I/ GIỚI THIỆU
Video Vô Sở Hữu - Phần IV, với độ dài một giờ của youtuber Conikal được phát hành trên kênh YouTube vào ngày 28.07.2024
******
II/ NỘI DUNG CHÍNH
18:00 Ngày 29.03.2024 tại gầm cầu Yên, Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình
1.
Hỏi: Theo con quan sát những ngày qua, khi thầy bộ hành khất thực, có rất nhiều người phát tâm bố thí, cúng dường. Còn với rất nhiều người khác, không việc làm, không nhà cửa, ăn xin, thì lại không mấy người phát tâm bố thí. Thầy suy nghĩ gì về điều này ạ?
Đáp: Dạ, do hạnh nghiệp, do nhân quả, do duyên. Nếu con không đi theo lời Phật dạy, con không gìn giữ giới, lang thang, không mục đích, thì cũng chẳng ai bố thí. Không tu, làm ác, sát sanh thì làm sao nhận của bố thí.
Giàu sang, hạ liệt, may mắn, đẹp đẽ, đều từ hạnh nghiệp mà ra. Con mà nhận được bố thí, nếu gặp những người cơ nhỡ, họ cần, con sẽ cho họ cả, nhưng con lại gần như không hề gặp họ, và đôi lúc gặp họ, con mang cho họ, thì họ cũng không lấy.
******
2.
Hỏi: Thầy có nghĩ, thầy đi khất thực thế này, là thầy đang giúp mọi người biết mở tâm từ bi không ạ?
Đáp: Dạ. Con thương yêu mọi người, không vì mọi người cho con, mà con sinh lòng tham lam, sân hận, si mê. Con ước nguyện cho mọi người sống được hạnh phúc cũng như luôn hồi hướng công đức cho họ, để họ tùy nghi sử dụng.
******
3.
Hỏi: Thầy có nghĩ, thầy bộ hành khất thực như thế này, cũng là giúp mọi người thay đổi tâm thức không ạ?
Đáp: Dạ, khi con bộ hành, khất thực, thấy con khổ hạnh, họ mở lòng từ bi, thương người. Khi bớt một chút để cho con, là chính lúc mọi người đã bớt tham, cũng như, cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn trong hành động san sẻ, cho đi ấy.
******
4.
Hỏi: Lại cũng có nhiều người quay đi, làm lơ, không mở lòng từ bi, phải không ạ?
Đáp: Con ăn xin, là đi theo con đường tu của Đức Phật. Con ăn xin, nhưng con chỉ xin đồ chay, chừng mực, ăn vào buổi sáng sớm và một ngày một lần thế thôi, rồi con lại đi bộ, tu hành tiếp, con không nhận đồ cho nữa, và nhất là, con không nhận tiền bạc. Nếu cứ giữ hạnh như thế, người ta chắc chắn, sẽ luôn mở lòng từ bi mà giúp đỡ.
Nhiều người ăn xin khác, họ không có sự chừng mực và vừa đủ no lòng ấy. Họ xin, rồi họ cất đi, và họ lại xin nữa. Lại có những người giả dạng đói rách, nhưng thực tế, họ không đói nghèo. Ấy là do tham sinh ra. Người cho, là những người nhìn thấy và hiểu rõ. Họ biết hết. Họ không ngu, không dại.
******
5.
Hỏi: Nhiều người ăn xin, họ có lòng tham. Người đi tu thì khác, họ không tham sân si, đúng không ạ?
Đáp: Dạ, người tu hành cũng vẫn còn tham sân si, nhưng khi tu học là làm cho tham sân si ấy giảm đi, muội lược.
******
6.
Hỏi: Con thấy thầy luôn chúc mọi người vui vẻ, hạnh phúc. Đó có phải là thực hành tứ vô lượng tâm? Thầy có thể giải thích về tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả? Nó có lợi ích gì với thầy và mang lại lợi ích gì cho mọi người không ạ?
