VÔ SỞ HỮU - Phần V

VÔ SỞ HỮU - Phần V

I/ GIỚI THIỆU
Video Vô Sở Hữu - Phần V, với độ dài một giờ của youtuber Conikal dưới đây, đã được phát hành trên kênh YouTube vào ngày 04.08.2024
******
II/ VẤN ĐÁP CHÍNH
11:00 30.03.24
Lối vào cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình - Hà Nội.
1.
Hỏi: Chuyện thầy bị hành hung bữa trước, đầu đuôi như thế nào ạ?
Đáp: Con không muốn nói về chuyện này, vì cũng lỡ rồi, người đánh con, họ cũng buồn. Câu chuyện xảy ra ở Quảng Nam. Con được họ cho thức ăn rồi, con đang đi tìm chỗ vắng vẻ như thế này để con ăn bánh mì và xôi. Con gặp thầy đó là thầy tu, mặc quần lam, cởi trần, lau xe, gần đó cũng có một tịnh thất, chắc ngài cũng đang làm nghề sửa xe sinh sống. Con vừa đi tới đó thì ngài hỏi con, mày đi đâu? Dạ, con đang đi khất thực. Họ nói, mày có biết là mày vi phạm pháp luật không, mày to khỏe thế, sao không đi làm mà ăn? Con cũng chỉ dạ dạ, rồi con xin phép con đi. Con cũng hiểu, là con nói không lại họ rồi. 
Rồi họ nói, đưa bát đây tao kiểm tra. Con không đưa thì họ giật lấy. Kiểm tra xong thì họ giảng đạo cho con nghe. Đợi họ giảng xong, con xin lại cái bát để con đi. Con đang đưa hai tay để đón bát, thì họ buông tay cho bát rơi xuống đất, rồi gồng mình lên, dộng vào ngay cằm miệng con một đấm, nghe cái bụp, chảy máu mồm. 
Con nói, con xin chúc cho thầy được vui vẻ, hạnh phúc, cho con xin cái bát. Rồi con cầm bát lên và đi. 
Đi một đoạn, máu ra đầy miệng con, con đang đứng ở góc tường nhổ máu ra thì có một anh đến cho con hai cái bánh mì. Anh hỏi con, làm gì mà mồm miệng máu không vậy? Con mới nói, dạ, con bị cái mụt. Con không nói là con bị đấm. 
Sau đó, con nói, thôi chết rồi, tại sao lại phải nói dối. Nếu mình bị đấm, thì phải nói thiệt là bị đấm chớ. Con quay lại, đi tìm anh vừa hỏi nhưng không ra. Nay, qua video này, con cũng muốn thưa với anh ngày xưa, đã từng hỏi con, miệng sao mà máu không, thì chuyện là như vậy, con bị đấm, đầy một miệng máu.
******
2.
Hỏi: Nghe thầy kể mà xót xa, thương thầy, không biết phải nói làm sao.
Đáp: Dạ, việc con bị đánh, đó cũng là những thử thách cho nỗi sân hận của con, cho con học thêm tánh kham nhẫn, học tập vượt qua gian khổ. May mà họ chưa lấy cây, lấy gậy, lấy dao, lấy kiếm họ đập con. Nhưng dù gì thì con cũng vui vẻ. Vui vẻ nhẫn nhục, vui vẻ kham nhẫn. Cũng nhờ họ, con mới biết tâm mình còn sân si hay không mà tiếp tục rèn luyện. Và dẫu như là họ có đánh đập con, thì con cũng không bao giờ bỏ cuộc. 
Con vẫn đi, trừ phi họ giết chết thì con mới thôi. Chưa chết là con còn nghe lời Phật, chưa chết là con còn đi. Không phải vì như thế mà con sợ hãi. 
******
3.
Hỏi: Con xin phép thầy, cho con hỏi điểm cuối cùng của thầy là ở ngoài bắc hay ở đâu ạ?
Đáp: Điểm cuối cùng? Con không biết ạ. Đi của con phụ thuộc vào duyên, thuận duyên. Con đi là để luyện tập. Còn sức khỏe, còn đủ duyên thì con còn học tập, bộ hành, rèn luyện. 
******
4.
Hỏi: Thầy nghỉ trong bao lâu rồi mới lại đi ạ?
