Kính thưa quý vị khán thính giả của chương trình phố PHỐ BOLSA TV, hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng với đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ đến đất Phật Ấn Độ.
Giữa đường đi, chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ.
Những câu hỏi đã được tôi soạn sẵn, từ chúng tôi, hoặc từ quý khán thính giả, nhưng không hề có việc gửi trước cho sư, hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu, trưởng đoàn.
******
I. NỘI DUNG
Thưa sư, những câu hỏi được đặt ra ngày hôm nay, chắc chắn, sẽ có sự trùng lặp với những buổi phỏng vấn mà sư đã có dịp trao đổi với các cơ quan truyền thông trước đây.
Hy vọng, nếu có lặp lại, thì sư cũng trả lời giúp, và có những câu, xuất phát từ những người hỏi không có nền tảng căn bản Phật giáo nên mong sư thông cảm.
1. SỨC KHỎE BÌNH THƯỜNG, CÓ THỂ ĐẾN ẤN ĐỘ MỘT CÁCH TỐT ĐẸP
Hỏi: Sư có thể cho biết, sức khỏe của sư hiện nay?
Đáp: Sức khỏe của con bình thường. Có thể tiếp tục bộ hành, rèn luyện, học tập, giữ Giới, đến Ấn Độ một cách tốt đẹp.
******
2. NẾU KHÔNG KHỎE, KHÔNG ĐI ĐƯỢC
Hỏi: Sức khỏe tốt đẹp, là do sư cảm nhận, hay sư có cách nào để thường xuyên kiểm tra, như người ngoài đời không ạ?
Đáp: Con không có thiết bị hay máy móc gì để kiểm tra. Con chỉ tự cảm thấy, mỗi ngày bộ hành bao nhiêu đó, thoải mái, không thấy cực khổ, không có mệt mỏi. Không khỏe, không thể đi được, đau, nằm liền.
******
3. THẢY ĐỀU TỐT ĐẸP, HẠNH PHÚC
Hỏi: Đoàn bộ hành đã từ Việt Nam, qua Lào, và qua một phần của đất Thái. Cho tới thời điểm hiện tại, thì sư đánh giá chuyến đi này như thế nào?
Đáp: Con thấy cũng tốt đẹp, hạnh phúc. Trên cộng đồng mạng thì con không biết, nhưng chắc cũng có người la mắng, chửi rủa và cũng có người hoan hỷ, đón nhận. Dù như thế, thì với con, thảy đều tốt đẹp, thảy đều hạnh phúc.
******
4. DÙ KHÓ KHĂN, CHƯỚNG NGẠI, VẪN GIỮ GIỚI, GIỮ NIỀM TIN TU HÀNH
Hỏi: Sư đã đi ở Việt Nam nhiều năm, nhiều cây số, lần này thì đoàn đi ra nước ngoài chung với một số sư khác. Theo sư, điều gì là khó khăn, thử thách?
Đáp: Dạ có khó khăn về đường xá, về thời tiết, lạnh, mưa rồi nắng. Khó khăn về thủ tục giấy tờ, về sự thông hiểu nhau, ví dụ như đêm nọ, lúc con nghỉ lại, bị chủ đất họ mời đi.
Tuy vậy, trong khó khăn cũng có sự tốt đẹp, nhờ có khó khăn, chướng ngại ấy mà mình học tập, rèn luyện được. Khó khăn, chướng ngại, mà mình vẫn giữ Giới được, vẫn giữ niềm tin, vẫn tu hành được.
******
5. CÓ LỬA MỚI CÓ KHÓI
Hỏi: Thưa sư, ngày 03.06.24, khi ấy, đoàn bộ hành đang rất đông. Tối hôm đó thì sư được đưa đi, đoàn tan rã. Nhiều đồn đoán được đưa ra, cho đến tận hôm nay.
Việc ngưng bộ hành như vậy là do sư tự nguyện, mong muốn, để tránh việc gây mất trật tự trên đường phố, hay là sư được thuyết phục, hoặc bị áp lực?
Đáp: Việc này không do con, hoặc do ai mà dẫn tới. Đó là duyên, nhân duyên, có cái này thì sẽ sanh ra cái kia.
Nếu mọi chuyện bình thường, các vị sư bộ hành, khất thực trên đường, không có Phật tử đeo bám, không gây ra ách tắc giao thông, không làm rối loạn trật tự an toàn xã hội, không ảnh hưởng gì ai, thì chuyện di chuyển của đêm hôm đó, đã không xảy ra.
Không nên đổ lỗi cho ai. Không ai áp đặt, ép buộc con cả. Mọi việc xảy ra là tất yếu và để cho mình học tập, tập vui vẻ trước mọi chuyện đến với mình. Nếu đêm hôm ấy, họ không đưa con đi, thì đến đèo Hải Vân, con cũng sẽ ở lại trên đấy, để tránh làm ách tắc giao thông.
Có lửa, mới có khói.
******
6. DÙ CÓ XẢY RA ĐIỀU GÌ, THÌ CON CŨNG ĐỀU THẤY HẠNH PHÚC VUI VẺ
Hỏi: Sư có hài lòng với việc đoàn người kéo dài trên xa lộ, gây ra nhiều ảnh hưởng, được chấm dứt?
Đáp: Việc học tập của con, như thế nào cũng được, miễn không ảnh hưởng đến ai, được mọi người chấp nhận, được mọi người hoan hỉ, giúp mọi người hạnh phúc.
Mỗi đất nước, mỗi Quốc Gia, đều có những quy định của luật pháp, đòi hỏi mình tuân thủ, không nên chống trái.
