CHỈ CÓ GIỚI LUẬT, GIÁO PHÁP CỦA PHẬT, MỚI BẢO VỆ ĐƯỢC CHO CON THÔI

CHỈ CÓ GIỚI LUẬT, GIÁO PHÁP CỦA PHẬT, MỚI BẢO VỆ ĐƯỢC CHO CON THÔI

Phố Bolsa TV: Xin kính chào sư. Rất cảm ơn sư đã tạo điều kiện cho PhoBolsaTV thêm một buổi của ngày hôm nay.

Tôi trích khá nhiều những câu từ khán giả gửi tới, đa số liên quan tới những thắc mắc về Phật Pháp.

Có một khán giả ghi: Chào anh, nhờ anh nói giùm với thầy, những người yêu quý và tôn trọng thầy, luôn hướng và cầu chúc thầy mạnh khỏe, chúc cả đoàn bộ hành chân cứng đá mềm. Cảm ơn chú Báu, em Hà, em Hùng.

Sư Minh Tuệ: Sadhu. Sadhu.

******

I/ NỘI DUNG

1. TÂM ÍT PHIỀN NÃO SẼ TỐT ĐẸP HƠN

Hỏi: Khi sư bộ hành, trong trí sư nghĩ về điều gì ạ?

Đáp: Nghĩ về nhiều thứ. Vì mình là người đang tập học tu hành, nên tạp niệm nhiều, dục tham nhiều. Nghĩ đến việc cần bỏ bớt dục tham, lo học tập, rèn luyện cho có sức khỏe. Mong muốn bộ hành, học tập, rèn luyện cho càng ngày càng tốt đẹp. Bỏ bớt tham, không tham không sân không si nữa, thì đều tốt đẹp.

Mình gắng nghĩ như thế, chứ trong đầu mỗi người, luôn có rất nhiều điều, gọi là phiền não, nên mình cố gắng giảm bớt, tâm ít phiền não sẽ tốt đẹp hơn. Mong cho mọi người cũng được ít phiền não. A Di Đà Phật.

******

2. CON CHƯA THÀNH PHẬT, NÊN CON KHÔNG TRẢ LỜI ĐƯỢC

Hỏi: Câu này là câu từ bản thân Lân muốn đặt ra với sư. Làm sao để biết mình đắc đạo? Trở thành Phật thì sẽ có dấu hiệu gì để chính mình hoặc những người xung quanh biết được? Thí dụ như có vầng hào quang? Trên trời hiện ra mây lạ? 

Đáp: Khi đủ duyên, đủ nhân duyên thành Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác, thì họ biết. Nghe Phật nói, thì con nói theo. Như con, thì câu hỏi này con chưa biết, con không trả lời được. Mình chưa thành, chưa có hào quang.

******

3. ĐỂ BIẾT MỘT VỊ SƯ SẼ TRỞ THÀNH PHẬT, CẦN THEO DÕI ĐỜI SỐNG ĐỨC HẠNH, GIỚI LUẬT CỦA HỌ, ÍT NHẤT BẢY NĂM

Hỏi: Làm sao để ta có thể biết, đâu là vị sư thực sự sẽ trở thành Phật, hay đã biến thành Phật?

Đáp: Chỉ người nào có khả năng đặc biệt, hoặc có trí tuệ của bậc Thánh, thì mới biết được, đó là Thánh Nhân hay Như Lai. Phàm nhân thì khó biết, chỉ có thể theo dõi đời sống đức hạnh, giới luật của người ta lâu dài, ít nhất là bảy năm.

******

4. CŨNG CÓ THỂ SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN NHƯ ĐI THUYỀN, KHI KHÔNG CÓ ĐIỀU KIỆN BỘ HÀNH

Hỏi: Một câu hỏi từ khán giả: Nếu có điều kiện thuận lợi, thầy có sẵn sàng đi tàu, máy bay, hay phương tiện nào khác, đến một châu lục khác để bộ hành không?

Đáp: Bộ hành được xuyên suốt thì tốt đẹp. Nếu không đủ điều kiện cho mình bộ hành, thì mình cũng có thể sử dụng phương tiện, nhưng điều đó thì không tốt đẹp lắm. Bộ hành vẫn tốt đẹp hơn.  

Cũng có thể sử dụng phương tiện tàu thuyền khi qua biển, như qua Châu Úc, chẳng hạn. Chuyện đó cũng bình thường, không sao cả, con vẫn vui vẻ. Không lạm dụng phương tiện và chỉ đi khi cần thiết.

******

5. BỘ HÀNH, KHẤT THỰC NHẰM MỤC ĐÍCH GIẢM PHIỀN NÃO, ĐEM ĐẾN AN LẠC CHO MÌNH VÀ MỌI NGƯỜI

Hỏi: Ngày xưa Tam Tạng đi khất thực để thỉnh kinh. Ngày nay thầy Minh Tuệ khất thực với mục đích gì?

Đáp: Bộ hành, khất thực nhằm mục đích giảm phiền não, đem đến an lạc, hạnh phúc cho mình, cho mọi người. Mong mọi người và mình, ít tham sân, sân hận lẫn nhau, ít oán thù, không có chiến tranh, sống hòa bình, được hạnh phúc, tất cả đều được tốt đẹp.

******

6. KHÔNG NÊN GỌI CÁC SƯ PHỤ TRONG ĐOÀN LÀ CÁC SƯ NHỎ

Hỏi: Bộ hành, nghĩa là kinh hành, thiền hành. Với hành trình một hành, từ 20 tới 25 km, thì việc livestream, hay trả lời câu hỏi trong lúc kinh hành như vậy có phiền thầy và đoàn không. Khoảng thời gian nào trong hành trình mỗi ngày là thuận duyên nhất cho những việc này?

Đáp: Không nên gọi các sư phụ trong đoàn là các sư nhỏ. Họ là những người bạn, những người tu hành. Họ đều là sư phụ.

Khi bộ hành trên đường thì không nên hỏi. Hỏi lúc ấy, không tốt đẹp. Tránh ban đêm, giờ ngồi thiền và thọ dụng vật thực hay đại tiện tiểu tiện. Ngay cả khi nghỉ ngơi mà họ không muốn, cũng không nên hỏi. Còn lại thì hữu duyên. 

Chỗ nào mà không làm ảnh hưởng gì tới ai, như trong vườn, nơi gốc cây. Không phạm luật quốc gia, quốc tế. Với con thì nghỉ trưa hay chiều, hỏi cũng không sao. 

