I/ TỪ TAM Y NHẤT BÁT
Y bát đã có từ thời Đức Phật. Y bát là biểu trưng cho sự giải thoát, xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo.
Theo bộ Phật Sử, sau lễ trà tỳ tại Câu Thi Na, xá lợi của Đức Phật được sứ giả tám nước mang về xây tháp cúng dường. Những vật tùy thân khác của ngài được đưa về thờ ở nhiều nơi khác nhau như bình bát và tích trượng ở Vajira, ở Kusahara, thắt lưng ở Patliputra, y tắm ở Camp, Pháp y ở cung trời Phạm Thiên Vương.
Cùng với y, bình bát của Đức Phật cũng được xem như xá lợi của Đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật.
******
II/ Y PHẤN TẢO, Y BÁ NẠP
Theo kinh Bổn Sanh, sau khi vượt thành xuất gia, Thái tử Sĩ Đạt Đa nghĩ rằng bộ y phục sang trọng may bằng lụa xứ Ba La Nại, mà mình đang mặc, chẳng hợp với những ai đang vân du khắp nơi, để tầm cầu chân lý. Vì thế Thái tử đã đổi nó để nhận một bộ y phục nhạt màu từ một người thợ săn (vốn là hoá thân của Phạm Thiên Vương ở cõi Trời Sắc Giới). Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y Phấn Tảo hay y Bá Nạp (loại y được may từ những mảnh vải rách, lượm từ đống rác hay nghĩa địa, được giặt sạch) trong Tăng đoàn.
Lần nọ, Đức Phật đến thăm lúc Tôn Giả đang ở dưới một gốc cây, Tôn Giả bèn gấp y Tăng Già Lê của mình và thỉnh Đức Phật ngồi lên tấm y đó. Khi nghe Đức Phật khen tấm y mềm mại, Tôn Giả thành tâm xin được cúng dường tấm y của mình cho Đức Phật, và mong được thọ trì y Phấn Tảo mà Đức Phật đang dùng. Đức Phật biết Tôn Giả đang cần y Phấn Tảo để thực hành Hạnh Đầu Đà nên Ngài hứa khả. Sau khi nhận được y, Tôn Giả đã sử dụng nó cho đến cuối đời mình.
Trước khi nhập diệt ba tháng, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù triệu tập đại chúng tại đạo tràng. Khi hội chúng đã vân tập, Đức Phật bèn kể rằng, sau khi vượt thành xuất gia và đổi y phục cho một người thợ săn, ngài được một vị thần dâng lên y Tăng Già Lê của Đức Phật Ca Diếp theo như lời phó chúc của đức Ca Diếp. Sau ngày thành đạo, Đức Phật đã thọ trì và giữ gìn tấm y này một cách cẩn thận suốt năm mươi năm.
******
III/ KHẤT THỰC VÀ BÌNH BÁT
1. BÀI THI KỆ
Hòa Thượng Bố Đại, một thiền sư Trung Quốc ở thế kỷ X, là hiện thân của Phật Di Lặc, từng viết bài kệ về chiếc bình bát như sau:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Thanh mục đổ nhân thiểu
Vấn lộ bạch vân đầu
Dịch nghĩa:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem trần thế
Mây trắng hỏi đường qua
******
2. KHẤT THỰC LÀ XIN ĂN
Khất thực, đối với các đệ tử xuất gia, là cách nuôi thân một cách chân chính. Ăn trở thành phương tiện để nuôi sống thân tứ đại, đặng tu hành giải thoát.
Khất thực nhắc nhở nhà sư phải biết ơn xã hội. Tự xét mình mà siêng năng, tu học, giữ gìn tịnh hạnh, để duy trì đạo đức, góp phần xây dựng hạnh phúc cho xã hội.
Khất thực còn gọi là bình bát, trì bát; là pháp khí, ứng lượng khí của người tu hành. Chữ bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát có thể làm bằng sành, đất sét nung, kẽm, inox. Không dùng bát bằng vàng, bạc, đồng, gỗ và không chạm trổ lòe loẹt. Có thể có giá đỡ hoặc không. Có thể có nắp đậy hoặc không.
Khất thực diễn ra vào buổi sáng khoảng từ 8 giờ đến trước 11 giờ, thọ thực trước 12 giờ trưa. Chư Tăng Nam Tông, chỉ ăn ngày một bữa trưa hay còn gọi là ăn Ngọ, sau đó không ăn gì nữa. Khi thọ thực xong, bình bát phải được rửa sạch sẽ.
