Mấy hôm nay khi xuất hiện 2 bức thư ghi ngày 20/11/2024 được kí dưới tên Minh Tuệ, thì mạng xã hội trở nên xôn xao một lần nữa.
Nhưng lần này khác với những sự kiện về sư Minh Tuệ trước đó. Những xôn xao, nhìn chung xuất phát từ tâm lí ngỡ ngàng, hụt hẫng và xót xa. Vì trong nội dung 2 lá thư này có ý: [..] “không được khất thực “, […] “không được bộ hành”, và ngay cả: […] “con buông bỏ hạnh đầu đà không chấp vào nó nữa”. Với những ý này nhiều người ngưỡng mộ sư, quý kính sư lâu nay hụt hẫng, xót xa cũng phải thôi. Hụt hẫng vì họ tin sư không bao giờ bỏ giữa chừng một hạnh tu mà ông đã lựa chọn, quyết tâm kiên cố. Đặc biệt, người ta cảm nhận ông đã gần như đạt trạng thái vô ngã, vô úy nên khó có một ngoại cảnh nào khiến tâm xao động được. Xót xa vì người ta thấy rằng, sao một con người chỉ muốn được tu thôi mà khổ vậy? Sao một hành giả không có bất cứ thứ gì ngoài cái sắc thân tứ đại kia mà cũng chịu nhiều đố kị, phỉ báng? Và sao một vị chân tu chọn một pháp tu thôi mà cũng không yên?
Những xúc cảm như vậy càng được đẩy lên cao hơn đối với nhiều chị em phụ nữ. Có vài người nhắn cho tôi, họ đã khóc. Nhiều người còn không giỏi giấu giếm cảm xúc, họ bộc lộ thẳng lên Facebook hay trên các diễn đàn khác. Tất cả làm nên một bầu không khí u hoài, ảm đạm. Có lẽ, phụ nữ đáng yêu hơn ở điểm này. Như tôi, tôi viết không ít bài về sư Minh Tuệ, nhưng tôi chưa bao giờ có những cái nhìn cảm tính, càng không bao giờ có những cảm xúc cá nhân. Nói cách khác, tôi nhìn dưới góc độ lý tính và kiến giải dựa trên Phật pháp và những tri kiến liên quan.
Lần này cũng thế, vậy nên, qua nội dung 2 lá thư tôi nhận thấy những điều tích cực. Ở đây tôi không bàn đến các yếu tố chính trị - xã hội, mà tập trung điểm nhìn vào pháp tu và trạng thái tâm.
Trước hết, đó là lỏng từ bi. Những lời lẽ trong thư toát lên điều ấy. Chẳng hạn như:
“Vì đi bộ hành và khất thực con thấy làm ảnh hưởng đến giao thông và trật tự xã hội nên con cũng vui vẻ xả bỏ để tất cả mọi người được vui vẻ hạnh phúc…”
“Ở nhà gia đình nếu muốn bố thí vật thực thì con ăn, không muốn bố thí thì con không ăn nữa, ở nhà để có khả năng không làm ảnh hưởng đến xã hội.“
“Không nên vì mình mà làm khổ người khác, làm khổ cho mình, làm khổ lẫn nhau.”
Hay
“Vì sao vậy, vì mỗi sáng con đi khất thực thì đi trước con, đi sau con, đi hai bên con có rất nhiều an ninh đi theo lớn tiếng, to tiếng, ngăn cản người này người kia làm ồn ào như vậy vừa khổ cho cả công an, vừa khổ cho cả những người dân…”
Và
“Con mong cho tất cả mọi người đều được hạnh phúc, tốt đẹp, tốt đẹp.”
Rõ ràng, dù diễn đạt ở những ý khác nhau nhưng luôn nhất quán trong từng lời nói. Lòng tư bi là xuyên suốt. Ơ đó, là tấm lòng vị tha, vì người chứ không vì mình. Lòng từ bi vốn là cái tâm quảng đại, không phải bó buộc trong những cảm xúc riêng tư. “Từ” 慈 là yêu thương, “bi” 悲 là đau buồn, đau thương. Nhưng đó là một thứ tình yêu thương phổ khắp tất thảy tha nhân, là nỗi buồn hoà chung với toàn bộ khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu. Đạt tới tâm thái ấy, vậy phải đáng vui mới đúng chứ!
