VÔ SỞ HỮU - Phần VII

VÔ SỞ HỮU - Phần VII

I/ GIỚI THIỆU
Video Vô Sở Hữu - Phần VII, với độ dài một giờ của youtuber Conikal dưới đây, đã được phát hành trên kênh YouTube vào ngày 18.08.2024
******
II/ VẤN ĐÁP CHÍNH
1. 
Con ngồi kiết già suốt đêm rồi con mới ngủ ngồi. Ngủ ngồi, mà không trong tư thế kiết già, rất dễ bị đau lưng, trẹo cổ. Bốn năm nay, con ngủ ngồi, con không bị gì cả. Con cũng có chỉ cho mấy sư rồi. Bây giờ, họ có thể ngồi chín, mười tiếng, thậm chí, ngồi suốt đêm, suốt ngày. 
Khi mới tập ngồi kiết già, những giờ đầu tiên, rất đau, đau buốt, tê, mỏi, cả ngứa ngáy nữa, da nổi tảng như nổi mề đay. Cố gắng kiên trì, kham nhẫn vượt qua. Một ngày ngồi khoảng mười tiếng. Từ sáu tháng đến một năm, buốt sẽ giảm dần. Khoảng ba năm thì an lạc, không còn buốt nữa. 
Hiện nay, con đi ngày như thế này, đêm, con sẽ ngồi suốt đêm. Khi kiết già, mình trong tư thế gấp chân, lúc đi, chân giãn ra lại. 
Cũng có thể mình tập theo cách tăng dần. Ban đầu, một ngày, mình ngồi hai tiếng thôi. Thấy được rồi, thì tăng dần lên. Một ngày ba tiếng, bốn tiếng, năm tiếng. 
Bạch với thầy, ngủ ngồi mà ngủ trong các tư thế khác, con đã thấy một số thầy bị trẹo cổ rồi. Kiết già, giữ cho lưng thẳng. Ban đầu chưa quen thì cũng chập chờn. Quen rồi thì an lạc. Nhưng bây giờ, con cũng ngủ ít lắm. Con sợ con tham ngủ. 
Dạ, mình biết mình đã ngủ trong bao lâu chứ ạ. Khi con đến gốc cây, thì trăng ở đây. Khi con mở mắt ra, trăng đã tới đây rồi, là con biết, nãy giờ, con đã ngủ ba, bốn tiếng. 
Mà thực ra, con cũng không biết, ba, bốn tiếng ấy, là con ngủ, hay con vào cái gì nữa, con thực sự không biết. 
Ngủ ngồi, ban đầu, giấc ngủ không được sâu như ngủ nằm. Về sau, khi quen rồi, thì an lạc. Con chỉ khuyên là, tập kiết già liên tục được bốn tiếng rồi, thì hãy chuyển qua ngủ ngồi. 
Riêng con, ngày xưa, khi bắt đầu vào tập kiết già là con ngồi một mạch mười tiếng luôn. Đau buốt gì con cũng mặc. Đau buốt cỡ nào, con cũng chịu. 
Nhiều người, thấy chân sưng quá, sợ bại liệt, thành thử phải bỏ, không tập ngồi tiếp nữa. Trong kinh dạy, có một vị Bà La Môn tới nói, này tôn giả Gotama, có kẻ tinh tấn mà chân đã bị liệt, mạch máu bị vỡ, máu nóng đã ói ra rồi, tâm đã cùng tâm, loạn trí, cũng do tập thiền. 
Ngày xưa, khi tập, con cũng tưởng mình, chuyến này, chắc phải ngồi xe lăn. Các mạch máu, gân chân của con bị sưng lên hết. Nếu lúc đó, mình sợ hãi, ngưng, không tập nữa, thì có lẽ, vĩnh viễn, mình sẽ không kiết già và ngủ ngồi được.  
Con ngồi trong suy nghĩ, chết thì bỏ. Con ngồi suốt trong hai mươi sáu ngày đêm như thế, khi đứng lên, con đi đứng bình thường trở lại. 
