1.
Khi gặp người cúng dường đầu tiên trong phim, sư nói: À thôi, có tấm lòng tốt là được rồi. Cảm ơn tấm lòng tốt nhỉ. A Di Đà Phật.
2.
Gặp người thứ hai cúng dường, một nữ nhơn trên xe, ngang qua, sư đưa tay lên ngực: Con không lấy tiền. Có tấm lòng tốt là được nhỉ. Con không lấy tiền đâu.
3.
Gặp người thứ ba, một nam nhơn trên xe, họ đòi: Nào, bắt tay cái nào, khỏe mạnh nha. Sư trả lời: Vâng. A Di Đà Phật.
4.
Gặp người thứ tư, một nam nhơn trẻ, đeo kiếng cận: Chúc thầy sức khỏe nha. Dạ.
5.
Tiếng Thầy ơi vọng lên từ phía sau, một nam nhơn trẻ, chạy vội từ trong nhà bên đường ra, cúi đầu, cười tươi, lễ độ.
6.
Con có bánh thôi, không có tiền, một nam nhơn tròn trịa, lấy từ trong bọc ra, nhét vào nồi cơm của sư, sư lùi một bước, kiểu như, không biết nam nhơn đã bỏ gì vào nồi cơm của mình. Nam nhơn phân trần: Con gặp sư từ hôm qua, nhưng hôm qua vội quá, con không dừng được. Sư lùi thêm một bước. Nam nhơn giúi vào nồi, chai nước suối, miệng nói, đây, con gửi sư hộp bánh, rồi móc hộp bánh ra. Sư vội vã đưa tay lên ngực: À, bánh thì thôi, không dùng được, kèm theo nụ cười tươi thiệt tươi. Nam nhơn tròn trịa phân trần: Con tận Thái Bình, vào đây, hơn 100km, nhưng giờ con lại phải đi rồi. Kiểu như than, con, lần đi lần khó, nên giúi tiếp nữa hộp bánh vào cái nồi của sư. Sư tiếp tục thụt lui, cười: À, bánh thì buổi sáng dùng rồi, giờ không dùng nữa. A Di Đà Phật. Anh tròn tròn gật đầu, cười, kiểu đành chịu, nên cái cười thành gượng, không tươi.
Sư đi đường sư, tròn đi đường tròn. Một nam nhơn trẻ khác, thấy sư đi tới, chắp tay vái sư.
7.
Lúc này, xuất hiện hai nam nhơn và hai nữ nhơn. Hai nam nhơn muốn chụp hình với sư. Sư bằng lòng: Nam Mô A Di Đà Phật. Rồi sư quẹo vô đường trong, ngồi nghỉ chưn, uống nước.
8.
Lại một nam nhơn trẻ, ngược chiều. Sư lại từ chối, câu quen thuộc: À, có rồi nhỉ. Nam Mô A Di Đà Phật. Bỗng có một giọng nữ, chen vô: Thầy không lấy bánh à?
9.
Sư nghỉ chưn nơi đồng vắng, trời lúc này đã chiều. Mặt sư nhìn thẳng. Người quay phim bên góc trái.
Sư: Mình là một người đường đường chính chính, mình tu hành.
Cameraman: Vâng.
Sư: Nên là, quay hay không quay, thì đối với mình cũng không có ngại ngùng, không có lo. Mà mình cũng nói với họ, mình là người tu hành, quay hay không, đối với con, cũng như nhau à.
Cameraman: Vâng.
Sư: Miễn sao mình thấy được niềm vui, thấy được hạnh phúc, thì mình thế nào cũng được, con vẫn cứ thoải mái, chẳng sao.
Cameraman: Vâng.
Sư: Con nghĩ, làm cho tất cả mọi người vui, thì con hạnh phúc. Mình phạm tội lỗi gì, thì mới sợ người khác quay phim, chụp hình.
Cameraman: Dạ vâng.
Sư: Con cũng muốn nói với mọi người, để khẳng định với mọi người, con là người tu hành, không lừa dối ai cả.
Cameraman: Vâng.
Sư: Để con giữ mình đừng ra đời nữa, cứ ở tu miết cho tới chết đi. Để tạo niềm tin cho bản thân với mọi người, ấy là được.
10.
Sư: Nói về vô thường, khổ, vô ngã, thì con cũng có học trong kinh, vô thường là đời sống thay đổi, phút chốc rồi già, chết.
Cameraman: Vâng.
Sư: Nói là vô thường nhưng cũng không vô thường, chớ không phải cái gì cũng vô thường hết. Như mọi người thấy đó, hư không này đâu có sanh diệt, đâu có thay đổi. Nó mãi thường hằng, thường còn. Mình hay có thói quen, nói, tất cả thế gian này đều vô thường. Không phải, có cái vô thường và có cái thường.
