(tư liệu lấy từ wikipedia)
A/ MA HA CA DIẾP
I/ TIỂU SỬ
1.
Ma Ha Ca Diếp còn gọi là Tôn Giả Ca Diếp hay Đại Ca Diếp là một người Bà La Môn xứ Ma Kiệt Đà.
Bà La Môn là danh từ chỉ một đẳng cấp. Đạo Bà La Môn là một tôn giáo rất cổ của Ấn Độ, xuất hiện trước thời Đức Phật Thích Ca, bắt nguồn từ Vệ-đà giáo ở Ấn Độ, một trong những tôn giáo cổ nhất của loài người. Đạo Bà La Môn hình thành khoảng tám trăm năm trước tây lịch, tức là một thời gian không dài lắm trước khi Phật Thích Ca mở Phật Giáo ở Ấn Độ.
Ma Kiệt Đà là một đế quốc hùng mạnh ở miền Đông Ấn Độ từ thế kỷ thứ sáu TCN đến thế kỷ IV.
******
2.
Ma Ha Ca Diếp là một trong mười đại đệ tử của Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Phật Thích Ca), và cũng là người tổ chức, chỉ đạo đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ nhất, nhờ vậy mà Tam Tạng pháp bảo của đạo Phật còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Thập đại đệ tử là danh xưng dùng để chỉ mười đệ tử quan trọng của Phật Thích Ca Mâu Ni, hay được nhắc nhở trong kinh sách Đại Thừa.
Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ nhất là đại hội được thực hiện vào mùa hạ sau khi tổ chức lễ trà tỳ (hỏa táng) cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Mục đích của đại hội là nhằm xác định chính xác giới luật và kinh văn để tránh những sai lệch do hiểu lầm hoặc phá hoại.
Tam Tạng là ba Tạng (túi đựng) kinh sách của Phật Giáo gồm Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Các ngôn ngữ Pali, Hán, Tây Tạng, và ở các ngôn ngữ khác cũng đều có cả ba tạng đó.
******
3.
Ma Ha Ca Diếp nổi tiếng có Hạnh Đầu Đà nghiêm túc nhất và là người đứng đầu Tăng Già sau khi Tất Đạt Đa Cồ Đàm mất. Phật Thích Ca là người khai sinh và truyền bá đạo Phật, còn người kế thừa di sản của Phật để truyền lại cho đời sau chính là Tôn Giả Ca Diếp.
Hạnh Đầu Đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh của hệ phái Thượng Tọa Bộ của Phật Giáo Nam Tông nhằm tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần.Người tu theo Hạnh Đầu Đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở.
Tăng Đoàn, Tăng Già là một từ trong tiếng Pali và tiếng Phạn có nghĩa là hiệp hội, cộng đồng. Từ dùng này phổ biến trong cộng đồng, đoàn thể của tu sĩ Phật Giáo, sau khi các tu sĩ thọ giới Tỳ Kheo.
Phật Giáo, Đạo Phật là một tôn giáo, đồng thời cũng là một hệ thống của triết học có nguồn gốc từ Ấn Độ, bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật và sự việc; các phương pháp thực hành, tu tập dựa trên những lời dạy ban đầu của một nhân vật lịch sử có thật tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm.
******
4.
Ma Ha Ca Diếp là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ, được đức Tất Đạt Đa Cồ Đàm truyền tâm ấn. Trong tranh tượng, Ma Ha Ca Diếp cùng với A Nan Đà, thường đứng hai bên Tất Đạt Đa Cồ Đàm.
Thiền Tông là một tông phái Phật Giáo Đại Thừa xuất phát qua hai mươi tám đời tổ sư Ấn Độ và truyền bá lớn mạnh ở Trung Quốc. Các thiền sư trong Thiền Tông tự coi tông phái mình tách biệt không thuộc Đại Thừa hay Tiểu Thừa. Thiền Tông được Đức Phật Thích Ca đích thân truyền cho Ma Ha Ca Diếp làm Sơ Tổ qua sự kiện Niêm Hoa Thị Chúng, từ đó, tổ tổ tương truyền. Khoảng thế kỷ VI, VII, Bồ Đề Đạt Ma, tổ thứ hai mươi tám của Thiền Tông Ấn Độ, đưa phép Thiền vào Trung Quốc và trở thành Sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa. Nơi đây, Thiền Tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích: hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như Phật Thích Ca Mâu Ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ Đề. Tông phái này được đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc, với tên gọi là Thiền Tông.