Và dù có xảy ra điều gì, thì con cũng đều thấy hạnh phúc vui vẻ, cũng như mong cho mọi chuyện đều tốt lành, tốt đẹp.
Con cũng mong người tu hành được học tập thoải mái, tự do, không bị ai đi theo, quấy nhiễu, để xảy ra những chuyện không hay.
******
7. TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, VỚI CON, KỂ CẢ CHA MẸ CON, ĐỀU BÌNH ĐẲNG
Hỏi: Trong những ngày đó, có một vị từ Mỹ về, tham gia cùng đoàn, có tên là Minh Thiện, bị đột tử vì sốc nhiệt. Có nhiều người quan sát cho rằng, trước việc ấy, sư đã không biểu tỏ lòng thương tiếc khi có một người trong đoàn qua đời. Nhưng ngược lại, cũng có những đồn đoán khác rằng, sư có một thông điệp ngầm vào hôm sau, khi chiếc y vắt lên vai, lộ ra phần vải màu đen. Xin sư cho biết cảm xúc của mình về việc đó.
Đáp: Với con, tất cả mọi người đều bình đẳng, ai cũng như ai, sư nào cũng vậy, kể cả Minh Thiện. Học tập lời Phật Thích Ca, theo hạnh Đầu Đà, là sự tự nguyện. Con không kêu gọi, không bảo họ đi theo. Đây là sự tự nguyện của mọi người.
Nếu có chuyện xảy ra, thì đó là nhân quả, là nghiệp của họ thôi. Ngay cả lúc ấy là cha mẹ con, hay Minh Thiện, hay bất kỳ sư nào, với con cũng đều bình đẳng.
Sự chết, tai nạn hay nghiệp đến, đó là sự vô thường nên con bình thản, bình thường, không có gì để phải biểu cảm, biểu lộ cảm xúc yêu hay ghét. Con học tập sự bình đẳng, sự không phiền não, không buồn khổ. Ngay cả việc bỏ mạng của con, con cũng chỉ nghĩ, đó là vô thường đến.
Con luôn dặn các sư phụ, tập học bộ hành, khất thực theo mười ba hạnh Đầu Đà, là hoàn toàn tự nguyện. Vi phạm pháp luật, bệnh đau, tai nạn, nghiệp đến, tự làm tự chịu, không để liên quan, ảnh hưởng đến ai.
Tuy như thế, nhưng con cũng luôn ước nguyện, những gì hạnh phúc, những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với họ.
******
8. CON KHÔNG CÓ ĐỆ TỬ, CON KHÔNG LÀ SƯ, LÀ THẦY AI HẾT
Hỏi: Tinh thần, mọi người tự đi, chứ không phải là sư kêu gọi, lúc này, còn hay không? Trong đoàn, ngoài sư, thì có các sư khác. Họ theo sư hay là đệ tử của sư, hay là người đồng hành một cách tự nguyện?
Đáp: Anh có thể hỏi các sư, hỏi anh Báu, anh Hà, kể cả anh, đang phỏng vấn con đây. Tự mình ở đâu đến, chớ con cho ai được?
Trái đất này không của riêng ai. Hữu duyên thì cùng bộ hành, cùng đi.
Mỗi đất nước đều có quy định, luật pháp của mình. Đủ điều kiện, được nước đó cho phép, thì mọi người đều có thể học tập, bộ hành, khất thực. Con không có quyền cho sư nào đi với con cả.
Con không có đệ tử. Con không là sư, là thầy ai hết. Mọi người đều là anh em, huynh đệ, bình đẳng. Đủ duyên thì cùng học tập. Hết duyên thì mỗi người mỗi phương, không gì ràng buộc.
Giáo lý này, cũng không phải do con tự nghĩ ra mà là do Đức Phật Thích Ca dạy trong kinh. Ai cũng có thể học. Ai cũng có thể làm đệ tử Phật. Ai cũng có thể tự rèn luyện, học tập. Học tốt thì tốt đẹp cho mình. Miễn đừng chống trái với pháp luật.
Giữ giới hạnh, giới luật, học đạo đức, trí tuệ của Phật, chỉ thế thôi, còn những việc khác, con không biết, không liên quan. Mà dẫu như có biết, con cũng không liên quan. Tiền bạc, chính trị, đảng phái, đất nước này, đất nước kia, con không để ý, để tâm.
Con luôn mong rằng, pháp luật tạo điều kiện, không gây khó khăn cho mình. Ngược lại, mình cần phải tuân tuân thủ pháp luật, không làm gì phương hại hay ảnh hưởng tới ai.
******
9. KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN SỰ NỔI TIẾNG
Hỏi: Sư có biết về độ nổi tiếng của sư bây giờ ở trên thế giới, đặc biệt, là sự lan tỏa trong cộng đồng người Việt?
Đáp: Nổi tiếng hay không nổi tiếng, mình không nên mà cũng không cần biết, hãy cứ bình thường.
Cái gì cũng có giới hạn, cái gì rồi cũng phải hết, phải dừng lại, vì mọi sự là vô thường. Bữa nay họ mến mộ, nhưng có thể, mai họ không mến mộ nữa, mai họ chửi rủa mình.
Người ủng hộ mến mộ, hay không ủng hộ mến mộ, thì lúc nào, con cũng xem họ như cha mẹ của mình, con cũng đều ước nguyện cho họ và tất cả mọi người trên hành tinh này, ngay cả loài vật, đều được hạnh phúc, đều có cuộc sống tốt đẹp, không bị bức bách, không bị thiếu thốn.