Trong hai mươi sáu ngày đêm ấy, khi xả kiết già, con đau đến mức không chịu được. Duỗi cho nó thẳng chân ra, nhưng cũng rất đau. Con vẫn đi khất thực. Khi đứng lên, con phải bám thân cây, từ từ đứng lên. Phải đứng như thế đến nửa tiếng có, con mới khập khiễng, cà nhắc đi từng bước. 
Đi khất thực về, con cứ thế ngồi duỗi chân thọ thực. Đến lúc kéo chân vào kiết già, nó đơ ra, không sao kéo vào được. Con phải nghiến răng lại, cắn chặt nỗi đau, kiên quyết kéo hai chân vào. 
Sáng mai, xả chân ra, đi khất thực, con lại đau tưởng chết được. Ngày nào, con cũng đau hai, ba trận như thế. 
******
2.
Con cũng bình thường như mọi người thôi ạ. Chẳng qua là, con phát tâm đi trước, thực hành như thế này.
Nếu mọi người có ý định phát tâm, thì đảnh lễ Phật Pháp Tăng, cúng dường Tam Bảo, hồi hướng công đức, quy y, giữ năm giới luật, liên tục, đừng nghi ngờ kinh sách, đừng nghi ngờ Phật này, Phật kia. Mỗi người mỗi duyên. Đừng chê bai, ông này đúng, ông kia sai. 
Mình quay về với tâm bình đẳng. Nguyện theo nguyện hạnh, đảnh lễ Phật Pháp Tăng, hồi hướng Tam Bảo. Lên chùa có kim thân Đức Thế Tôn, đặt lên đó, đảnh lễ, cúng dường, hồi hướng công đức. Ai thọ nhận cũng được. Vậy là tốt đẹp rồi. 
******
3.
Con có vào trong ấy con tu mấy tháng. Sau đó, con mở kinh Nikaya và kinh A Hàm ra con học, con quyết định đi bộ hành. 
Sau đó, con nhận thấy, nếu chỉ đọc kinh Nikaya và kinh A Hàm, thì chưa đủ, con mới phát triển thêm, con học một số kinh khác nữa như kinh Đại Thừa, 
Kinh Nikaya có dạy đến quả A La Hán, Tứ Thánh Định. Ai muốn vượt qua cả hai cảnh giới Thanh Văn với A La Hán thì phải học cho trọn bộ, vượt qua được hạnh Đầu Đà. 
Cái gì con cũng học, không phân biệt Tiểu Thừa hay Đại Thừa. Cái nào phù hợp với mình, thì mình áp dụng thực hành. 
******
4.
Khi mình tưởng này tưởng nọ, là do trí mình loạn. Trí mình loạn là bởi mình giữ giới không nghiêm. 
Kinh điển không sai. Do giới mình giữ không nghiêm. Chẳng hạn như không giữ trọn hai trăm năm mươi giới Tỳ Kheo, hay hạnh Bồ Tát, Bồ Tát giới, không nhất tâm niệm, nên mới loạn, loạn sinh tưởng, sinh nghi ngờ giáo pháp. Tất cả cũng do mình không đủ phước, không đủ công đức. 
Khi đọc kinh Bát Nhã, mình biết mình phải bố thí, trì giới. Mình tự xem mình đã giữ đầy đủ giới chưa. Đã thực hành hạnh kham nhẫn chưa. Mình đã có tinh tấn, siêng năng chưa hay vẫn còn giải đãi. Mình đã Thiền định được chưa. Đã ly dục, ly ác, bất thiện chưa. Đã có Ba La Mật, trí tuệ chưa. Mình đã biết được quá khứ, đời trước, đời sau của mình chưa. Khi mình chưa đủ những điều ấy, thì khi nghe họ giảng, họ nói, mình sẽ không hiểu. 
Có nhiều người, họ nói với con, khi họ thiền, họ nhập vào cảnh định này, cảnh định kia, nhưng họ lại không biết đó là gì; cũng lại có người phủ nhận, họ chẳng thấy gì, thành thử, cũng dễ gây hoang mang, đúng và sai, đều không rõ. 