******

7. CON KHÔNG PHẢI LÀ SƯ PHỤ HAY LÀ SƯ LỚN VỚI CÁC SƯ TRONG ĐOÀN

Hỏi: Như sư vừa mới đề cập, tôi cũng không hiểu tại sao, nhưng tôi có nghe vài ba lần, mọi người gọi các sư khác là sư nhỏ, cho nên quen miệng. Bây giờ được sư Minh Tuệ nhắc rồi, thì chúng ta nên gọi các sư đó là sư phụ. 

Đáp: Họ là những người tu hành. Họ là những người bạn, cùng theo học Phật Thích Ca Mâu Ni. Con không phải là sư phụ, cũng không phải là sư lớn của họ. Như anh em huynh đệ, như những người bạn. Hữu duyên thì cùng chung bộ hành. Hết duyên thì không bộ hành.

******

8. THỌ TRAI GIỚI TÙY THEO PHÁT NGUYỆN

Hỏi: Thọ bát quan trai giới là khung giờ nào?

Đáp: Tùy theo họ phát nguyện, hôm nay, ngày này, một đêm. Ví dụ, sáu giờ sáng hôm nay họ phát nguyện, thì đến sáu giờ sáng ngày mai. 

Còn Thọ Ngọ của con là khi trời sáng, mặt trời lên, nhìn thấy rõ đường chỉ tay, con sẽ Thọ Ngọ từ lúc đó, cho đến trước khi mặt trời xế bóng. Có nghĩa là sau mười hai giờ thì con không Thọ nữa.

Bảy giờ, tám giờ, chín giờ, mười giờ, mười một giờ cũng được, tùy theo mình đi khất thực. Có được vật thực đầy đủ khi nào, thì con dùng khi đó. Dùng xong rồi là không dùng nữa, chứ không nhất thiết là phải bảy giờ, tám giờ, mười giờ, hay quy định là mười một giờ.

Tùy theo thời gian mà con đi khất thực từ sáng, đủ khi nào thì dùng khi đó. Nếu không được thì con cũng không dùng luôn, chứ cũng không nhất thiết là phải có.

Và cũng còn tùy thuộc vào lượng thực phẩm người dân bố thí. Mười một giờ, mới có người bố thí, mà đòi mười giờ ăn thì đâu có được.

Hoặc mình đã nhận bố thí từ lúc bảy giờ sáng, mà cứ chờ đến đúng mười một giờ mới dùng, thì lại không hợp lý. Thế nên, khi nào, cảm thấy đã đủ thì con dùng khi đấy. 

Nếu quá Ngọ, là con nhịn đói, không ăn, không dùng nữa. Đây là thời gian Thọ Ngọ của con. Còn các sư phụ khác thì tùy theo, trong trường hợp họ hoàn toàn chủ động nấu nướng, thu xếp được, như ở chùa, hay ở nhà. Khất thực thì linh động trong buổi sáng. 

******

9. PHÀM PHU, MUỐN ĐÁNH GIÁ THÁNH NHÂN, PHẢI TÌM HIỂU KỸ

Hỏi: Thầy Minh Tuệ có biết đến ngài Thích Tuệ Sỹ không ạ. Nếu biết, thì thầy đánh giá như thế nào về sự nghiệp tu hành của ngài?

Đáp: Ngài Thích Tuệ Sỹ, con cũng nghe ở trên mạng, dịch kinh sách các thứ, không biết có phải Tuệ Sỹ đó hay không.

Con không đánh giá được. Muốn đánh giá đúng, con phải theo dõi đời sống đức hạnh, giới luật của họ một thời gian đã.

Khi biết, khi hiểu trong thực tế rồi, thì con mới có thể nói về họ, mới đánh giá họ được.

Mình là phàm phu, muốn đánh giá một Thánh Nhân hoặc bất kỳ ai, phải tìm hiểu kỹ, phải theo sát đời sống của họ, phải ở cạnh họ, thì mới biết phạm hạnh của họ, giới luật của họ như thế nào. Mà biết đấy, cũng chỉ là biết một phần thôi, chớ không thể nào biết hết được.

Muốn biết, thì phải theo người đó, rồi lấy giới luật của Phật dạy làm chuẩn mực, mình trắc nghiệm, hỏi những câu hỏi về họ để xem, Trí của họ, Giới của họ, có đúng với những lời dạy trong kinh Phật không. Nếu người đó có Giới Hạnh, có đức độ, là bậc chân tu, thì sẽ thành tựu.

Nghe loáng thoáng trên mạng xã hội, thì cũng không nên dựa vào đó, để đánh giá. Không nên tin vội. Không thấy chính xác, không biết chính xác, thì đó là “vọng ngữ”, là nói sai sự thật.

******

10. THIỀN CỦA ĐỨC PHẬT DẠY LÀ THIỀN LY DỤC, XẢ BỎ, BUÔNG BỎ

Hỏi: Lúc mới tập thiền, mỗi lần bị đau chân, sư phải làm sao để không khởi lên tâm sân? Sư thiền Quán Niệm hơi thở hay là thiền Vipassana Quán Thọ cảm giác? Nếu học thiền Minh Sát Quán Thọ cảm giác rồi, thì có nên học thêm thiền Quán Tâm không? Có bị ảnh hưởng gì không nếu học hai cách thiền khác nhau, tại một thời điểm?

Đáp: Thiền mà đau chân thì kham nhẫn. Mọi dục tham, đều cần Quán hết, đều cần diệt trừ hết, chớ không chỉ Quán Tâm không thôi. Khổ Thọ tới hay Lạc Thọ tới, hay những điều làm phiền não, thì đều quán bỏ hết. 

Trong lúc ngồi thiền, đau đớn hay Khổ Thọ khởi lên, đây là cái gì, mình Quán.

Có khi mình Thọ Dụng. Có bảy pháp Đoạn Trừ trong lời Phật dạy. Có cái thì Né Tránh. Có cái thì Tu Tập. Có cái thì Phòng Hộ.

Thiền của Đức Phật dạy là thiền ly dục, xả bỏ, buông bỏ bớt. Một người còn đang dục tham ở đời, mà kéo chân lên ngồi kiết già, ngồi thiền, rồi đau, có kham nhẫn cũng chịu không nổi đâu.

Nhưng với người biết xả bỏ, bỏ cuộc sống dục tham ở đời, đi theo học Giới, học chánh pháp của Phật dạy. Một thời gian, giảm dục tham được rồi, khi đó mới kham nhẫn được.

Đau nhẹ dần, rồi thấy không đau nữa. Những cơn đau đã Quán được.

Chỉ khi ly dục, xả bỏ, thì mới kham nhẫn được. 

Thiền ở đây là thiền ly dục, chứ không phải là ngồi đó chịu đau để thiền.