Đáp: Dạ, tứ vô lượng tâm mang lại những tác dụng, lợi ích rất lớn. Nó khiến xã hội, khiến con người biết yêu thương hơn, yêu thương lẫn nhau hơn, không mang tâm phân biệt. Khi gặp ăn mày, ăn xin, kẻ khổ, người dư giả sẽ phát tâm bố thí, cho đi. Xem hết thảy mọi người ở nhân gian, ở thế giới, ở vũ trụ này như người thân của mình, đối xử rộng rãi, không ích kỷ, nhỏ hẹp.
******
7.
Hỏi: Nhiều người chưa hiểu tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả, là gì, thầy giải thích thêm được không ạ?
Đáp: Từ là tâm từ, tâm yêu thương. Bi, bi ai, bi thương, sầu khổ, không mang tâm oán ghét, không làm hại, không giết hại người khác. Hỷ là tâm hân hoan, hoan hỷ, vui mừng, thích thú, hạnh phúc. Xả là xả bỏ ác độc, xả bỏ tham, sân, si, xả bỏ những thứ mang lại khổ não cho mình, xả đi để thu về thiện pháp.
Từ bi hỷ xả, không để bụng, không thù tức, ngay cả khi, người ta vẫn đang sân hận với mình.
Xả bỏ, tức là biết cho đi, không tham nữa, sẽ không khổ nữa. Xả bỏ sẽ sanh ra từ, sẽ sanh ra bi. Xả, rồi từ, rồi bi, mình sẽ có hỷ, hoan hỷ, vui vẻ. Có tâm từ bi với người khác, mình mới sinh lòng hoan hỷ. Mà không hoan hỷ, thì không xả bỏ được, sẽ còn mãi những sân hận.
Tứ vô lượng tâm này dùng để đối trị với sân hận, tâm ác, tâm tàn hại, tâm sát hại. Trong kinh sách đều có ghi, có dạy đầy đủ.
******
8.
Hỏi: Người có tu hành thì mới hiểu được những điều này, phải không ạ?
Đáp: Vâng. Từ bi mang vào thực hành, là tránh, là không giẫm đạp chúng sanh, tức là côn trùng, khi bộ hành. Gặp những người nạt nộ, oán hận mình, mình cũng niệm cho họ, nguyện cho họ được hạnh phúc may mắn, mong cho họ được cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Họ muốn xin gì, nếu mình có, mình cũng sẵn lòng cho. Từ bỏ tâm hại, não hại, vui vẻ, niềm nở với mọi người. Mở cho tâm quảng đại, rộng lớn. Xả bỏ, ai chê bai, hoặc nói, hoặc làm những điều khiến mình có thể oán hận, thì mình tự nhủ trong lòng, xả đi, bỏ đi. Sân với ai, thì sám hối, tự nhủ, từ nay trở đi, đừng sân nữa.
Trải tâm từ bi, huân tập, một thời gian sau sẽ quen dần. Quen dần chớ không phải một lần là được. Phải sử dụng chánh tư duy, chánh kiến. Chánh tư duy là suy tư. Suy tư về cuộc sống. Suy tư rằng, có sân hận với người ta, thì cuối cùng, cũng chẳng được gì cả, thì thôi, nghe Phật, mình học tâm từ bi, tâm đại từ, đại bi. Hành trì của con là như thế đó.
Con bộ hành khất thực, huân tập như thế, cũng là để mọi người có thể kiểm tra con một cách dễ dàng, con tu có thật không, con tu hạnh gì, pháp môn gì, có phải là ăn mày, ăn xin giả dạng không. Khi tra tìm trên mạng, họ sẽ cùng lúc thấy kinh sách, họ sẽ đọc Pháp và sẽ hiểu về Phật Pháp.
Thêm vào đó, khi con bộ hành khất thực thế này, tâm sân hận của con mới phơi bày ra hết. Không học suông trên lý thuyết được. Học là phải tập, học là phải hành, phải thực tế, phải trực tiếp, thì mới thay đổi, mới tiến bộ.
