I/ GIỚI THIỆU
Video Vô Sở Hữu - Phần VI, với độ dài một giờ của youtuber Conikal dưới đây, đã được phát hành trên kênh YouTube vào ngày 11.08.2024
******
II/ VẤN ĐÁP CHÍNH
1.
Hỏi: Con xin được, trước mặt thầy, thành tâm sám hối những lỗi lầm của con.
Đáp: Dạ được rồi. Ai cũng có lỗi lầm. Con cũng có lỗi lầm như mọi người. Bây giờ, mình ăn năn, sám hối, sửa mình: bố thí, giữ giới, tu thiền là được.
Mình biết mình có tội, nhưng mình sẽ trả nợ được. Nhớ phải phát nguyện tâm tu thành, để lấy công đức của mình, mà trả ơn, mà đền ơn cho họ.
Ngày xưa, con cũng phạm nhiều tội lỗi: sát sanh, trộm cắp, nói láo, rượu bia, đủ hết. Sau khi hiểu được lời Phật dạy, con phát tâm tu hành, để trả ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ.
Gặp ai, mình cũng rải tâm từ bi, giống như đối đãi với cha mẹ mình. Hữu duyên, mình giúp đỡ mọi người, ước nguyện cho mọi người được hạnh phúc.
Muốn giúp được cho họ thì mình phải tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đã. Mình tu không xong, độ cho mình còn chưa được, làm sao độ cho ai?
Công đức mình tạo được, cùng với phát tâm, tự nhiên sẽ có chư Phật, chư hiển thánh, hộ trì, hộ niệm cho mình. Mình có phước báu rồi, thì mình độ cho tất cả mọi người được. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
2.
Hỏi: Thầy thường khuyên mọi người “tu hành”. Con sẽ phải làm những gì để được gọi là tu hành ạ?
Đáp: Dạ, tu hành là bỏ điều ác, dâm dục, sát sanh, trộm cắp; là làm điều thiện để thoát khổ, không bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; cho thân tâm được nhẹ nhàng, hạnh phúc, an lạc.
Không chỉ thế, mình còn phải phát tâm, hướng dẫn cho những người khác cùng tu. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
3.
Hỏi: Tứ Niệm Xứ có phải là khi mình làm gì thì chỉ cần biết rõ mình lúc đấy. Không cần phải kinh kệ gì phải không ạ?
Đáp: Đi mình biết đi. Ngồi mình biết ngồi. Đứng thì biết đứng. Tham biết tham. Sân biết sân. Đại loại vậy.
Khi đã biết, thì tư duy để từ bỏ cái xấu. Biết người ta ăn trộm, mà im lặng, là chưa đúng với tinh thần Tứ Niệm Xứ, phải biết khuyên nhủ kẻ mà mình biết rõ là đang ăn trộm ấy.
Mình biết mình tham, mình biết mình sân, mình nhắc tâm mình, lần sau đừng tham, đừng sân nữa. Biết mình còn các tật xấu thì phải tư duy tác ý nhắc bỏ, diệt trừ, muội lược.
Tứ Niệm Xứ là phải tỉnh giác, là phải quán thân, thọ, tâm, pháp. Tỉnh giác để loại trừ điều ác, tăng dần điều thiện, hay còn gọi là Tứ Chánh Cần.
Khi nào đủ duyên, mình sẽ dễ dàng vào thiền định, lúc ấy, ác, xấu, sẽ bị diệt hoàn toàn. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
4.
Hỏi: Thưa thầy, ban đêm con thiền thông. Hễ mệt thì con nghỉ, nhưng con cố hết sức thiền. Hiện nay, con gần như ở trong ánh sáng rồi. Và có những lúc, con có cảm giác như ánh sáng ấy, vút lên trên tầng trời, vượt ra khỏi kiểm soát của con. Thầy cho con hỏi, lúc ấy, có phải con đã lên tầng thiền trên?
Đáp: Khi thấy ánh sáng, mình phải thấy được sắc, nghĩa là, phải vào được cảnh trời đó, phải biết được mình là ai, phải gặp gỡ các vị thiên, nói chuyện cùng họ.
Xem trong kinh Trung Bộ, ba anh em tôn giả Anuruddha, ngài cũng thiền định như thế, ngài biết giữ ánh sáng, giữ sắc, rồi làm đi làm lại nhiều lần, như vậy, là chắc chắn đã vào được cảnh giới đấy. Không sợ gì cả. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
5.