A Nan Đà là anh em chú bác với Đức Phật. A Nan Đà gia nhập giáo hội hai năm sau ngày thành lập, lúc vừa mười tám tuổi, trở thành thị giả thân cận của Đức Phật. A Nan Đà được tôn xưng là một trong thập đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni.
******
II/ GIA THẾ
1.
Tôn Giả Ca Diếp, cùng hai đại tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, đều xuất thân từ giai cấp Bà La Môn. Đại Ca Diếp lớn tuổi hơn Đức Phật. Ngôi làng ông sinh ra là ngã tư của các trục giao thông, dân chúng tứ phương có thể qua lại thường xuyên bằng đường bộ và đường thủy.
Xá Lợi Phất, hay Xá Lợi Tử là một nhà lãnh đạo tâm linh ở Ấn Độ cổ đại. Ông cùng Mục Kiền Liên là hai đệ tử gương mẫu nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni và được xem là người có đệ nhất trí tuệ trong Tăng Già lúc Phật còn sinh tiền.
Mục Kiền Liên được Đức Phật giao trọng trách thống lãnh Tăng Đoàn sau khi được chứng A La Hán, quả vị cuối cùng trong Tứ Thánh Quả. Ông nổi tiếng là bậc đệ nhất thần thông trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật.
******
2.
Ma Ha Ca Diếp được đặt tên là Thường Tịnh vì tính khí luôn thích yên tĩnh. Ngay từ khi ra đời, Tôn Giả đã hội đủ những quý tướng của một bậc vĩ nhân, trong đó có bảy quý tướng giống với vẻ đẹp của Đức Phật.
******
3.
Thân phụ của Tôn Giả là một vị tiểu vương, làm chủ lãnh thổ gồm mười sáu ngôi làng. Đại Ca Diếp vì thế, rất được cha mẹ cưng chiều. Khi Đại Ca Diếp lên tám, theo luật lệ của Bà La Môn, ông được người cha giàu có của mình mời danh sư về nhà dạy học. Với trí thông minh thiên bẩm, Tôn Giả Đại Ca Diếp nhanh chóng tiếp thu các môn học rất nhanh và trở nên xuất chúng trong nhiều lãnh vực như văn học, toán thuật, thi họa, thiên văn.
******
III/ TRƯỚC KHI XUẤT GIA
1.
Lúc chưa trưởng thành, Tôn Giả Đại Ca Diếp đã tỏ ra rất khác so với những trẻ em đồng trang lứa. Thông minh và giỏi giang nhưng lại không thích các trò hoan lạc, ghét những nơi ồn ào và thường chỉ muốn ở một mình. Cuộc sống giản dị, trong sạch, cũng không vướng vào tình cảm nam nữ thế gian. Đó là những đức tính cao đẹp, thường hiện diện nơi bậc thánh xuất thế ở tương lai.
******
2.
Khi Đại Ca Diếp trở thành một thanh niên tuấn tú, cha mẹ ông gọi ông đến và nói rằng, ông đã đến tuổi kết hôn và họ sẽ chọn cho ông một cô gái thật xinh đẹp, thùy mị nết na về làm vợ. Nghe xong, Đại Ca Diếp vội vã trình bày: Con muốn sống một mình để phụng dưỡng cha mẹ. Và nếu được cho phép, con chỉ muốn xuất gia đi tu mà thôi. Nếu lấy vợ, sự tu hành của con sẽ không thành.
******
3.
Tuy thương con, nhưng cha mẹ ông, bằng mọi cách, vẫn ép ông lấy vợ. Để làm vừa lòng cha mẹ, Đại Ca Diếp đã đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe, tạc ra bức chân dung một người phụ nữ thật hoàn hảo để làm khó thân mẫu. Nào dè, cha mẹ ông vẫn ra tìm được người và ông buộc phải thành thân. Tên cô gái là Bhaddà Kàpilànì.
******
4.