Ví dụ, lúc con ngồi ăn, họ chạy tới họ xem, thậm chí, họ ghi hình cả lúc con ăn, điều đó, không dễ dàng gì, nhưng con cũng gắng hoan hỷ, xả bỏ. Ngay cả lúc con ngủ cũng vậy, họ tới họ soi đèn, họ quay phim. Khi ngủ, đâu phải lúc nào cũng giữ được tư thế ngay ngắn, tốt đẹp. Có lúc cũng nghiến răng, có lúc cũng ngáy, những xấu xí trong giấc ngủ ấy, họ đều chụp, đều quay.
Khi biết, ban đầu tu tập, con cũng bực mình, con sân hận. Nhưng mỗi lần như thế, con lại suy nghĩ, lại tư duy, thôi xả bỏ. Tập học, là chuyện lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà luyện thành được.
******
9.
Hỏi: Nhờ vào đâu để thầy thấy ra tham, sân, si trong nội tâm của mình ạ?
Đáp: Nhờ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ. Nhờ sự tỉnh thức của mình. Nhờ phương pháp suy tư về những lời Phật dạy.
Qua thân, khẩu, ý, mình sẽ phát hiện được, mình có đang tham, sân, si, hay không. Qua hành động của mình. Qua sự biến đổi các trạng thái biểu hiện trên khuôn mặt mình, trên thân mình lúc ấy. Nghe trong giọng nói của mình, không được ôn hòa, không được dịu dàng, khó chịu, gắt gỏng, thì sẽ biết ngay, nhận ra ngay, mình có đang sân hận hay không.
Qua chánh mạng, rồi qua cả sự tinh tấn, chánh tinh tấn, thấy mình biếng nhác, mình dễ dãi, không còn muốn tu thiền nữa, thoáng qua ý nghĩ bỏ về, ấy cũng là lúc nhận ra, tham, sân, si còn ở trong mình hay không.
Rồi quán sát vào sự gìn giữ giới luật, thấy mình có dễ duôi, có ham ăn, ham ngủ, có thích nghe lời khen, có thích được nhiều người biết, thích được nổi tiếng, thích được quay hình không. Quán xem mình có khởi lên lòng ưa thích việc nhiều người tìm đến, mua nước, mua bánh, tới chắp tay rồi đảnh lễ, có ham sự cung kính, có ham lợi dưỡng không, là biết ngay, tham sân si trong mình, còn hay không còn.
******
10.
Hỏi: Trong nội tâm của mình, có hết những tánh biết ấy, phải không ạ?
Đáp: Vâng, có tánh biết đó, nhưng mà mình không để ý. Không để ý là vì mình không có thực tế, không có sự sâu lắng, quay vào, quan sát nội tâm của mình, nên không thấy đó thôi.
Trên đường, dẫm đạp hay vấp phải cục đá, bực. Bị người ta chê, bị người ta chửi, khó chịu. Được người ta khen, vui. Hoặc, có người mách, này, có hai ông nào đang vác đao đi kiếm ông đấy, là lo lắng. Đấy chính là tham sân si trong mình đang khởi lên. Nếu không có tham sân si, thì ai nói gì, mình cũng bình thản, không sợ.
******
11.
Hỏi: Cái gì đã che đi tánh biết ạ?
Đáp: À, là tham dục, là năm triền cái, là yêu ghét, là sân hận, là hôn trầm, là trạo hối, là nghi hoặc. Tất thảy đó, chính là màng vô minh, nó che mình.
Một người đang tu hành giỏi, biết hết, có ngũ thông, bỗng, quan hệ với nữ nhân, là tối đen hết luôn. Tham dục che tối thui luôn. Mất hết.
******
12.
Hỏi: Thầy có thể nói thêm về năm triền cái được không ạ?
Đáp: Năm triền cái, năm ngũ dục công đức, qua các căn, mắt nhìn thấy sắc, thấy bạc tiền rồi khởi lên si mê; thân xúc chạm, rờ rẫm rồi khoái lạc, muốn chiếm đoạt; mũi ngửi được mùi hương, sinh ưa thích; lưỡi ăn uống sơn hào, hải vị, sinh tham đắm.