Cameraman: Nghĩa là tương đối ạ (!)
Sư: Mình tu hành để, từ cái vô thường, trở thành cái không vô thường, bất tử. Tu hành theo lời Phật dạy thì không khổ nữa. Tuy vậy, theo pháp hữu vi thì tất cả đều vô thường. Cây cối, sự sống, sự già, sự chết, tất cả đều vô thường. Con đã chứng nghiệm thấy, tất cả mọi người đều đi đến già, chết. Không ai sống mãi cả, thì đó chính là vô thường. Thực tế, con cũng sẽ già chết, mọi người cũng sẽ già chết. Để đạt được những cái không vô thường thì mình cần nỗ lực, cần tu hành theo Phật.
Cameraman: Đó là trung đạo ạ (!)
Sư: Đạt đến niết bàn rồi thì không còn vô thường nữa. Cho nên vô thường hay không vô thường thì cũng đều tồn tại, nên mình cũng sẽ không khẳng định, tất cả là vô thường, hay tất cả là không vô thường.
11.
Cameraman: Thế khổ thì sao ạ?
Sư: Dạ khổ thì đời này Đức Phật khẳng định có tám cái khổ: sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ. Những khổ này là hiển nhiên.
Cameraman: Đó là chân lý phải không ạ.
Sư: Dạ. Là chân lý nên không ai thay đổi được. Nỗi khổ là bất di bất dịch. Chết bệnh là khổ. Làm ăn mà thất bại, không kiếm được gì, là khổ. Yêu đương ai đó mà bị người ta bỏ mình, là khổ. Mình đã nghiệm ra, ở đời này là có sự khổ. Mình từng thấy, có người thành đạt, hạnh phúc nhưng vẫn không chống được sự già rồi chết, cũng rồi phải khổ, không ai thoát khỏi. Ngay cả khi không bị bệnh, thì đến già, vẫn phải chết. Đấy là sự hiển nhiên, không ai chống cự được. Sống bất tử là không có. Ngay cả già, cũng khổ. Già, không làm được gì nữa, nằm liệt chờ con cái cho ăn uống, là khổ.
Cameraman: Người đời thường hay động viên nhau là sống tích cực, vui vẻ. Nhưng thực ra, khi vui mất đi, thì sinh ra khổ.
Sư: Đúng rồi. Cuộc vui đó ngắn ngủi, không lâu bền, vui hôm nay, mai lại chia ly. Vô thường là khổ.
Cameraman: Gọi là nhìn thấu gốc rễ (!)
Sư: Kể cả khi thân này bị hoại đi, khổ. Chết đau đớn, khổ. Người thân biệt ly, yêu đương hay ái, đi chiến tranh chết, người thân bỏ đi, đều khổ.
Cameraman: Ái biệt ly khổ.
Sư: Vâng. Mình đang đi thế này, tự nhiên gặp kẻ thù tới, lo sợ họ đánh đập, họ chém giết, họ cướp bóc của mình, họ hại mình, lo bị chết, là khổ. Mình cầu xin mà không thành, cũng khổ. Ước muốn, ước mong, muốn tu thành cái này cái kia, làm ăn muốn đạt này đạt kia, chức to, quyền lợi, thất bại thì khổ. Nguyện cầu, ước nguyện, chẳng hạn như để trở thành người nổi tiếng, không được, là khổ. Tất cả đều do tham, ái, tham sân si gây ra cả.
12.
Cameraman: Thế vô ngã, theo thầy nó là thế nào?
Sư: À, vô ngã là không phải của mình. Ví dụ mình nói, cái thân này, đừng già nữa, nhưng mà hắn cũng tự già, hắn cũng tự chết. Nếu là của mình, thì mình nói, đừng có chết nữa, đừng có bệnh nữa, nhưng mà hắn không phải của mình, nên là mình nói không được, mình không điều chỉnh được, cái này thuộc về quy luật vô thường. Nó không phải của mình nên không điều chỉnh được.
Cameraman: Nó là do lục căn, lục trần phải không ạ?
Sư: Cái không thuộc về mình là vô ngã, mình không điều chỉnh được hành vi này. Giờ, nếu nói, cái thân này là của tôi, mình bảo nó, đừng già nữa, đừng chết nữa nhưng nó vẫn già, vẫn chết, nó không theo mình thì đó là vô ngã. Khi mình tu tập vượt qua cái ngã, thì thành vô ngã.
Cameraman: Ý con hỏi là, cái ngã từ đâu mà nó sanh ra?
