười lăm người, chẳng hạn. Đoàn vượt hơn con số mười lăm người ấy, bằng cách nào? họ trục xuất thì làm sao?
Nước người ta quy định, đoàn bộ hành, khất thực, không được gây ảnh hưởng tới ai, mà bây giờ, kéo theo người này người kia, rồi thì YouTube, rồi ai cũng chạy sang, thành một đoàn đông đúc, làm ảnh hưởng lẫn nhau, là không được rồi.
Đông quá, sẽ khó cho anh Báu. Anh Báu cần đảm bảo được việc đi đến nơi của đoàn bộ hành.
Mọi người cần đi theo quy luật của pháp luật và không làm ảnh hưởng tới ai. Mọi người cứ cố đi, mà làm ảnh hưởng đến con, đến anh Báu, đến đoàn, đến luật pháp, là không được rồi.
Mình làm đúng, thì sẽ có quyền lợi. Theo đúng quy định, pháp luật của nhà nước, thì mình sẽ được đi. Còn anh Báu, ảnh cũng chỉ trong đoàn này thôi, chớ anh cũng chẳng có quyền hạn gì to nữa.
Như anh phóng viên đây cũng thế. Anh có thể nói, anh đủ khả năng làm tốt hơn anh Báu về mặt visa, anh nói chuyện được với bộ ngoại giao, để đi qua mọi cửa khẩu, thì anh cứ nói với con, con sẽ nói với anh Báu, anh Báu sẽ để cho anh đi thôi.
Còn nếu như mình làm không được, thì để cho anh Báu làm. Gây rối cho họ làm gì?
******
11. NỘI CHIẾN HAY KHÔNG NỘI CHIẾN, TỚI ĐÓ, MÀ HỌ CHO CON NHẬP CẢNH VÀO, LÀ CON ĐI HẾT
Hỏi: Hành trình của mình là đi tới Ấn Độ ạ? Vậy khi tới Miến Điện, có sợ nội chiến của nước họ không ạ?
Đáp: Nội chiến hay không nội chiến, tới đó, mà họ cho con nhập cảnh vào, là con đi hết. Con không lo nội chiến. Con chỉ sợ họ không cho con nhập cảnh. Nếu họ không cho con nhập cảnh, thì đoàn sẽ dùng phương án khác.
Chiến tranh hay không chiến tranh, cho nhập cảnh là con vào, con không sợ chết. Con vẫn mong cho mọi người hạnh phúc.
Khi đến Miến Điện, anh Báu sợ chết thì cứ chạy về, mình con đi thôi.
******
12. ĐẾN ẤN ĐỘ, SẼ Ở LẠI ĐỂ TẬP HỌC MỘT THỜI GIAN
Hỏi: Sau khi sư đến Ấn Độ, thì sư có dự định gì tiếp theo?
Đáp: Con đến Ấn Độ rồi thì sẽ ở lại để tập học một thời gian. Và con không quan tâm đến thời gian là bao lâu.
Con sẽ đảnh lễ, tập học tại các Thánh Tích, và đến Hy Mã Lạp Sơn. Tu hành tại núi rừng một thời gian rồi thì, ý nguyện của con là lại bộ hành tiếp tục.
******
12. NGÀY HÔM NAY, BỘ HÀNH CÁI ĐÃ. NGÀY MAI, CÒN THỞ THÌ CÒN TIẾP TỤC
Hỏi: Không biết là sư đã chọn được địa điểm nào của Ấn Độ để tu? Hoặc sư có dự định quay về Việt Nam, trước hoặc sau khi đến Ấn Độ?
Đáp: Con chưa biết. Đi đâu, đến đâu, con không nói trước.
Quay về Việt Nam cũng tốt đẹp, nhưng cần hữu duyên. Quay về hay không quay về Việt Nam, cũng đều tốt đẹp. Việc ấy, không nhất thiết. Vẫn còn duyên thì quay về.
Việc bộ hành thế giới cũng thế, phải đủ điều kiện, và không nhất thiết.
Ngày hôm nay, bộ hành cái đã. Ngày mai, nếu mà mình còn thở thì tiếp tục.
******
13. MỌI VIỆC, ĐỀU DO DUYÊN MÀ RA CẢ
Hỏi: Ngoài lời cáo buộc anh Báu kiểm soát, trước đó, khi sư còn ở Việt Nam, cũng có những lời đồn đoán, không biết là đúng hay sai, mong sư giải đáp.