Thứ nữa, nhiều người tỏ ra lo lắng buồn đau về những lời sư nói bỏ hạnh đầu đà. Tôi lại thầy ở đây là một tinh thần phá chấp pháp. Điểm qua một số ý trong thư:
“Vì sao vậy, vì hạnh đầu đà là phải khất thực xin ăn đi bộ hành, nếu mình cứ chấp trước như vậy, cứ đòi hỏi như vậy, phải đi khất thực như vậy nên mới rơi vào chấp trước hay chấp thủ […] đối với con được đi khất thực tập học con cũng thấy tốt đẹp, không được khất thực con cũng thấy tốt đẹp, được đi bộ hành thì con cũng thấy tốt đẹp, mà không được bộ hành thì con cũng thấy tốt đẹp.“
Hay
“Nên con buông bỏ hạnh đầu đà không chấp vào nó nữa, được hạnh đầu đà cũng tốt đẹp, không được cũng tốt đẹp, mình bỏ đi đừng cho mình phải như này như kia, tu hay không tu, tu để thành này thành kia. “
Muốn đạt đến vô ngã thì đòi hỏi hành giả phải vô chấp tất cả. Mà trước tiên phải phá chấp pháp, nghĩa là không còn dính mắc vào pháp tu. Từ chỗ mượn pháp tu để hành trì, để đoạn trừ lục căn cho đến nhận thức sắc thân là giả hợp. Và tiếp, tâm phải xả ly cả pháp tu ấy, như vậy mới đạt trạng thái vô trụ vô chấp. Đến lượt mình, tâm lại quán chiếu thấy rõ chính nó cũng không phải là một thực thể vẹn nguyên, cố định, bất biến. Khi đó mới thực sự đúng với tinh thần vô ngã theo giáo pháp.
Tinh thần phá chấp được nhắc đến nhiều lần trong Kim Kim Cang (1), như “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩa là Đừng để tâm trụ chấp một nơi nào. Hay cái nhìn vào thực tưởng của các pháp - “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Nghĩa rằng, Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng vô tướng tức thấy Như Lai.
Hạnh đầu đà, xét cho cùng nó chỉ là phương tiện để đi đến mục đích. Do vậy, thực hành hạnh này cốt không phải để tạo ra một vẻ hình thức với những thứ lớp, tầng bậc khác nhau, mà cái đích là giác ngộ, giải thoát. Điều đặc biệt, thực hành hạnh đầu đà là một cách tối thắng dễ đoạn diệt tham sân si, đưa đến trạng thái tâm thanh tịnh. Nói cách khác, khi hành giả chọn con đường này, tức họ đã tiệm cận giác ngộ ngay trên bước đường hành trì. Đó chính là lí do trong Kinh Tăng nhất A-hàm thuyết:
“Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời.” (2)
Giả định, sư Minh Tuệ có không tu theo hạnh đầu đà nữa thì cũng chẳng sao cả. Vì hạnh đầu đà ở ông đã hoàn thành sứ mạng của nó. Nó xuất hiện bởi nhân duyên trong bối cảnh Phật giáo suy vi, đức tin tâm linh bị lợi dụng và con người đang khát khao đạo lý. Rồi nhờ nó tất cả đã bửng tỉnh, như cơn gió vén mây mù, như cơn mưa gột rửa bụi trần. Người ta nhận ra mình và biết người, người ta không còn nhầm lẫn thiện ác, và người ta đã học cách tu thân.
Vậy, giá trị của hạnh đầu đà là sự tỉnh thức, lòng hướng thiện, hướng thượng. Chứ không phải câu nệ nơi tấm áo nhiều màu hay chuyện khất thực, hành cước. Điều quan trọng, khi những gì tốt đẹp đã đi vào tâm thức thì sẽ không còn chỗ cho cái xấu ác quay lại một lần nữa.
———-
Chú thích:
(1) Thích Thiện Hoa, “Phật học phổ thông”, khóa XII, Thành hội Phật giáo Tp.HCM, 1990.
(2) Trong Kinh “Tăng nhất A-hàm”, tập I.
-----------------------
Nha Trang, 22/11/2024
Nguyễn Thanh Huy