Con không quan tâm đến sự nổi tiếng.
******
10. NẾU MUỐN ĐƯỢC MỌI NGƯỜI TÔN TRỌNG, YÊU MẾN, KÍNH QUÝ, THÌ HÃY GÌN GIỮ GIỚI LUẬT, NGHIÊM TRÌ GIỚI LUẬT, KHÔNG SAI PHẠM GIỚI LUẬT
Hỏi: Sư thì không quan tâm, nhưng người hâm mộ sư rất là nhiều. Sư có thể lý giải được tại sao như vậy hay không? Xưa nay, các vị sư có đức độ tại Việt Nam cũng không phải là ít, nhưng hiện tượng mến mộ, ngưỡng mộ sư Minh Tuệ, trước nay, gần như chưa có tiền lệ?
Đáp: Có những điều tế nhị mà mình không thể nói ra. Hôm qua, anh Báu có kể, có người gặp con, tự nhiên họ khóc.
Vậy thì phải hỏi người có tâm trạng đó. Và hỏi tâm trạng anh Phố Bolsa TV giờ đây, chẳng hạn. Mến mộ hay không mến mộ thì chỉ tự người đấy biết.
Sự nổi tiếng trong cuộc đời thì vô cùng. Có người nổi tiếng nhờ sắc đẹp. Có người nổi tiếng nhờ quyền uy. Lại có người nổi tiếng về sự giàu có. Hoặc có người nổi tiếng về tài năng.
Như con đây tu hành, con bỏ hết rồi, con chỉ ba y một bát, không tài sản, sống lang thang, thì sự nổi tiếng của con, có hay không, mọi người tự cảm nhận lấy.
Con chỉ biết, con không làm hại tới ai. Con mong cho tất cả mọi người, gìn giữ được giới luật, được hạnh phúc, học được điều thiện, không phải sống thiếu thốn, khổ cực.
Trong kinh sách, con cũng nghe Đức Phật giảng: nếu muốn được mọi người tôn trọng, yêu mến, kính quý, thì hãy gìn giữ giới luật, nghiêm trì giới luật, không sai phạm giới luật.
******
11. CÀNG NGƯỠNG MỘ, CÀNG NÊN GIỮ GIỚI, TRÌ GIỚI, BỐ THÍ, MỞ TÂM TỪ BI
Hỏi: Có những sự ngưỡng mộ tới mức cực đoan, tất cả những vấn đề dính dáng tới sư Minh Tuệ, đều trở nên thần thánh. Vậy thì sư sẽ nói gì với những người đó?
Đáp: Ngưỡng mộ mà tới mức cực đoan thì không tốt đẹp.
Ngưỡng mộ ai đó thì mình nên học theo, giữ giới tu hành, không làm ác nữa, chỉ làm điều thiện, không tham lam nữa, không sân hận với ai nữa, sống trong thiện pháp, luôn yêu thương giúp đỡ, mang đến hạnh phúc cho mọi người.
Ngưỡng mộ là không nói, không làm cho mọi việc trở nên thần thánh hóa, ma mộng. Nói, làm như vậy, là tai hại, là dẫn đến những chống trái lẫn nhau, sân hận lẫn nhau, không còn tốt đẹp nữa.
Càng ngưỡng mộ, mình càng nên giữ Giới, trì Giới, bố thí, tu thiền định, giúp mình có trí tuệ, có tâm từ bi, đó mới chính là điều hạnh phúc nhất, tốt đẹp nhất.
Đừng làm người khác bị não hại (não hại: tâm giận dữ, bực tức, muốn làm hại người mình giận), bị sân hận, khiến họ chống lại mình.
******
12. TU TRONG NHÀ, CHỈ CÓ THỂ KHUYÊN ĐƯỢC NGƯỜI THÂN. BỘ HÀNH, KHẤT THỰC, KHUYÊN ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI HƠN
Hỏi: Các tu sĩ thường nói về sự giải thoát. Bao hàm của giải thoát là không còn dính dáng gì tới xung quanh. Đó có phải là sự ích kỷ hay không? Mình sẽ không còn quan tâm gì tới người thân của mình? Không còn quan tâm đến tình cảm đau khổ của họ, khi mất đi một người thân?
Đáp: Mất đi một người thân trong gia đình, là bình thường, là chuyện nhỏ nhoi so với sự lớn lao của thế giới loài người. Hãy hướng tới những lớn lao hơn. Ngày xưa, ở trong nhà, mình chỉ được mỗi cha mẹ mình yêu thương thôi. Bây giờ học hạnh bình đẳng, ai cũng là cha mẹ, anh em của mình. Mong cho tất cả mọi người được hạnh phúc, là tốt đẹp, là được hơn, chớ không phải là ích kỷ, là xấu đi.
Ở trong nhà, mình chỉ khuyên được một, hai người nên tu hành. Nhưng khi mình bộ hành, khất thực như thế này, thì mình lại khuyên được nhiều người hơn. Đấy là càng thêm lợi chớ không hề là mất đi.
******
13. SỰ TIẾN HÓA VỀ VẬT CHẤT CỦA CON NGƯỜI, CHỈ LÀ DÃ TRÀNG XE CÁT
Hỏi: Có ý kiến cho rằng, nếu ai cũng đi tu, sẽ phản tiến hóa, phản khoa học. Về mặt lý thuyết, nếu ai cũng đi tu, thì làm sao có sự tiếp tục sanh sản, để duy trì thế giới?
Đáp: Sinh sản để duy trì, kẻo không còn người nữa, là chuyện hy hữu.