Ai đồng ý với mình thì mình ưa. Ai không đồng ý quan điểm với mình, chê bai mình, chống đối mình, làm trái mình, là kẻ thù của mình, khiến mình không thành công, khiến mình không đạt được, thì mình sân hận, ghét bỏ.
Hôn trầm là ngủ, sự buồn ngủ, ưa thích ngủ, mê ngủ, khiến không tỉnh táo, không tỉnh giác.
Trạo hối là hối hận, là nuối tiếc, là cảm thấy lỗi lầm, cảm thấy day dứt, cảm thấy tội lỗi. Ví dụ, xuất gia tu hành rồi mà vẫn thấy thương cha nhớ mẹ, thương vợ thương con, nghĩ tới trách nhiệm này kia.
Nghi hoặc là nghi ngờ, có hay không có, thật hay không thật, không còn niềm tin. Đây có phải là lời Phật dạy không? Mình tu được hay không? Giữ giới, làm thiện liệu có được gì không? Hay buông thả theo đời, nó tới đâu thì tới. Nghi ngờ bậc Chánh Đẳng Giác. Nghi ngờ Đức Phật.
Năm triền cái ấy, nó che mình lại. Nó khiến mình, không có tinh tấn, không siêng năng để mà tu hành nữa.
******
13.
Hỏi: Xã hội bây giờ, có rất nhiều hoàn cảnh đau buồn khác nhau, người thì đổ vỡ hôn nhân, người thì phá sản, người thì mất người thân, người thì bệnh tật, ốm đau. Người ta cứ thế đắm chìm trong nỗi khổ, trong tuyệt vọng, thậm chí, người ta không biết phải nghe ai, và nghe điều gì cho tốt hơn. Thầy có lời khuyên nào, giúp họ, nhanh chóng giảm đau không ạ?
Đáp: Muốn giảm đau nhanh chóng là việc khó, không dễ. Nghiệp của những người ấy nặng, họ phải biết khởi tâm, tự tay, tự mình bố thí, cúng dàng Phật, cúng dàng A La Hán, những bậc thánh, những bậc có công đức; họ phải trì luật, giữ giới, thì mới tạo được phước.
Khi đổ vỡ, người ta mang tâm tiêu cực, khi tâm tiêu cực, người sẽ không đủ phước đức. Tiêu cực, khiến họ nghĩ quẩn, đi tìm đến rượu, tìm đến những cái chỗ buồn bã, sầu não, đã bệnh lại càng bệnh nhiều hơn, không lời an ủi nào có thể khiến họ nguôi ngoai, vui tươi, tin tưởng.
Năm triền cái đó ngày mỗi tối hơn, ngày mỗi che hơn nữa. Sân hận càng không nguôi. Người cứ chìm đắm mãi. Giống dòng nước ô nhiễm, ngày càng thêm ô nhiễm.
Những người đó, nếu họ may mắn, được gặp những người có đức cao, thì những bậc ấy mới khai thị được. Chớ những người bình thường, không đủ đức, như mình đây, còn chưa thể giúp được mình, thì lấy gì để giúp cho những người như thế?
Mình muốn giúp cho những người đó thì trước hết, mình phải phát tâm tu hành, tinh tấn, siêng năng. Rồi đạt Giới, Định, Tuệ. Có trí tuệ, có công đức, có phước báu to lớn rồi, thì mình mới chuyển cho họ được. Mình chưa có phước báu thì chưa thể giúp được cho họ đâu.
Nên chỉ có thể, tùy theo nhân quả, tùy theo phước báu của người đó thôi. Phải gặp được những bậc thiện hữu tri thức ấy, thì mới giúp được cho họ.
Bây giờ mà họ không làm thiện, thì họ sẽ mãi gặp điều ác thôi. Nhỡ mà đọa xuống địa ngục, thì sẽ mãi muôn đời ở trong đấy.
******
14.