Hỏi: Đêm hôm rồi, lúc Phật xuất gia, con ra cái đồi ở trước thiền viện, con thiền. Trong lúc con thiền, con thấy con định sâu lắm ạ.
Rồi con nghĩ, mình thiền mãi như thế này, không biết giải thoát là cái gì? Con tự tác ý với sâu thẳm của con, nếu bây giờ, con giải thoát, con xin chết tại đây luôn, trong đầu con không còn chút gợn nào nữa.
Con có gia đình, có hai đứa con trai, nhưng tâm nguyện con là muốn xuất gia, thì con nói với vợ con rồi, bây giờ một là đi lấy chồng, hai là cũng xuất gia tu hành. Bố mẹ con, lương hưu bây giờ là mười triệu. Thì con nghĩ, bây giờ con chết được rồi. Con cứ tác ý, xin mười phương chư Phật cho con được chết ngồi khi thiền.
Con xin được kể hết với thầy, đầu con như đang đóng băng, con đã vào được Niết Bàn ba giây, theo đúng như những gì ngài Ajahn Chah miêu tả.
Con thấy cả vũ trụ. Nó giống như cái ao, phẳng lì như pháp ngài Ajahn Chah.
Đáp: Thưa anh, điều ấy vượt quá khỏi con, con chưa vào tới Niết Bàn nên con không biết.
Nhưng trong kinh sách thì nói, trong cõi Niết Bàn, không còn tham, sân, si nữa ạ. Và cũng không thể kéo dài ba giây. Nó phải liên tục, và trở thành đời sống của mình.
Thiền ngày đêm, không ăn không uống mà vẫn an lạc. Đối, chạm vào cõi để xem tham sân si của mình còn không, mình còn mê ngủ không, lắng nghe xem, dâm dục còn khởi lên không, thì mình sẽ biết, mình đã được giải thoát chưa.
Còn nếu chỉ nhìn thấy, và cũng không diễn tả được, thì e rằng chưa phải Niết Bàn của Đức Phật, Niết Bàn có va chạm, Niết Bàn thực tế.
Niết Bàn là một trạng thái kéo dài, liên tục. Dẫu ai có đánh đập, chửi mắng, chê bai, cũng không thể ảnh hưởng tới mình. Tâm bất động, không còn khởi lên bất kỳ một ham muốn, sợ hãi, lo âu, buồn khổ, tức giận nào nữa. Phải tuần tự đi từ Sơ Thiền qua đến Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Phải biết rõ quá khứ nhiều đời, nhiều kiếp của mình. Thậm chí, phải có cả Thiên Nhãn như trong kinh đã mô tả, nhìn thấu suốt mọi lẽ, mọi điều xấu tốt, thấy hành, thấy nghiệp, thấy cả Lậu Tận, nỗi thống khổ của mình. Chỉ có như thế, mình mới chắc chắn là mình đã thấy được trí tuệ, giải thoát.
Trong thiền chỉ thấy hai, ba giây, mở mắt ra thì vụt mất, lần sau thì lại không nhìn thấy nữa, có thể là do vô tình mình chạm vào cõi ấy, nhưng lại không hiểu gì cả. Chỉ khi mình thiền định được và chứng thực được, thì đó mới là Niết Bàn ạ.
Bây giờ mình tu Tứ Niệm Xứ là phải quán được thân thọ tâm pháp, như quán thân là biết được thân mình, nó vốn bất tịnh, nó nhơ bẩn và nhớp nhúa lắm. Một người bình thường, không tu, làm sao quán được thân như thế?
Khi quán thân được, năm Triền Cái bị diệt rồi, chính xác, khi đó mới nhập định. Mình hiểu được ly dục, ly ác bất thiện, chứng và trú Sơ Thiền, an lạc rồi mới xác định.
Theo con, do anh ngồi thiền nhiều quá, tâm anh hướng về cõi ấy nhiều quá, tâm vượt thân, tâm chạm vào cõi mà thân chưa chứng. Cho nên, anh tạm xả bỏ, không tư duy, không suy nghĩ gì nữa.
Niết Bàn chỉ đúng khi anh thiền định liên tục, khi muốn vào là vào được và hiểu rõ về mình, cũng như hiểu rõ cảnh giới ấy.
Vào các tầng thiền mà cảm giác đóng băng như anh vừa kể thì con không biết, con chưa thế bao giờ, nên con không biết.
