VÔ SỞ HỮU - Phần IX

VÔ SỞ HỮU - Phần IX

I/ GIỚI THIỆU
Video Vô Sở Hữu - Phần IX, với độ dài một giờ dưới đây, đã được phát hành trên kênh YouTube Conikal vào ngày 01.09.2024
******
II/ VẤN ĐÁP CHÍNH
1. 
Khi mà mình đi như thế này, va đập với đời sống nhiều, thấy người ta không theo ý mình, mình dễ nảy sinh lòng không ưa thích. Nên con mới tập học bằng cách bộ hành, khất thực, nó sẽ giúp con bỏ dần tham sân si. 
Trên đường, phải có nhiều chướng ngại, thì người tu hành như con, mới rèn luyện được. Như ý, cũng an lạc. Mà không như ý, con cũng an lạc. 
Có đi bộ hành rồi mới biết, không như mình hình dung. Như những lúc tới đồng không mông quạnh, hay nắng nóng, chẳng hạn, cực lắm. Lúc ấy, con tăng thêm y, rồi lấy bạt che cho đỡ nắng. Gặp những lúc như thế, lòng mình dễ khởi sân. 
Có câu, lửa thử vàng, gian nan thử sức, là vậy. 
**
2.
Hỏi: Đám cưới nên làm to hay làm nhỏ cho tiết kiệm, thưa thầy?
Đáp: Tùy điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng to, nhỏ gì, cũng liên quan đến sát sanh, mang nghiệp. 
Làm từ thiện, bố thí, ban phát cho người nghèo khổ, thì nên làm to. 
**
3.
Hỏi: Khi thầy ngủ ở nghĩa địa, thầy có thấy vong không ạ?
Đáp: Dạ không, con không thấy. Nghe tiếng, thì con có nghe, nhưng mắt thì không thấy gì lạ hết. Thật ra, cũng đôi lúc, con có thấy bóng đen loáng qua, vụt qua, nhưng con không biết đó là gì. 
Mình không có thiên nhãn, nhãn lực, thần lực, làm sao mình thấy được. Nếu máy quay phim đời mới, tốc độ cao, thì có khi ghi hình được. 
**
4.
Hỏi: Anh họ của con, trước kia làm việc ở Lâm Đồng, bị bệnh mất ngủ, và hay nói những chuyện khó hiểu, đi bác sĩ thì họ chẩn đoán là thần kinh phân liệt. Về nhà, xuống nhà dưới thì bệnh càng nặng hơn, nhưng lên nhà trên thì lại ngủ ngon. Cả nhà cứ đi làm lễ này, lễ kia khắp nơi. Không biết anh con bị vong hay bị thần kinh ạ? 
Đáp: Dạ, cứ nên đi bác sĩ cho họ khám bệnh, định bệnh. Nhưng nếu ở chỗ nào, mà làm cho người ấy khó chịu, thì có thể, nơi ấy, cũng đang có điều lạ.  
******
5.
Hỏi: Khi bộ hành, thầy có tư duy không ạ?
Đáp: Khi đi, con gặp nhiều người dừng lại, chắp tay, đảnh lễ cung kính. Họ mang đến cho con đồ ăn và cả cho con tiền nữa. Trong số ấy, có rất nhiều nữ nhân trẻ đẹp. Khi ấy, con quán. Con quán rằng, tất cả những điều này thuộc về tham, sân hận, si mê. Hãy xả bỏ. 
Lại có người nhìn con cười. Có người thì nhìn con chăm chăm, hiếu kỳ. Những điều đó làm tâm con xáo trộn. Khi ấy, con quán, mình đang tập học, mình đang tu hành, hãy xả bỏ. Đừng nuôi dưỡng Ngã. Ai cười mặc kệ. Đừng sân hận, đừng si mê. Hãy khởi tâm từ bi trên bước đường tập học.  
Những lúc đi mệt mỏi, nắng nôi, mà lại đông người đi theo, hỏi han, nằn nì đưa con thực phẩm, chai nước. Con vừa khát, mà cũng vừa sợ tai tiếng. Rồi con Chánh Niệm, giữ bình thản, giữ sự cẩn thận để trả lời mọi người. Lúc ấy, con quán, không nổi sân với những người chặn con lại để hỏi han, không bỏ qua những câu hỏi mà họ đã đặt ra cho con, phải ân cần với họ. 