Đáp: Dạ, tùy, thích nghỉ chân lại bao lâu thì nghỉ, thích đi thì đi. Con không bị trói buộc vào giờ giấc, thời gian. Mưa bão thì con nghỉ. Nắng lên thì con đi. Đi là để rèn luyện. Ngồi nghỉ, ngồi chơi lâu, sẽ biếng nhác. Không đi thì thôi, đi thì phải có đoạn đường dài mà tập. Như quý vị ở nhà luyện tập luyện thể thao vậy, tối thiểu cũng từ ba mươi phút trở lên. Mới tập được đôi, ba phút đã nghỉ thì cũng xem như chẳng rèn luyện gì được cả.
Tập mà kiên trì, từ ba mươi phút đến một, hai tiếng, thì tác dụng sẽ tốt hơn so với những người quơ tay quơ chân vài cái. 
******
5.
Hỏi: Những người hôm qua đi tìm thầy, có gặp được thầy không ạ? Lúc đó thì con lại không dám đến làm phiền thầy, để thầy nghỉ ngơi. 
Đáp: Con ngồi dưới gầm cầu. Hồi tối, có hai anh từ Yên Bái xuống. Họ mượn đèn pin, soi cả đêm, ngồi từ mười rưỡi đến mười hai giờ. 
Ban đêm, mình đừng có gặp, vì sẽ dễ bị nghi ngờ, có nói gì, có làm chuyện gì mờ ám không. Ban đêm, thì ăn trộm mới thường bày mưu, chích hút, hoặc làm gì không tốt. Đi tu hành, thì ban ngày, ban mặt, hữu duyên hãy nói chuyện. Còn ban đêm là giấc yên ổn, tu thiền, nghỉ ngơi cho có sức khỏe, mọi chuyện mới tốt đẹp. Đêm mà hội họp, con thấy cũng không hay. Có việc gì cần gấp lắm thì mình mới gặp, nói chuyện, nhưng cũng phải có nơi, chớ trong nghĩa địa là hoàn toàn không nên. 
Ngồi nói chuyện từ sớm, lỡ mà sụp tối, thì còn được hoặc cùng trong giới tu hành, đi khất thực cùng nhau, mà họ có nói trong đêm, thì không sao cả. Chớ người đạo, người đời, dễ gây ra hiểu lầm, lung tung, này nọ, thì không tốt lắm. Ban ngày thì cứ tìm gặp bình thường, không sao cả. 
******
6.
Hỏi: Con muốn biếu thầy đôi dép để mang, mong thầy nhận. 
Đáp: Anh muốn bố thí đôi dép thì con xin nhận công đức của anh, con nhận tấm lòng của anh, nhận tâm của anh thôi, chớ con không mang. Đi dép không đi được nhiều và cũng khó mà luyện tập kham nhẫn. Nào giờ, con không đi dép, con quen đi chân đất như thế này rồi, đi để tập luyện vượt qua chướng ngại, gian khổ. Con cảm ơn. 
Có những thầy đây, đi theo con từ Ninh Bình ra. Họ ăn được bữa chiều, bữa tối. Nếu anh có nước, có bánh, có cơm, có dép, anh cho họ ạ. Về phía con, ngoài một ngày một bữa cơm trước mười hai giờ trưa, thì con không nhận dép, cũng không nhận y. 
******
7.
Hỏi: Hôm qua, có tin, thầy đi sang Hà Nam luôn. Như thế này là thầy đi từ Thái Bình sang Hưng Yên. Hưng Yên sang Hải Dương rồi mới sang Hà Nội. 
Đáp: Vâng, con cốt đi hướng Nam Định này để đi nốt những tỉnh con chưa đi. Hà Nam con đi rồi. Khi còn ở Nha Trang, con có nói là con sẽ đi đường này. Ra tới đây, có một anh chỉ đường khác nữa, từ Phủ Lý sang Hưng Yên, lòng vòng hai, ba chục cây số, theo quốc lộ ba mươi tám, đi ngược lại. Hải Dương con đã đi rồi, lúc ra Quảng Ninh. Nên con sẽ từ Hưng Yên qua Hà Nội luôn. Mỗi nơi, con đi ngang qua thôi, để đi được khắp đất nước. 
******
8.
Hỏi: Thầy có từng học hay làm việc ở phía Bắc không ạ.