Hỏi: Có người lại nói rằng, ai cũng đi tu, từ bỏ hết cuộc sống thế gian, vậy ai sẽ làm ra cơm ăn, làm ra áo mặc. Thầy nghĩ sao về nhận định này ạ?
Đáp: Nếu đất nước Việt Nam này mà ai cũng đi tu cả, thì đất nước khác sẽ mang gạo cơm tới cúng dàng, nhập cho nước Việt Nam ăn.
Lúa gạo của đất nước Việt Nam, là không cần phải trồng gặt, tự có, cây cối tốt tươi. Do thiện, do phước báu, tự nhiên thiên nhiên có ưu đãi, tự nhiên thành ra như thế, tự nhiên có người khác mang tới cống nộp. Những nước mà không có người tu ấy, những nước giàu có ấy, họ sẽ mang cho. Khi ấy, ăn không hết chớ đừng nói là lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc.
Cũng như thế, nếu cả thế giới mà tu hành, làm điều thiện, không làm ác, là tự nhiên sẽ tạo ra, có sẵn, con người ăn không hết.
Như thời Đức Thế Tôn, con người lúc ấy chưa tham, sân, si, nên lúa không cần phải trồng, gặt buổi sáng thì buổi chiều mọc, lúa không có trấu, ra gặt về nấu ăn thôi.
Tự nó mọc, lấy bao nhiêu cũng không hết được ấy. Thiên nhiên, trời đất ưu đãi, cái gì cũng đầy đủ. Nhưng rồi do tham, sân, si, nên mất đi. Mất đi rồi, con người tìm lại không được nữa, tìm lại rất khó khăn.
Cả thế giới mà tu thì cũng sẽ ít bệnh tật, ít trộm cắp. Vứt ra ngoài, ai muốn ăn thì lấy ăn, giống như loài chim, loài thú ấy, chúng đâu có đi gieo trồng như mình đâu? Tự thiên nhiên ra quả, tự thiên nhiên ra thức ăn cho chúng ăn đấy thôi. Do tham, sân, si, rồi chiếm đoạt, rồi cất giữ, rồi tích trữ, nên mới khó khăn, khan hiếm.
Những vị sư trong chùa, họ lo tu hành, có làm gì đâu. Tự khắc có người mang đến cúng dàng. Cũng như thế, cả nước Việt Nam, ai cũng tu cả thì người ở nước khác, họ sẽ tới cúng dường thôi. Mà các nước khác cùng tu hết, thì thiên nhiên sẽ tự có. Cái đấy không lo. Phước đức càng nhiều thì càng không có người ăn xin, hạ liệt.
Những điều ấy, bây giờ, chỉ trong cõi Tây Phương cực lạc, cõi Phật A Di Đà, mới có. Cõi đó, không phải làm gì, khi nào cũng đầy đủ, không có kẻ ác, cũng không còn người khổ.
Cả thế giới này, ai cũng tu hết, thì cả thế giới này, trở thành Tây Phương cực lạc, A Di Đà.
******
15.
Hỏi: Có câu là, thân người khó được, chánh pháp khó gặp, trung thổ khó sinh. Xin thầy giải thích.
Đáp: Trung thổ khó sinh. Trung là ở giữa. Thổ là đất. Là được sinh vào quốc độ, nơi có Phật, có Pháp xuất hiện.
Thân người khó được. Đức Phật từng ví, để được làm người, cũng khó như con rùa mù, một trăm năm chỉ được một lần, ngoi lên giữa biển, sóng xô qua đánh lại, sao cho tìm đúng được duy nhứt một bọng cây trôi nổi, để mà chui vào, tìm cơ hội sống sót. Được quay trở lại làm người, còn khó hơn như thế.
Làm người, rơi vào dục tham, đọa địa ngục, đọa vào hàng súc sanh, thì sẽ muôn đời muôn kiếp ở trong đấy. Ở địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ chúng hại nhau, ăn nuốt lẫn nhau, toàn sân hận, si mê, không thể ra được, không thể thoát được, không ai giúp đỡ mình được.