Các Tỳ Kheo đi một mình hay từng nhóm, theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chủng tộc. Không đi vào chỗ đông người, chen lấn. Mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà. Ngoài những thực phẩm nấu chín, còn có thể cúng dường các vật dụng khác. Không nhận tiền bạc, gạo thóc.
Khất thực, không phân biệt thực phẩm là chay hay mặn, ngon hay dở, nhiều hay ít và người dâng cúng thực phẩm đó là ai. Tất cả đều thuận theo hai chữ tùy duyên.
Khất thực đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn. Tập được tính khiêm cung, bình thản, tự tại, khẩu và ý thanh tịnh. Nếu gặp phải kẻ chê bai, chỉ trích, nhà sư cũng cam chịu với lòng nhẫn nại và thứ tha. Nhờ đó mà lòng sân nộ, tự ái, không có cơ phát khởi.
Khất thực biểu trưng cho sự thực hành hạnh xả bỏ bản ngã và thể hiện tấm lòng từ bi, bình đẳng, hướng đến với mọi người. Đoạn trừ lòng tham, tránh xa sự sung sướng thái quá. Bình thản chịu đựng mọi lời dèm pha, nhẫn nại với nắng chan, đá cứng.
Khất thực là thiền hành, với những bước chân nhẹ nhàng, khởi niệm từ tâm, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh luôn được an vui, được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người.
Khất thực tạo cơ duyên cho người bố thí thiện nghiệp, tạo phước duyên cho họ, ai cũng có thể tạo lập công đức. Tạo cơ duyên giáo hóa chúng sanh, phước báo vô lượng, mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này.
Khất thực nêu gương sống giản dị, làm cho người đời bớt tham đắm của cải. Khi nhìn thấy và cảm nhận sự thanh tịnh trong tâm của các tu sĩ, người đời sẽ chế tác nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị hành khất.
******
3. BÌNH BÁT HUYỀN THOẠI CỦA ĐỨC PHẬT
Hiện vật được cho là chiếc bát khất thực đang được lưu giữ tại bảo tàng Quốc gia Kabul.
Theo Cunningham, Đức Phật đã tặng chiếc bát cho người dân của nước Cộng hòa Lich Chavis, khi ngài từ biệt họ lần cuối cùng tại thành phố cổ trên biên giới phía bắc, nơi mà Cunningham xác định là Kesariya, ba mươi dặm về phía tây bắc Vaishali.
Đức Phật đã đi đến Kushinagar, nơi ngài nhập Niết Bàn sau đó, và chiếc bát này đã được tặng cho người dân Vaishali, đã từ lâu đồng hành cùng Đức Phật ở khắp mọi nơi.
Cao tăng Trung Quốc là Pháp Hiền và Huyền Trang cũng đã đề cập đến chiếc bát khổng lồ này, trong đó có nhiều câu chuyện thần thoại xoay quanh nguồn gốc của nó. Chiếc bát được đặt trong một tu viện ở Vaishali nơi những người nông dân và người trồng trái cây đã đặt những quả ngọt đầu tiên trong mùa. Bát đã ở lại đây trong năm thế kỷ tiếp theo đó.
Đến thế kỷ mười sáu, nhà sư, học giả người Tây Tạng Taranath đã đề cập đến vụ tấn công của vua Kushan Kanishka vào Pataliputra trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Người ta nói rằng Kanishka đã đánh bại vua Pataliputra nhưng đã rời khỏi thành phố với việc vua của Pataliputra đồng ý giao học giả Phật giáo nổi tiếng đồng thời là nhà biện chứng Ashvagosha cùng với chiếc bát của Đức Phật.
Kanishka đã mang cả hai đến kinh đô Purushpur của mình (ngày nay là Peshawar thuộc Pakistan), nơi ông đã đặt chiếc bát thiêng trong một tu viện và biến Ashvagosha thành người hướng dẫn tinh thần của mình.
Nhiều khách hành hương Trung Quốc cho biết đã nhìn thấy chiếc bát khổng lồ ở Purushpur giữa thế kỷ thứ ba và thứ chín.
Theo thời gian, Hồi giáo thay thế Phật giáo và bằng cách nào đó các câu kinh Koran đã được ghi trên chiếc bát, có lẽ đó là khoảng thời gian của Mahmud Ghazni trong thế kỷ mười một.