Con chỉ mới trải nghiệm, tập học và thấy, tham, sân của con đã giảm đi nhiều. Bộ hành trên đường, giúp con cảm nhận rất nhiều: chân con đau rát, phồng rộp, rắn rết, mưa gió; mọi người chửi mắng con; rồi mọi người đảnh lễ con trên đường, cung kính cho con này, cho con kia, lợi dưỡng con; rồi các nữ nhơn nữa. Từ đó, con tự kiểm tra con, con có khởi lên lòng tham, hoặc sân giận không; con có khấn nguyện từ bỏ những điều sai, điều ác; con có biết sám hối nhắc tâm không; có tự nhủ mình, có tự dặn mình, lần sau đừng như vậy nữa, đừng khởi tham sân si nữa hay không. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
6.
Hỏi: Con xin phép được kể lại cho thầy nghe. Con vào ba lần.
Hôm Tết một lần, tuy con chỉ nhìn thấy vài giây nhưng con biết là con đang thiền ở một độ sâu lắm, vì con rất buông, con luôn xác định con có thể chết ngay khi thiền.
Khi con đã có cảm giác định rất sâu, thì con nghĩ đến ngài Thích Quảng Đức, cảm nhận được ân đức của ngài. Con cứ cảm niệm, cảm niệm mãi, đúng ba giây, thì con thấy hồn như bỏ xác con, ngồi sang bên cạnh. Con rất thích nhưng không tả được.
Một lần nữa vào đêm Đức Phật xuất gia. Đêm ấy con về gốc xoan con ngồi thiền, con cũng thấy được năm giây. Xác con ngồi đây, hồn con xuất ra ngồi đây, xác con như cái cục nước đá đóng băng.
Đáp: Dạ, khi xuất hồn ra, thân như khúc gỗ vô dụng. Xuất hồn được là có định, hoặc do mình niệm Phật, hoặc theo một pháp môn nào đó, liên tục, lâu dài, có niềm tin. Năng lực niệm Phật bây giờ phát khởi ở trong tâm.
Nhưng nếu mình chưa đủ phước làm vua, mà bây giờ đã lên ngôi vua thì e rằng, mình khó mà điều khiển được. Mình thấy mọi người quỳ mọp dưới chân mình là mình đã sợ hãi rồi, vì cảnh ấy, mình chưa bao giờ gặp.
Mình cần bình tĩnh, tiếp tục niệm Phật, để cho các lần thấy như thế được liên tục, lâu dài, đừng gián đoạn thì pháp môn niệm Phật đó mới thành tựu cho mình.
Phải làm phát khởi mười tâm thù thắng, phải biết tín tâm, phải phát khởi tâm trọng tâm, hồi hướng tâm, phát nguyện tâm, xả ly tâm, an ổn tâm, rồi đà ly, như trong kinh niệm Phật có dạy.
Phải giữ, đừng để cho mất, thì mới đạt được thành tựu trong pháp môn niệm Phật. Chớ anh chỉ vào cảm giác ấy ba lần, mỗi lần vài giây, rồi bây giờ tìm lại không được nữa, tức là bị gián đoạn rồi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
7.
Hỏi: Đó có phải là nấc thang cao không ạ? Và con có phải xuất gia không ạ? Niết Bàn là nấc cuối cùng phải không ạ?
Đáp: Vâng, đó là nấc thang cao. Mỗi lần vào định, mình phải từ bỏ tham sân si, diệt tham sân si. Từ bỏ cuộc sống thế gian, nhờ pháp môn niệm Phật, nhập vào cảnh giới định.
Khi mình không nhập thiền, hoặc khi mình không đang niệm Phật, cảnh giới ấy sẽ òa ra vào đời sống, mình nhìn thấy. Trước cảnh giới ấy, mình không điều chỉnh được sự vọng tưởng của mình, mình vẫn bị dao động bởi dục thế gian.
Không cần phải xuất gia, cứ giữ vững niềm tin, cố gắng tu thiền, ước nguyện vào đó, cố gắng giữ giới cho nghiêm là có phước báu rồi, tốt đẹp rồi.
Nếu muốn việc tu hành tiến sâu hơn, cần phải phát tâm, ví dụ, phát tâm tu thành Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, chớ đừng tu thành, rồi chết đi, để mình Niết Bàn, mình Giải Thoát. Thành như vậy là không giúp gì cho ai được cả, chỉ được cho mình thôi.
Nếu được, hãy phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì tốt hơn.