Đáp: Quê con Hà Tĩnh nhưng con không học và cũng không lập nghiệp ở ngoài Bắc ạ. Con cũng có một thời gian làm việc sáu tháng ở ngoài Bắc Giang, nên con cũng có biết khí hậu miền Bắc. 
******
9. 
Hỏi: Bữa trước con thấy có một cậu đi theo thầy? Người ta theo dõi đường đi của thầy ở trên mạng nhiều lắm ạ. Khi về, thầy có về lại đường này không ạ? Các bạn ở Hà Nam đang trông ngóng thầy lắm ạ. 
Đáp: Dạ, có một anh, đi theo con từ Thanh Hóa, cũng được sáu hôm, cũng ngủ nghĩa địa. Con có nói với anh, nếu muốn đi, về thu xếp việc gia đình, lo cho mẹ xong xuôi, đừng để mẹ buồn, xin phép mẹ, thuyết phục mẹ, được mẹ đồng ý rồi hãy đi. Con không về lại đường này. Có thể con về theo đường Hòa Bình, Ninh Bình, quốc lộ hai mươi mốt. Con sẽ có ghé Hà Nam khi tới Hưng Yên, qua quốc lộ ba mươi tám. 
******
10.
Hỏi: Bữa trước, con cúng dường thầy cái y, thầy không nhận, con vứt y ấy đi rồi ạ. Mà thầy may y rất đẹp ạ. Con là thợ may mà sợ đường may, cũng không đẹp bằng thầy. 
Đáp: Dạ, con không nhận y bố thí. Con chỉ có thể mặc y nhặt được ở ngoài đường, vì khi ấy, y mới thanh tịnh, con mặc vào sẽ rất là tốt đẹp. Nhưng lại rất hiếm có ai, làm y xong, vứt ra ngoài đường như thế, chỉ có hàng Bồ Tát, chư thiên, mới biết mà làm y đẹp như vậy. 
Dạo sau này, con không may y đẹp nữa, vì may y đẹp rất lâu. Lỡ mà có ai xin y, con cũng có thể cho được. 
Vải bỏ, mà con biết, bỏ để cho con, là con cũng không mặc được. Con chỉ mặc được những vải, mà người ta bỏ đi, vì không cần dùng tới. Đây là duyên phước của mỗi người và cũng để giữ được hạnh trang nghiêm của người tu hành. 
******
11.
Hỏi: Những bạn đi theo thầy, sợ thầy đuổi lắm ạ.
Đáp: Dạ không, con không đuổi ai cả, con không khó khăn như thế đâu. Chỉ là tùy sức khỏe, tùy nhân duyên, là tùy tâm mỗi người thôi ạ. Muốn ăn thì cứ nhận đồ ăn. Có tiền thì cứ tự nhiên mua ăn. Thậm chí, đi bộ mà mỏi chân quá, thì cứ đón xe mà đi cho đỡ mỏi. Như hôm nọ có anh ở Hà Tĩnh cũng vậy. Ảnh bắt xe bus đi mười cây rồi đến đó ngồi chờ. Hoặc đến giờ cơm, anh vào quán mua cơm ăn. Rất thoải mái. Không cần phải theo sát. 
Muốn quay phim con hay không quay đều được. Đi cách xa con ra cho tự nhiên. Muốn uống nước, muốn nghỉ ngơi, muốn ăn cơm, cứ tùy nghi. Xem như một trải nghiệm cũng tốt. 
******
12.
Hỏi: Nhiều người thắc mắc, có thật là thầy đã đi chân không khất thực mấy năm nay?
Đáp: Đúng là đi chân không, không quen, sẽ đi không được đâu. Đi vài ngày là rách da, chảy máu. Thời gian ngắn thì được, chớ đi liền một tháng, hoặc đi liền hai, ba chục cây số, khó lắm. Đi chân không khất thực, thật hay không thật, nhìn vào sẽ biết ngay. 
Nhưng mà mình cũng đừng để tâm hay nặng lòng vì những thắc mắc ấy. Mặc kệ họ. Mình đi được, thì cũng là được cho mình. Đừng để ý. Cứ vui vẻ.
******
13.
Hỏi: Con nghĩ, chỉ những ai, từng có tu tập mới hiểu được người tu tập, chớ còn không tu, chưa từng tu, là không hiểu được đâu ạ. 