Thiền trong bốn oai nghi.

Tất cả các hành động trong cuộc sống của mình, suốt hai mươi bốn giờ, suốt ngày này qua ngày khác, đều thiền được cả. Đều thiền ly dục, đều sống trong đời sống Giới Luật. Thiền là như vậy. 

Viên mãn, đầy đủ về Giới Luật thì sẽ đầy đủ về Thiền Định. Đầy đủ Thiền Định sẽ đầy đủ về Trí Tuệ.

Không có Giới mà đòi thiền, thì không được.

Cũng có nhiều loại thiền khác nhưng không phải là thiền của Phật dạy.

Thiền chỉ cần đời sống thiểu dục tri túc, ba y bát, trong sạch, ít phiền não, một thời gian sau, mình sẽ vào thiền được. Quán tất cả đời sống khổ đau. Vật chất, ngũ dục thế gian, phải bỏ được, loại trừ được.

Đang ngồi thiền mà nghĩ về vợ, về con, cũng không thiền được. Nghĩ về nữ nhân cũng không thiền được. Nghĩ về tiền bạc, nghĩ về lợi lộc, rồi công danh, đủ thứ phiền não, cũng không thiền được.

Sống trầm lặng, không có gì phiền não. Tu tập cả thân cả tâm.

******

11. CHƯA CÓ GIỚI, THÌ KHÔNG THỂ NGỒI KIẾT GIÀ ĐƯỢC

Hỏi: Nếu mà mình giữ Giới được, nhưng tư thế của thiền không đúng, chẳng hạn như không ngồi kiết già được, thì có được xem là thiền không?

Đáp: Có giữ Giới tu hành thì tự nhiên sẽ kiết già được. Muốn kiết già, được kiết già. Muốn gì, được nấy. Phải viên mãn Giới Luật. Chẳng hạn như Achan Báu, giờ muốn ngồi kiết già cũng đơn giản thôi.

Viên mãn Giới Luật một thời gian dài, rồi khởi tâm, muốn ngồi kiết già là ngồi kiết già được, kham nhẫn được.

Chưa có Giới mà đòi ngồi kiết già, thì không được.

******

12. BÁT QUAN TRAI GIỚI LÀ PHÁP THỰC HÀNH CHO CÁC CƯ SĨ, TU SĨ TẠI GIA

Hỏi: Khi giữ Bát Quan Trai Giới, thì nguyện như thế nào? Hình thức như thế nào? Trước khi thọ thực và sau khi thọ thực như thế nào để cho đúng?

Đáp: Bát Quan Trai Giới được áp dụng trong một ngày một đêm. Giả sử bây giờ là mười giờ, thì mình nguyện đến mười giờ ngày mai. Nguyện mười hai giờ đêm nay thì đến mười hai giờ đêm mai. Lúc ăn rồi thì không nguyện. 

Khi mình khởi tâm, nguyện giữ tám Giới, thì trong vòng 24 giờ, mình cứ giữ, thì nó đều tốt đẹp. Có
đủ một ngày một đêm.

Không bắt buộc giờ phát nguyện. Đêm nay, ngày này, tính từ thời gian mình khởi tâm lên, mình phát nguyện xong là mình giữ ngay.

Đó là dành cho người giữ tám giới. Còn như con, con giữ nhiều giới tu hành rồi thì không cần phải nguyện. Hôm nay con ăn mười giờ, mai con ăn tám giờ sáng, thì được. Nhưng với người nguyện Bát Quan Trai Giới, thì chưa đủ thời gian 24 tiếng. 

Bát Quan Trai Giới là Pháp thực hành cho các cư sĩ, tu sĩ tại gia.

Nguyện công đức thì nguyện gì cũng được. Chẳng hạn như bây giờ mình có tiền rồi, mình muốn cho ai cũng được. Không có tiền thì làm sao cho.

Như Achan Báu, có tiền, muốn cho cha cũng được, cho mẹ cũng được, cho người ăn xin ở ngoài cũng được, cho người tu hành cũng được, chứ không bắt buộc, phải cho người này, hay không được cho người kia, kể cả cho người ăn trộm cũng được.

Mình nguyện xin Phật chứng minh cho mình, để mình giữ Giới này cho trọn ngày. Mình nguyện rồi mình không làm thì cũng giống nhau.

******

13. MONG ĐẠT ĐẾN TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT. NHỜ TRÍ TUỆ ĐEM ĐẾN CHO MÌNH GIẢI THOÁT

Hỏi: Vì sao thầy lấy pháp danh là Minh Tuệ. Minh Tuệ có ý nghĩa gì?

Đáp: Con tu hành và ước nguyện, mong muốn, tìm cầu đạt đến trí tuệ siêu việt. Nhờ trí tuệ đem đến cho mình Giải Thoát. Giải Thoát cho mình và cho cả những người khác.

******

14. DÙNG TUỆ ĐỂ GIẢI THOÁT, THÌ ĐƯỢC GỌI LÀ TINH TẤN, TINH CẦN

Hỏi: Tuệ là cao nhất phải không ạ. Mong muốn có Tuệ để giải thoát, thì có được xem là tham không ạ?

Đáp: Dạ, Tuệ không phải là cao nhất. Tham Tuệ để Giải Thoát, thì đó không phải là tham. Tham Tuệ mà để làm việc tà ác, dẫn đến những tai hại, thì đó mới là tham. Còn Tuệ thiện để Giải Thoát, không não hại, thì đó không phải là tham. 

Chẳng hạn, thấy mười người đang chết đuối dưới sông, Achan Báu liền xuống cứu. Nếu nói, việc cứu mười người là tham, còn như con, con chỉ cứu được một người, là không tham - nói như vậy là không đúng. Cứu được mười người sẽ tốt hơn việc chỉ cứu được một người. 

Dùng Trí Tuệ để Giải Thoát cho mình và Giải Thoát thêm được nhiều người khác, thì đó không còn là tham, không còn là ích kỷ cá nhân nữa.

Dùng Trí Tuệ để Giải Thoát, được gọi là Tinh Tấn, Tinh Cần.

******

15. KIÊN TRÌ VỚI CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC PHẬT DẠY SẼ ĐƯỢC THÀNH TỰU

Hỏi: Phương pháp tu tại gia nào đạt hiệu quả, tránh được tình trạng “dã tràng xe cát”?

Đáp: Chỉ có con đường Giới Định Tuệ của Phật dạy, sống theo Bát Chánh Đạo: có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Giữ Giới. Trì Giới. Bố Thí. Tu Thiền.