Niết Bàn là nấc cuối cùng, nhưng mình đừng để mình chấp vào Niết Bàn. Khi tu thành, không còn sợ cảnh thế gian hay gia đình.
Đừng nghĩ việc còn ở chung với gia đình, không xuất gia, sẽ cản trở mình không tu thiền được. Mình vẫn có thể ở với vợ con, vẫn có tình thương đối với vợ con, nhưng mình sẽ khuyên họ nên tu thiền, nên giữ giới, giúp đỡ người thân như thế thì mình vẫn có thể thành tựu.
Nếu cảm thấy khó trong việc ra vào đụng chạm, va chạm, thất bại đường tu, thì mình cứ khấn nguyện trước Phật, giữ cho kiên trì, lâu dài, niệm Phật thường xuyên, đừng để gián đoạn thì chắc chắn, ước nguyện mình sẽ thành tựu.
Giữ giới cho thật chắc chắn. Nếu giới sứt mẻ, định không có. Định bám chặt trên giới. Có giới thì có định. Có định thì có tuệ. Có tuệ thì có biết. Đó là thiền định. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
8.
Hỏi: Bạch sư, con có đọc trong kinh, để làm được dòng thánh đầu tiên, phải loại bỏ được thân kiến hoài nghi ở giới cấp thủ, nhưng con chưa hiểu, sư có thể giải thích cho con được không ạ?
Đáp: Vâng, trong kinh Phật dạy, thân kiến nghĩa là chấp; thân kiến nghĩa là tự ngã.
Thân kiến cho rằng: tôi là của tôi; thân, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, này là của tôi; đây là vợ tôi; đây là con tôi; đây là gia đình của tôi, đây là cái xe của tôi.
Cảm thọ, an lạc này là của tôi, hạnh phúc này là của tôi. Ý nghĩ của mình chấp: đây là tôi, đây là của tôi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
9.
Hỏi: Con xin sám hối tất cả những tội lỗi của con, trộm cắp, tà dâm, dâm dục, sát sinh, hại vật.
Đáp: Hãy sám hối với Phật Pháp Tăng, lúc nào cũng sám hối với Phật Pháp Tăng. Ngay cả con, con cũng sám hối với Phật Pháp Tăng.
Mọi người hãy cùng phát nguyện, cùng gìn giữ giới luật, chắc chắn sẽ sám hối được tội lỗi của mình và đem lại lợi ích cho mọi người.
Dạ, tinh tấn Ba La Mật, thiền định Ba La Mật, trí tuệ Ba La Mật, tích cho đầy rồi kiểu gì cũng thành. Không lo, cũng không cần biết bao lâu mình được. Rồi mình sẽ gặp nhiều chư Phật, mình cúng dàng, mình tu với họ nữa, sẽ được.
Muốn vậy, mình phải xuất gia, bao gồm xuất gia mà vẫn ở tại nhà, tại gia. Vẫn có thể để tóc, mặc quần áo bình thường nhưng tâm của mình, mình nghĩ mình xuất gia là được rồi.
Chủ yếu là tâm. Cạo tóc mà tâm không xuất gia, thì cầm bằng như chưa từng xuất gia. Mình sống tại gia, nhưng mình tư duy, mình chính là người đã xuất gia, phải thực hành như một người xuất gia, giữ giới như một người xuất gia.
Các vị tu hành trong rừng sâu, họ có cạo tóc đâu, tóc của họ vẫn để dài. Nhưng sau này Phật dạy cạo bỏ râu tóc, thì mình cũng làm theo thôi, mình tin lời Phật mà. Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, nhưng chủ yếu vẫn là cái tâm của mình. Tâm biết mình xuất gia là được.
Tâm không nuối điều gì, không tham, không sân, không si nữa. Vào tầng thiền tích lũy các Ba La Mật của mình. Các Ba La Mật ấy sẵn sàng, mình xin gì nó cũng cho, để mình được hoàn thành ước nguyện mà.
Nhưng yên tâm, các chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh, họ sẽ hộ niệm cho mình. Cơ bản là mình phát tâm thiện, tu hành, rồi sẽ gặp những bậc thiện hữu tri thức, họ chia sẻ, nâng đỡ, chỉ đường cho mình.