Đáp: Con đi như thế này, không phải là để khẳng định mình với ai. Con đi để rèn luyện, con đi để thực tập sức chịu đựng trước khó khăn, chịu đựng trước sự khổ. Có khắc phục được khổ, thì mới khắc phục được nhiều điều khác, chớ nếu không là thất bại. 
******
14.
Hỏi: Con đường tu tập của thầy, không dễ chút nào, con nghĩ không mấy ai làm được. 
Đáp: Do là họ chưa biết thôi. Có nhiều người bộ hành khất thực giỏi lắm, nhiều vị tu tinh tấn lắm. Các vị ấy chưa xuất hiện thôi. Rồi sau mọi người sẽ thấy. 
Chỉ cần một người bước đi trước, là sẽ có nhiều người nối theo sau, để học tập, rèn luyện xả bỏ. Đi được hay đi không được, nằm tại tâm. Hễ quyết tâm là được. 
Nhưng cũng có người quyết tâm mà rồi không đi được, bởi vì đau chân, hư chân, bệnh tật. 
******
16.
Hỏi: Con đi theo quay thầy, người ta thường hiểu lầm. Họ nghĩ là đang làm phim quảng bá hình ảnh, hay quay cho phim truyện. 
Đáp: Dạ, tại đi theo cũng đông, ê kíp, hai, ba người. Nhưng không sao. Việc con là tu tập, việc các anh là quay phim, việc ai nấy làm. Ai nói gì con cũng mặc kệ. Họ khen, con cũng như thế. Họ không khen, con cũng như thế. 
******
17.
Hỏi: Điều gì không thật, khó giấu được lắm ạ. 
Đáp: Cộng đồng mạng họ rất tinh. Tu giả hay tu thật họ cũng biết, mà người nào lợi dụng, nhận tiền nhận bạc, họ cũng biết ngay. 
Mọi thông tin cần phải nghe từ cả hai phía, hai chiều, chỉ nghe một chiều, hoặc xấu, hoặc tốt, sẽ không đúng. Mình tập sao cho không bị ảnh hưởng bởi cả hai chiều thông tin, hai chiều nhận định đó.
Con tu hành, giữ giới, không sân hận, không ghét bỏ ai. Con dứt khoát không nhận tiền bạc, cũng không màng nghe dư luận khen con tốt hay chê con xấu. Xấu, con cũng vẫn bộ hành khất thực. Tốt, con cũng vẫn tiếp tục sống đời sống ba y một bát. 
Ví dụ như, việc các anh theo con quay phim, có người nói, thế là tốt, để nhiều người biết đến và học tập theo. Lại có người cho rằng, đi theo như vậy, sẽ làm ảnh hưởng việc tu hành của con. 
Họ nói theo ý họ, theo suy nghĩ của họ, trong khi, con là người trong cuộc, thì mọi người lại không quan tâm đến suy nghĩ của con. Con chẳng thấy ảnh hưởng gì cả, con cũng không thấy khổ. Con an lạc và hạnh phúc. Con làm việc của con, tập học. Các anh làm việc của các anh, quay phim. Chẳng có chi ảnh hưởng. 
******
18.
Hỏi: Đêm qua, có hai anh ở Yên Bái đến tìm gặp thầy vào giữa khuya, có làm thầy mất vui không ạ? 
Đáp: Hôm rồi, có anh kia, đi tìm con vào ban đêm, lúc ấy, con đang ngủ. Thức giấc nửa đêm, con thấy con nổi sân. Vì con sợ lúc con ngủ, trong tư thế gật gà gật gù, con sẽ không đẹp đẽ, không nghiêm trang. Rồi con giật mình kịp, tự hối, ủa, thế thì có gì đâu mà tại sao lại phải nổi sân? Mọi người có thấy con ngủ xấu, thì con cũng vẫn thế. Mọi người có thấy con ngủ đẹp, thì con cũng chỉ đến vậy thôi.
Hồi hôm, cũng lại có hai anh Yên Bái đi tìm con vào ban đêm tiếp. Qua tới đêm này thì con đã xả bỏ được tâm sân. 
Ngay cả bây giờ, khi con đang ăn mà có người quay, con cũng không còn tâm sân giận nữa. Con mặc kệ hết. 
Người ta đi theo làm lợi ích cho mình thì mình ưa thích. Người ta đi theo mà làm ảnh hưởng đến mình thì mình xua đuổi. Vậy là không được. 