Một điều trùng hợp lạ lùng, nàng Bhaddà Kàpilànì cũng không muốn lập gia đình. Nàng chỉ ước ao được xuất gia, sống đời sống phạm hạnh của một nữ đạo sĩ. Vì thế, tuy mang danh nghĩa vợ chồng nhưng họ sống chung với nhau như hai người bạn trong sạch, không chút ái luyến, không chút vẩn đục. Hai vị đã sống cuộc sống thanh cao như thế cho đến ngày xuất gia cầu đạo.
******
IV/ XUẤT GIA THEO PHẬT
1.
Năm ấy, Đại Ca Diếp đã trên ba mươi tuổi. Hôm ông rời nhà tìm thầy học cũng là ngày Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề. Đại Ca Diếp đi nhiều nơi, học qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa tìm được thầy ưng ý. Cho tới một hôm, ông nghe có người mách, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mới thực sự là bậc đại giác ngộ hiện thời.
******
2.
Đại Ca Diếp tìm đến Trúc Lâm (Venuvana), nơi Phật Thích Ca cùng các đệ tử đang mở đạo tràng giảng Phật pháp. Ông theo những người mộ đạo đến nghe giảng để thử xem, có thực Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là một thầy giỏi như lời đồn hay không. Cho tới một hôm, sau khi nghe giảng về, giữa đường, Đại Ca Diếp nhìn thấy Đức Phật Thích Ca ngồi dưới một tán cây cổ thụ.
******
3.
Lập tức, Đại Ca Diếp thấy như có một sức hút kỳ lạ, ông vội quỳ xuống xin bái Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni làm thầy. Phật Thích Ca lúc này mới nói: Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều.
******
V/ CHỨNG QUẢ A LA HÁN
1.
Đến ngày thứ tám, kể từ khi gia nhập đạo Phật, Ma Ha Ca Diếp đắc quả A La Hán, một phẩm Thánh cao nhất, đã giải thoát ông khỏi mọi phiền não thô thiển lẫn vi tế.
A La Hán hay La Hán, có nghĩa là người xứng đáng, người hoàn hảo. Theo Phật Giáo nguyên thủy (Theravada), thì vị A La Hán là những người đã đạt tới Niết Bàn, thoát khỏi hoàn toàn luân hồi. A La Hán khi còn sống, thì gọi là Hữu Dư Niết bàn. A La Hán khi đã viên tịch thì gọi là nhập Vô Dư Niết Bàn.
******
2.
Rất lâu sau, trong một cuộc nói chuyện với A Nan Đà, Ma Ha Ca Diếp đã thuật lại giai đoạn vỡ lòng tu Phật của ngài như sau: Bảy ngày đầu, bần đạo thọ dụng sự cúng dường của chư tín thí mà thân tâm chưa được giải thoát. Qua tới ngày thứ tám, Thánh Quả A La Hán mới hiện hữu trong tâm.
******
VI/ NHẬP ĐỊNH
1.
Khi Đức Phật nhập diệt đã trên hai mươi năm và ngài Đại Ca Diếp cũng đã ngoài trăm tuổi, tuy trí tuệ sáng suốt nhưng sắc thân tứ đại của ngài thì cũng đã mỏi mòn theo năm tháng. Ngài biết không còn bao lâu nữa thì mình sẽ nhập diệt, nên cố gắng củng cố Tăng Đoàn và giao phó cho người thừa kế để khỏi phụ lòng của Đức Phật. Ngài đến nơi A Nan đang hoằng pháp, phó chúc pháp tạng và yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng lãnh đạo Tăng Đoàn. Đây là một trách nhiệm rất quan trọng cho sự hưng thịnh của Phật Giáo ngày sau, ngoài A Nan ra, thì không ai có thể đảm đương nổi.
******
2.
Ngài Đại Ca Diếp nhập định năm 496 TCN, tại núi Kê Túc, chờ ngày Đức Di Lặc hạ sanh, để có thể truyền lại Y Pháp của Đức Phật Thích Ca cho Đức Di Lặc.
******
B/ THÍCH MINH TUỆ
I/ TIỂU SỬ
1.
Thích Minh Tuệ sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh, tên khai sinh là Lê Anh Tú, là một tu sĩ Phật giáo người Việt Nam. Từng có thời gian ngắn tu tại chùa sau khi từ bỏ công việc địa chính viên.