Kiên trì với con đường này, thì tránh được “dã tràng xe cát”, không thất bại, thành tựu.

******

16. PHÁP SẼ DIỄN RA NHƯ THẾ. MÌNH LÀM TỐT LÀ MỌI THỨ SẼ THÀNH TỰU

Hỏi: Nếu sư đạt các hạnh và giữ được các giới trong Phật Pháp thì sư có nghĩ đến việc phụng sự cho nhân loại như là rao giảng Phật Pháp, hướng dẫn bá tánh tu tập không ạ?

Đáp: Đây cũng là việc của những người tu hành họ thường làm. 

Phật Pháp không cần phải rao giảng. Chỉ cần mình sống đúng Giới Luật, đúng Phạm Hạnh của Phật dạy, thì tự nhân duyên sẽ đến, tự thành tựu, tự quả vị đó đến, chứ mình không cần phải rao giảng gì hết.

Thực hành tốt là đủ rồi.

Làm đúng lời Phật dạy, coi như là mình đã rao giảng Phật Pháp, mình đã đảnh lễ cúng dàng Như Lai rồi.

Mình chưa làm được mà đã đi rao giảng, sẽ chẳng ai tin. Nhưng khi mình làm được chắc chắn, chẳng hạn như mình phát tâm bỏ được rượu, bỏ được thuốc, bỏ được những thói hư tật xấu, để mọi người ai cũng công nhận, ai cũng nhìn thấy, thì mình nói, người ta mới nghe chứ.

Mình chỉ cần làm tốt. Tự điều tốt ắt đến.

Họ tự nhìn thấy. Họ tự đánh giá. Họ tự biết. Họ tự học hỏi. Họ tự làm theo. Pháp sẽ diễn ra như thế. Mình làm tốt là mọi thứ sẽ tự thành tựu.

******

17. TRONG TƯƠNG LAI, HẠNH ĐẦU ĐÀ VẪN MÃI MÃI LÀ HẠNH ĐẦU ĐÀ

Hỏi: Mười ba hạnh Đầu Đà trong tương lai sẽ như thế nào? Giả sử, sau này, có những vị tu hành nước ngoài, theo hạnh Đầu Đà, muốn cùng hành trình đến Ấn Độ, thì thầy nghĩ thế nào ạ? Các vị tu hành khác ngôn ngữ, sẽ cảm việc tu tập của nhau bằng Giới Luật, có đúng không ạ?

Đáp: Nghĩ đến giới luật là tốt đẹp.

Hạnh Đầu Đà, mãi mãi vẫn là hạnh Đầu Đà. Nhiều hay ít người theo, thì vẫn mãi là hạnh Đầu Đà.

Ai theo học được hạnh Đầu Đà, thì tốt đẹp với chính họ, cũng như mang lại lợi ích cho những người xung quanh.

Pháp của hạnh Đầu Đà vốn dĩ như thế, chỉ là có biết để hành trì hay không thôi, chứ không ai diệt mất được. Hạnh vẫn ẩn ở đó. Khi ai muốn hành trì thì nó hiện ra. Càng nhiều người tu theo hạnh Đầu Đà thì càng tốt đẹp.

Kể cả người Việt Nam, người Thái, người Mỹ, tất cả nhân loại, con người, đều tu hành được. Ngay cả con chó cũng tu được, nhưng do nó ngu, nó không biết thôi. Nếu nó hành được theo hạnh Đầu Đà, thì cũng tốt đẹp.

Ai mà hành được hạnh Đầu Đà, Trì Giới, Giới Luật Đức Phật dạy, thì lại càng tốt đẹp, hạnh phúc, cho chính mình, gia đình, cộng đồng.

******

18. MỌI DIỄN BIẾN TRONG ĐỜI, ĐỀU DO NHÂN DUYÊN

Hỏi: Một trong những hạnh Đầu Đà là phải đi khất thực. Trong khi đó, nhiều lúc, đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho đoàn. Như vậy thì có phạm vào hạnh Đầu Đà hay không ạ?

Đáp: Vấn đề là người bố thí có cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hay không. Và, người đi khất thực, có yêu cầu, có ép buộc ai tới hay không.

Nếu không có họ mang tới đợi sẵn, thì rồi mình cũng lần lượt, đi ngang qua nhà họ khất thực, một cách tự nhiên.

Đây là do truyền thông. Và điều này, cũng thử thách con, xem con có sân hay không.

Nếu con bực dọc, khăng khăng: tôi đang tập học theo hạnh Đầu Đà, tôi phải đi khất thực, ăn xin, rồi từ chối vật thực họ mang đến, là con sân rồi.

Họ từ xa đến chờ con, thì họ cũng vẫn là những người muốn bố thí. Con không hề sắp xếp. Và mọi người với con đều bình đẳng. Con hành Pháp Đầu Đà, thì quan trọng nhất vẫn là con không sân, không tham. 

Con không hề mong chờ họ đem tới để mình được ăn, nhưng họ đem tới bố thí vì biết con đang Trì Giới Hạnh Đầu Đà, họ không bị ai chi phối, họ thấy vui vẻ hạnh phúc, họ có lợi, mình cũng có lợi, thì đều tốt đẹp.

Nếu không có họ, thì con cũng sẽ khất thực. Có họ thì họ bố thí cho mình. Mọi diễn biến trong đời, đều do nhân duyên.

Người bố thí nào cũng đều là cha mẹ của con. Con đi tới từng nhà xin ăn thì cũng tốt đẹp. Họ ở xa chạy tới, bố thí cho con, mà họ cảm thấy vui, thì cũng tốt đẹp, hoan hỷ. 

******

19. NIỆM PHẬT BẰNG TIẾNG PHẠN, TIẾNG ANH, HAY TIẾNG NÀO CŨNG ĐƯỢC. QUAN TRỌNG LÀ MÌNH HIỂU ĐƯỢC Ý NGHĨA CỦA VIỆC NIỆM PHẬT

Hỏi: Niệm Phật tốt nhất là nên dùng bản tiếng Phạn, vậy có đúng không ạ? Thầy hay niệm bằng nguyên bản hay bằng phiên bản? Cá nhân con, khi nghe những bài kinh nhạc bằng tiếng Phạn, con có rất nhiều cảm xúc và thấy chạm. Con không rõ vì sao?

Đáp: Niệm Phật bằng tiếng Phạn hay không bằng tiếng Phạn, đều cần sự tôn kính, cung kính đảnh lễ, thành tâm của mình.

Niệm Phật mà thấy được tâm từ bi của mình xuất hiện, không tham, không sân, không si, để được Giải Thoát, là đúng.