Giữ giới mà không nghiêm, ra những chỗ lông tóc dựng ngược lên, dễ bị loạn tâm trí. Tuyên bố tôi chứng được điều này, tôi chứng được điều kia, có thể, nó chỉ là những giấc mơ.
Phải kiên trì, siêng năng, tuân theo đủ Ba La Mật, từng li từng tí, phải ly dục, thì mới không gì hại mình được nữa. Con luôn tự răn mình, siêng năng tu tập, thấy lợi danh thì bỏ chạy.
******
5.
Mình tu hành, rồi sẽ có lúc chạm đến những cảnh giới tâm linh, có ánh sáng, có tưởng sanh, trí sanh, quang sanh, minh sanh.
Khi tâm mình nhấc lên, bị nghiêng ngả, là do mình còn hôn trầm, chưa đủ tỉnh thức, giống như mình ngủ gục, mình đang còn trong si mê, do dục tham của mình còn nhiều. Cố ép mình nhập vào, mà không thành, không làm chủ được, không điều chỉnh được, nên nó mới xảy ra những hiện tượng lạ. 
Kinh Viên Giác có nói đến ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ mạng tướng, nó không cho nhập vào những cảnh giới định đấy.
******
6.
Tâm sợ hãi, hoang mang, sẽ quán thọ không được. Mọi người phải ngồi được kiết già, thọ lạc rồi, khi đó mới quán thân thọ tâm pháp. Không đau nữa mới theo dõi hơi thở, chứ giờ đang đau nhức, nó chạy theo thọ rồi, làm sao mà quán?
Mới đầu, mình ép nhanh, nó chưa kịp đau. Nhưng khi mình ngồi vài tiếng rồi, thả ra là nó đau, thì nó chạy theo thọ. Mình chưa vượt qua thọ, làm sao thiền được?
Phải an lạc. Thiền là phải an lạc.
Thân thọ tâm pháp mà. Thọ ở thân. Thọ bị chi phối. Tâm muốn nhưng nói thọ không nghe. Không được chính là ở chỗ đấy.
Khi kiết già được rồi thì mình tư duy, tác ý, nói tâm phải bám hơi thở, tỉnh thức, đừng ngủ nữa, mình không cần phải nghĩ đến việc đạt thiền này hay thiền kia nữa. Kệ nó.
Cứ để tự nhiên, đừng quá mong chờ, đừng để mình bị ức chế. Quan trọng nhất vẫn là giữ giới. Giới mà không giữ được, sẽ chẳng bao giờ định được. 
Không giữ giới, thiền ấy chỉ cho vui. Còn cứ ép, sẽ tẩu hỏa nhập ma. 
******
7.
Như hồi nãy, con có nói, kiết già không quen, thọ nó tới, ngứa, đau, nhức, mỏi, dễ duôi, dẫn đến biếng nhác. Mình phải gắng vượt qua những cảm thọ đó.
Trong tu thiền, giới luật là hàng đầu. Giới có, mới có định. Giới không giữ, đừng nghĩ đến tu thiền.
Tà thiền khác, con không học. Con học theo Phật là thiền ly dục, ly ác, ly bất thiện. Chưa ly ác pháp thì không thể thiền tứ thánh định được.
Nhập vào thiền ánh sáng, thì có thể nhưng ngay cả những thiền đó, con cũng không học, nên con không nói. Con bây giờ, có muốn nhập các thiền đó, con nhập cũng không được.
Khi mình vào định hay không vào định, mình ngồi như thế này, nó cũng giống như ngồi thiền thôi, bất kỳ chỗ nào mình cũng ngồi kiết già được, chỗ nào mình cũng định được. Thiền nhập định, không phải là chuyện may mắn hay không may mắn.
Đạo Phật dạy, muốn thiền khi nào thì thiền khi đấy, theo ý thức của mình, nhưng việc đầu tiên là phải giữ giới cho tròn, bố thí, làm điều thiện, công đức đủ, phước đủ, sẽ tự nhiên được. Thiền khi ấy, ra vào liên tục, mình cũng không thấy sợ hãi.