Sư: Cái ngã này từ tham, sân, si mà sinh ra. Nếu hết tham, sân, si, thì nó không có ngã. Ngã mạn xuất hiện khi nói tôi hơn, tôi thua hoặc là tôi bằng. Ngã mạn còn gọi là tăng thượng mạn, tôi như thế này, tôi đẹp còn người kia xấu, yêu ghét, giận hờn, tất cả tham, sân, si ấy sinh ra ngã. Ngã này do chấp thủ, chấp thân, tôi là, thì khi đó, nếu mình vượt qua, thì không còn ngã nữa. Mình thành vô ngã.
Cameraman: Con đọc kinh Phật, có nói là cái ngã là do lục thức nó sinh ra.
Sư: Lục thức cũng nằm trong tham sân si cả. Khi lục căn, lục trần tiếp xúc với nhau, thì nó sinh ra tham sân si.
Cameraman: Vâng, đúng rồi ạ.
Sư: Một người, sống ở đời, cho dù lục căn, lục trần, tiếp xúc mà nó không khởi lên tham sân si, thì nó không có ngã. Tất cả đều do ái, thương ghét, yêu ghét ở trong đó rồi dẫn đến tham ái, tham sân hận lẫn nhau, rồi si mê trong đó rồi mới thành ra ngã mạn, cái ngã của mình. Tiêu diệt được tham sân si thì ngã mạn cũng bị tiêu diệt luôn.
Cameraman: Ngã là do cái tôi.
Sư: Ngã là do nguồn gốc từ vô minh mà sinh ra. Bản chất của vô minh là tham sân si.
Cameraman: Vô minh là không biết cái đấy phải không ạ.
Sư: Vâng, vô minh là không hiểu biết, không đường lối. Lý thuyết là như thế, nhưng mà tự mình thân chứng, kiểm nghiệm được, thấy được rõ như thế, mình mà làm được thì lại cả là một vấn đề. Phải đi theo tập học nhiều, buông bỏ, xả bỏ, thì khi đó mới thấu triệt được, mới đạt. Nãy giờ con nói, là nói theo kinh sách với sự hiểu biết của mình đấy.
Cameraman: Phải có thực hành phải không ạ.
Sư: Làm sao mình hiểu biết được, khi mình chỉ học qua kinh sách, khi mà mình chưa thực chứng được nó. Mình vẫn ở trong cái thường, ở trong cái vô thường, nhưng mà mình vẫn kiên trì, mình tập học, để khi mình thấy rõ bản chất của vô ngã, hoặc thấy rõ bản chất của tam pháp ấn ấy: vô thường, khổ, vô ngã. Thấy được rồi, thì mình không có, gọi là đạt đến cảnh giới niết bàn, giải thoát, không tham sân si nữa. Vâng, tham sân si gọi là nguyên nhân, gọi là Tập Đế. Thấy được như thế gọi là Đạo Đế.
Cameraman: Đạo Đế là gì ạ?
Sư: Đạo Đế là con đường đưa đến diệt khổ.
Cameraman: Có khổ đế, có tập đế, có đạo đế, có gì nữa ạ.
Sư: Là con đường đưa đến diệt vô thường, đưa đến diệt ngã, để trở thành cái không có ngã. Ở trên đời thì có cả khổ và không khổ.
Cameraman: Tứ Diệu Đế đấy ạ.
Sư: Có cả thường và vô thường. Có cả khổ và không khổ. Có cả ngã và vô ngã. Nó đi chung. Chớ không nói tất cả đều vô ngã, hay tất cả đều là không khổ.
Cameraman: Nó luôn có hai mặt đối lập của nó ạ.Mình đi vào giữa nó phải không ạ (!)
Sư: Khi mà người tu hành vượt qua khổ, tiêu diệt hết khổ, đạt đến niết bàn, thì khi đó không có sự khổ nữa, thì ở đó, không nói đến khổ, không có khổ ở đó. Nếu mình vẫn còn tham sân si, chưa tu thành đến cảnh giới niết bàn, thì mình vẫn còn khổ. Nhưng khi vượt qua khổ rồi, nó không có khổ nữa, không có khái niệm khổ. Ở đó, khái niệm vô thường, khổ, vô ngã, lại là sai, không đúng nữa, không phù hợp. Vâng, hư không thì nó gọi là vô tận. Vô tận, không biết được, không tới được. Hư không là bất biến, là thường hằng thường trú, là không có gì thay đổi được nó cả, nó không bị tiêu diệt, đó chính là hư không. Mình vượt qua cảnh giới này thì sẽ đến cảnh giới kia. Nếu mà mình còn khổ, khi vượt qua khổ, sẽ thấy không còn khổ nữa nên nói là có cả không khổ và có cả khổ. Nếu mà một A La Hán mà nói tôi còn khổ thì không phải, A La Hán là phải hết khổ rồi, diệt khổ rồi. Tam Pháp ấn là như thế.