Niệm Phật bằng tiếng Phạn, tiếng Anh, hay tiếng nào cũng được. Quan trọng là mình hiểu ý nghĩa của việc niệm Phật.

Niệm Phật để tâm mình có từ bi, có trí tuệ, để được Giải Thoát mới là đúng.

******

20. CÓ THỂ, TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP, CON ĐÃ THƯỜNG GIEO DUYÊN VỚI PHẬT A DI ĐÀ, NÊN CON MỚI HAY NIỆM NHIỀU HƠN

Hỏi: Tu hạnh Đầu Đà của Đức Phật Thích Ca, vậy tại sao, sư không niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để được Đức Phật độ trì mà lại niệm Nam Mô A Di Đà Phật? Trong khi A Di Đà Phật, là một vị Phật khác?

Đáp: Vị Phật nào cũng giống nhau. Các vị Phật đều bình đẳng.

Và họ cũng không có tham sân si, sao ông không niệm tôi, mà lại niệm ông này. Nói chung là đều bình đẳng. Càng niệm nhiều Phật thì càng tốt, không sao.

Phật A Di Đà cũng giống như Phật Thích Ca. Phật Thích Ca không bao giờ sân si, chạy tới hỏi, sao ông không niệm tôi mà niệm ông đó? Không có vậy đâu. Niệm Phật nào cũng hạnh phúc.

Các bậc Chánh Đẳng Giác, họ không mang tâm phân biệt. 

Có khả năng, là từ nhiều đời, từ vô lượng kiếp, con đã thường gieo duyên với Phật A Di Đà, chẳng hạn, hay quen với vị Phật đó, hay tương ưng thì mình sẽ hay niệm nhiều hơn, mình quen miệng hơn.

Niệm A Di Đà cũng giống như Niệm Phật Thích Ca. Niệm Phật Thích Ca cũng giống như Niệm A Di Đà. Tất cả chỉ là ngôn từ.

Trong tâm con, Phật nào, con cũng tôn kính, cũng đảnh lễ, cũng học giáo lý như nhau, không phân biệt.

******

21. TU HÀNH, CHỈ CẦN BIẾT NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN LÀ HẠNH PHÚC RỒI

Hỏi: Có nhiều người nói là thầy không thuộc Chân Kinh. Xin hỏi, thầy đã đọc Chân Kinh chưa ạ?

Đáp: Con không thuộc Chân Kinh. Con chỉ biết những điều căn bản, cần thiết cho việc tu hành của mình: điều ác thì không nên làm, điều thiện thì nên làm; không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu, uống bia, ăn ngày một bữa, không cất giữ tiền bạc, không nằm giường cao, giường lớn.

Như vậy là đủ rồi. Chỉ như vậy thôi, còn không hành hết nữa là. Chỉ cần giữ mười ba hạnh Đầu Đà, học mười Giới, giữ cho tốt các Giới ấy, cũng hạnh phúc rồi, không cần phải thuộc gì thêm nữa.

******

22. NHỮNG ĐIỀU CON NÓI XƯA NAY, ĐỀU CỦA PHẬT. CON CHỈ LẶP LẠI VÀ THỰC HÀNH THEO KINH. CON KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ THUYẾT CẢ

Hỏi: Anh Báu nói, sư chỉ hành Pháp, không thuyết Pháp. Nhưng những người khác thì nói là sư có thuyết pháp. Vậy chính xác là như thế nào ạ?

Đáp: Con không thuyết pháp. Con chỉ hành Pháp.

Con hiểu biết trong kinh sách, và nói lại những gì mà trong kinh sách nói, chớ thuyết Pháp thì con không.

Khi nào con nói những điều mà trong kinh sách chưa từng viết, thì đó mới là thuyết Pháp. 

Những gì con nói trước nay, đều của Phật, thì có phải là thuyết Pháp đâu?

Con nói theo kinh. Nếu không tin, cứ giở kinh ra là có. Không sát sanh, mười ba hạnh Đầu Đà, ấy là Phật thuyết, chớ có phải con thuyết đâu? 

Con chỉ lặp lại và thực hành, tập học theo mười ba hạnh Đầu Đà thôi.

Con không có gì để thuyết cả.

******

23. CHỈ CÓ GIỚI LUẬT, GIÁO PHÁP CỦA PHẬT, MỚI BẢO VỆ ĐƯỢC CHO CON THÔI

Hỏi: Thầy có thực sự cần bảo vệ bên cạnh không, ngay cả khi, thầy đã đi ở nước ngoài?

Được biết, khi gặp anh Báu lần đầu, thầy chỉ cần lo thủ tục, không cần anh Báu hay bất cứ ai đi theo, với lý do bảo vệ?

Đáp: Con không cần bảo vệ. Con với các sư phụ, thì chỉ cần Giới Luật bảo vệ thôi.

Bây giờ, con bị bệnh, chết, anh Báu bảo vệ đâu được? Vô thường đã tới thì không bảo vệ được. 

Anh Báu còn chưa bảo vệ được cho mình thì anh lấy gì để bảo vệ cho ai?

Bảo vệ bên ngoài đó, nó vô thường, không chắc chắn, mỏng manh. Bảo vệ bên trong của mình chính là Giới Luật. Kể cả nghiệp ác của mình có đến thì cũng sẽ có thiện che chở.

Ngày xưa, con viết tâm thư, nhờ mọi người giúp đỡ thủ tục, giấy tờ hợp pháp, làm việc với các cơ quan chức năng nơi những vùng đất, đất nước, con đi ngang.

Đi qua nước ngoài rồi, lo xong xuôi rồi, họ đi đâu chơi cũng được. Hoặc họ không cần, họ về cũng được, không sao. Để mình con đi, có người khác giúp.

Chỉ có Giới Luật, Giáo Pháp của Phật, mới bảo vệ được cho con thôi, không ai hại được.

Mà có chết mạng này, thì vô thường, con cũng không có kiện cáo, cũng không cần ai phải lo gì hết. Phước báu, nghiệp của mình, tự đến. 

Nhỏ nhoi là sự bảo vệ của anh Báu với mọi người. To lớn là nghiệp của con đã làm.

Nếu như mà, bây giờ, người bệnh ung thư, nằm ở bệnh viện, gần chết, mà anh Báu tới, bảo vệ cho người đấy sống được lâu dài, không bệnh nữa, khỏe mạnh được, thì tới đây bảo vệ. Nhưng mà anh Báu đâu làm được đâu? Anh Báu không bảo vệ được ai cả. Chỉ bảo vệ sơ sơ bên ngoài, tạm bợ thế thôi.