Kể cả con người không sinh sản nữa, thì loài người cũng không bao giờ mất đi.
Nghiệp sẽ dắt dẫn tới. Nghiệp lực tham sân si đẩy tới, không cần sinh sản cũng có.
Con người được sinh ra bởi bốn con đường, chớ không phải chỉ bởi một con đường sinh sản.
Nên tất cả loài người trên thế gian này, mà đều đi tu hết, thì đấy chính là tiến hóa, là hạnh phúc.
Tiến hóa ở đây, không phải là xây nhà, làm đường, theo kiểu điện, đường, trường, trạm. Tiến hóa càng không phải là đào phá rừng, khai thác hạ tầng này, hạ tầng kia.
Chỉ cần một cơn bão, hay một trận đại hồng thủy, một trận hỏa hoạn, là mất hết.
Tiến hóa đây là tiến hóa về trí tuệ tối thượng, trí tuệ siêu việt, đưa đến Giải Thoát, đưa đến Niết Bàn, đưa đến sự bất tử, không bị diệt vong.
Tiến hóa về vật chất của con người, chỉ là dã tràng xe cát thôi.
Hì hục xây dựng những thành phố lớn, một cơn động đất làm đổ sập, núi lửa phun trào, sóng thần cuốn đi, tất cả trở về không, thì đâu phải là tiến hóa.
******
14. ĐẠO PHẬT MANG ĐẾN CHO CON NGƯỜI SỰ AN LẠC TỐI THƯỢNG
Hỏi: Nhà trường và xã hội luôn dạy cho người ta biết cầu tiến, biết tiến thủ, thậm chí biết cạnh tranh, để có thể tiến lên. Trong khi đó, đạo Phật lại dạy người ta buông xả, buông hết. Theo sư, hai điều đó nó có mâu thuẫn với nhau không ạ?
Đáp: Xã hội dạy cho mình tham lên rồi gọi đó là tiến hóa. Tranh giành nhau, mới xảy ra chiến tranh, mới dẫn đến những việc phá hoại thiên nhiên, nhằm chiếm đoạt, nhằm sở hữu.
Đạo Phật thì dạy cho chúng ta sự buông xả, để đạt được hạnh phúc; dạy cho chúng ta có trí tuệ, không tham, không sân, không si mê, để đạt đến an lạc tối thượng.
******
15. BỘ HÀNH LÀ ĐỂ RÈN LUYỆN, HỌC TẬP, ĐỂ VƯỢT QUA SỰ CỰC KHỔ, KHÓ KHĂN, ĐỂ KHẮC PHỤC THAM SÂN
Hỏi: Có ý kiến cho rằng, cách tu theo hạnh Đầu Đà hoặc là một số cách tu khác, có thể thích hợp với thời điểm mà Đức Phật vừa mới ra đời, chẳng hạn. Còn bây giờ, ở xã hội hiện tại, thì lại không thích hợp. Thí dụ, đoàn bộ hành phải mất nhiều tháng trời mới có thể tới Ấn Độ, trong khi, chỉ cần một chuyến máy bay là tới. Đoàn bộ hành phải khổ sở, ngồi ở ngoài đường, trong khi hoàn toàn có thể dùng những phương tiện, tiện nghi hơn. Như vậy, có phải, pháp tu này, đang đi ngược lại với sự tiến hóa của xã hội không ạ?
Đáp: Bộ hành hay đi máy bay, là sự chọn lựa để nhằm đạt được điều gì.
Bay tới Ấn Độ rồi bay về, là đến để mà đến. Còn bộ hành là để rèn luyện, học tập, để vượt qua sự cực khổ, khó khăn, để khắc phục tham sân.
Bay sẽ khỏe hơn là bộ hành, nhưng chính những phương tiện đó, những tiện nghi đó, lại làm cho mình tham hơn, sân hơn.
Bộ hành, mà không làm hại tới ai, không ảnh hưởng tới ai, được rèn luyện khắc phục khó khăn, hướng tới giải thoát, là tốt đẹp.
******
16. CHẤP KIẾN, TRANH GIÀNH, PHE PHÁI, LÀ TỰ MÌNH GÂY PHIỀN TOÁI, TỰ MÌNH NÃO HẠI, TỰ MÌNH LÀM MÌNH KHỔ, TỰ MÌNH LÀM MẤT ĐI SỰ TỐT ĐẸP
Hỏi: Hiện nay, có hiện tượng, nhiều người lợi dụng hình ảnh của sư Minh Tuệ để làm điều không tốt, sư nghĩ sao?
Đáp: Quy luật tất yếu thôi. Có người tốt, có người không tốt mới thành xã hội.
Cho là tốt, cho là xấu, là tri kiến của thế gian. Tôi là đúng, họ là sai, rồi chia phe chia phái, rồi dẫn đến nói ngược nói xuôi.
Từ bỏ được đúng sai, phải trái, thì mình sẽ thoát được những cuộc tranh cãi. Điều đó là tốt đẹp.
Họ nói tốt về con, con cũng không vui mừng. Họ chửi mắng con, con cũng không não hại (não hại: tâm giận dữ, bực tức, muốn làm hại người mình giận), con kệ họ.
Bỏ qua những đúng sai, phải trái, tranh cãi, thì hạnh phúc tốt đẹp.
Còn chấp kiến, còn tranh giành, còn chia phe chia phái, là tự mình gây phiền toái cho mình, tự mình não hại, tự mình làm mình khổ, tự mình làm mất đi sự tốt đẹp.