Cameraman: A La Hán được hiểu như là tâm giống tâm Phật đúng không ạ.
Sư: Vâng, A La Hán không có tham sân si, lậu đã tận, phẩm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa.
Cameraman: Gọi là A La Hán bởi vì là phải nương nhờ pháp của Phật mới đạt được tâm ấy. Còn Phật là tự giác ngộ.
Sư: Vâng, đó là đệ tử của Phật, gọi là A La Hán. Trong kinh sách thì gọi là hàng thanh văn. Còn Độc Giác Phật thì lại là khác nữa. Tự mình tu hành, tự mình giác ngộ nhưng chưa đạt đến ngôi vị chánh đẳng giác.
Cameraman: Chánh đẳng giác nghĩa là gì ạ.
Sư: Là toàn giác. Cái gì cũng thấy, biết hết. Là tột cùng, tối thượng, hết cỡ, hết mức, cuối cùng của trí tuệ, trí tuệ viên mãn, giới luật viên mãn, thiền định viên mãn, thấu triệt hết tất cả mọi cái, là chánh đẳng giác, không có cái gì là không hiểu biết cả.
Cameraman: Độc giác thì vẫn còn giới hạn của nó ạ.
Sư: Vâng. Vẫn giới hạn, vẫn còn chưa biết một số nhưng ở mức cao hơn Thanh Văn.
13.
Trời về chiều, chỗ sư ngồi, trống trải, tịnh yên và êm mát.
Sư lại tiếp tục đi. Lần này, sư gặp một nữ nhơn lái chiếc xe chở đầy hàng hóa. Nữ nhơn đưa ra một ly trà sữa, nói, nước ạ, chắc là nàng mua cho mình dùng, nhưng thấy sư, họ dâng lên sư luôn. Sư trả lời: Nhưng mà cái này, buổi sớm con mới dùng. Buổi chiều không dùng nữa. Nữ nhơn hỏi lại, lễ độ: Buổi chiều không dùng ạ. Sư vui vẻ: Hữu duyên buổi sớm gặp thì bố thí được.
Xe nam nhơn thứ hai trờ tới, sau khi nghe màn đối đáp giữa sư và nữ nhơn, nam nhơn mở cốp xe, lấy ra lon nước ngọt. Sư cười: À, buổi chiều không dùng nước ngọt. Buổi sớm gặp thì cho được. Vâng, được rồi, cảm ơn. Sư đưa tay lên ngực: Nam Mô A Di Đà Phật. Con cảm ơn tấm lòng tốt. Nam nhơn móc bóp ra. Sư vội vàng: À không, tiền không nhận.
Nữ nhơn thứ ba trờ tới: Nhưng mà chung quanh đây không có cái gì luôn ấy, không lấy cái gì luôn ấy, ăn có một bữa thôi. Sư trả lời: Buổi chiều, nước ngọt không dùng được. Cảm ơn tấm lòng. Tấm lòng tốt là được rồi. Dạ, Nam Mô A Di Đà Phật.
Cả ba nam, nữ nhơn này, ánh mắt ai cũng lộ vẻ từ bi.
14.
Sư lại đi. Lần này, sư gặp một thanh thiếu niên, đeo mắt kiếng cận. Chàng nhí thổ lộ: Quay tik tok cái nhé. Thế là sư dừng lại, vui vẻ: Nam Mô A Di Đà Phật.
15.
Người tiếp theo là một nam nhơn chững chạc. Nam nhơn cầm một túi bánh, nói qua nói lại gì đó nhưng không nghe, vì đường toàn tiếng xe. Cuối cùng sư nhận chai nước suối, kèm: Nam Mô A Di Đà Phật. Sư đi. Nam nhơn đi theo cùng một đoạn, điệu bộ ngay ngắn, áo quần thẳng thớm, cử chỉ lễ độ.
16.
Sư băng qua bên kia đường, đó là nghĩa trang liệt sĩ Quảng Xương, Thanh Hóa. Sư vào nghĩa trang, kiếm một chỗ ngồi. Hai bên là hai anh chàng cameraman. Sư nói: Tốt đẹp!
Cameraman 1: lúc nãy có tấm vải đẹp đấy thầy ạ. Tấm vải ở bên thầy chỉ cho con đấy.
Sư: Thế có lấy không?
Cameraman 1: Con định lấy nhưng mà, trong này cũng gần đủ rồi. Sau con tính lấy nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại thôi khoan đã, từ từ.
Sư: Khi đủ duyên thì lấy.
Cameraman 1: Chưa đủ duyên, khi nào đủ duyên, mình phát tâm rồi mình lấy nó thoải mái. Nhưng mà cái tấm vải ấy đẹp, đẹp lắm, dày.