Thích Minh Tuệ quyết định tập học theo lời Phật dạy bằng cách giữ mười ba Hạnh Đầu Đà theo Phật Giáo Thượng Tọa Bộ và bộ hành khất thực khắp đất nước trong nhiều năm.
2.
Đến năm 2024, hành trình của ông gây nên sự chú ý, thu hút hàng nghìn người đến tìm gặp và có lúc lên đến hàng trăm người theo chân ông, dẫn tới nhiều xáo trộn xã hội, đồng thời biến ông trở thành một nhân vật nổi tiếng ngoài ý muốn.
Phương pháp tu tập của ông đã gây tranh cãi trong giới tu hành Việt Nam. Nhiều người tán thán đức tu khổ hạnh của ông, song cũng có ý kiến cho rằng, ông đang vô tình gây chia rẽ tôn giáo.
3.
Tính chính danh của ông cũng là đề tài được bàn tán rộng rãi. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận gọi ông là tu sĩ Phật Giáo. Ngược lại, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất công nhận điều này và khen ngợi ông hội đủ phẩm hạnh cho danh xưng đó.
Đồng tình với việc gọi Thích Minh Tuệ là tu sĩ, dù chính ông không tự nhận mình như thế, các nhà quan sát nhận định việc đánh giá một cá nhân có phải là tu sĩ hay không, không phụ thuộc vào sự đồng ý của bất kỳ tổ chức nào.
******
II/ XUẤT THÂN
1.
Lê Anh Tú sinh tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con thứ hai trong một gia đình có bốn người con. Năm 1994, ông cùng gia đình chuyển đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sinh
sống. Theo lời Lê Xuân, cha của ông, lúc nhỏ, Lê Anh Tú là người hiền lành, hiếu thảo, học lực khá nên được mọi người quý mến.
2.
Học hết phổ thông trung học, ông Lê Anh Tú đi nghĩa vụ quân sự khoảng ba năm. Xuất ngũ, ông theo học trường trung cấp Lâm Nghiệp Tây Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, ông làm địa chính viên cho một công ty tư nhân. Ông đọc sách về Phật pháp trong thời gian này và thực hành ăn chay, tu tại gia.
******
II/ XUẤT GIA
1.
Năm 2015, ông quyết định xuất gia, lấy pháp hiệu là Thích Minh Tuệ và từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa. Năm 2017, ông không còn liên lạc với gia đình. Từ năm 2018 đến năm 2023, sư Thích Minh Tuệ đã ba lần đi bộ từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam và chiều ngược lại theo hình thức thực hành tu tập mười ba Hạnh đầu Đà. Những lần bộ hành này diễn ra thuận lợi trong thầm lặng. Thời gian đầu, đôi lúc mệt, sư phải di chuyển bằng xe khách. Từ năm 2020 trở đi, sư bộ hành tuyệt đối, chỉ di chuyển bằng đường thủy khi phải đi đò qua sông. Sư đã đi bộ qua gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trừ một số tỉnh phía Nam không nằm trên trục đường chính.
2.
Năm 2024 là lần thứ tư, sư đi bộ, xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa lên Cao Bằng, Hà Giang rồi quay ngược về. Hành trình quay về này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người theo sư bộ hành. Sư chỉ ăn cơm chay một bữa vào sáng sớm nhờ bố thí và từ buổi trưa trở đi, sư sẽ không nhận thức ăn, nước uống. Sư tắm rửa ở sông suối hoặc xin nhờ các trạm xăng trên đường. Y phục của sư là những tấm vải nhặt được ở nghĩa địa hoặc dọc đường rồi chắp vá lại. Sư cũng không sử dụng điện thoại. Nét đặc biệt ở sư là không tự xưng mình bằng thầy hay xưng tôi mà chỉ xưng con với tất cả mọi người. Điều này được cho là đúng với tinh thần của triết lý vô ngã.
3.
Sư chưa từng nhận mình là tu sĩ. Sư cho biết, con cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì khẳng định sư không phải là tu sĩ Phật Giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tu viện nào thuộc giáo hội này. Ngược lại, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất công nhận sư đúng là một tu sĩ Phật Giáo mà không cần phải theo giáo hội hay tổ chức nào.