Đừng tham tu thiền này, thiền kia. Hãy tham làm việc thiện, giữ giới, trì giới, phát nguyện, hồi hướng. Tâm phải xác định được, tu thiền là để đạt điều gì, lợi ích gì cho chúng sanh. Tự khắc sẽ có chư Phật họ hộ niệm cho mình.
Còn tu thiền chỉ để nhằm đạt được sự an lạc với sự rũ bỏ cho bản thân, nó không vào đâu. Ở chỗ này, thiền rất là hay. Mình phải nguyện, thiền vì lợi ích cho cộng đồng, thì tự nhiên không cần, nó cũng vẫn sẽ có, sẽ đạt.
Thấy thiên hạ khổ, mình phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác để độ được, giúp được cho mọi người. Phải có mục đích vì mọi người thì mình mới phấn đấu, kiên trì và việc tu hành mới thành tựu được.
Mục đích thiền không phải để tận hưởng khoái lạc hay để chứng đắc. Mục đích thiền là để cho mình có hiểu biết, rồi mình nói cho người khác hiểu biết cùng, đừng hướng dẫn sai, khiến người khác tu sai theo. Không chỉ thiền mà còn cả kinh, cả giới luật nữa.
Người tu, đôi khi cần mất rất nhiều năm để tu tập, mới thành. Ai có duyên với mình thì mình nói, mình hướng dẫn. Và việc tán thán những người không xứng đáng được tán thán, thì vẫn đọa địa ngục, điều này, Phật có nói trong kinh.
Ngay cả việc, cần chỉ trích những người đáng chỉ trích, mình cũng nên làm, để người ta còn biết mà sửa. Thấy họ lỗi, mà mình im lặng là cũng không nên.
******
8.
Có những vị ở hàng Bồ Tát, nhất sanh bổ xứ, hay vô sanh pháp nhẫn, họ đạt quả Thập Địa, họ tái sanh ở hạnh cư sĩ giống như Duy Ma Cật, thì họ thần thông lắm. Họ vào cõi người là để thị hiện. Họ không bao giờ bàn luận là tôi thấy này, thấy nọ. Họ cũng không bao giờ nhắc đến thần thông hay nhắc đến quả nọ quả kia.
Họ sống rất bình thường và tùy duyên. Họ chỉ độ thôi chứ không bàn luận. Họ giữ giới lắm. Họ có một đời sống phạm hạnh, giữ giới luật, ly dục. 
Không ly dục mà vẫn đạt được thần thông, vào được các cảnh giới, thì chỉ có dùng bùa phép, tà thuật mà thôi.
Những cư sĩ, giữ giới chưa tròn, hút thuốc, uống rượu, khoe khoang, huênh hoang, tự đắc, tự nghe kinh sách, tự tu, tự hành, tự thấy, tự cho mình đạt này đạt kia, tu đấy mới là di hại.
Hạng này, không tu theo chánh pháp. Gặp ai cũng chê bai. Gặp ai, cũng nói lung tung. Thần trí họ, dường như không tỉnh táo, họ rơi vào si. Họ chưa có thiên báo, mà chỉ có hàng ngạ quỷ báo cho họ biết mà thôi.  
Lại có những người, tự mò mẫm vào các cảnh giới ấy, sau đó, sợ hãi, chết khiếp đến mức không dám vào nữa, không dám tu thiền nữa. 
Còn tham sân si, mới cần thần thông. Người hết tham sân si rồi, thì họ không cần thần thông. Chẳng hạn như bây giờ mình đang ở đời, mình tham tiền, tìm mọi cách để kiếm được tiền. Nhưng khi mình tu hành, mình giữ giới luật nghiêm, mình bỏ được lòng tham tiền, thì lúc ấy mình đâu cần tiền nữa?
Việc này khác với việc Đức Thế Tôn, hay các bậc Bồ Tát, họ cần có thần thông, phân thân, hóa thân, nhập vào loài thú, như trong kinh Địa Tạng, hoặc chuyện con chó có tiền thân là ngài Kukkura, để mà độ sanh. Họ đã đạt đến ngôi quả vị và đó là nguyện lực của họ.