Con quán, không được vui thích khi họ cho thức ăn, nước uống, đúng lúc mình cần. Và cũng không được làm lơ, không được bỏ qua những hỏi han của mọi người, không xem họ là chướng ngại, không ghét họ, khi mình không còn cần thức ăn, nước uống nữa.
Con Chánh Niệm suốt. Không tham. Kể cả không tham ngủ, không để cho Hôn Trầm, một trong năm Triền Cái. 
Tu Thiền, chủ yếu là Thiền Quán, Chánh Niệm. 
******
6.
Hỏi: Mục đích của Thiền Định là gì ạ?
Đáp: Mục đích của Thiền Định là làm cho tâm an lạc, Định tĩnh, thì từ đó mới sinh ra Tuệ. Tâm được tĩnh, nội tĩnh, tĩnh Nhất Tâm sanh ra hỷ lạc, an lạc. Tâm được Định tĩnh, hướng tới Định, sẽ xả bỏ. 
Thiền Định sẽ sanh Tuệ. Giới sanh Định. Định sanh Tuệ.
******
7.
Có những vị Độc Giác Phật, họ tu, họ đạt Niết Bàn, họ chứng. Ở trên rừng núi, họ không có đệ tử, họ đi khất thực và họ cũng không nói Pháp với ai cả. Ai hữu duyên thì họ sẽ nói.
Họ có thần thông, nên họ biết được quá khứ, hiện tại, tương lai. 
Chư thiên trên trời, họ có tuổi thọ cao, đến tám vạn tuổi, sống lâu hơn cõi người. Họ biết Giáo Pháp của mình. 
Nghe trong kinh sách, vào thời Mạt Pháp, khi không còn Giáo Pháp nữa, và tuổi thọ con người giảm xuống mười tuổi, khi đó mới có Phật Maitreya ra đời. 
******
8.
Hỏi: Phật Giáo Hòa Hảo có tu theo chánh pháp không ạ?
Đáp: Dạ, họ cũng là những người tu hành, làm việc thiện.
Tôn giáo nào cũng có chánh pháp riêng của họ. Không thể gọi Pháp của tôn giáo mình là chánh pháp, cũng như không thể cho rằng, giáo pháp của những tôn giáo khác là tà pháp. 
Chánh pháp của Đạo Phật là của Phật Thích Ca Mâu Ni. Những ai tu theo chánh pháp của Phật thì họ sẽ hành trì theo Bát Chánh Đạo của Phật Thích Ca Mâu Ni. 
******
9.
Hỏi: Phật Giáo Nguyên Thủy là của Thích Ca Mâu Ni? Và Phật Giáo Đại Thừa là của Trung Quốc ạ?
Đáp: Phật Giáo Đại Thừa cũng là Phật Giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni, họ tu theo hạnh Bồ Tát, tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Còn Tiểu Thừa thì tu đạt quả Thanh Văn, Giải Thoát. 
Đại Thừa hay Tiểu Thừa, thì cũng đều học theo lời Phật dạy cả. 
******
10.
Hỏi: Phật Giáo Nguyên Thủy không có Bồ Tát, phải không ạ?
Đáp: Dạ có chứ, có khái niệm Bồ Tát chứ. Ngài thụ ký cho Maitreya Di Lặc trong kinh Nikaya, trong kinh Tiểu Bộ đó. 
******
11.
Đọc kinh nào mà làm cho mình yêu mẹ mình hơn, thương mẹ mình hơn, thì đó là kinh đúng, kinh tốt, là chánh pháp.
Kinh nào khởi cho mình tâm từ bi, biết thương mẹ, biết tôn kính mẹ, biết báo hiếu cho cha mẹ, thì đó là kinh đúng, kinh tốt, là chánh pháp.
Đọc kinh nào mà dạy cho mình lòng hận thù, chán ghét người thân, tìm cách đuổi người thân đi để cướp đoạt tài sản, thì đó là kinh sai, không tốt, không chánh pháp. 