Chính con cũng thấy và biết được điều này. Mình tu hành, sẽ có các bậc ấy chỉ đường cho mình, chớ tự nhiên, mình cũng không biết được đâu. Mình không biết giữ giới, không biết phát tâm, không biết phải đi ra làm sao, đi như thế nào. Nhờ các bậc ấy hộ trì, hộ niệm, hướng dẫn, khi mình lầm đường lạc lối, họ sẽ giúp lối cho mình quay về.
Tất cả đều có đấy chứ không phải là không có. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
10.
Hỏi: Bạch thầy, mình không được chọn nơi sinh ra, chọn gia đình để sinh ra phải không ạ? Có phải kiếp trước là do mình làm những việc như thế, nên kiếp này mình đầu thai vào ngôi nhà như thế? Hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng đến cuộc sống của mình lắm ạ.
Đáp: Vâng, là do hạnh nghiệp của mình. Có cả chọn được và có cả không chọn được.
Những người có tu hành, có công đức, thì người ta muốn sinh vào nhà nào là do tâm của họ.
Còn những người mà làm ác, không có công đức, sát sanh, trộm cắp thì sẽ sanh vào những nơi không như ý.
Không ai muốn chọn địa ngục. Cũng không ai muốn sanh vào nhà quét rác, hốt phân. Do nghiệp của mình không đủ, mình không có quyền lựa chọn, nghiệp dẫn mình đi, dẫn mình chạy vào đấy, bắt buộc, như áp giải vào tù. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
11.
Hỏi: Là phải trả nghiệp ạ?
Đáp: Đúng rồi, mình có duyên tương ứng mới về đó.
Tích được công đức, mình muốn sinh vào nhà nào, hay muốn sinh vào hoàng gia, để làm vua, là do mình chọn.
Còn những người làm ác, không có công đức, thì theo nhân quả, theo hạnh nghiệp, đi theo luân hồi, không có quyền lựa chọn.
Không thể nói, tôi không muốn sanh vào địa ngục, ngạ quỷ. Cũng giống như, bây giờ mình đi giết người, rồi la lên, tôi không muốn vào tù. Sao mà được, công an họ bắt chứ. Nhưng nếu mình không vi phạm pháp luật, thì mình muốn làm gì thì làm.
Mình hãy nguyện cho họ được an lành, an lạc, hạnh phúc lâu dài, dần dần công đức của mình có, rồi sẽ thành tựu.
Trong gia đình, có người chẳng may bệnh tật, thì vợ con, cháu chắt, hoặc toàn bộ dòng tộc mà giữ được ngày trai giới, hoặc nhiều ngày trai giới, hồi hướng công đức, hy vọng bệnh sẽ khỏi hoặc thuyên giảm.
Người đủ tỉnh giác, thì nhập thai là họ biết, giống như bậc Chánh Đẳng Giác, khi nhập thai họ biết nhập thai, khi ở trong thai họ cũng biết, khi ra họ cũng biết.
Họ phải tỉnh giác như thế thì họ mới chọn được. Trước khi sanh ra, họ đã biết mẹ mình là ai, cha mình là ai. Chỉ những người mê mờ, không có công đức, bị tham sân si che, thì bị nghiệp dẫn đi thôi. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
12.
Hỏi: Sư có mệt không ạ? Bố con bị ung thư, ăn vào mắt thì bố con đau lắm. Con phát nguyện ăn chay trường một năm rồi ạ. Một năm nay con ăn chay trường. Nhưng mẹ con và em con thì lại không tin. Lúc trước, bố mẹ con có nấu rượu. Con cũng biết, nấu rượu là một trong những nghiệp ác, gián tiếp, trực tiếp gây ra những vụ tai nạn, đánh nhau, giết người. Con cũng nói với mẹ con rất là nhiều lần, mẹ đừng nấu rượu nữa. Được một thời gian, bố con mất thì mẹ con lại nấu lại ạ.
Đáp: Dạ không. Mọi người cứ hỏi. Hữu duyên, chuyện gì con cũng chia sẻ.
Vâng, là nghiệp của họ. Khuyên họ nên bỏ, đừng nấu rượu, hãy làm những việc đừng liên quan đến rượu.
Những việc ác làm đã lâu nay. Đùng một cái, đòi chuyển đức cho họ thì không được. Nói mà họ không nghe, cũng đừng có buồn. Mình kiên trì, đừng có nản chí. Bằng như mà không được, thì nghĩ, thôi, nghiệp của họ.
Đức Phật nói: Con ta đâu, tài sản ta đâu, tự ta, ta không có, con ta đâu, tài sản ta đâu.