******
9.
Tất cả những điều này, đều đã được nói đến trong kinh sách.  
Kinh sách, đọc mà chưa hiểu, là do mình chưa đủ sức để hiểu, để thấu triệt, trí mình chưa thấy, thì đừng vội chê kinh hoặc phản bác kinh.
Con đã từng nghe có vị giảng, ngài nói là kinh sách phát triển, rồi kinh sách Đại Thừa là không phải. Con thấy ngài nói những lời như thế là không hợp lý, không chân chánh.
Mình đã học kinh. Nên khi nghe các ngài thuyết pháp, mình cần đối chiếu với kinh, với luật, với đời sống tu hành của mình, với thiền định của mình, để xem thuyết ấy có mang lại an lạc, hạnh phúc cho mình hay không. 
Ngay cả khi mình thấy được thuyết ấy an lạc, hạnh phúc, mình cũng đừng vội nói, đây là Phật thuyết, hay đây không phải là Phật thuyết. 
Thời nay, không có A La Hán mà cũng chưa có Bích Chi Phật luôn. Phải chờ chánh pháp suy tàn. Giờ, các vị tu khổ hạnh, cũng chỉ tu đạt đến ngũ thông, sanh theo giới, theo hạnh Bồ Tát của họ. Đến khi giáo pháp này không còn nữa, sẽ có Độc Giác Phật ra đời.
A La Hán chỉ xuất hiện khi mà Chánh Đẳng Giác ra đời thôi, đó là đệ tử của Đức Thế Tôn. Tự tu thành A La Hán là không có.
******
10.
Thời này chưa phải là thời Mạt Pháp. Mạt Pháp là không còn giáo pháp nữa, chẳng ai còn đọc kinh, quan tâm kinh, người tu vào rừng núi hết, nhưng sẽ có Độc Giác Phật ra đời. Tuy vậy, Độc Giác cũng sẽ nhập diệt, an lạc nhập Niết Bàn. Họ cũng không nói nữa, vì có nói, cũng chẳng ai nghe. Những ai có duyên lắm, mới gặp được Độc Giác Phật. 
Chỉ có thể đợi Phật tương lai, ngài Maitreya ra đời. Mỗi ngài, mới có đủ lực mà nói được. Do phước của chúng sanh, phước của mọi người đã tới. 
Thời này đang là thời Tưởng Pháp, còn nhiều người tu lắm, nhưng lẫn lộn, không biết đường nào. 
Tất cả những điều này, là con cũng nghe trong kinh sách, con chia sẻ với mọi người, chớ con không chế ra để nói. Còn kiết già, hay đời sống bộ hành khất thực, không nhà không cửa, khống chế nỗi sợ hãi, là chính kinh nghiệm của con. 
Còn việc tu thiền mà rơi vào tưởng này tưởng kia hay thấy cảnh này, thấy ánh sáng nọ, thì ngay cả con, con cũng chưa vào được, chưa thấy được những điều đó. 
Nhưng con có nghe kinh sách, và suy luận theo sự hiểu biết của mình, thì nếu chưa đủ phước mà cứ gắng vào đó, dễ khiến mình bị hoang mang, sợ hãi, khiếp đảm. 
******
11.
Hỏi: Các thiên tai như bão lũ, mưa đá, hiện tượng dị thường, có liên quan gì đến nhân tâm con người không ạ? 
Đáp: Có liên quan đấy ạ. Nhân nào quả đấy. Do nhân sinh mình kém phước, do tâm ác của con người chúng ta nảy sinh, tàn hại thiên nhiên, tàn hại môi trường, nên mới ngày càng nhiều dị tượng, nhiều thiên tai, dịch bệnh.
Nhân tâm con người sanh ra chiêu cảm. Con người và thời thế có tương ưng với nhau. Thời nay của chúng ta, thiện có ác có; tu có, không tu có; nên hứng chịu cũng còn nhẹ, chưa đến nổi.  
Khi con người ác quá, lúa sẽ không còn nữa, chỉ ăn cỏ ăn cây. Thời ấy sẽ là thời trung kiếp đao binh, trung kiếp đói khát, trung kiếp dịch bệnh, thọ mạng chỉ được mười tuổi. 