******
17. QUAN TÂM CỦA CON GIỜ ĐÂY, LÀ NHỮNG NGƯỜI MÀ CON THẤY, CON TIẾP XÚC, HỌ CÓ ĐƯỢC AN LẠC KHÔNG, CÓ ĐƯỢC NHƯ HỌ ƯỚC MUỐN KHÔNG
Hỏi: Được biết rằng, sư không mang theo bất cứ phương tiện nào để theo dõi tin tức trên mạng xã hội. Vậy những thông tin hàng ngày, những kiến thức cần phải bổ sung, thì lấy từ đâu ra ạ?
Đáp: Kiến thức hàng ngày, thì con cũng nghe loáng thoáng. Kiến thức xã hội, thì con cũng biết rồi. Nhưng con tư duy, mình không nên bình luận, tranh luận về những vấn đề này nữa. Xả bỏ, từ bỏ, không quan tâm đến mạng xã hội, không quan tâm đến các thông tin ở bên ngoài.
Quan tâm của con giờ đây, khi bộ hành, là những người chung quanh con, họ có được hạnh phúc, an lạc hay không. Mọi việc có được như họ ước muốn hay không, là tốt đẹp rồi.
Những kiến thức xã hội cũng không phù hợp với người tu hành. Càng để ý nhiều, càng phiền não.
Nói như vậy, không có nghĩa là mình bỏ họ. Mình cũng xem tất cả mọi người giống như cha mẹ mình, như bản thân mình. Mong cho họ từ bỏ được những tham sân, không tranh đấu lẫn nhau nữa, sống hòa bình hạnh phúc.
Những thông tin xã hội, con không nên biết và không nên tiếp xúc nhiều.
******
18. CON VỚI CÁC SƯ PHỤ, BÂY GIỜ, CHỈ VIỆC BỘ HÀNH VÀ GIỮ GIỚI TU HÀNH THÔI
Hỏi: Xin được hỏi một câu liên quan tới đoàn bộ hành. Hiện, có nhiều đồn đoán về việc, đoàn được tổ chức như thế nào? Vai trò của anh Đoàn Văn Báu là gì? Ai là người chịu trách nhiệm chính toàn đoàn?
Đáp: Ngày xưa, lúc con ở Việt Nam, con từng tâm nguyện, một mình con, sẽ bộ hành đến Ấn Độ.
Tuy nhiên, con cũng biết, tự đi như thế, ra tới nước ngoài, thì con sẽ bị họ trục xuất về nước.
Sau đó, con viết tâm nguyện gởi lên trên mạng, trong nước, ngoài nước, quốc tế, mong có người giúp con về giấy tờ, thủ tục, để con được bộ hành tới Ấn Độ.
Ngày hôm sau, có anh Đoàn Văn Báu tới, anh đồng ý giúp đỡ. Lúc đó, con cũng không biết anh Báu là ai. Nhưng anh Báu tới trước, và nói có khả năng giúp đỡ cho con, thì con nhận lời.
Anh Báu cũng có nói, bên phía ngoại giao cho được mười người, nên có thể thêm một số sư nữa. Anh có hỏi con là những sư đó có được hay không.
Nếu như được các nước sở tại đồng ý, thì điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người tham gia đoàn bộ hành. Cho mười người, chớ nếu cho phép tới một trăm người, thì cũng là điều quá tốt cho những người mong muốn tham gia.
Hiện nay, đoàn có anh Báu, anh Giáp, anh Hà, các anh hỗ trợ về mặt giấy tờ, thủ tục, hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi, hỗ trợ việc xin phép chính quyền của những địa phương, nơi mình đi qua, và có ở lại nghỉ đêm.
Nếu ngày ấy, anh Báu không giúp con, thì chắc cũng sẽ có người khác giúp con. Nhưng anh Báu là người đầu tiên đến, và cho đến bây giờ, thì mọi chuyện vẫn đang rất tốt đẹp.
Con và anh Báu, trước đó, không hề biết nhau. Là nhân duyên tới.
Con với các sư phụ bây giờ, chỉ việc bộ hành và giữ Giới tu hành thôi. Còn tất cả những việc khác, con và các sư phụ, không hề biết, không hề quan tâm.
******
19. QUY ĐỊNH CỦA CÁC NƯỚC SỞ TẠI, CHO PHÉP CŨNG TỐT ĐẸP, KHÔNG CHO PHÉP CŨNG TỐT ĐẸP, KHÔNG CÓ CHƯỚNG NGẠI GÌ VỚI CON
Hỏi: Sư có hài lòng cái việc tổ chức đoàn như hiện nay của anh Báu và các cộng sự hay không? Có hài lòng với việc bộ hành hiện nay, không còn cảnh như tại Việt Nam trước đây?
Đáp: Việc tổ chức hạn chế các youtuber đi theo, không phải do con và các sư phụ, cũng không phải do anh Báu hay nhóm hỗ trợ.
Nếu như pháp luật ở các nước sở tại cho phép, thì với con, một ngàn hay một triệu youtuber đi theo, thì đấy cũng là việc của họ. Con không vì thế mà phiền toái. Con cũng không có ý kiến gì về việc người này được quay, hay người kia không được quay.
Quy định của các nước sở tại, cho phép, cũng tốt đẹp, mà không cho phép, cũng tốt đẹp, không chướng ngại gì đối với con. Và con cũng đều mong cho mọi người được hạnh phúc.
Hiện nay, đoàn sư và nhóm hỗ trợ cũng đã ở con số mười người. Nhưng nếu các youtuber kéo theo, thành một đoàn năm mươi người, chẳng hạn, chính quyền cấm không cho đi nữa, thì như thế sẽ ảnh hưởng, không nên.