******
12.
Hỏi: Kinh sách bây giờ rất nhiều loại. Thầy có thể tóm tắt lại, kinh pháp nào quan trọng nhất để cho người muốn tìm hiểu Phật Pháp biết không ạ?
Đáp: Tóm tắt lại kinh sách, thì con làm không được. Phật Pháp rộng lớn, mênh mông, học mấy năm như con cũng không hết được.
Nhưng nếu lưu ý, sẽ nhận ra, kinh nào của Đức Thế Tôn cũng dạy chúng ta phân biệt Thiện và Ác. 
Kinh sách nào đọc, mà khởi lên tâm ác, là không phải kinh của Đức Thế Tôn rồi. 
Đọc kinh nào, mà khởi lên trong tâm mình lòng từ bi, sự thiện lương, biết làm những điều đạo đức, điều thiện, điều lành, thì đó chính là kinh của Đức Thế Tôn. Bỏ ác, làm lành là pháp của Đức Thế Tôn, lời của Đức Thế Tôn, thuyết của Đức Thế Tôn. 
******
13.
Có nhiều người than, tôi làm việc thiện nhiều, mà sao trời không cho giàu.
Có thể do đời trước của họ, đã xài hết phước nên đời này khó khăn. Nhưng nếu họ tích phước đời này, thì đời sau của họ sẽ tốt hơn. Quả đời này chưa chín, lại bị nghiệp đời trước dắt dẫn, thành thử mới thế. 
******
14.
Hỏi: Nghiệp bố mẹ gây ra, con cái có phải chịu không ạ?
Đáp: Dạ không. Ai làm người đó chịu. Nghiệp ai làm, người đó tự gánh. 
Bố mẹ bệnh, đau đớn, con cái có muốn đau thay, cũng không được. Bố mẹ trăm tuổi, con cái có muốn chết thay, cũng không được. 
Con cái sinh ra, một là đến báo ân, hai là đến báo oán. 
Cha mẹ đời này xấu xa, độc ác, nhưng đời trước có giúp đỡ ai đó, thì họ sẽ tái sanh vào đời này, làm con ngoan ngoãn, hiền lành.
Cha mẹ đời này hiền lành, thiện lương, nhưng đời trước có làm ác với ai đó, thì họ sẽ tái sanh vào đời này, trả thù, phá phách. Giống vua A Xà Thế. 
Nhân quả trả vay. 
******
15.
Hỏi: Người xưa, khi cắt cổ gà, họ đều đọc bài kinh siêu thoát cho nó. Như vậy có đúng không ạ?
Đáp: Đó là mình an ủi mình thôi. Con gà nó có đồng ý đâu? 
Con thấy người ta cắt cổ gà, hai chân con gà giật giật rất lâu, máu từ cổ phun ra xối xả, trước khi chết, giãy giụa dữ lắm. Nó bị như thế, làm sao trong tâm nó, lại không sinh ra oán? 
Nó oán, xong nó nguyện, đến đời nào nó tái sinh được, nó sẽ làm con người đã giết nó, để nó báo oán, trả thù. Sao lại không có? Nó phá cho tan nát luôn ấy chứ. 
Nếu mình nhìn thấy, con gà, con cá, người ta sắp cắt cổ, mổ bụng, nếu mình có thể, hãy mua nó lại, rồi thả cho nó đi. Con gà, con cá ấy, nó sẽ phát tâm, đời nào đó, tôi nguyện làm con ông bà, sẽ báo ơn, báo hiếu ông bà. 
******
16.
Phật Thích Ca Mâu Ni thì phóng hào quang năm sắc.
Hào quang phóng ra, tùy theo công hạnh của người tu. Có người phát ánh sáng xanh. Có người thì vàng, trắng, đỏ. 
******
17.
Mình đọc kinh sách, hiểu kinh sách, rồi tự giữ giới luật tu hành cho mình. Mình cứ tin vào Tam Bảo. Không cần thấy các thầy tu rồi mình mới tin. 