Đáp: Đồn đoán về việc gì?
Hỏi: Ví dụ như, lúc sư đang ở Huế, ngày 02.06, bất ngờ, những người đi cùng sư, không thấy sư đâu nữa. Đến 03.06, thì có những bức ảnh, sư đang đi làm CCCD ở Gia Lai. Vậy sư đã đi từ Huế đến Gia Lai bằng cách nào ạ?
Đáp: Con không muốn nói về chuyện ấy. Đại khái là, an ninh họ đem đi.
Hỏi: Sư có được an ninh báo trước không ạ?
Đáp: Con không rõ. Đấy là việc của họ.
Con nghĩ, lúc ấy, người dân không đông quá, thì họ sẽ không đưa con đi. Nếu chỉ một mình con đi, thì mọi chuyện cũng sẽ không xảy ra như vậy. Không có đông người chạy theo, làm ảnh hưởng giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự, thì cũng sẽ không có chuyện như vậy xảy ra với con.
Tuy vậy, cần suy nghĩ mọi việc cả ở hai mặt, chủ quan lẫn khách quan. Và, mọi việc, đều do duyên mà ra cả. Nhân quả xảy ra, nên con không trách ai hết.
Chuyện xảy ra như vậy, cũng giúp ích cho việc tập học của con. Con không sân hận, và cũng không có oán ghét ai.
Bình đẳng. Mong tất cả mọi người đều tốt đẹp.
******
14. CON TRÁNH MẶT MỘT THỜI GIAN CHO MỌI NGƯỜI KHỎI KÉO TỚI ĐÔNG
Hỏi: Sau đó một tuần, tối mùng tám, thì có phóng sự của VTV? Và trong vòng một tuần đó, sư làm gì, ở đâu?
Đáp: Con ở công ty cà phê Ia Châm, và anh Tuấn, người nhà của con làm chủ công ty. Người của công ty, họ cho cơm con ăn. Con tránh ở đó một thời gian để mọi người khỏi đông. Một thời gian sau, con đi khất thực lại.
******
15. AI XIN GÌ, CON CHO ĐẤY, MIỄN KHÔNG VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Hỏi: Thời gian gần đây, có những lá đơn, được đăng trên báo Gia Lai, và họ nói là do sư viết. Nhưng trên mạng xã hội, người ta phân tích, phán đoán: chữ của hai lá đơn không giống nhau, không phải chữ của sư.
Lá đơn đầu tiên, có nội dung, sư không muốn dùng hình ảnh của mình trên mạng. Lá đơn thứ hai, sư mong muốn được đi Ấn Độ và ngỏ ý được mọi người giúp. Sư có thể xác nhận, hai lá thư đó là do mình viết không ạ?
Đáp: Con không tự mình đưa hình ảnh. Có nhiều người đem hình ảnh của con lan truyền trên mạng lung tung. Con không cần biết mạng là gì. Nhưng cũng có người chạy tới nói với con là, viết lá đơn không mang hình ảnh, thì con cũng viết cái lá đơn không đem hình ảnh.
Và rồi cũng có người chạy tới chỗ con, xin đem hình ảnh, thì con cũng đồng ý cho họ đem hình ảnh. Ai xin gì, con cho đấy.
Ví dụ bây giờ, anh đến xin con, viết một lá đơn không đem hình ảnh lên mạng, thì con cũng viết cho anh tờ đơn ấy. Nhưng, một người khác, chạy tới xin con cho chụp hình ảnh rồi mang lên mạng, thì con cũng cho đem, nhưng phải đúng quy định của pháp luật. Một người khác, xin cho quay phim chụp hình, con cũng cho quay phim chụp hình, mà phải đúng với quy định pháp luật cho phép.
Như việc cấm đổ rác, nhưng rồi cũng vẫn có người đem đổ trộm. Đấy là việc của họ. Tất cả việc quay phim, chụp ảnh, cần phải theo quy định pháp luật của nước sở tại.
Đã cấm thì không được chụp, được quay. Không cấm thì được phép chụp, được phép quay.