Anh Báu làm, mà đảm bảo cho các sư phụ không có ý kiến, khất thực, nghỉ ngơi đúng giờ, đúng chỗ, có giới luật, giúp các sư phụ giữ giới tu hành, thì đều tốt đẹp.
Nhưng khi anh tổ chức sai, không tạo điều kiện cho các sư phụ giữ giới được, thì mọi người cũng sẽ có ý kiến, hoặc không cần anh nữa. Chứ không phải bạ đâu cũng được. Tuy chỉ là việc học tập, nhưng cũng phải biết cách đúng giờ, sao cho hài hòa lẫn nhau, các sư phụ cũng tốt đẹp, mà anh Báu cùng mọi người cũng tốt đẹp.
Ai cũng làm tốt công việc của mình, và cảm thấy vui vẻ hạnh phúc thì con cũng thấy đều tốt đẹp hết.
******
20. CÁC SƯ ĐI THEO ĐOÀN SẮP TỚI ĐÂY, CẦN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÁC NƯỚC MÀ ĐOÀN ĐI QUA
Hỏi: Được biết, sẽ có thêm một số các sư tham gia với đoàn trong những ngày tới, không biết những sư như vậy, được chọn lựa như thế nào?
Trên cộng đồng mạng, người ta đề nghị người này, đề nghị người kia. Chính anh Báu cũng đưa ra một danh sách tám, chín người gì đó. Ai sẽ là người lựa chọn hoặc chấp thuận danh sách các sư sắp tới tham gia? Và nếu lựa chọn, thì dựa trên những tiêu chuẩn nào ạ?
Đáp: Vấn đề không phải là ai sẽ làm việc đó. Mọi việc đều phải theo quy định của luật pháp nước sở tại, cũng như luật pháp quốc tế. Nhiều sư tốt, mà nước người ta cho vào mười người, thì cũng phải đành mười người, chớ không phải là, sư này tốt hơn sư kia.
Đối với con, càng nhiều sư đi để tu hành, thì càng tốt. Pháp luật cho bao nhiêu, con đồng ý bấy nhiêu. Con không thấy chướng ngại gì về điều này. Con cũng hạnh phúc, vui vẻ.
Cả các youtuber cũng vậy, nếu luật pháp cho phép, thì họ cứ tự do thoải mái, miễn sao cho hài hòa, thì con đều đồng ý hết. Con không kêu gọi họ, con cũng không xua đuổi họ.
******
21. TIÊU CHUẨN ĐỂ CÁC SƯ THEO ĐOÀN LÀ PHẢI GIỮ GIỚI, TU HÀNH TỐT ĐẸP
Hỏi: Tiêu chuẩn để chọn ra các sư tham gia, phải như thế nào để sư hoan hỷ đón nhận, hay đó là vấn đề sư không quan tâm?
Đáp: Tiêu chuẩn thì con cũng mong họ giữ Giới, họ tu hành tốt đẹp. Chứ đi theo, rồi phá phách, rồi uống rượu, rồi sát sanh, rồi ăn mặn, rồi trộm cắp, thì việc họ theo đoàn, cũng không phù hợp.
Ngay cả khi, đó là những người, trước đây, chưa từng tu hành gì cả, nhưng giờ đây, họ phát nguyện, họ đi để hướng đến việc tu hành tốt đẹp, thì cũng vẫn để cho họ có cơ hội họ đi. Đi không được thì họ tự về. Nhưng tất cả những người tham gia, phải thực hành đúng mười ba hạnh Đầu Đà.
Nói bậy nói bạ, xuyên tạc, làm chính trị hay để làm những việc khác, thì không nên đi. Đi để tâm huyết học tập, thì mới nên đi.
Không ai có thể nói, tôi là tốt, tôi tốt đẹp. Cần phải có thời gian rèn luyện, thử thách thực tế. Một người lên máy bay, bay tới Ấn Độ, khác với một người đi bộ tới Ấn Độ.
Đi bộ một ngày hai mươi cây số, có người đi được, và có người không đi được. Khác biệt nhau là ở chỗ đấy.
Bây giờ, cả một tỷ người đi, cứ mười ba hạnh Đầu Đà tự đi, mà đúng luật, được cho phép, con cũng đều đồng ý hết.
Con không kêu gọi, mà cũng không xua đuổi. Tự mình hạnh phúc, cứ công việc mình mà làm, không ảnh hưởng là tốt đẹp hết.
******
22. MƯỜI BA HẠNH ĐẦU ĐÀ KHÔNG BẮT BUỘC ĐẦU TRẦN, CHÂN ĐẤT
Hỏi: Nếu không lầm thì trong hạnh Đầu Đà, khi đi bộ, không bắt buộc phải đi chân không và phải để đầu trần, phải không ạ?
Đáp: Không bắt buộc. Tùy theo cái căn duyên, sự kham nhẫn rèn luyện của mỗi người.
Cũng giống như, có người nói: tôi học tới lớp Chín là đủ rồi, không cần phải học đến lớp Mười Hai, không cần lấy được bằng Đại Học.
Cũng như vậy, có người nói: đi dép bộ hành, đối với tôi, là hài lòng, hạnh phúc rồi.
Tuy vậy, vẫn có những người, tinh tấn hơn, siêng năng hơn, họ rèn luyện và đạt được những điều mà người khác không đạt được. Không ai quy định, rèn luyện đến mức nào là hết cả.
Tâm của con người khác nhau: có tinh, có thô; có thông minh, có ngu xuẩn; có chịu được, có không chịu được, chứ không phải ai cũng giống ai cả. Mức độ rèn luyện, vì vậy, cũng khác nhau.