Những vị có thiện đức, xuống đây, tu hành vào thời này, thì cũng phải chấp nhận các thiên tai như nói trên để họ độ sanh.
An lạc, khổ đau, đều do nhân tâm cộng nghiệp mà ra, do tham dục, vô minh, duyên hành, duyên thức, không chạy đâu được hết.
Nếu không có trộm cắp, ác độc, tàn hại lẫn nhau, thì đâu có nhà tù?
Thời tiết, khí hậu thay đổi, khiến mùa màng, ruộng lúa, nhà cửa, thú vật, con người, đều bị tổn thương, hư hại. Và đương nhiên, xã hội, kinh tế và nhiều mặt khác nữa, phải trả giá. 
******
12.
Hỏi: Tại sao chúng sinh không thể giác ngộ hết được cùng một lúc? Luân hồi là mãi mãi hay sao? Vậy nếu chúng sinh không thành Phật hết, thì các Bồ Tát cũng không bao giờ thành Phật sao? 
Đáp: Chúng sinh không thể giác ngộ cùng một lúc hết tất cả. Giác ngộ hết, chỉ tìm thấy ở cõi Tây Phương Cực Lạc, cõi Phật A Di Đà.
Chớ còn ở cõi ta bà này thì lẫn lộn. Từ thời vô thỉ vô chung, Đức Thế Tôn đã nhìn thấy chúng sanh phải đọa địa ngục. Đến bây giờ và mãi mãi, cũng sẽ thế thôi, luôn có giác ngộ và chưa giác ngộ, có A La Hán, Như Lai, Chánh Đẳng Giác và có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. 
Nếu giác ngộ hết thì là sẽ chấm dứt. Nhưng, Đức Thế Tôn nói, không có điểm đầu và không có điểm kết, nên mãi mãi không thể giác ngộ hết. 
Còn các vị Bồ Tát có thành Phật hay không, tùy thuộc vào nguyện hạnh, phát nguyện tâm của họ. Đức độ vô lượng vô biên của họ thì có thể lập tức thụ ký ngay thành Phật, nhưng có khi, họ cứ muốn ở lại, phân thân, hóa thân, tái sanh, vô sanh pháp nhẫn, nhất sanh bổ xứ, giống Như Lai vậy đó, theo độ cho chúng sanh thôi.
Các bậc ấy, đến và đi, chúng ta đều không được biết. Các vị Bồ Tát, các vị Như Lai, đều có thể xuống để độ sanh, chỉ đường chỉ lối cho chúng ta tu. 
Tất cả những bậc trên đều có trong đời này hết, chỉ là chúng ta có đủ nhơn duyên, để được gặp, được độ hay không thôi. 
******
13.
Hỏi: Con xin thầy bố thí cho con một câu hỏi ạ. Có một thời gian, con tu theo pháp môn Tịnh Độ. 
Nhưng không hiểu sao, mỗi lần con lạy Phật ở nhà, thì lòng con vô cùng nặng trĩu, không sao an mà lạy được 
Con cũng đi hỏi các thầy. Các thầy bảo con là nghiệp nặng quá, bây giờ thỉnh bảy vị chân tu về tụng kinh Địa Tạng thì may ra, mới hết cảm giác nặng nề ấy.
Con nghĩ, thời nay, kiếm được một vị chân tu cũng đã là rất khó rồi, huống hồ là bảy vị chân tu. Vả lại, nghiệp của con nặng như thế, thì làm sao con đủ duyên đủ phước để thỉnh được bảy vị chân tu?
Một vài năm nay, con cũng thối tâm. Lúc nào con cũng cảm giác như oan gia trái chủ đang theo con.
Có phải nghiệp chướng của con nặng quá không, thưa thầy? Lòng con thì rất muốn tu hành, liệu con có đủ quyết tâm không ạ? Con xin thầy độ cho con một chút duyên tu. 