Chánh Pháp khó gặp. Khi phát nguyện, cầu tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cần phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp. Tu thành liên tục như thế, tu tinh tấn liên tục nhiều đời, nhiều kiếp, cúng dường được nhiều Đức Phật, khi đó mới trở thành một vị Chánh Đẳng Giác. Đạt Chánh Đẳng Giác rồi mới có thể nói Chánh Pháp được.
Khó khăn lắm chớ không dễ. Muốn có được Chánh Pháp, phải đạt từ vô lượng, vô biên kiếp rồi mới thành. Chánh Pháp khó gặp, chính là như vậy.
Sinh ra làm người đã khó. Sinh ra mà gặp Chánh Pháp thì còn khó hơn nữa. Sinh ra mà gặp thời Như Lai đang nói Pháp lại còn khó hơn nhiều nữa. Hiếm có ở trên đời.
Vì biết là khó, nên mình hãy nghe theo lời Phật, hãy tu hành dần đi. Chớ đừng nghe nói khó, rồi bảo, thôi kệ, thì cái sự biết khó ấy, nó vô nghĩa quá.
Biết khó rồi thì mình phải thực hành. Biết thân người là quý, thì hãy làm sao cho xứng với sự quý này. Ấy là làm theo lời Phật dạy để tìm ra chân chánh, tốt đẹp. Tu hành, trì giới, làm thiện; tu bốn phạm trú Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Bi Hỷ Xả; tu Giới, Định, Tuệ. Hướng tới việc phát tâm tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Rồi sẽ đến một ngày, một đời nào đó, có thể nói cho mọi người biết Pháp.
Không thành này thì cũng thành khác. Không lo. Hãy cứ tu, cứ giữ miết đường tu. Không thành danh thì cũng thành nhân. Tu miết, đời này, đời sau. Giữ gìn giới luật nghiêm minh, lên đường, noi theo lời dạy của Phật và các vị A La Hán, sống cuộc sống phạm hạnh, ba y, một bát, trì giới, tu thiền. Gặp tham dục thì bỏ chạy, chưa chống được nó thì cố gắng né tránh ra. Ở gầm cầu, gầm cống, ở bụi bờ, ở nhà hoang, ở nơi miếu mả, ở bãi tha ma, ở rừng, ở núi, ở hang, ở chỗ nào mọi người không ở được, thì mình tìm đến, mình ở hết.
******
6:00 Ngày 30.03.2024 Cầu Yên, Ninh An, Hoa Lư, Ninh Bình
6:30 Ngày 30.03.2024 Bờ Tây sông Vân Sơn, Ninh Phú, TP. Ninh Bình
16.
Hỏi: Thầy Giác Khang đấy ạ, thầy ấy rất giỏi, nghe thầy ấy giảng, con hoan hỉ lắm ạ. Khi thầy Giác Khang lớn tuổi, thầy về tịnh xá để tu tập. Vậy mai này, thêm vài năm nữa, khi thầy lớn tuổi, đau yếu, chắc thầy cũng sẽ tìm một chỗ nào yên ổn để thầy tu tập như vậy chứ ạ?
Đáp: Dạ, con tùy duyên. Giờ này, con chưa nghĩ gì đến điều ấy. Muốn già, cũng còn lâu. Dẫu như mà chỉ còn ngày mai, ngày mốt, con cũng sẽ vẫn còn bộ hành. Mà có già, con cũng không ở tịnh thất, không ở tịnh xá, cũng không ở chùa, con sẽ ra nghĩa địa con ở. Không đi được nữa, con sẽ loanh quanh một cái núi nào đó. Đi khất thực gần gần rồi con về núi tu thiền. Đi tỉnh thì con sẽ vào rừng nguyên sinh, con vào rừng cổ thụ, con ở trong đấy.