Nếu mà nói họ không nghe, thì thôi, mình đi lo cho mình tu hành tốt đẹp đã. Mình còn chưa cứu được mình thì mình đi cứu ai
Trước mắt, mình nỗ lực cho mình xong xuôi, đủ đức độ. Họ không nghe, nhưng mà mình cũng đừng có ghét bỏ họ. Chờ khi nào mình tu thành, có công đức rồi, mình nói họ.
Muốn giúp cho họ, mà lại không giúp được, mình sinh ra đau khổ, phiền não. Con ở nhà, cũng không có duyên để nói với cha mẹ. Con nói là, thôi, giờ chưa đủ duyên, con đi tu cho con đã, tất cả đều là cha mẹ, bình đẳng, cứ sống như thế, hồi hướng công đức, ước nguyện cho họ được hạnh phúc.
Nếu mà đời này mà họ bị đọa ác, thì mình xuống đó mình độ cho họ. Mình chẳng phải ở kè kè với họ hay lo lắng, họ có được hay không?
Đừng có lo, mình đừng có lo cái đấy. Nhưng mình vẫn bố thí, trì giới, tu thiền. Có công đức thì mình ước nguyện cho họ. Nếu gặp họ thì nói với họ. Họ chưa làm được, thì mình cũng đừng có buồn khổ. Đến thời điểm mà mình đủ đức, thì mình chuyển cho họ.
Chỉ có như thế thôi, chớ cũng chẳng còn kiểu gì khác nữa. Nghiệp của họ như thế, giờ bảo họ dứt ngay, làm sao mà được.
Cũng chẳng cần phải cúng bái gì nữa. Có cho họ tiền bạc nhiều, họ cũng như thế, họ cũng nấu rượu. Nghiệp làm ác như thế, kiểu gì cũng đọa vào cái cõi ác. Biết như thế, mình cũng không buồn khổ, mình cứ tiếp tục làm điều thiện.
Mình chưa nói được họ là do đức mình chưa đủ. Ngày xưa ở nhà, con cũng có người em nấu rượu bán. Nó đầu tư cái lò nấu rượu này hết trăm triệu. Nó nói, vì cơm áo mà phải nấu để bán.
Con bảo, này thôi đừng có làm ác nữa. Trăm triệu không bằng đọa. Nói như thế, chú ấy nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Con cũng chẳng cần nói nữa.
Họ cũng không trách mình được. Có khi đến một đời nào đó, họ gặp mình, sẽ nói: ngày xưa tôi làm điều ác, ông biết mà sao không nói với tôi, để tôi bỏ nó?
Mình cũng chẳng nên chấp đắm gì. Nó là chẳng qua là nhân quả. Gặp gỡ cha mẹ, bà con, cũng là nghiệp chiêu cảm.
Nhưng rồi họ cũng sẽ bỏ. Mình tu hành rồi, khi mình nói, họ nghe thì họ làm được. Chớ bây giờ, mới bỏ tiền ra đầu tư như thế, làm sao kêu bỏ, là bỏ ngay được đâu.
Chuyển hay không thì mình cũng chẳng vì thấy họ chuyển mà mình vui mừng, cũng chẳng vì họ không làm mà mình hết buồn khổ. Khi ngừng nấu rượu, thì họ sẽ đi bán rượu. Nhưng mình cũng không bỏ họ.
Bây giờ, không phát tâm, mình muốn nói, cũng không nói được đâu. Nếu mình muốn nói được cho tất cả mọi người, thì mình phải phát tâm thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thì mình mới nói được hết.
Giả dụ, mình phát tâm, mà đời này nói, thân nữ không được đâu, thì đời sau, mình trở thành một nam nhân, mình tu hành tam y nhất bát, thiền định trí tuệ, tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, mình sẽ độ, nói cho cha mẹ, anh em nghe và nói cho cả những người khác nghe nữa.
Nói họ không nghe thì cũng đừng có buồn khổ, cũng đừng cố gắng tiếp tục nữa. Đừng có lo sợ rằng, chúng ta sẽ chỉ sống một đời này. Chúng ta còn gặp nhau nhiều đời nữa. Họ không thể chạy đâu cho thoát khỏi luân hồi.
Cũng không nói là, một đời này là hết. Cái ác vẫn còn đó, cha mẹ có mất đi rồi, cũng ở đó, rồi mình cũng gặp lại họ, không chạy được. Mình tu thành mà có trí tuệ, có thiên nhãn, thì họ ở đâu, mình cũng tới được.