Đáp: Có thể do đời trước, mình từng phỉ báng, nghi ngờ Tam Bảo, có tâm hại Phật Pháp Tăng, thành ra, giờ mới vậy, không đến được với Phật Pháp Tăng. 
Mình cần phải có đủ phước và phải có cả lòng thành tâm nữa, đừng nghi ngờ họ, đừng có tâm phỉ báng, chê bai họ, thì mới thỉnh được các vị chân tu về tụng niệm cho mình. 
Khi được họ độ cho rồi, mình phải chân thành, thành tâm giữ giới, trì giới. Chớ nghĩ có người gánh cho rồi, độ cho rồi, mà mình không lo yên ổn tu, mình phạm giới, phá phách, suồng sã, giải đãi lung tung, là không được. 
Giống các ông quan đại thần mua chức, cứ nghĩ có vua đỡ cho rồi, muốn làm gì cũng được, hại dân, hại người lương thiện. Khi tâm ma xuất hiện, mình sẽ không tu được nữa. Khi chữ tín của mình bị đánh mất, không ai còn muốn độ cho mình nữa đâu. 
Bây giờ, phải đặt niềm tin vào Phật Pháp Tăng, làm thiện cho nhiều, đừng tham lam nữa, bố thí và giữ giới kiên trì. Đọc kinh nào, trì kinh nào cũng được, cũng tốt, nhưng phải có niềm tin và giữ giới cho thật nghiêm. 
Thắc mắc chỗ nào, thì cứ nhờ các sư, thầy giảng cho mình. Dù sao, họ cũng là kẻ xuất gia, tu hành, có nguyện hạnh, so với mình, mình chỉ mới là Phật tử thôi, nên mình cần phải tôn trọng họ, hướng tâm Bồ Đề tu hành, trước là giúp mình, sau giúp mọi người an lạc. 
Nhờ các sư, các thầy trợ lực thêm cho mình. Thường xuyên cúng dường Tam Bảo để hồi hướng công đức cho mình với mọi người.
Mình chưa đủ giới hạnh, chưa đủ phước, chưa đủ tinh tấn, để khen chê, chỉ trích họ. Khi mình mang tâm hiềm khích, thù hằn, thì phước mình, cũng theo đó mà mất sạch. 
Như con đây, con cũng vẫn phát tâm luôn. Con phát tâm bỏ những điều xấu, ác, duy trì điều thiện. 
Mình lên chùa, cũng đừng nuôi tâm hại, phá Phật Pháp Tăng, đừng nuôi tâm bất tôn, bất kính. Mình phá Phật Pháp, thì ma quỷ, ngay lập tức sẽ phá mình. Nhân quả liền nhau. Quả như thế nào, thì suy ra nhân, mình biết ngay chớ không khó. 
Đảnh lễ Phật Pháp Tăng là lòng phải thực sự tôn kính. Lòng nặng nề là do tâm mình không đang thực tôn kính. 
Oan gia trái chủ, họ muốn theo thì cứ theo, càng tốt. Họ sẽ cùng ăn chay, giữ giới, tu hành, cùng hồi hướng công đức, cùng phát tâm tu thành Vô Thượng, sau này, độ cho nhiều người khác nữa. Đừng đuổi, đừng ghét oan gia trái chủ. Oan gia trái chủ, họ cũng đang bị đói khát, bỏ rơi, khổ sở, yếu ớt, họ cũng chẳng có thần lực nên cũng chẳng làm hại được ai đâu.  
Quyết tâm là được hết. Ai cũng có Bồ Đề tâm cả. Ai cũng có thể tu thành Phật cả. Ăn chay, niệm Phật, lòng đừng hướng tới những tà thuật. Hướng cho cả những vong linh theo mình bỏ ác, giữ thiện. 
******
14.
Hỏi: Đất nhà con có nhiều vong, con trót hứa với họ, khi nào con còn làm ăn được, con sẽ cúng cho họ. Em con thì lại bị bệnh tâm thần. Mỗi lần con cúng, thì nó lại làu bàu, nó phá, không cho con cúng. Nên lâu nay, con cũng không cúng nữa. Như vậy, con có lỗi với vong không ạ? Con có thể sám hối không ạ?