Người đem lại lợi ích và người không đem lại lợi ích, đối với con, họ cũng như nhau, bình đẳng.
******
19.
Hỏi: Con có nghe trên YouTube, một thầy kia, chuyên đi giảng pháp cho doanh nhân, thầy ấy nói, Niết Bàn như thế nào, thì cứ để nguyên như thế ấy.  
Đáp: Ví dụ, con ăn mà không ai quay phim, và ăn, khi có người quay phim - cũng đều như thế mà thôi. Tức là, con ăn trong sự tự nhiên, và lòng không vướng bận đến việc tạo dáng, sửa bộ, làm cho đẹp hơn mà cũng chẳng lo lắng là hình ảnh mình bị xấu đi. 
Còn Niết Bàn, con chưa thấy nên con cũng chẳng thể nói gì về Niết Bàn cả. 
Con chỉ biết, tập sao cho tâm bình tĩnh, bình thản, không còn tham sân si nữa, nghĩa là đã đạt đến trạng thái Niết Bàn ngay hiện tại.
******
20.
Hỏi: Lợi ích của việc bộ hành là gì ạ?
Đáp: Lợi ích trong đi bộ rất là nhiều. Rèn luyện sức khỏe, tập tánh xả bỏ, tập lòng kham nhẫn. Không chỉ thế, thực tập bộ hành khất thực còn khắc chế được tham sân si. Rất tuyệt vời. 
******
III/ CẢM NGHĨ
1. 
Sư kể câu chuyện sư bị đánh, mà sư rất vui vẻ. Đôi mắt sư trong veo, nụ cười sư thiệt tươi. Người ta vô cớ đánh mình, đau đến thế mà sư cũng cười như không. Người như sư, kể ra, ở đời, vô cùng hiếm có. 
******
2.
Khi nghe sư nói câu này, lòng tôi bỗng dưng dậy lên một niềm vui khó tả. Nó như lời mong đợi, như sự tin tưởng vào một ngày mai, sẽ non nước thái bình, một ngày mai, sẽ nhà nhà an lạc: Do là họ chưa biết thôi. Có nhiều người bộ hành khất thực giỏi lắm, nhiều vị tu tinh tấn lắm. Các vị ấy chưa xuất hiện thôi. Rồi sau mọi người sẽ thấy. 
******
3.
Chưa có bộ phim nào mà tôi nhìn thấy sư Minh Tuệ cười nhiều và cười tươi như trong bộ phim này. Nụ cười của ngài rất tươi, nhẹ nhàng, giãn nở. Nụ cười của ngài, khiến mọi thứ chung quanh bỗng nhẹ tênh. 
Cuộc sống vì thế, nhẹ tênh. Kiếp người vì thế, nhẹ tênh.
Và, thân VÔ SỞ HỮU, cũng nhẹ tênh như thế!
------------------------
Sài Gòn 06.08.2024
Phạm Hiền Mây

Bài mới

Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
VÔ SỞ HỮU - Phần Cuối
Hỏi: Khi vô thường đến với thầy, thầy có muốn nhắn nhủ gì với đại chúng không ạ? ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IX
Mình đọc kinh sách, hiểu kinh sách, rồi tự giữ giới luật tu hành cho mình. Mình cứ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VIII
Hỏi: Thầy nghỉ trong nghĩa địa như thế này, nhỡ, đêm mưa to gió lớn thì sao ạ? Đá...
VÔ SỞ HỮU - Phần VII
Hỏi: Đất nhà con có nhiều vong, con trót hứa với họ, khi nào con còn làm ăn được, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VI
Hỏi: Con ăn chay, chồng con ăn mặn. Vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Xin thầy cho...
VÔ SỞ HỮU - Phần V
Hỏi: Con có nghe trên YouTube, một thầy kia, chuyên đi giảng pháp cho doanh nhân, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IV
Hỏi: Khi con gặp được thầy thì tâm con an vui lắm ạ. Đáp: Mình đi là để tập, ở c...
VÔ SỞ HỮU - Phần III
Nếu không mộ đạo, nếu không kính trọng sư, nếu không chân thành yêu thương sư, sẽ ...
VÔ SỞ HỮU - Phần II
Hỏi: Vậy sáu năm trước, đã nhiều người biết thầy chưa ạ? Đáp: Dạ không, không ai...

Are you sure?