Sư đưa mắt nhìn bâng quơ vào mênh mông phía trước, dường không chú tâm vào chuyện đẹp xấu của cameraman 1.
17.
Khuôn mặt sư thơ thới. Sư cười nhẹ nhàng: Ở đây thì mát. Mấy lần trước, đi bộ hành, con hay ghé, con nghỉ ở đây. Đa số là con nghỉ đây với nghĩa địa Trang Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Hình như có lần con ngủ ở đền Hàm Rồng. Phía bên kia thì đa số, con nghỉ ở nghĩa địa. Nói chung là ngày xưa, con đi, tối, tới chỗ nào là con tấp vào đấy, con nghỉ rồi con mới đi.
Cameraman 2: Có nhiều người ở đây từng gặp thầy.
Sư: Khi con được mọi người chú ý, họ có vẻ xem trọng con, họ gặp để coi cái tâm con có tham không, chứ không hẳn là ưa thích. Con không quan tâm. Ghét hay không ghét, con cũng trải cái lòng không sân hận. Tập cái đấy cũng quan trọng. Xả được. Chớ không phải là tham nó đến rồi sân nữa, nó đa chiều ở trong đó, không phải một chiều.
Cameraman: Hình như mấy năm trước thầy cũng đi như thế này phải không ạ.
Sư: Dạ, sáu năm trước, năm 2018, con bắt đầu đi, bỏ chùa, bỏ nhà, con bộ hành trên đường. Nói chung, con cũng không có hành trình Bắc Nam gì cả, nhưng lấy cái quãng đường, để mình rèn luyện, mình tập học. Bắt đầu từ năm mười tám đến giờ thì con đi lần thứ tư, đi ra đi vào bốn lần. Nói chung, bây giờ con đi không tính lần, hữu duyên, con bộ hành suốt đời.
Cameraman: Nhưng mà đến lần này, con mới thấy thầy nổi tiếng trên mạng.
Sư: Dạ đến lần này thì do thông tin mạng họ đăng rồi mới như thế này. Trước con đi là không ai biết. Con đi âm thầm. Đi tới đâu, họ cũng không để ý, không chụp hình. Nhưng mà sau này có mấy anh ở trên Đắk Lắk, trong miền Nam, họ có quay phim, họ hỏi han, thành ra mọi người ai cũng biết.
Cameraman: Đúng rồi, có cái anh gì mà đi lên núi thăm thầy ấy, anh Nhân Gà.
Sư: Ồ, anh Nhân ở trong Nha Trang. Cũng nhờ con đi ngang cầu Long Biên, có anh nào chụp đó, rồi nói, hay là bên Đắc Lắc, rồi tung lên, nhưng anh đấy cũng chẳng biết con ở trong này. Tại vì ra ngoài miền Bắc mới vậy, chứ ở trong miền Nam, người tu nhiều, họ thấy con bình thường, con cũng là người tu mà. Do con đi như thế rồi họ quay, để xem mình có tu tập thật không. Nhưng có cũng như không có, họ biết hay không biết thì cũng như nhau cả. Ngày nào con cũng khất thực, ăn một bữa, giữ giới, tiền bạc con không lấy. Khi nào cũng thế, con bình thản để kiểm tra cái tâm của mình.
Cameraman: Con có xem phim Cuộc Đời Của Đức Phật.
Sư: Vâng. Mình xem kinh sách ngài. Mình học tập theo Phật. Suốt đời con không nhận tiền bạc. Con đi tu không phải vì danh lợi. Con tu theo lời dạy chân chính của Phật. Con thấy được niềm tin. Mục đích của con là thoát khổ. Mình vì mình. Hữu duyên với ai thì mình nói. Ước nguyện cho mọi người đều hạnh phúc.
Cameraman: Thầy có đang thực hành tứ niệm xứ là từ bi hỷ xả.
Sư: Vâng. Tứ niệm xứ thì quán Thân Thọ Tâm Pháp. Pháp môn gọi là từ vô lượng tâm. Cái đấy trong ba bảy phẩm đạo. Tứ niệm xứ thì thiền quán bốn chỗ, bốn nơi Thân Thọ Tâm Pháp. Từ bi hỷ xả cũng tốt đẹp, thành tựu. Tất cả đều chung với nhau. Tứ niệm xứ cũng là từ bi hỷ xả. Nói chung là một người tu hành thiền định theo Phật thì phải có tâm từ bi, không có tâm từ bi thì cũng chẳng tứ niệm xứ được. Nếu sân hận thì làm sao mà tứ niệm xứ được.
18.