Những câu thơ đã giữ gìn kiệt tác này khỏi bất kỳ thiệt hại nào trong tất cả các cuộc chiến tranh tôn giáo trong tương lai. Thông qua sự cai trị của nhà cầm quyền Hồi giáo, các câu kinh Koran đã bảo tồn chiếc bát và bát đã được mọi người đối xử một cách tôn trọng. Mãi cho đến một vài thập kỷ trước, nó đã được lưu giữ tại nhà thờ Hồi giáo Jamia ở Kandahar và sử dụng để chứa nước và wazu (dùng để rửa tay và chân của một người trước khi dâng lễ).
Vào cuối những năm 1980, trong cuộc nội chiến của Afghanistan, Tổng thống Najibullah đã đưa chiếc bát đến bảo tàng quốc gia của Kabul. Khi Taliban lên nắm quyền và bắt đầu phá hủy tất cả các đồ tạo tác không thuộc Hồi giáo, câu kinh Koran một lần nữa đã bảo tồn chiếc bát.
Ngày nay, chiếc bát được trưng bày ở lối vào của bảo tàng. Kỳ quan màu xanh đen huyền bí làm bằng đá rắn, đường kính khoảng 1,7 mét và độ dày của vành là 18cm, nặng 400kg. Bát được khắc hoa sen bên ngoài với độ bóng cao, đặc trưng của kiến trúc đá thời kỳ Maurya (thời vua A Dục). Chiếc bát được chứng thực bởi nhiều miêu tả của nó trong nghệ thuật Gandhara, thường được hiển thị trên các bệ tượng Phật.
Theo chuyện kể về Đức Phật, Trời Tứ Thiên Vương đã cúng dường chiếc bát ấy lên Ngài. Đức Phật đã giữ nó trong tay, trong tư thế ngồi hoặc đứng. Đôi khi, nó được đặt trên tòa ngồi dưới một tán cây và được các Phật tử đảnh lễ.
******
III/ TU MƯỜI BA HẠNH ĐẦU ĐÀ
A.
Hạnh Đầu Đà (dhutanga) là một trong những phương pháp tu khổ hạnh của hệ phái thượng tọa bộ của Phật giáo Nam Tông: tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần. Người tu theo Hạnh Đầu Đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở.
Thái Tử Tất Đạt Đa (sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) từ bỏ chức vị Thái Tử, rời bỏ hoàng gia và lối sống xa hoa, để trở thành tu sĩ.
Ngài đã bỏ ra năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh: hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, ngày ăn một hạt đỗ hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói, đến mức thân thể tiều tụy, thậm chí suýt chết.
Ngài quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tránh xa hai cực đoan dục lạc và khổ hạnh. Tuy vậy, những ai kham nhẫn được với sự thanh bần, thực hành Hạnh Đầu Đà, vẫn được Đức Phật tán dương. Đức Phật luôn khuyến khích các Tỳ Kheo thực hành mười ba Hạnh Đầu Đà.
******
B.
Mười ba Hạnh Đầu Đà bao gồm:
1.
Hạnh Phấn Tảo y: Là loại y phục được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được, lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng. Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.
2.
Hạnh ba y: Vị tu sĩ tu Hạnh Đầu Đà chỉ có ba y, bao gồm thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới.
3.
Hạnh khất thực: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành Hạnh Đầu Đà, mang bình bát đi khất thực để nuôi sống mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực.
4.
Hạnh khất thực từng nhà: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự.
5.
Hạnh nhất tọa thực: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy, thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn.
6.
Hạnh ăn bằng bình bát: Chỉ ăn những gì đã xin được trong bát, không nhận thêm bát thứ hai.
7.
Hạnh không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư cho ngày hôm sau.
8.
Hạnh ở trong rừng.
9.
Hạnh ở dưới gốc cây.
10.
Hạnh ở ngoài trời.
11.
Hạnh ở nghĩa địa.
12.
Hạnh nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành Hạnh Đầu Đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây.
13.
Hạnh ngồi ngủ: Không được nằm khi ngủ.
******
C.