******
16. ĐÃ CHO RỒI LÀ THÔI, KHÔNG NÊN TRUY TÌM, ĐÒI LẠI, KIỆN CÁO, HỐI TIẾC
Hỏi: Sư có thể cho biết, ai là người xin sư viết lá đơn, không cho mang hình ảnh lên mạng không ạ?
Nội dung lá đơn đấy là của sư tự viết hay của người ta?
Và lá đơn sang Ấn Độ, có người nhờ, hay tự sư viết?
Đáp: Lá đơn là do con viết. Nhưng những người xin con viết đơn ấy, không nên hỏi là ai.
Bởi vì, như con cho anh chẳng hạn. Con cho anh rồi, thì con không kiện cáo, hay đòi, hay hối tiếc. Đã cho rồi là thôi. Không nên truy tới họ.
Ngay cả khi, con đang ngồi đây, mà có người, đến xin con cho chém một nhát, thì con cũng cho họ chém một nhát. Kể ra ai chém, rồi sẽ có người tìm đến, mà đánh đập họ thì đâu được. Đã cho rồi, là không đòi, không tìm, không truy.
Muốn nội dung như thế nào, con viết y như thế. Cũng như anh bây giờ, xin con cho được phỏng vấn, thì con cho anh phỏng vấn.
Lá đơn xin đi Ấn Độ là tự con viết. Đó là tâm nguyện của con. Và là giá trị tốt đẹp nhứt, đối với con hiện giờ.
******
17. CON KHÔNG ĐÍNH CHÍNH, KHÔNG KIỆN CÁO, KHÔNG ĐÒI BẢN QUYỀN, KHÔNG NÓI GÌ HẾT
Hỏi: Gần đây, ở Việt Nam có một cuốn sách, họ viết về sư. Họ viết về những lời mà sư đã nói, hoặc đã nhận lời phỏng vấn trong thời gian vài năm qua. Cuốn sách ấy có tên là Hương Bay Ngược Gió. Không biết sư có biết về cuốn sách đó không?
Đáp: Vâng, con có xem cuốn sách rồi. Con có dở ra một vài trang, nhưng con chưa đọc.
Việc viết thành sách như thế, con không có yêu cầu họ viết. Tự họ thấy tốt đẹp, đem lại lợi ích, đem lại vui vẻ cho họ, thì họ viết. Họ viết là việc của họ, con không có ý kiến gì.Con không đính chính, viết như thế là đúng hay sai. Chỉ có điều, có nhiều phát nguyện con làm chưa được, chẳng hạn như con phát nguyện đi bộ nhưng rồi lại đi xe.
Nghĩa là con vẫn chưa đạt được điều mà con phát nguyện. Vì thế, họ muốn vẽ voi, vẽ chuột, hay họ muốn viết, hay họ làm gì, mà họ thấy hạnh phúc, vui vẻ, mà không ảnh hưởng tới ai, thì họ cứ làm. Con không kiện cáo, không đòi bản quyền, không nói gì hết.
Thấy vui vẻ, họ muốn làm gì, cứ làm.
******
18. ĐỐI VỚI CON, KHÔNG CẤM, THÌ CŨNG TỐT ĐẸP, MÀ CẤM, THÌ CŨNG TỐT ĐẸP
Hỏi: Sư có cuốn sách là từ đâu vậy ạ? Không biết sư đã đọc nội dung bên trong chưa ạ? Cuốn sách đó, hiện tại đã bị cấm phát hành tại Việt Nam.
Đáp: Là từ kênh YouTube Sơn Tây Phố của anh Hà. Anh có vào chỗ con, gặp con, và anh mua được cuốn sách đó. Lúc ấy, con đang ở Thiên Định Tuệ - Gia Lai.
Anh Hà tới vào khoảng ngày 16 hay 17 gì đó, cách đây khoảng hơn một tháng. Bữa nay tháng 12, thì lúc đó là tháng 11 hay sao đó.
Con chưa đọc nội dung.
Vâng, cấm thì thôi. Đối với con, không cấm cũng tốt đẹp, mà cấm, thì cũng tốt đẹp. Ai mà thấy không tốt đẹp lắm, thì thôi. Tại vì mình đâu cần thiết mấy cái đó đâu. Mấy cái đó lung tung.
Con cũng khuyên mọi người, viết hay tranh, ảnh, làm ảnh hưởng tới ai, thì mình không nên làm.
Nên giữ Giới, đừng trộm cắp, đừng nói láo, thì tốt đẹp.