Con chưa từng gặp thầy Giác Khang ngoài đời, nhưng con có từng nghe mọi người nhắc tới thầy ấy. Thầy Giác Khang tu theo Khất Sĩ nhưng mà sau này, chắc thầy ngộ ra điều gì đấy, thầy mới theo Tịnh Độ Tông. Tịnh độ là tu theo Đại Thừa, tốt lắm ạ. Tịnh Độ tâm là phát tâm, bồ đề tâm, phát tâm tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Còn đi theo Khất Sĩ thì giải thoát thành A La Hán. Mọi pháp môn đều là hữu duyên, tùy duyên.
Do giới luật cộng thêm vào phước báu của mình, tương ưng với vị đấy nên khi mình nghe vị ấy giảng, mình sẽ thấy hợp lý.
Nhưng cũng cần phải hiểu thế này, khi vị ấy tu chưa thành Chánh Đẳng Chánh Giác, thì khi giảng pháp, nếu đúng, cũng chỉ đúng một phần nào đó thôi, không thể đúng hết được. Khi nào tu thành Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, thì mới đúng hoàn toàn.
Khi con chưa tu hành, con cũng hay nghĩ, thầy này hay, thầy kia dở. Nhưng khi con tu hành rồi, thì con không giữ tâm khen chê, tâm đúng sai ấy nữa. Do căn cơ, do nguyện hạnh, trở thành như thế nào là việc của họ. Có duyên với người nào, giảng hay giảng dở, giảng đúng giảng sai thì cũng là việc của họ.
Trên đời này, còn có ai giỏi hơn Đức Thế Tôn nữa đâu, nhưng ngài cũng luôn để cho mọi sự theo hữu duyên mà diễn ra, chớ ngài không có cố tìm mọi phương tiện để độ cho ai cả.
Nhân quả tự nhiên. Mọi sự do duyên mà thành, chớ Đức Phật cũng không có ép ai tu cả. Ngài nói cho biết, rồi ai muốn học, muốn làm theo, thì cứ học, cứ làm theo. Hữu duyên thì tự nguyện hành trì, đấy là phước báu riêng của mỗi người.
Mỗi người mỗi duyên, vì thế nên, mình thích nghe vị nào, vị nào nói mình hiểu, thì mình học vị đấy. Mình tư duy để vững thêm niềm tin.
Hiện nay, có rất nhiều chùa, nhiều sư giảng pháp, và cũng rất nhiều kinh sách. Nhưng nên lựa kinh sách gốc mà đọc.
Có nhiều gia chủ, họ tự xây chùa to bằng khả năng của họ chớ không quyên góp từ Phật tử. Ví dụ như anh, gặp sư Giác Khang, mến mộ sư, anh xây một tịnh xá to đẹp rồi mời sư về ở. Nhưng ở hay không, thì lại là quyền của sư Giác Khang. Và sư cũng sẽ không bao giờ nói anh phải xây chùa, hay xây chỗ này, hay xây chỗ kia. Vào ở trong những ngôi chùa to lớn, đẹp đẽ, là do phước báu, phước phần của vị sư ấy.
Còn tu theo lối phạm hạnh, thì lại thường không muốn ở những nơi ấy. Họ thường ở rừng, ở núi, ở những chỗ hạnh A Lan Nhã.
Thời Đức Thế Tôn, cũng có một số sư họ ở tịnh xá, ở với chúng, chứ cũng không nhất thiết phải ra rừng, ra núi. Không phải ai cũng Hạnh Đầu Đà. Không phải ai cũng giống ngài Ca Diếp. Mỗi người mỗi căn duyên, miễn sao mình đạt được trí tuệ giải thoát, hạnh nguyện giải thoát.
Tùy theo mức độ phát nguyện. Chẳng hạn như họ phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì chắc chắn phải tu khổ hạnh rồi, phải đi khất thực rồi. Nhưng có người phát nguyện tâm giải thoát để được Phật độ, thì họ cũng không cần phải sống đời sống phạm hạnh như thế. Cho đến khi, họ gặp được một vị Chánh Đẳng Giác, họ độ cho như thế là xong. Nên tùy theo duyên, tùy theo căn cơ của từng người. Như thế nào thì cũng vui vẻ, và tốt đẹp.