Tùy theo căn cơ, ai có thể làm được thì mới phù hợp để rèn luyện, chứ không có chuyện, tôi quy định như thế này, tôi quy định như thế kia.
Ngay trong giáo lý của Đức Phật cũng mở, chân đau thì dùng thêm đôi dép, bệnh thì uống thuốc, điều trị đã, rồi mới học tập rèn luyện. Không thể quy định, đi chân không trên đường, để rồi rách chân, rồi kêu khó quá, không đi nữa.
Tuy nhiên, việc học tập, rèn luyện trên đường bộ hành thế này, chỉ dành cho những ai, có tâm huyết, có niềm tin, có kham nhẫn. Nếu đủ điều kiện, thì mới nên đi. Không đi được mà cứ cố ép đi, thì cũng sẽ thất bại.
Tương tự như, có người nói, tôi sẽ học lên cao được, nhưng khi cho học, thì lại học không nổi.
Có người học theo được mười ba hạnh Đầu Đà, nhưng có người, không có hạnh Đầu Đà nào cả. Đâu cứ phải nhất thiết có mười ba hạnh Đầu Đà hay là không?
Tương ưng Giới nào thì sẽ gặp Giới đấy. Người uống rượu thì đi với người uống rượu. Người uống rượu mà đi với người không uống rượu, thì khó.
******
23. MONG NHƯ CON NAI TRONG RỪNG, LÀ MONG ĐẠT ĐƯỢC GIẢI THOÁT
Hỏi: Trong một bài phỏng vấn gần đây của BBC phỏng vấn sư, sư có nói câu, mong muốn được đi một cách tự do như con nai trong rừng. Và BBC cũng đã sử dụng câu này làm nhan đề cho bài phỏng vấn.
Từ đó, dẫn tới nhiều suy nghĩ khác nhau như, khi nói như vậy, thì sư Minh Tuệ có muốn ngụ ý điều gì hay không? Liệu rằng, sư Minh Tuệ hiện nay, có đang được như con nai đó hay không? Sư nghĩ sao về việc này ạ?
Đáp: Ví như con nai trong rừng, là ví đến sự Giải Thoát tốt đẹp. Khi đã đạt đến sự Giải Thoát, thì không cần phải ở rừng, ngay giữa chợ, giữa đường, ngay cả khi mình gặp phải chướng ngại, mình vẫn cảm nhận được sự tự do thoải mái như con nai vậy.
Không cần phải có điều kiện nào cả. Ở đâu, mình cũng có thể Giải Thoát được.
Họ phiền não, nhưng mình không thấy phiền não. Họ não hại, họ sân với mình, nhưng mình không thấy não hại, không thấy sân, khi đó, mình khác gì con nai trong rừng, muốn đi là đi, muốn ngồi là ngồi, muốn nằm là nằm.
Không tham, không sân, không si, có trí tuệ, tiến đến Giải Thoát, Niết Bàn, như con nai trong rừng vậy.
******
24. CON CÒN PHẢI HỌC TẬP, TU HÀNH NHIỀU THÌ MỚI CÓ THỂ GIẢI THOÁT
Hỏi: Vậy con nai đó, hiện nay đã được tự do đi như sư muốn chưa?
Đáp: Chưa được đâu. Con còn phải học tập, tu hành nhiều, cho đến khi nào đạt đến công hạnh, công đức, trí tuệ, thiền định, đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì khi đó con mới là con nai.
******
25. SAU KHI ĐẾN ẤN ĐỘ, ĐẢNH LỄ CÁC THÁNH TÍCH, ĐẾN HY MÃ LẠP SƠN, CON CÒN TÂM NGUYỆN ĐI KHẮP CHÂU LỤC
Hỏi: Ấn Độ là địa điểm mà sư tới. Sư có thể cho biết, sau khi tới Ấn Độ và đi thăm những Thánh Tích mà sư mong muốn, thì tiếp tục sẽ là như thế nào ạ?
Đáp: Con đi tới Ấn Độ để đảnh lễ Thánh Tích, để học tập, tu tập, rèn luyện. Sau khi đến Hy Mã Lạp Sơn, con vẫn còn tâm nguyện đi khắp tất cả các châu lục, đi nước này nước kia.
Nếu được pháp luật, được các Quốc Gia trên thế giới, họ cho phép, họ tạo điều kiện thuận lợi, họ giúp đỡ, thì con cũng muốn bộ hành sang Châu Âu, Châu Úc, Châu Mỹ, Châu Phi.
Còn các sư phụ cũng thế, muốn đi thì cứ đi, còn không đi thì cũng tốt. Về Hy Mã Lạp Sơn, tu hành với các thánh nhân ở đó, thì cũng tốt đẹp.
******
26. KHÔNG CHỈ VỚI ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA, VỚI TẤT CẢ CÁC CAO TĂNG KHÁC, NẾU CÓ NHÂN DUYÊN, CON ĐỀU MUỐN TIẾP CẬN, HỌC HỎI
Hỏi: Hy Mã Lạp Sơn là nơi mà một vị cao tăng khác từ đến từ Tây Tạng, cũng đang ở đó, đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu có nhân duyên nào đó để gặp gỡ với lại Đức Đạt Lai Lạt Ma, thì sư có sẵn sàng không?
Đáp: Con sẵn sàng chứ. Con không tự chạy tới tìm để gây phiền toái cho họ. Nhưng nếu họ tạo điều kiện, cơ hội cho mình gặp gỡ, để học tập, kể cả không phải là Đức Đạt Lai Lạt Ma, với những cao tăng khác, con cũng đều mong muốn tiếp cận, học hỏi từ họ, tất cả đều tốt đẹp.