******
19. HOAN NGHÊNH, CHÀO ĐÓN HAY CHỬI MẮNG, ĐÁNH ĐẬP, BẮT NHỐT, CON CŨNG THẤY NHƯ NHAU, BÌNH THƯỜNG
Hỏi: Nãy, sư có nói, ở Việt Nam, khá nhiều người đi theo sư. Trước đó, sư đã đi vài năm, thì không có nhiều người đi theo. Bây giờ, thì có nhiều người theo. Sư cảm thấy như thế nào khi mà mình đột nhiên được chú ý như vậy?
Đáp: Con thấy chuyện đó bình thường. Đấy chính là nghiệp quả, để thử thách mình, để mình học.
Đông người là do lòng tham, lòng tham của mình. Được nhiều người tới, cung kính, yêu mến, ủng hộ, để xem mình như thế nào. Nhưng mà mình thấy, điều đấy bình thường.
Cảm ơn tất cả mọi người về món quà tốt đẹp ấy. Nhưng con luôn nghĩ, mình chưa xứng đáng để nhận món quà to lớn đến thế. Nên con im lặng và thấy nó bình thường.
Con nghĩ, họ chạy tới hoan nghênh, chào đón mình như thế, hoặc họ chạy tới đánh đập, chửi mắng hay bắt nhốt mình, thì mình cũng cảm thấy như nhau, bình thường, để mà mình luyện cái tâm của mình, không dao động.
Có cũng bình thường mà không có, cũng bình thường.
******
20. CON LUÔN MONG CHO CÁC SƯ PHỤ ĐƯỢC TỐT ĐẸP
Hỏi: Sư có nói, An Ninh đưa sư đi vào ngày 02.06. Khi ấy, đoàn mình, cũng khá là đông, vài chục người. Sư có biết những sư ấy ở đâu không? Có lo lắng khi nhóm bị tách ra như vậy không ạ?
Đáp: Lúc ấy, con cũng có dao động. Con nghĩ: tội cho các sư phụ. Đi như thế này là việc chẳng lỗi lầm gì. Mình không sát sanh, không trộm cắp, không ai kiện cáo. Chỉ có đông người đi theo, làm mất trật tự, không an toàn giao thông.
Khi đi, con cũng mong cho các sư phụ được tốt đẹp, chớ đừng xảy ra như thế. Con cũng muốn nói với họ, bắt mình con đi thôi, để họ được thoải mái, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm.
******
21. MUỐN ĐEM CON ĐI ĐÂU THÌ ĐI. MUỐN LÀM GÌ CON CŨNG ĐƯỢC
Hỏi: Khi họ đến đưa sư đi, thì thái độ đối xử của họ với sư như thế nào ạ?
Đáp: Con thấy họ cũng tốt đẹp, bình thường. Con có nói, con bây giờ là người tu hành, không liên quan gì đến chính trị, xã hội, an ninh. Nhưng họ là chính quyền, họ muốn làm gì họ làm. Mình nông dân, mình nói gì được.
Muốn đem con đi đâu thì đi. Muốn làm gì con cũng được. Con vui vẻ và con tư duy: Tất cả những việc ấy là đảng phái, là chính trị, là công việc của họ. Họ muốn làm gì thì họ làm. Họ không làm thì thôi. Mình không ý kiến: tôi phải được thế này, tôi phải được thế kia.
Nên tùy họ, thích đem thì đem, không thích thì thôi. Đó là công việc của họ. Họ ưng thì họ làm. Con không kiện cáo. Cũng không nói: đáng lẽ tôi phải ở chỗ này, chỗ kia.
Việc đó là niềm vui của họ mà. Việc đó, thuộc cơ quan nhà nước. Con không oán hận họ, không kiện cáo họ.
******
22. CON CHỈ NÓI SỰ THẬT. CON KHÔNG GIẤU GIẾM GÌ CẢ
Hỏi: Con nghe nói, ba giờ, là đoàn sẽ lại lên đường, nên con xin được phép kết thúc phỏng vấn. Và xin, ngày mai, cho chúng con quay lại, phỏng vấn thêm nửa tiếng, như thế này, được không ạ?
Đáp: Vâng, khi nào hợp thời, thì cứ phỏng vấn. Phỏng vấn cả ngày cũng được. Khi nào cũng được. Hỏi gì, con nói đó. Con chỉ nói sự thật. Con không giấu giếm gì cả.