Sư: Ở đây có mấy cái nhà để tránh mưa được. Lỡ mưa, mình ẩn nấp ở đó. Dưới cầu cũng ngủ. Hay là bãi trống, gốc cây, khu rừng rậm nhưng không có cỏ, mình vào mình ngủ. Hoặc ngoài ruộng, ngoài nhà, cũng rất thuận tiện. Chỗ nào họ không đuổi mà yên tĩnh, mình chọn nơi thoáng, ít muỗi, ít côn trùng, mình nghỉ tạm qua đêm. Nhà hoang, con cũng từng ngủ. Nhà họ bỏ lâu ngày, bụi bặm, mình vào đó quét dọn, hay một chỗ nào nhỏ nhỏ, vừa với mình, xin ngủ. Hữu duyên ở đâu thì tới đó.
Cameraman: Ngủ đêm ở đó thì thầy có thấy cái tâm nó sợ hãi không?
Sư: Mình có tâm sợ hãi chớ, nhưng mà mình khắc phục. Dùng tứ niệm xứ khắc phục khó khăn. Khắc phục tham. Khắc phục sân. Nếu có ma quỷ, muốn chém muốn giết gì, hay là người, thoải mái. Con ngồi, xin ngủ ở đây một đêm rồi mai đi, muốn làm gì con thì làm, chết thì thôi. Sống thì tu tiếp, đứng dậy mặc y áo tu tiếp. Đi theo phước nghiệp của mình. Mình nghĩ như vậy. Mặc kệ. Muốn làm gì đó thì làm. Như ngày xưa mà mình ngủ, bóng đè hay bóp cổ, muốn làm gì thì làm. Mình buông. Đã tư duy như thế rồi thì mặc cho mọi chuyện tới. Có ma quỷ hay không có ma quỷ, mình cũng chẳng cần thiết. Mình chẳng biết có hay không mà xin. Có cũng tốt đẹp mà không có cũng tốt đẹp. Mình cứ tới, mình nghỉ, rồi mình đi. Nó có khởi lên sợ hãi, nhưng mình tự trấn an được, tự an ủi mình được. chớ nếu mà không tự trấn an được, thì có những chỗ mình phải bỏ chạy. Có những người còn nói chắc chắn, nếu mà không tu hành, không giữ phẩm hạnh, tới những chỗ ấy, vẫn sợ chớ. Có sợ hãi chớ. Nhưng sợ kiểu gì thì mình cũng phải đó qua đêm, sáng ngày mình mới đi được. Theo con nghĩ, có những nơi, nếu không tu hành, chắc nửa đêm là phải bỏ chạy. Có những chỗ không bình thường. Mình không biết nó là cái gì, Tại vì mình chưa có thiên nhãn, chưa có đủ lực để mình nhìn thấy đó là cái gì. Vô hình. Không biết.
Cameraman: Thầy kể lại câu chuyện đó được không ạ.
Sư: Chẳng hạn như con tới cái nhà hoang con nghỉ. Nhà người ta bỏ. Mình ngồi ở ngoài. Nghe trong nhà có tiếng quét dọn, giống như người bình thường đang dọn bàn ghế, ăn uống, đi lại ở trong đó. Nhưng thực tế, trong ấy, không có ai cả. Vẫn nghe tiếng. Mình vẫn tỉnh thức bình thường. Mình thấy như thế nhưng mà rồi, lúc mình nghỉ, mình không nghe thấy như thế nữa. Nhưng nếu ở lâu, thấy xảy ra nhiều điều kỳ lạ. Nghe tiếng nổ, tiếng kêu, rồi tiếng hoạt động rất bình thường. Nói chung, những cảnh ấy, khó mà nói ra được, khó diễn tả được. Nếu sợ thì mình chạy nhưng mà mình lại không biết đó là cái gì. Nhưng mà tâm thì quả có sợ. Đặc biệt, các nhà hoang to lớn, sang trọng mà người ta bỏ, thường hay như vậy, không ở được. Những cái nhà to như vậy, đẹp như vậy, tại sao họ không ở. Họ bỏ bao nhiêu tiền bạc vào đấy mà sao họ không ở.
Cameraman: Có thể, tiền xây nhà ấy là tiền không xứng đáng.
Sư: Vâng. Lần đầu tiên thì mình thấy thế. Nhưng khi con vào lần hai, lần ba, con thấy an lạc, không có gì hết, thấy an ổn, không ai quấy phá. Tất cả mọi cái đều tốt đẹp. Còn người ta không ở được là cũng vì họ thấy như thế. Nửa đêm thì, ô, làm tiếng như thế. Ngày xưa, lúc con còn ở đời, thì nghe có cái nhà, ban đêm, không ai ở được, cho Tây về ở cũng không được. Con không muốn nói thế này cho mọi người sợ hãi hay mê tín, hay cúng bái, nhưng mình nên làm những điều thiện, có giới đức, giới luật thì cho dù có đến cái gì, thì họ cũng không có hại mình. Mình cứ sống lương thiện, tốt đẹp, không có hại ai ở đời thì cái đấy nó cũng sẽ không có. Con khuyên mọi người đừng có sợ. Con thấy, con cũng vẫn bình thường.