Mọi người quyết tu thì cứ nhập thiền định vào như Maha Moggallana đấy, Mục Kiền Liên đấy, ngài biết mẹ mình ở đâu nên ngài mới tìm được đến nơi mẹ ngài đang thọ tội. Mình phải đạt được cảnh giới đó, thiền định đó, thì mình mới biết, cha mẹ, ông bà mình hiện đang ở đâu. Mình tích cho thật nhiều công đức rồi hồi hướng cho họ, báo hiếu cho họ, họ sẽ được thoát khỏi mà, đâu sợ chỉ có mỗi đời này đâu. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
13.
Hỏi: Tâm tốt, nhưng ngày nào cũng uống rượu thì có hại không ạ?
Đáp: Uống rượu nhiều tác hại, xảy ra nhiều chuyện không hay trong gia đình: cãi nhau, đánh đập, ác khẩu.
Nhưng chính mình phải ăn chay, giữ giới, tu hành, thì mình nói, họ mới nghe, và họ sẽ chuyển dần dần.
Dùng đức độ của mình, dùng thực hành, thực tế của mình, khiến cho họ tin. Họ tin rồi thì hướng dẫn họ vào những điều thiện khác nữa, hướng dẫn cho họ cùng tu hành, giữ giới. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
******
14.
Hỏi: Ăn chay có tốt hơn ăn mặn không ạ?
Đáp: Trong kinh Lăng Già, Phật dạy ăn chay, không sát sanh.
Ngày xưa, những người theo Phật tu hành, có những người chưa có căn cơ ăn chay, và cũng để thuận tiện với việc chúng sinh cho gì ăn nấy, Phật cũng cho chay mặn tùy.
Nhưng ăn chay thì tốt đẹp hơn chớ, từ bi hơn chớ. Ăn mặn, ăn những món nhiều đạm, bất tịnh, nặng nề, dễ khởi dục, không thiền định được. Ăn bò nhiều thì có mùi bò. Ăn gà nhiều thì có mùi gà. Có dục, không tu được. Ăn chay, nếu có dục, cũng rất ít, mình điều chỉnh được dễ dàng, người nhẹ nhàng, dục giảm dần, khi thiền định được, dục sẽ mất hẳn.
Ăn thịt động vật là ta đang vay mượn, là nhân quả. Còn ăn chay là ăn lá, ăn quả, không làm cây chết. Ăn chay, thanh tịnh, sạch sẽ, rất tốt.
Học loài bồ câu, đi tìm hạt thóc, hạt lúa rơi vãi, chúng ăn. Đừng học loài quạ, chúng hay bới phân trâu, tìm giun, dế, ở trong đó, thức ăn ấy không sạch sẽ.
Hồi xưa, con còn dùng sữa bò, vì con nghĩ sữa bò không liên quan đến sát sanh. Nhưng sao khi ấy, con cảm ra, những con bò nhìn con với vẻ rất hung hãn. Con thấy con bất tịnh. Bây giờ thì con không uống nữa.
Khuyên người khác ăn chay, thì mình cũng đã khuyên rồi. Còn ăn hay không là việc của họ. Nhân quả luân hồi của họ, nghiệp của họ, họ chịu lấy. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
15.
Hỏi: Con ăn chay, chồng con ăn mặn. Vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Xin thầy cho con lời khuyên.
Đáp: Khác ý với người ta, thì đương nhiên rồi, họ sẽ không bằng lòng. Nhưng mình cứ giữ sự kiên quyết, kiên trì, lâu dài trong việc ăn chay, làm việc thiện, dần dần, nếu họ có phước, họ cũng sẽ nghe mình, ủng hộ mình.
Nếu thấy họ không vui mà mình nản lòng, mình sẽ thất bại. Không chỉ không giúp được mình, mà còn chẳng giúp được người thân của mình nữa. Tất cả đều phải bị đọa địa ngục.
Nếu không níu kéo được thì mình hãy lo tu hành cho chính mình trước đã. Chồng vợ con cái, đều phải đi qua đời khác, kiếp khác. Mình gắng tu, đừng để cho nghiệp ác đi theo mình. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
16.
Hỏi: Chúng con xin mời thầy dùng nước. Chúng con nghe thầy giảng, chúng con rất hạnh phúc. Chúng con có nghe lời Phật, tu hành, có chút phước đức, nên hôm nay mới được gặp thầy. Chúng con sẽ tiếp tục tu hành, tạo duyên lành để chúng con lại có cơ hội gặp thầy nữa.