Thực hành mười ba pháp Đầu Đà, không chỉ là khổ hạnh, mà còn mang lại những lợi ích to lớn cho người tu tập, cụ thể:
Phát triển hai mươi tám đức tính siêu việt, bao gồm: nuôi mạng trong sạch, sống an lạc hạnh phúc, không tạo tội lỗi, giảm khổ cho người khác, không sợ hãi, không tổn hại ai, tinh tấn trên lộ trình tiến hóa, xa lìa khoe khoang, si mê, giữ gìn bản thân, được mọi người yêu mến, giáo hóa bản thân, buông bỏ tranh đấu, rèn luyện thu thúc, thực hành đúng đắn, đạt được sự vắng lặng, thoát khỏi phiền não, từ bỏ luyến ái, sân hận, si mê, diệt trừ ngã chấp, tư duy xấu xa, vượt qua hoài nghi, lười biếng, tương tư, rèn luyện nhẫn nhục, độ lượng vô biên và diệt trừ khổ đau.
Nếu chưa đạt được hai mươi tám đức tính trên, người tu tập vẫn có thể đạt được mười tám đức tính khác như: hạnh kiểm thuần khiết, bảo vệ thân khẩu ý, tâm trong sạch, tinh tấn không ngừng, dứt trừ lo sợ, ngã kiến, oán kết, trú vững trong từ bi, biết đủ trong vật thực, thương yêu bình đẳng, tiết độ, tỉnh thức, không lưu luyến, an lạc ở mọi nơi, ghét bỏ điều ác, yêu thích thanh vắng và không dễ buông xuôi.
Sinh ra nhiều thiện pháp: Mười ba pháp Đầu Đà được ví như đất, nước, lửa, gió, thuốc và nước trường sinh, có khả năng nuôi dưỡng thiện pháp, rửa sạch cấu uế, thiêu đốt phiền não, thổi bay khí vị trần tục, chữa lành tâm bệnh và mang đến sự bất tử. Không chỉ vậy, pháp Đầu Đà còn giúp hoàn thiện nhân cách, mang đến tình thương yêu, sự trong sạch, đức hạnh viên mãn, tâm thái cao thượng, dứt trừ ưu phiền và ngăn chặn tái sinh luân hồi.
Thực hành pháp Đầu Đà không dễ. Pháp đòi hỏi người tu tập phải hội nhiều yếu tố cả về tâm linh lẫn thể chất:
1.
Đức tin lớn - niềm tin vững chắc vào Phật pháp là nền tảng để vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình tu tập.
2.
Tâm hổ thẹn - sự hổ thẹn với những lỗi lầm, sai trái của bản thân là động lực để thay đổi và hoàn thiện mình.
3.
Sức khỏe tốt: Thể chất khỏe mạnh là điều kiện cần thiết để thực hiện mười ba Hạnh Đầu Đà khắc nghiệt.
4.
Thuần thục tìm kiếm chân lý: Khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác và luôn hướng tới chân lý là yếu tố quan trọng để không bị lạc lối trên con đường tu tập.
5.
Nhiệt tình và chín chắn: Sự nhiệt huyết và chín chắn giúp người tu tập duy trì sự tinh tấn, không nản lòng trước khó khăn.
6.
Trí tuệ: Giúp thấu hiểu giáo lý, phân tích và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
7.
Ham học hỏi và có kiến thức: Giúp người tu tập hiểu rõ hơn về Phật pháp và áp dụng vào thực hành.
8.
Thọ trì kiên định: Sự kiên định, không dao động trước những cám dỗ, thử thách là yếu tố quyết định để đi đến thành công trên con đường tu tập.
9.
Không tìm lỗi người khác: Thay vì tập trung vào lỗi lầm của người khác, người tu tập nên tập trung vào việc hoàn thiện bản thân.
10.
An trú trong tâm từ bi: Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động thiện lành, giúp người tu tập đối xử với mọi người và vạn vật bằng tình yêu thương, không phân biệt.
******
IV/ ĐẾN Y PHẤN TẢO VÀ NỒI CƠM ĐIỆN CỦA SƯ MINH TUỆ
Mahakassapa: tức Tôn Giả Ca Diếp, một trong mười hai đệ tử của Thích Ca Mâu Ni, được tôn phong là Đầu Đà Đệ Nhất.
Thích Minh Tuệ: một nhà sư người Việt Nam, bắt đầu bộ hành khắp đất nước của mình từ năm 2018, để tu tập mười ba Hạnh Đầu Đà.
******
BƯỚC CHÂN MINH TUỆ
Hạnh Đầu Đà luyện công phu
Nguyện đi theo Phật khổ tu giữ lời
Khoác y phấn tảo giữa đời
Bước chân Minh Tuệ dưới trời thiên thanh
Phật ôm bát đá màu xanh
Nồi cơm Minh Tuệ chúng sanh nẻo về.
---------------------------
Sài Gòn 08.06.2024
phạm hiền mây