Đáp: Có lỗi ạ.
Hứa mà không thực hiện là có lỗi rồi. Phải thực hiện lời hứa, đồng thời, khi thực hiện, cũng nên khấn nguyện, các vong phải phát tâm tu hành, đừng làm ác nữa. Các ngài tu hành cho tinh tấn và tôi sẽ tiếp tục cúng dàng. Khi cúng, nên cúng chay. Họ thiếu nhà ở, thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thì mình cúng dường ngôi Tam Bảo, sau đó, xin được hồi hướng cho họ có nhà, có miếng cháo ăn, có miếng nước uống, có quần có áo mặc. Mình lên chùa cúng dường y áo, vật thực, cho các sư các thầy, sau đó, nhờ các sư, các thầy, có giới đức, giới hạnh, họ phát tâm độ trì, cũng như hồi hướng công đức của mình cho họ. 
******
III/ CẢM NGHĨ
Đây là một trong các video nghe rõ tiếng sư nhứt, từ xưa đến nay.
Sau gần bốn mươi lần "gỡ tiếng" từ video của các bạn youtuber có nhơn duyên, ghi được hình và lời trò chuyện của sư, kể từ ngày sư chưa là hiện tượng, sự kiện của xã hội Việt Nam, để trở thành văn bản - thì đến nay, tôi đã thực sự nghe quen tiếng của sư, cũng như quen với cách giải đáp của sư, khi được hỏi.
Sư “bắt bệnh” người hỏi rất nhanh và chân thành giải đáp cho họ bằng hết cả tất cả tấm lòng cũng như sự hiểu biết của mình. Các câu trả lời đều dễ hiểu. Không chỉ thế, còn rất có tình và có lý, nên đều khiến người nghe phải tâm phục, khẩu phục.
Đặc biệt, các lời giải đáp của sư đều rất khoa học, không hướng con người ta vào sự sùng bái hay si mê, và hoàn toàn không có bóng dáng của mê tín dị đoan. 
Phần đầu của video, các câu hỏi nghe không rõ. Chỉ bắt đầu từ câu mười một trở đi, thì phần câu hỏi này, nghe mới được, nên tôi mới chép ra.
Bạn Conikal, không ghi phần này là phần cuối như bạn định lúc ban đầu, nên rất có thể Vô Sở Hữu vẫn còn ra thêm nữa. Xin được tán thán công đức của bạn. 
Và xin chúc tất cả các bạn được vui vẻ cùng nhiều hạnh phúc. 
------------------------
Sài Gòn 19.08.2024
Phạm Hiền Mây

Bài mới

Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
VÔ SỞ HỮU - Phần Cuối
Hỏi: Khi vô thường đến với thầy, thầy có muốn nhắn nhủ gì với đại chúng không ạ? ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IX
Mình đọc kinh sách, hiểu kinh sách, rồi tự giữ giới luật tu hành cho mình. Mình cứ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VIII
Hỏi: Thầy nghỉ trong nghĩa địa như thế này, nhỡ, đêm mưa to gió lớn thì sao ạ? Đá...
VÔ SỞ HỮU - Phần VII
Hỏi: Đất nhà con có nhiều vong, con trót hứa với họ, khi nào con còn làm ăn được, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần VI
Hỏi: Con ăn chay, chồng con ăn mặn. Vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Xin thầy cho...
VÔ SỞ HỮU - Phần V
Hỏi: Con có nghe trên YouTube, một thầy kia, chuyên đi giảng pháp cho doanh nhân, ...
VÔ SỞ HỮU - Phần IV
Hỏi: Khi con gặp được thầy thì tâm con an vui lắm ạ. Đáp: Mình đi là để tập, ở c...
VÔ SỞ HỮU - Phần III
Nếu không mộ đạo, nếu không kính trọng sư, nếu không chân thành yêu thương sư, sẽ ...
VÔ SỞ HỮU - Phần II
Hỏi: Vậy sáu năm trước, đã nhiều người biết thầy chưa ạ? Đáp: Dạ không, không ai...

Are you sure?