Nếu mình tán thán những người không xứng đáng được tán thán, mình vẫn bị đọa địa ngục. Nếu mình vào hùa, đóng góp cho những người sai trái, để họ thực hiện điều sai trái, là mình cũng bị mắc nghiệp.
Chỉ tán thán những người đáng được tán thán. Và với những người đáng bị chỉ trích, thì mình sẽ lên tiếng, chớ không im lặng. Những sai trái, những mê tín dị đoan, những tà ma ngoại đạo, lừa đảo dân chúng, thì mình phải nói.
Đức Phật dạy là, chỉ trích khi đáng bị chỉ trích, tán thán khi đáng được tán thán. Nam Mô A Di Đà Phật.
Người tu hành, cư sĩ thì ngồi với con được. Còn như thầy dùng cơm thì thầy ngồi xa xa đầu kia. Thầy dùng cơm xong rồi thầy đi. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
17.
Hỏi: Khi con gặp được thầy thì tâm con an vui lắm ạ.
Đáp: Mình đi là để tập, ở chỗ nào, mình cũng thấy an lạc hạnh phúc cả. Tập ở chỗ nào, họ không ở được mà mình thì vẫn ở được. Những chỗ cầu cống, nghĩa trang, nghĩa địa, không tốn tiền, không ai đuổi cả.
Tu hành là nhân duyên. Khất thực là nhân duyên, là phước báu, không phải ai cũng có thể đi được như thế. Ngài Xá Lợi Phất, đi khất thực một mình, nhưng ngài Sivali, khi đi khất thực, đi cả tăng đoàn. Trốn đi, ngồi trên núi rồi mà dân chúng vẫn gánh đồ lên để cúng dàng. Là do duyên, do phước của ngài Sivali.
Trước khi con thọ thực, thì thời điểm đó là thanh tịnh nhất, ai muốn bố thí cho con bao nhiêu cũng được. Nhưng khi con ngừng, con đủ, con không nhận nữa, và khi con ăn xong rồi, là sẽ không nhận thêm bất kỳ gì nữa. Nhận nhiều mà dùng không hết, trước là lãng phí, sau nữa là mang nặng, lôi thôi lếch thếch, mất oai nghi của người tu hành.
Nhiều người không biết, nên họ thường bị lỡ những cơ hội bố thí.
Tu theo pháp tu khổ hạnh của con, có những lúc, ở tuốt trong rừng sâu, không có dao lam để gọt, thì tóc, râu, móng, gì cũng mọc dài ra. Nên về tóc, con được phép để dài hai đốt ngón tay, và hai tháng, con cắt một lần cũng vẫn được, nhưng không được dùng dầu gội đầu.
******
III/ CẢM NGHĨ
Ở vấn đáp thứ tám, khi sư trả lời, bộ hành khất thực là để tập luyện từ bỏ tâm hại, não hại, vui vẻ, niềm nở với mọi người, thì quả là, rất đúng với sư.
Gặp ai, sư cũng chắp tay, khẽ cúi đầu, Nam Mô A Di Đà Phật, hoặc A Di Đà Phật. Miệng như luôn sẵn sàng nở nụ cười tươi, không cau có, không khó chịu với ai bao giờ. Sư sẵn sàng trò chuyện, sẵn sàng trả lời thắc mắc, cũng như sẵn sàng kiên nhẫn từ chối thức cúng dường của mọi người, sau khi sư đã thọ thực một lần duy nhứt, vào buổi sáng sớm trong ngày.
Chính nhờ những trả lời phỏng vấn liên tục này của sư trên đường, trong suốt sáu năm bộ hành khất thực, mà mọi người mới dễ dàng kiểm chứng được những lời trình bày, giải đáp của sư, là những lời rất ngay thẳng, lương thiện, trung thực và rất trước sau như một của sư.
Và các câu trả lời thứ 14,15 và 16 hôm nay, phải nói là tuyệt hay!
------------------------
Sài Gòn 01.08.2024
Phạm Hiền Mây