Anh Báu đi, mà thấy anh làm được điều thiện, giữ Giới Bát Trai, Giới tu hành, giữ được năm giới, sống đời sống ít tham, ít sân, hay làm điều thiện giúp đỡ mọi người, thì thấy tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Chứ để bảo vệ thì không cần thiết.

******

24. GIỚI LUẬT NGHIÊM CHỈNH THÌ BỆNH KHÔNG HẠI ĐƯỢC MÌNH

Hỏi: Với chế độ ăn chay một ngày một bữa, và đi bộ mỗi ngày mấy chục km, rồi ngủ ngồi giữa màn trời chiếu đất, nhưng vì sao không thấy thầy bị sốt rét hoặc ốm đau ạ?

Đáp:  Con cũng vẫn bị cảm, bị sốt, nhưng mà do khi mình Pháp hành, bệnh lướt qua được, mình kham nhẫn được.

Mấy ngày nay, con vẫn bị đau răng, nhức răng, mà đến hôm nay thì hết rồi. Hôm kia, họ cho mình ăn mấy món cứng, nhai không được, phải nuốt. Nhưng vẫn bình thường, không sao. Như ở nhà, mình sẽ đòi có cháo để mình ăn, nhưng mình kham nhẫn, nên tất cả vẫn bình thường.

Khắc phục tham ưu được rồi, từ bệnh lớn, chuyển sang bệnh thường, mình có thể chống đỡ được, mình đi được bình thường.

Đó chính là Giới Luật bảo vệ, bảo vệ bên trong. Chứ còn như sốt rét tới, thì anh Báu, chẳng qua là cho mấy viên thuốc uống thôi. Giới Luật nghiêm chỉnh, thì bệnh không hại được mình.

Học Giới, thì tự nhiên Giới Luật cho phép. Mình gìn giữ Giới, tu hành theo Pháp thì những bệnh nhỏ như thế, sẽ vượt qua được. 

Bệnh thì ai cũng có nhưng mà ít bệnh. Pháp cho phép mình, học tập, trì Giới để có sức khỏe, để đảm bảo hành trì đời sống phạm hạnh được. 

******

25. PHẬT BÀY CHO NHƯ THẾ, AI TIN THÌ LÀM THEO, CÒN AI KHÔNG TIN THÌ THÔI, PHẬT KHÔNG BẮT BUỘC

Hỏi: Cốt lõi của việc tu hành là tu tập Giới Định Tuệ, bỏ tham sân si, bỏ những phiền não, những trói buộc, hướng tới Giải Thoát, Niết Bàn. Vậy việc cạo tóc, y áo bề ngoài, có giúp cho việc tu tập không ạ?

Đáp: Có chứ. Y áo có giúp, bảo vệ khỏi nóng, bảo vệ khỏi lạnh, ngăn ngừa xúc chạm của thời tiết, ruồi muỗi, rắn rết.

Y áo còn bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ đời sống phạm hạnh. Đó là phương tiện hỗ trợ.

Cạo tóc, một phần là để cho sạch sẽ, khỏi ngứa, một phần nữa là con nghe theo lời Phật dạy.

Phật bảo cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, thì con cũng làm theo, chứ con không nghĩ ra. Phật bày cho như thế, ai tin thì làm theo, còn ai không tin thì thôi, Phật không bắt buộc.

Những ai muốn thực hành con đường Giới Định Tuệ để đạt mục đích Giải Thoát, Niết Bàn thì cứ nghe theo lời Phật dạy: cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, ba y bát, đời sống không nhà, không chùa, tự mình sống phạm hạnh như thế thì vui vẻ thôi.

Nếu ai nghi ngờ, không tin, không cạo bỏ râu tóc, chỉ giữ gìn thiền định. Làm như thế không sai, nhưng không phải theo lời Phật dạy.

Theo kinh Sa Môn Quả thì nó như thế, con cũng chỉ làm theo thôi. Con hoàn toàn tin Phật, chứ con không biết điều gì cả. Ngay con giờ đây, con cũng không biết là gì nữa là.

Con chỉ biết là cạo tóc thì sạch sẽ, mát mẻ, khỏi ngứa, nhưng mà mọi người thấy, cạo tóc rồi, muỗi dễ đốt. 

Con cũng nghĩ, để tóc đỡ muỗi hơn, nhưng mà Phật dạy cạo tóc là con cạo tóc. Phật dạy y cà sa, con cũng y cà sa. Phật dạy đi khất thực con cũng đi khất thực. Điều này, hoàn toàn không do con nghĩ ra.

Pháp như thế, Giới Luật như thế, Pháp hành như thế, là con làm theo. Nhưng con thấy có lợi ích, có tốt đẹp. Pháp như thế, hành như thế, mà đem đến hạnh phúc, lợi ích, thì mình hành trì.

Phật cũng chỉ nói Pháp đó, Luật đó, để mọi người biết mà hành trì. Không thấy hạnh phúc, an lạc, thì người đó có thể không hành nữa, chứ Phật không bắt buộc ai hết, không nói gì hết.

******

26. NẾU CON THÀNH PHẬT ĐƯỢC, CON NGUYỆN ĐỘ CHO HẾT THẢY CHÚNG SANH

Hỏi: Thầy có nghĩ đến lúc nào đó thành Phật không? Nếu thành Phật, thầy sẽ làm gì cho nhân loại?

Đáp: Con phát nguyện một đời sau, tương lai, vị lai, tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Nếu mà con thành được thì con nguyện độ cho hết tất cả chúng sanh, mọi người đều được thành Phật cả, đều tốt đẹp, ai cũng được Giải Thoát, ai cũng được an lạc, ai cũng được Niết Bàn.

******

27. BỒI BỔ CÔNG ĐỨC, BÒN MÓT CHÚT CÔNG ĐỨC, TRƯỚC KHI VỀ CÕI CHẾT

Hỏi: Xin thầy chia sẻ thêm về cách hành thiền cho người mới bắt đầu. Sau khi Phật tử giữ ngũ giới, bát quan trai giới, thì hành thiền như thế nào? Mong thầy chia sẻ về Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.

Mỗi tầng thiền thì phải nhận biết như thế nào và làm sao vượt qua?

Đáp: Tập giữ năm giới, rồi tám giới, rồi mười giới. Ly dục, xả bỏ, ít tham, đừng có sân si. Tập những điều kể trên, chứ còn mà Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì đến khi đó, mọi người nghe trong kinh sách rồi học, chứ con chưa nhập được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, nên con không nói.

Con chỉ biết đời sống gọi là ngũ Giới, giữ Giới kiên trì, kiên nhẫn hành trì. Khi mọi người đạt đến rồi, tự khi đó, tâm biết phải làm như thế nào.