Cameraman: Thầy tinh tấn, có định lực.
Sư: Con không nói ra để thách đố với nỗi sợ. Con nói ra để có những chỗ sợ hãi, lông tóc dựng ngược như thế, thì mình cũng tới, mình tới để ở, mình tới để mình tập cái tâm không sợ hãi. Chết thì thôi nhưng con tới, con thấy bình thường. Con tới, không để cầu cúng, cúng bái để khỏi sợ. Con xin họ chỗ nghỉ ngơi, nếu có thật, con xin đến để học tập, tu hành, con không có mục đích nào khác. Dần dần rồi cũng quen. Ngày xưa, con chưa tu hành, khi ngủ, hay bị bóng đè nhưng khi con phát nguyện tu hành theo lời Phật dạy, thì mấy cái đấy cũng không còn.
19.
Sáng sớm hôm sau là cảnh sư quay vào trong, ngồi thọ thực.
Cameraman: Bình thường, thầy ăn lúc mấy giờ.
Sư: Dạ, trước khi mặt trời lên, họ bố thí cho thức ăn khi nào đủ thì con dùng cái đấy, trước mười hai giờ. Chẳng hạn như bây giờ con dùng rồi, thì là đến mai mới dùng lại. Sau mười hai giờ thì không dùng nữa.
20.
Tiếp theo là cảnh sư chắp tay đọc thời kinh sáng.
Sư: Sáng nay, có cô ở trong nghĩa trang liệt sĩ, cô cho con cơm.
Cameraman: Cô ấy từ thành phố xuống ạ?
Sư: Con cũng không biết. Nhưng họ biết con khất thực nên giờ đó họ tới. Họ cho con, cũng là tùy duyên. Cho nhiều quá, nặng, con không đi được. Chai nước thôi, nhưng, năm người năm chai, con đi đã không nổi rồi. Hay như bánh mì, một người cho hai cái, mấy người là mấy cái. Họ cho, rất khó để từ chối họ. Nhưng ăn rồi là không ăn nữa, không lấy nữa.
Cameraman: Lấy nhiều, không ăn, lãng phí. Tối ngủ, thầy có dùng chăn đắp gì không ạ.
Sư: Đây là chăn của con, sư lấy tay chỉ vào một y phấn tảo. Đây là y áo. Trong Nam Tông kinh, gọi là y hai lớp, y tăng già lê. Cái đó để trải ngồi, trải nằm hay đắp ngủ, hoặc lạnh quá thì mình trùm. Còn cái này là bạt. Có cái cô kia cho để đi mưa hoặc để trải ngồi. Trước đây thì con hay nhặt bao xi măng để dùng làm tấm trải.
Cameraman: Ngoài y bát, thầy còn mang theo gì nữa không ạ.
Sư đổ cái túi nhỏ ra: À, ngoài y bát, con có mấy miếng vải vụn, dao lam, dao cạo râu, cái kéo để cắt chỉ, cắt y rách, kim chỉ, mấy sợi dây vải, khi nào mưa, y ướt thì phơi, cái cán dù gãy để chống y lúc phơi. Đây là cái đèn pin để lúc đi rừng. Và cuộn giấy này là bản đồ, là kinh sách. Con giữ để biết đường đi. Chỗ nào biết rồi thì con bỏ, không mang, không giữ nữa.
Cameraman: Y giặt ở sông ạ.
Sư: Dạ, sông hay hồ như thế này.
Cameraman: Bản đồ, ai ghi cho thầy ạ.
Sư: À, cái này là ghi hôm ở Đắc Lắc. Vào chỗ chép kinh sách trên mạng, con chép lại ít kinh, sẵn tiện, con tra bản đồ trên google map, tại nhà một cư sĩ. Chứ bây giờ thì, chẳng ai tra cho mình. Có cái này, mình đỡ bị lạc, hoặc khi bị chỉ đường sai. Cái túi đồ này của con, nhiều khi đi trên đường họ tưởng đựng tiền.
Sư: Con dùng bữa xong rồi. Hẹn lại ngày mai. Hữu duyên thì gặp lại.
Cameraman: Thầy ăn một bữa cũng quen rồi hả thầy.
Sư: Dạ, con ăn một bữa, năm này, đã là năm thứ chín. Từ giữa 2015 đến giờ.
21.
Sư quấn lại y.
Cameraman: Đây có phải là cà sa không ạ.