Có nhân duyên, con sẽ đến để cùng với họ, học tập theo lời Phật dạy, chứ không trở ngại gì.
******
27. THẦN TƯỢNG CỦA CON LÀ PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Hỏi: Rất nhiều người xem sư là một thần tượng. Còn sư, thì thần tượng của sư là ai?
Đáp: Thần tượng của con là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Chánh Đẳng Giác, là thần tượng của con, để con hướng tới đó.
******
28. CHỈ THẦN TƯỢNG DUY NHỨT PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Hỏi: Sư có thần tượng sống không ạ?
Đáp: Dạ không. Chỉ duy nhứt Phật Thích Ca Chánh Đẳng Giác thôi.
******
29. KHÔNG CÓ CHIẾN TRANH, ĐƯỢC SỐNG AN ỔN, THOẢI MÁI, HẠNH PHÚC, ĐƯỢC SỐNG TRONG HÒA BÌNH, LÀ ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT
Hỏi: Trong vài ngày nữa đây, ông Donald Trump sẽ lên làm Tổng Thống của Hoa Kỳ. Việc này, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thế giới, về cả kinh tế lẫn chiến tranh.
Sư có thông điệp nào nhắn gửi tới Tổng Thống Hoa Kỳ không ạ?
Đáp: Con sẽ nói với Tổng Thống, mong cho Tổng Thống, người có sức ảnh hưởng, sẽ mang lại được nền hòa bình cho thế giới, mang lại được hạnh phúc cho nhân dân.
Không có chiến tranh, được sống an ổn, thoải mái, hạnh phúc, được sống trong hòa bình là điều tốt đẹp nhất.
******
30. MONG MỌI NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG THOẢI MÁI, VUI VẺ, HẠNH PHÚC
Hỏi: Tạm chia tay, sư muốn nói gì với tất cả những người Việt, hiện đang ở khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, mà trong đó, có rất nhiều người quan tâm tới từng bước đi của sư trên chuyến hành trình này?
Đáp: Con mong những người đang quan tâm đến chuyến hành trình này, được sống thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc, được thành tựu ước nguyện, đạt được những điều mong muốn. A Di Đà Phật.
******
Phố Bolsa TV: Cảm ơn sư rất nhiều. Sư rất hoan hỷ để tiếp tục trả lời phỏng vấn, nhưng chúng ta phải để cho sư cùng đoàn, có thời gian nghỉ ngơi.
Cuộc phỏng vấn sẽ tạm ngưng ở đây, và chúng ta sẽ tạm chia tay sư. Hy vọng trong những ngày còn lại, hôm nay và ngày mai, Phố Bolsa TV sẽ có cơ duyên được tiếp tục nói chuyện cùng sư.
Sư Minh Tuệ: Đem lại lợi ích cho mọi người, con luôn sẵn sàng chia sẻ, chớ không có chướng ngại gì. Đủ điều kiện sẽ lại tiếp tục, không hạn chế câu hỏi. Sadhu. Sadhu. Con lúc nào cũng ước nguyện cho mọi người hạnh phúc, vui vẻ.
Tránh trường hợp lợi dụng, để rồi lừa đảo hoặc phát ngôn bậy bạ, sai sự thật, thì không tốt đẹp lắm. Mong cho mọi người đều được hạnh phúc sống, gìn giữ được giới luật, bớt tham, bớt sân, đừng não hại nữa.
Đừng tham sân si nhiều nữa thì đều hạnh phúc. A Di Đà Phật. Sadhu. Sadhu.
Phố Bolsa TV: Cảm ơn sư. Chúng ta sẽ chia tay ở đây.
Sư Minh Tuệ: Sadhu. Sadhu. Tốt đẹp nhỉ. Mọi người hoan hỷ nhỉ. Có vẻ anh Lân chưa hoan hỷ lắm. Thôi để hôm khác nhỉ.
Phố Bolsa TV: Rất hoan hỉ nhưng mà còn chưa đã lắm.
Sư Minh Tuệ: Anh Lân cứ hỏi, khi nào chán thì thôi.
Phố Bolsa TV: Cảm ơn sư rất nhiều.
******
II/ CẢM NGHĨ
Không cần suy nghĩ một giây nào, gần như lập tức, sau khi câu hỏi của Phố Bolsa TV đưa ra, là sư Minh Tuệ trả lời được ngay.
Tất nhiên, văn nói sẽ không tuyệt hay, tuyệt cẩn thận, trau chuốt như văn viết, nhứt là văn khi trả lời phỏng vấn, nhưng ba mươi câu hỏi đưa ra, là đủ ba mươi câu trả lời đi thẳng vào vấn đề, không tránh né, không e ngại, không chần chừ, hay đắn đo, suy tính, cân nhắc.
Việc này cho thấy, sư Minh Tuệ không chỉ sáng suốt, thông tuệ, mà ngài còn tỏ rõ bản lãnh và oai nghi của người lãnh đạo tinh thần trong đoàn bộ hành, khất thực về miền đất Phật, Ấn Độ.
Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài. Kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.
Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi sự tốt đẹp.
Ngày 16.01.2025
Phạm Hiền Mây
******
Nguồn:
Văn bản vấn đáp, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: LIVE: Phỏng Vấn Trực Tiếp Sư Minh Tuệ Trên Đất Thái. Phát trực tiếp ngày 15.01.2025. Trên kênh PhoBolsaTV.