******
4.
Đầu tháng 06. 2024, khi đi ngang qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, Thích Minh Tuệ dừng bộ hành. Theo Ban Tôn Giáo Chính Phủ thì sư tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. Thích Minh Tuệ được lực lượng chức năng đưa về tỉnh Gia Lai để tiến hành lấy dấu vân tay làm căn cước công dân cho sư. Đoàn khất sĩ bị giải tán ngay trong đêm gần thành phố Huế.
******
5.
Trong bản tin thời sự tối của đài truyền hình Việt Nam phát sóng vào ngày 08.06, Thích Minh Tuệ cho biết sức khỏe và tinh thần của mình vẫn tốt. Được phóng viên phỏng vấn, sư bày tỏ mong muốn mọi người sẽ không tập trung lại, khi thấy sư đi ra đường, vì như thế sẽ khiến sư không tu học được nữa. Trong bản tin tiếp theo ngày 09.06, Thích Minh Tuệ cho biết đã lên một số kế hoạch về việc tu tập của mình. Sư chia sẻ, chỉ khi người dân không tụ tập đông, đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thì sư mới tiếp tục bộ hành; nếu không, sư sẽ chỉ an trú một nơi nhất định rồi khất thực quanh đó.
******
6.
Công an tỉnh Gia Lai ngày 10.06 đã đăng một video phỏng vấn Thích Minh Tuệ sau khi sư nhận thẻ căn cước và báo Người Lao Động cũng đã phỏng vấn trực tiếp sư vào chiều hôm đó. Trong các cuộc phỏng vấn, sư nêu lý do tạm dừng bộ hành là nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh việc tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đồng thời chia sẻ dự định tiếp tục đi khất thực theo lời Phật dạy.
******
IV/ SỨC ẢNH HƯỞNG
Mang hình ảnh một người vô danh tự nhận đang tập học theo lời Phật dạy và đầu trần, chân đất đi bộ khắp đất nước, Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng mạng tại Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho đức tu khổ hạnh từ bỏ vật chất, khiến hàng nghìn người từ khắp nơi đến tìm gặp sư. Một số cá nhân tôn sùng sư như Đức Phật tái thế, hoặc gợi nhớ đến hình ảnh Đức Phật ngày xưa. Có người còn sử dụng hình ảnh của sư đăng lên các trang mạng xã hội với mục đích tăng tương tác để kinh doanh trực tuyến. Thậm chí, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội xuất hiện những mẫu quần áo và phụ kiện được thiết kế theo màu sắc trang phục của sư. Việc sinh hoạt cá nhân của sư như ngủ, tắm, vệ sinh cũng bị làm phiền.
******
V/ ĐÁNH GIÁ
1.
Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Liêm nhận xét việc khất thực của các nhà sư Phật Giáo từ xưa đến nay không phải việc lạ nên ông cũng xem chuyện bộ hành của Thích Minh Tuệ là điều bình thường.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà gửi bài cho BBC News bình luận rằng việc theo dõi hành trình của Thích Minh Tuệ đã trở thành thói quen thường ngày của không ít người Việt Nam, song cũng cho rằng sư đang phải bất đắc dĩ vào vai trụ trì của ngôi chùa di động. Hãng tin này nhấn mạnh thêm, chính những lời nói chân chất, mộc mạc của Thích Minh Tuệ là điểm thu hút công chúng, cho dù sư không có những bài thuyết pháp cao thâm.
******
2.
Việc bộ hành khổ tu của ông cũng gây ra nhiều luồng quan điểm về tính chính thống trong phương pháp tu học. Báo Tiền Phong nhận xét Thích Minh Tuệ tu theo đường lối nguyên thủy nhưng lại không thuộc về giáo hội hay ngôi chùa nào, và đánh giá con đường ông đã và đang chọn thuộc loại gian khổ nhất.
Thượng tọa Thích Minh Đạo đánh giá hình ảnh Thích Minh Tuệ lặng lẽ hành đạo đã làm cho Phật Giáo Việt Nam sống lại trong lòng của Phật tử năm châu, đồng thời gọi ông là hiện diện của Ma Ha Ca Diếp, một trong mười đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trọn đời tu theo Hạnh Đầu Đà.