Như con, khi con vào chùa, con thấy con không phù hợp với họ, con bỏ chùa, tự nghe kinh sách rồi con tu thôi. Tu cho mình, tự mình có niềm tin vào Tam Bảo, cần gì phải thấy ai? 
Ngày xưa, con tu tại gia, nhưng con lại không đủ duyên để khuyên được cha mẹ ở nhà bỏ mặn, ăn chay. Cha mẹ con muốn ăn mặn cho ngon miệng và có sức khỏe. Nên con đành xin phép cha mẹ cho con xuất gia, để con được ăn chay và tu hành theo ước nguyện của con.
Vì con muốn giúp cha mẹ con, nên con mới quyết tâm xuất gia, tu hành. Muốn cho cha mẹ con tin con, nghe lời con, thì con phải tu sao cho con được an lạc, hạnh phúc cái đã. 
Ngày xưa, cha mẹ con quan niệm, con cái thì phải nghe theo lời cha mẹ, và con phải có công việc, phải có tiền mới sống được. Thế nên, con xuất gia, tu hành, con cũng muốn cho cha mẹ con hiểu, con sẽ không đau khổ, phiền não, cũng như, con sẽ được an lạc và hạnh phúc. 
Quan trọng nhất vẫn là phải giữ được Giới, Giới luật, Giới đức, đức hạnh. Mình nói được, mình làm được, thì những người chung quanh mình mới tin, và mới nghe, mới chuyển theo mình. Mình phải nỗ lực để an lạc và hạnh phúc trong đời sống tu hành của chính mình. 
Mình còn khổ, còn phiền não, sẽ chẳng thể khuyên được ai. 
Bây giờ cha mẹ con có đem tài sản, nhà cửa, vàng bạc ra chia cho con, con cũng không lấy. Con đã bỏ được tham rồi, con mới đi như thế này. 
Nếu tự dưng, con không tu, mà con khuyên người ta cạo tóc, ba y, một bát, xuất gia, ai tin con? Họ sợ, chẳng may, không có gì ăn, chẳng may, quá cực khổ, nên thôi, cứ sống đời cư sĩ cho an lành. 
Nhưng khi con đi như thế này, mọi người nhìn thấy con, thấy con đang có một đời sống thật sự an lạc và hạnh phúc, thì mới có thể, tâm thiện bộc phát, khởi lên, họ nghe theo con, họ làm theo con. 
Cha mẹ con, bây giờ, cũng nhiều thay đổi, sau khi con đã xuất gia, tu hành được bảy, tám năm nay. 
Ngay cả với mọi người đây cũng vậy, nếu con không tu thật, không an lạc, không hạnh phúc thật, thì mọi người đâu có ngồi đây, và nghe con nói như nãy giờ? 
Mà con có nói, chắc gì mọi người đã tin con, nếu con không chứng minh, bằng chính việc tu hành của con, trong thời gian qua, bằng việc bộ hành, bằng việc khất thực, ăn chay, ngày một bữa, y được may bằng vải nhặt ven đường và đêm thì con ngủ ngồi ở nghĩa địa?
Khi con đã ăn được bằng của bố thí, khi con đã mặc được y may bằng vải thừa, vải bỏ, khi con đã ngủ được rất ngon ngoài nghĩa địa, khi con an lạc và hạnh phúc với đời sống thiểu dục, thì con đâu cần tiền nữa? Thì con đâu vì lý do gì để rời bỏ đường tu hành mà con đã chọn nữa?
******
18.
Vâng, có một anh, từng theo con tập học thử, được sáu đêm. Con ngủ ở đây, thì anh ngủ bên kia, cách một khoảng xa. 
Đêm đầu, anh ấy cũng sợ. Đêm sau thì quen. Anh ấy cũng chỉ ăn ngày một bữa, cũng giữ giới luôn, giữ tám giới.
Anh ấy có vợ và mẹ già, nên cũng không biết có chiến thắng được các dính mắc không ạ.  