Sư: Dạ, tùy. Ai muốn gọi là cà sa thì gọi. Ai muốn gọi áo thì áo. Ai muốn gọi y thì y. Nhưng theo con thì đây là tấm vải, quấn để che thân. Áo cà sa là tâm người, tu hành mà giữ pháp, giữ giới luật nghiêm chỉnh, có giới định, thì họ mặc cái gì cũng thành cà sa hết. A La Hán, mặc cái gì lên người cũng là cà sa. Nhưng một người phàm phu ở đời, cho họ tấm cà sa, họ mặc lên, thì cũng không được gọi là cà sa. Cà sa hay không là phải đầy đủ: giới, định, tuệ. Giới, định, tuệ, phải viên mãn như lời Phật dạy, thì tấm y mặc đó mới được gọi là cà sa. Không phải ai mặc y vào cũng đều được gọi là cà sa. Cà sa cần ở bản chất, thực chất, là cái lõi. Trong kinh Phật dạy, như là lõi cây. Mặc áo nhưng không có cốt lõi bên trong, lõi ở đây là đạo hạnh, thì áo ấy không phải là cà sa.
Cameraman: Con lên xe về thầy nhá.
Sư: Ừ. Thầy đưa con ra xong, thầy bắt xe, rồi thầy về công việc của thầy thôi. Về, cứ suy nghĩ cho chín chắn, cho chắc chắn, kẻo đi, không chịu nổi. Ở trên đường, chưa chắc nhịn được mấy ngày. Con thì không có gì cả, con cũng chỉ tập để bỏ tâm sân hận của mình. Tất cả đều bình đẳng. Con xem thầy cũng như người thân của con. Lỡ như anh em mình muốn đi với mình, thì con đuổi họ cũng đâu có được. Mình bình đẳng. Nhưng mà thầy về thầy phải chăm, đừng có để cho mẹ buồn. Thầy chăm lo cho họ, đừng để họ khổ, như lời Đức Phật dạy, sống không làm khổ mình, khổ người. Mình khổ, họ khổ, khổ cả hai. Nếu mà mình dứt tuyệt được, mình đi, thì họ khổ. Họ khổ nhưng rồi sẽ hết. Nhưng mình thì, không tu thì không được, mà tu thì lại khổ. Đâm ra, thất bại cả hai. Cuối cùng, cả hai cùng khổ. Bây giờ thầy mà đi, nếu thầy thành đạo, thành A La Hán, thành Phật, thì đâu có khổ nữa. Nhưng thầy thấy mẹ thầy khổ như thế, thầy sẽ tu không được, giữ giới không được, ngồi thiền cũng không xong, rồi suy nghĩ về mẹ, lung tung cả lên, loạn hết cả lên. Cứ giải quyết cho xong, bù đắp cho mẹ, cố gắng thuyết phục họ, xin cho mình được xuất gia, tu hành, thì mình đi mới thoải mái. Mẹ, vợ, hoặc những công việc ở nhà, giải quyết cho xong xuôi, đâu vào đó. Nợ nần cái gì ở đời, mình sắp xếp hết, rồi mình mới lên đường tu hành. Hai, ba bữa nay, mình nói là được rồi đó. Nhưng kiên trì thì phải cả đời. Mục tiêu là phải kiên trì, giữ vững thì may ra mới tu học được. Không đơn giản như mình nói, ôi, tôi biết sống ở nghĩa địa rồi, hoặc, không tu được thì tôi sẽ về nhà, tức là ngã mạn rồi. Cơ bản là sự lâu dài, chớ không phải theo kiểu, như thế là tôi được rồi. Thầy cố gắng thuyết phục mẹ. Con cũng đi trên đường, cố gắng học tập.
22.
Vừa dứt lời, sư nhanh chóng quay lưng, và rảo bước. Những bước của buổi sớm mai, mạnh mẽ, dứt khoát. Cameraman theo sau, khuôn mặt thoáng buồn. Vẻ buồn của sau nhiều ngày theo sư, nay đã thành quyến luyến, không nỡ rời xa.
Dáng sư đi, nhẹ nhàng, thanh thoát, rũ bỏ. Dáng cameraman dường cố, mà cũng khó bắt theo kịp, dù trẻ tuổi hơn.
Ra tới lộ, cameraman đưa tay chào tạm biệt. Sư Minh Tuệ chắp tay.
Những bước độc hành của sư lại tiếp tục trên con đường đèo. Hình ảnh ấy mới đẹp làm sao. Đẹp không chỉ theo cả nghĩa đen là bầu trời, cây cối, con đường, dáng người, hài hòa, tuyệt mỹ mà còn đẹp theo cả nghĩa bóng, sư tiếp tục việc tu học của mình, và trên con đường cần mẫn, trì chí, kiên định ấy, ngài đã gieo không biết bao nhiêu là duyên lành.
------------------------
Sài Gòn 19.06. 2024
Phạm Hiền Mây