Sống ngày nào thì bộ hành, tu hành ngày đó. Không được thì thôi chớ con cũng không lo lắng điều này, điều kia.
Có duyên, hữu duyên thì gặp thoải mái. Nhưng phải là chỗ nghỉ ngơi như thế này thì được nhưng giữa đường thì không nên. Không nên tụ tập đông người, gây chú ý. Mọi người thấy phỏng vấn mà đem lại lợi ích, đem lại hạnh phúc, vui vẻ cho mình thì cứ làm. A Di Đà Phật. Xà thú. Xà thú.
******
Vĩ Thanh: Thưa các bạn, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Báu, đoàn dự kiến sẽ đi bộ trong vòng hai tháng trên đất Thái Lan, trước khi tiếp tục lộ trình qua Myanmar và cuối cùng đến Ấn Độ, vùng đất phát khởi của Phật giáo.
Sư Minh Tuệ thực hành Pháp tu mười ba Hạnh Đầu Đà nhưng không phải thành viên của GHPGVN. Ông đã bắt đầu hành trình mà ông gọi là tu học từ nhiều năm qua.
Tháng 04 và 05. 2024, hành trình của ông bắt đầu nhận được sự quan tâm rộng rãi trong công chúng. Khi xuất hiện, các video trên YouTube, ghi lại cảnh ông đi khất thực xuyên Việt, cùng một cái lõi nồi cơm điện, và y phục được may từ các mảnh vải mà ông nhặt trên đường.
Kể từ đó, ông đã thu hút nhiều người đồng hành, cùng nhau xuống tóc, đắp y phấn tảo và dùng nồi cơm điện thay bình bát để khất thực. Hành trình tại Việt Nam của ông, đã dừng lại đột ngột vào đầu tháng sáu. Sau đó, ông tu tại tỉnh Gia Lai, trước khi rời Việt Nam để đi bộ về Ấn Độ.
******
II/ CẢM NGHĨ.
Tất cả nhan đề và tựa nhỏ trong từng phần của bài là do tôi đặt.
Và, hôm nay, chuyển thoại tới đâu, lòng tôi, thầm khen không ngớt tới đó, sao mà sư thông minh đến thế, sao mà sư sáng láng đến thế, sao mà sư trí tuệ đến thế.
Cứ sau mỗi câu hỏi của phóng viên, tôi lại hồi hộp. Không phải vì hồi hộp với những câu hỏi phóng viên đặt ra, vì những câu hỏi ấy, không khó để trả lời. Nhưng để trả lời sao cho tuyệt hay, cho không bắt bẻ vào đâu được, mà vẫn tỏ rõ tâm từ bi và đức khiêm hạ của sư, tỏ rõ sứ mệnh của sư khi xuất hiện ở thế gian này, vào thời điểm này; trả lời sao cho tâm phục khẩu phục, với không chỉ những người kính trọng, ngưỡng mộ sư, mà còn với những người luôn luôn, cố tình công kích sư, chỉ trích sư, hàng phút hàng giờ, thì không dễ chút nào.
Cái xấu, phải thối lui trước sự hiện diện của sư Minh Tuệ. Cái ác, phải né qua một bên, nhường đường cho sư Minh Tuệ đi. Chỉ thế thôi, cũng quá đủ rồi, cho chúng ta, tin rằng, ác và xấu có đến mấy đi nữa, thì cũng không thể nào tiêu diệt được sự tốt đẹp sẵn có và vẫn đang đơm hoa kết trái trong xã hội loài người này.
Tôi yêu xiết bao, câu chào nhau, câu chúc lành: sadhu, sadhu, xà thú, xà thú.
Lành thay. Tốt thay. Hay thay.
Và sư Minh Tuệ thường chuyển qua tiếng Việt là: Tốt Đẹp!
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi sự tốt đẹp.
------------------
Ngày 05.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản vấn đáp, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: SƯ MINH TUỆ TẠI THÁI LAN: CHIA SẺ VAI TRÒ ÔNG ĐOÀN VĂN BÁU VÀ KẾ HOẠCH TẠI ẤN ĐỘ. Phát hành ngày 03.01.2025. Trên kênh YouTube BBC News Tiếng Việt.