Tập, mà khi nào thấy được, mình không có tham dục. không có sân hận, không có si mê, không có hôn trầm, không có trạo hối, không có nghi ngờ nữa, là mọi người sẽ nhập được Sơ thiền.

Bây giờ, mà mình vẫn còn sân. Chẳng hạn như đi ra ngoài đường, người ta mới đấm một cái, sân lại; người ta chửi một cái, sân lại; hay là đói khát; hay là nóng bức; đi trên đường mà đau rát, sân lại - thì đừng nghĩ đến việc nhập Sơ thiền.

Hay là mình còn thích nữ nhân, dâm dục chẳng hạn, mình phải tập cho xong những điều này, rồi mới nói đến Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền.

Bây giờ, mình đang ở lớp Một, hay chưa học tới đâu, mà đòi nói, đòi bàn luận tới tiến sĩ, thì chắc khó, không nói được.

Con cũng chưa đến trình độ tiến sĩ nên là đâu nói được. Đang phổ thông, đang tập học, nên giờ con cũng đang vẫn còn tham sân si.

Khi nào bỏ hết, tiêu diệt hết, không còn tham nữa. Không ngủ, không hôn trầm, không trạo hối, vấn đề này, vấn đề kia, đạt bình đẳng.

Con không tu hành, để đạt được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền nhưng nếu có Tứ Thiền thì việc tu hành càng tốt.

Giờ đây, con chỉ hướng đến đời sống Giới Luật, phạm hạnh, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Ba La Mật học vững chắc, kiên cố. Còn thiếu Pháp gì, thì bồi bổ cho đầy đủ như thế thôi, chứ con không có nghĩ, tu để đạt thiền này thiền kia, hay đạt này đạt kia.

Mình cứ làm như thế, tích lũy, bồi bổ công đức, bòn mót chút công đức, trước khi về cõi chết.

Mọi người ở nhà, cứ trì Giới, nghe kinh sách, giữ năm Giới. Bỏ tham, giữ bát Giới, rồi nghe Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, kinh Nikaya, A Hàm, Nói chung tam tạng, kinh điển ba mươi ba tạng kinh, tạng luật, tạng luận.

Tạng kinh đầy đủ, thì chắc chắn, mọi người sẽ biết được cách tu vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.

******

28. LẤY TỪ BI ĐỂ TIÊU DIỆT HẬN THÙ

Hỏi: Trong thời buổi hiện nay, thời buổi của mạng xã hội, nổi lên nhiều vấn đề, người này nói xấu, đụng chạm tới người kia, dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng, khiến người ta thù hận nhau, trả thù nhau. Sư có lời khuyên gì đối với vấn đề này, với người tạo ra nghiệp, lẫn người là nạn nhân của việc đó?

Đáp: Học hạnh xả bỏ, vui vẻ, hoan hỷ, không hận sân, hận thù, từ bi, thương yêu họ, xem họ giống như cha mẹ mình, người thân mình.

Họ hận sân với mình, nhưng mình không sân lại. Mình tập miết như thế, xả bỏ, không oán thù với ai, rồi cũng cảm hóa được họ, rồi sẽ tốt đẹp thôi.

Họ có làm hại mình, mình cũng không làm hại họ. Lấy từ bi để tiêu diệt hận thù, thương yêu mọi người. A Di Đà Phật.

******

29. TU GIỚI ĐỊNH TUỆ, LÀ PHÁP TU CHẮC CHẮN

Hỏi: Cách tu tập rốt ráo nhất cho nữ tu tại gia, đạt thành tựu ngay trong đời này, là như thế nào ạ?

Đáp: Cũng như thế thôi. Nữ tu thì 348 Giới, Phật đã dạy. Trì Giới kiên trì. Theo con đường Bát Chánh Đạo, kinh Nikaya. Hay theo con đường niệm Phật, trong kinh, 37 phẩm đạo. Có duyên với Pháp tu nào thì hành trì Pháp đấy. Với người này thì tu niệm Phật. Với người kia thì tu Thiền Định, Thiền Chỉ, Thiền Quán. 

Không gặp được Phật thì mình tiếp xúc với kinh điển, rồi theo con đường trì Giới, tu thiền có Giới Luật, Giáo Pháp.

Tu ở nhà, cư sĩ hay tu sĩ, thì cũng đều Giới Định Tuệ. Đó là chắc chắn. 

******

30. TU THÀNH VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG GIÁC, THÌ MỚI BIẾT ĐƯỢC QUÁ KHỨ, VỊ LAI

Hỏi: Được biết, các nhà tu hành, tới một mức nào đó, họ có thể nhìn thấy được tương lai, thậm chí, thấy được ở kiếp sau. Sư có công năng đó không ạ?

Đáp: Con không có công năng đó.

Các nhà sư, có tâm minh, thì họ thấy được Thần Thức Thông hay là Túc Mạng Minh. Họ biết được quá khứ, vị lai.

Như con thì chưa có. Để con học tập đã. Cho con một thời gian để con tu. Khi nào con thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, con mới biết được. Con sẽ nói với mọi người, chứ con không giấu.

Nói những điều có lợi, đem lại lợi ích, mục đích phạm hạnh để Giải Thoát, thì con nói. Nhưng nói về quá khứ, vị lai, mà đem đến sân hận, si mê, tham dục, chẳng hạn như, hỏi số đề, hỏi sống chết, hỏi về dục tham, thì không nên. Nói ra cũng không được lợi ích gì cả.

Con chưa chứng đạt gì cả. Con đang tập học mười ba hạnh Đầu Đà

Con chưa có gì cả, chưa có Thiên Nhãn, chưa biết quá khứ, vị lai, chưa có công năng. Công năng của con bây giờ là đang kiên trì tập học mười ba hạnh Đầu Đà, mà con đã phát nguyện.

Ngay cả mười ba hạnh Đầu Đà này, con cũng chưa thuần thục, chưa vững chắc. Phải kiên trì học liên tục, trì Giới liên tục

Đây cũng là hạnh nguyện và ước nguyện của con.

******

II. CẢM NGHĨ

Hôm nay, Phố Bolsa TV, có đưa ra một câu hỏi với sư Minh Tuệ về vai trò của ông Đoàn Văn Báu, vai trò “bảo vệ” của ông ấy với sư Minh Tuệ. 