Nhà báo Cù Mai Công ca ngợi cách tu của ông là sự buông bỏ của một ý chí kiên cường đến không thể tin nổi.
******
3.
Tiến sĩ Hoàng Văn Chung, Trưởng Phòng Nghiên cứu Lý Luận Và Chính Sách Tôn Giáo thuộc Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo nêu quan điểm: Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật Giáo, thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo Hội Phật Giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật Giáo. Phật Giáo không phải của riêng ai.
******
C/ SƯ MINH TUỆ
I/
Tôi gọi sư Minh Tuệ là sư, là thầy, là ngài, vì thứ nhứt, hiện nay, khắp nơi, mọi người đều gọi sư là như vậy. Thứ nhì, tôi dựa vào những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy về ngài trên các phương tiện truyền thông. Thứ ba, tôi dựa vào những lập luận rất thuyết phục trên các trang mạng, tỉ dụ như của bạn
Terry Lee như sau:
Thích Minh Tuệ có phải là sư không? Câu trả lời đơn giản là có. Không phải cứ gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mới là sư. Các sư và ni trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đâu có gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không lẽ họ không là sư? Mà nếu xét cho cùng, theo giáo lý của Phật Thích Ca, thì pháp cũng còn là giả, huống gì danh.
Cũng tại đây, bạn cho biết thêm ý kiến của mình:
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), tên thật là Trần Tung, anh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh vợ của vua Trần Thánh Tông, tức là cậu (người Bắc gọi là bác) của vua Trần Nhân Tông.
Ngài suốt đời không đi tu, vẫn có vợ con, nhưng là bậc giác ngộ, là người hướng dẫn cho vua Trần Nhân Tông cách tu Hạnh Đầu Đà để sau này vua từ ngôi, đi tu, đắc đạo và sáng lập phái thiền Trúc Lâm mang bản sắc Việt Nam.
Sau này, khi đề cập tới những lời Thượng Sĩ giảng đạo, đàm đạo hay đối thoại trong Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ tập, mọi người đều gọi ngài là Thiền Sư, dù ngài không hề xuất gia.
Và Hòa Thượng Tuệ Sỹ tự đặt pháp hiệu cho mình là Tuệ Sỹ cũng là do muốn noi gương ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đó.
******
II/
Nếu tình hình không khá hơn, ngài buộc phải chọn lựa phương pháp ẩn tu, cũng có nghĩa là, ngài sẽ không được tiếp tục theo đuổi mười ba Pháp Đầu Đà mà ngài đã hạnh nguyện từ ngày xuất gia. Điều này, khiến rất nhiều người hâm mộ và kính trọng ngài, trong đó có tôi, cảm thấy buồn và nuối tiếc.
Không biết những ngày tới sẽ là gì nữa đây, với một con người gầy gò mà quyết liệt, nhỏ bé mà kiên trì, đơn độc mà thành tâm chí nguyện.
Lúc ngài đi, lúc ngài ngồi, luôn thẳng thớm, kín đáo. Lúc ngài nói chuyện, trả lời thì từ tốn, ân cần. Ngôn ngữ ngài dùng thì đơn giản, dễ hiểu. Mắt ngài trong veo, có chút băn khoăn khi số người hâm mộ, ngưỡng vọng theo quá đông, nhưng luôn nhìn thẳng. Khi đối diện với nhà chức trách, khuôn mặt ngài thoáng nét ưu tư, nhưng khi ngài đi hoặc dừng lại nghỉ với các khất sĩ khác, hoặc trả lời các câu hỏi phỏng vấn của người chung quanh, ngài rất hân hoan, và thậm chí hay cười.
Chứng kiến ngài vui vẻ đổi nồi cơm điện, vui vẻ từ chối những thức cúng dường lúc đã quá giờ thọ thực, lòng tôi dấy lên một niềm tin.
Tin rằng, ngài chính là bậc minh sư của Phật Giáo.
Cầu xin Phật Trời độ trì cho ngài Minh Tuệ hoàn thành nguyện ước.
-----------------------
Sài Gòn 14.06.2024
phạm hiền mây