Đáp: Vâng, mọi người cứ uống thôi. Đừng để lại cho con. Con có một chai ở đây là đủ rồi.
Mình mượn thân này của cha mẹ, mình gắng tu hành. Trước sau gì, thì thân này cũng sẽ bệnh lên bệnh xuống rồi chết. Có thân là có khổ. Khổ vì tham sân si. Nhiều người có thân nhưng lại không lo tu hành, làm điều bất thiện, làm điều ác, bất hiếu với cha mẹ, sát sanh, giết hại.
Dạ đúng rồi, có duyên, đủ duyên, mới gặp gỡ. Không có gặp gỡ nào mà không có nhơn duyên.
Đối với những bậc Như Lai, Chánh Đẳng Giác, cũng vậy, phàm phu, bình thường như chúng ta đây, không duyên, không phước, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp được họ.
Nhưng nếu chúng ta có duyên, có công đức, các vị ấy sẽ luôn chung quanh chúng ta mà độ trì, mà nâng đỡ. Con mong mọi người được như ý nguyện. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
III/ CẢM NGHĨ
1.
Tôi thiệt là nể phục đức kham nhẫn của sư Minh Tuệ. Bộ hành cả ngày, đến chiều, khi vào nghĩa địa nghỉ ngơi, sư vẫn còn bị những người hâm mộ đeo bám.
Ở câu hỏi số 4,5,6 và 7, sư gặp một người đàn ông cho rằng mình đã đạt tới Niết Bàn, họ kể miết, kể miết về những lần thiền đó của họ, mờ mờ, không rõ (đối với nhận thức mờ mờ, không rõ này, sư Giác Khang gọi đó là vô minh).
Vậy mà sư Minh Tuệ vẫn chịu khó ngồi nghe. Sư không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận cảm nhận của người kể. Sư mềm mỏng nhưng thẳng thắn nói rõ những hiểu biết của mình về cõi Niết Bàn, đồng thời cho người hỏi những lời khuyên rất chơn thành, cụ thể và hợp tình hợp lý.
******
2.
Đây là lời của người dân trong một xóm nhỏ khi gặp thầy: Chúng con nghe thầy giảng, chúng con rất hạnh phúc. Chúng con có nghe lời Phật, tu hành, có chút phước đức, nên hôm nay mới được gặp thầy. Chúng con sẽ tiếp tục tu hành, tạo duyên lành để chúng con lại có cơ hội gặp thầy nữa. Nam Mô A Di Đà Phật.
Và đây là lời của sư: Dạ đúng rồi, có duyên, đủ duyên, mới gặp gỡ. Không có gặp gỡ nào mà không có nhơn duyên. Đối với những bậc Như Lai, Chánh Đẳng Giác, cũng vậy, phàm phu, bình thường như chúng ta đây, không duyên, không phước, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp được họ. Nhưng nếu chúng ta có duyên, có công đức, các vị ấy sẽ luôn chung quanh chúng ta mà độ trì, mà nâng đỡ. Con mong mọi người được như ý nguyện. Nam Mô A Di Đà Phật.
Họ chỉ là những người dân quê, chơn chất, tâm thành. Và sư Minh Tuệ thì đang trên đường bộ hành của mình, tạt qua đôi phút để nghỉ chân. Không có một sắp xếp nào ở đây. Càng không có kịch bản, không có nội dung tuyên truyền, và đặc biệt nhất, không tốn bất cứ một xu teng nào, từ túi người dân lành, cho cuộc gặp gỡ hiếm có trong đời như thế này.
Thậm chí, đó có thể là cuộc gặp gỡ duy nhứt, không bao giờ lặp lại lần thứ hai, của một đời người.
Sư đi đến đâu, người ta mến mộ, vâng lời sư đến đó. Không chỉ thế, người ta còn muốn học theo, làm theo sư, đi theo con đường sư đã đi, như sư Minh Đạo, mà chúng ta được biết trong một, hai ngày vừa qua.
Đẹp làm sao một tấm gương tu hành hiếm có.
Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã làm cho con người và xã hội Việt Nam, thời gian qua, có những dịch chuyển đáng kể, tích cực, về mặt nhận thức, tâm tánh, hành vi.
Vài trăm năm mới một lần lạ lùng như thế!
------------------------
Sài Gòn 13.08.2024
Phạm Hiền Mây