Và câu trả lời rất thẳng thắn của sư, đã làm, qua nay, dậy lên nhiều suy nghĩ trái ngược, trái biệt nhau của người xem, người nghe, người kính trọng, yêu mến sư, lẫn người không thích sư; người quý mến sự năng nổ, hết lòng, hết sức, chu toàn trong nhiệm vụ, lẫn những người không ưa ông Đoàn Văn Báu vì nhiều lý do, trong đó có hai lý do nổi trội, ông từng là an ninh, là đảng viên, và ông có lối cư xử khá độc đoán cũng như là hà khắc với nhiều người theo đuổi, ái mộ sư, và một số youtuber.

Chính tôi là người chép không sót bất kỳ một thoại nào của sư, bao ngày qua, cũng “giật mình”, khi nghe sư trả lời câu hỏi của Phố Bolsa TV, trưa qua, ở câu phỏng vấn thứ 23. 

Giật mình, vì từ ngày bắt đầu bộ hành về miền đất Phật đến nay, sư Minh Tuệ luôn tỏ ra mến thương lẫn quan tâm đến ông Đoàn Văn Báu, nhiều hơn hết thảy các người trong đoàn.

Nhưng sau đó thì tôi thấy bình thường. Những câu trả lời theo kiểu xả ly, ly tham; những câu trả lời khi hiểu rõ, ái luyến sinh sầu bi, ái luyến sinh sợ hãi này, từ đó đến nay của sư Minh Tuệ, không phải đã nhiều lắm sao, không phải là luôn luôn sao?

Nói về cha mẹ, sư luôn nhắc đi nhắc lại, ai cũng là cha mẹ của con. Một mai, cha mẹ con có trăm tuổi, thì đó cũng là chuyện vô thường. Chính sư, có tu hành mấy, rồi cũng sẽ già, chết, không ai cưỡng lại được luật tự nhiên này.

Nói về sư Minh Thiện, chẳng may qua đời khi theo đoàn từ giữa năm trước, sư cho rằng, tham gia bộ hành là sự tự nguyện của mỗi người, sư Minh Tuệ không kêu, không rủ, không gọi, không ép. Cuộc đời của mình, sống chết của mình, tự chịu. Sư Minh Tuệ cũng vậy thôi.

Ngay cả đến cuốn sách, chép lại lời sư, Hương Bay Ngược Gió, sư cũng nhẹ nhàng: cho phát hành cũng tốt đẹp, mà không cho phát hành cũng tốt đẹp.

Và cũng chính trong buổi phỏng vấn này, sư Minh Tuệ bày tỏ: sư có nguyện vọng được tiếp tục bộ hành khắp năm châu bốn bể, nếu các sư trong đoàn theo được thì theo, không theo được thì về núi Hy Mã Lạp Sơn tu cũng tốt, ở đó có nhiều Thánh Nhân, ở đó học tu với họ. Duyên còn thì bộ hành cùng nhau. Duyên hết thì đành, không thể khác.

Cuối cùng, là câu trả lời của sư Minh Tuệ về vai trò “bảo vệ” của ông Đoàn Văn Báu hôm nay. Nếu Phố Bolsa TV không dùng từ “bảo vệ”, mà thay vào đó, là từ “hỗ trợ” - như đúng tên gọi ban đầu của nhóm ông Báu, thì có lẽ, sư đã không trả lời như vậy.

Hỗ trợ, mang nghĩa khác. Bảo vệ, mang nghĩa khác. Với cụm từ “bảo vệ sư Minh Tuệ” thì sư Minh Tuệ trả lời như vậy là xác đáng, và đúng với tinh thần Phật Pháp, đúng với bản chất của một hành giả theo mười ba hạnh Đầu Đà, ngoài ba y một bát, không sở hữu gì, kể cả đệ tử, chớ nói chi đến việc có “bảo vệ” theo cùng. 

Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài. Kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.

Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc, mọi sự tốt đẹp. 

Ngày 17.01.2025
Phạm Hiền Mây

******

Nguồn:

Văn bản vấn đáp, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Pho Bolsa TV: Phỏng Vấn Thầy Minh Tuệ Ngày 16.01.2025. Phát trực tiếp ngày 16.01.2025. Trên kênh Đoàn Văn Báu - Về Miền Đất Phật.

Bài mới

ÁI LUYẾN SINH SẦU ĐAU!
Pháp ấy dùng được. Căn bản nhất là phải giữ giới, buông xả. Khi mình không có phiề...
THỰC HÀNH ĐÚNG CHÁNH PHÁP, THÌ KHÔNG CẦN AI ỦNG HỘ HAY CÔNG NHẬN
Sư Minh Tuệ: Đây là năm thứ mười, kể từ khi con xuất gia. Nhưng là năm thứ sáu, co...
TA NHƯ LÁ KHÔ TRƯỚC TRẬN CUỒNG PHONG
Đó là hiếu với cha mẹ, hiếu với Tổ Quốc rồi hiếu với Như Lai. Ở nhà thì hiếu với c...
THÂN TÂM LÀ GIẢ, LÀ ẢO, LÀ TƯỞNG, NÊN MỚI CẦN GIẢI THOÁT
Sư Minh Tuệ: Mục tiêu của việc bộ hành là loại bỏ tham sân si, làm lợi mình, lợi n...
DUYÊN CỦA MÌNH, KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC, KHÔNG AI CẮT ĐƯỢC
Ông Đoàn Văn Báu: Nhiều người đặt câu hỏi, ông Minh Tuệ, đã làm được gì cho ai chư...
CÓ ĐI THÌ CÓ ĐẾN. CÓ NGUYỆN THÌ CÓ THÀNH
VIETUCTV: Dạ hôm nay chúng con được đủ duyên, cũng như phước báu, chúng con được đ...
NGƯỜI CÓ TRĂM NĂM ĐÂU?
Ông Đoàn Văn Báu: Thầy và các vị sư phụ khác đều nói, khi đi cùng đoàn, thì trừ ch...
CHO DÙ HỌ CÓ NÓI CON DÙNG TÀ THUẬT, CON CŨNG VẪN CHÚC CHO HỌ ĐƯỢC HẠNH PHÚC, AN LÀNH
Sư Luangpor Jiew: Chúng ta có ba con đường để thực hành theo Giáo Pháp của Đức Phậ...
THIỆN NGHIỆP CÀNG TĂNG, ÁC PHÁP CÀNG BỊ ĐẨY LÙI
Ông Lê Khả Giáp (phỏng vấn mẹ của tỷ phú Therawat): Bà tên gì ạ? Bà Chính: Bà tên ...
THẦN TƯỢNG CỦA CON LÀ PHẬT THÍCH CA MÂU NI
Kính thưa quý vị khán thính giả của chương trình phố PHỐ BOLSA TV, hiện nay tôi đa...

Are you sure?