Giả sử như bây giờ, mẹ con có đến đây, khóc lóc, nài nỉ, van xin con quay về, thì con cũng vẫn cương quyết tiếp tục đi theo con đường tu hành mà con đã chọn lựa. Vì nếu như con có quay về, thì cuộc đời của mẹ con, cũng không thể vì thế mà an lạc, hạnh phúc hơn hay sống thọ được hơn. Cả con, cả mẹ con, đều không thể vì con quay về, mà thoát được luân hồi sinh lão bệnh tử. 
Ái kiết sử, ái biệt ly, khổ. 
Bây giờ, con đang trên đường tập học, có nghe tin cha mẹ con trăm tuổi, thì con cũng không quay về. Nhưng con sẽ ước nguyện, để được hồi hướng công đức cho cha mẹ con, mong cho cha mẹ con được hạnh phúc và sanh về những cõi lành, không khổ đau, không đọa địa ngục.
Phải vượt qua ái, khổ ấy. 
******
III/ CẢM NGHĨ
Rất trước sau như một, không dời đổi, không bất nhất, đó là tất cả những gì mà tôi nhận ra được, một cách rõ ràng, về tư tưởng, quan điểm, hiểu biết về Phật học của sư Minh Tuệ, sau ngót bốn mươi video, tôi chuyển thoại nghe thành thoại văn bản.
Sư Minh Tuệ, hôm nay, có thể chưa phải là một nhà thuyết pháp danh tiếng lẫy lừng, bởi nhiều lý do. Nhưng lạ một điều, là rất nhiều người lại thích nghe sư trò chuyện, nói pháp, bởi sự đơn giản, nhẹ nhàng, thân thiện, không màu mè, không hoa lá, không vẽ vời, nên rất gần gũi với người nghe.
Rất xứng đáng để được xem, việc chúng ta biết đến sư Minh Tuệ vào những năm hai mươi của thế kỷ hai mươi mốt này, là nhơn duyên, là hạnh ngộ, thậm chí, là cuộc kỳ ngộ của chúng ta và sư. Sự vận hành nhiệm màu của Pháp, đã đưa sư đến với chúng ta, cũng như, cho chúng ta tìm thấy sư, giữa lúc xã hội đương thời đang rất nhốn nha nhốn nháo, và cả rất nhớn nha nhớn nhác này.
Có lẽ Vô Sở Hữu sẽ kết thúc bằng con số mười tròn trịa, đáng yêu. Tôi mong chờ điều đó. Đây cũng là một nhơn duyên khó có trong đời giữa bạn trẻ Ha Van Long và vị sư rất kính mến của chúng ta, Minh Tuệ. 
Xin tán thán công đức của sư Minh Tuệ. Chúc youtuber Hà Văn Long gặp nhiều may mắn trên đường đời. Chúc tất cả các bạn vui vẻ và hạnh phúc. 
------------------------
Sài Gòn 02.09.2024
Phạm Hiền Mây

Bài mới

Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
VÔ SỞ HỮU - Phần Cuối
Hỏi: Khi vô thường đến với thầy, thầy có muốn nhắn nhủ gì với đại chúng không ạ? ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IX
Mình đọc kinh sách, hiểu kinh sách, rồi tự giữ giới luật tu hành cho mình. Mình cứ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VIII
Hỏi: Thầy nghỉ trong nghĩa địa như thế này, nhỡ, đêm mưa to gió lớn thì sao ạ? Đá...
VÔ SỞ HỮU - Phần VII
Hỏi: Đất nhà con có nhiều vong, con trót hứa với họ, khi nào con còn làm ăn được, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VI
Hỏi: Con ăn chay, chồng con ăn mặn. Vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Xin thầy cho...
VÔ SỞ HỮU - Phần V
Hỏi: Con có nghe trên YouTube, một thầy kia, chuyên đi giảng pháp cho doanh nhân, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IV
Hỏi: Khi con gặp được thầy thì tâm con an vui lắm ạ. Đáp: Mình đi là để tập, ở c...
VÔ SỞ HỮU - Phần III
Nếu không mộ đạo, nếu không kính trọng sư, nếu không chân thành yêu thương sư, sẽ ...
VÔ SỞ HỮU - Phần II
Hỏi: Vậy sáu năm trước, đã nhiều người biết thầy chưa ạ? Đáp: Dạ không, không ai...

Are you sure?