1.
Nỗi khổ là bất di bất dịch. Chết bệnh, khổ. Làm ăn thất bại, khổ. Yêu đương không thành, khổ. Ở đời là có sự khổ. Có thành đạt, có hạnh phúc nhưng vẫn không chống được sự già, sự chết, khổ. Không ai thoát khỏi. Ngay cả khi không bị bệnh, thì đến già, vẫn phải chết. Đấy là sự hiển nhiên. Sống bất tử là không có. Ngay cả già, cũng khổ. Già, không làm được gì nữa, nằm liệt chờ con cái cho ăn uống, là khổ.
**
2.
Cuộc vui ngắn ngủi, không lâu bền, vui hôm nay, mai lại chia ly. Vô thường là khổ.
**
3.
Lo sợ gặp kẻ thù, lo sợ bị đánh đập, bị chém giết, bị cướp bóc, lo họ hại mình, lo sợ phải chết, là khổ. Cầu xin không thành, là khổ. Ước muốn, muốn tu thành quả; muốn phát tài; muốn chức to, muốn trở thành người nổi tiếng, hễ không được như ý, là khổ. Tất cả đều do tham sân si gây ra cả.
**
4.
Cái không thuộc về mình là vô ngã. Nếu nói, thân này là của tôi, thì hãy thử bảo nó, đừng già nữa, đừng chết nữa, xem nó có nghe không. Nó vẫn già, vẫn chết, nó không theo ý mình, thì đó là vô ngã.
**
5.
Ngã là do nguồn gốc từ vô minh mà sinh ra. Bản chất của vô minh là tham sân si.
**
6.
Ai muốn gọi là cà sa cũng đúng. Ai muốn gọi là áo cũng không sai. Ai muốn gọi là y thì cũng được. Nhưng theo con thì đây là tấm vải, quấn để che thân. Tu hành mà giữ pháp, giữ giới luật nghiêm chỉnh, có giới định, thì họ mặc cái gì cũng thành cà sa hết. A La Hán, mặc cái gì lên người cũng là cà sa. Nhưng một người phàm phu ở đời, cho họ tấm cà sa, họ mặc lên, thì cũng không thể gọi đấy là cà sa. Giới, định, tuệ, phải viên mãn như lời Phật dạy, thì tấm y mặc lên đó, mới được gọi là cà sa. Không phải ai mặc y vào cũng đều được gọi là cà sa. Cà sa là bản chất, thực chất, cái lõi. Trong kinh Phật dạy, như lõi cây. Mặc áo nhưng không có cốt lõi bên trong, lõi ở đây là đạo hạnh, thì áo ấy không phải là cà sa.
****
7.
Mưa nắng, đói khát, muỗi mòng, chân đau; gặp người tốt, người xấu; nghe người khen, người chê; cả người đồng ý và người không đồng ý; Nhiều thứ cộng lại, dồn nén, nhưng gắng vượt qua. Khi vượt được, cảm thấy vui.
**
8.
Đi để khắc phục tham, khắc phục gian khổ. Đi để ước nguyện, mong cho mọi người đều được hạnh phúc, vui vẻ và mình cũng hạnh phúc, vui vẻ. Đi để phát nguyện trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đi để phát nguyện quả Bồ Đề. Chính phát nguyện đó là động lực để tu hành. Muốn thành tựu thì phải phát nguyện vượt qua khó khăn, chớ cứ ở trong nhà, sao thành được. Chẳng hạn, một cầu thủ, muốn đá banh giỏi, mà lại không chịu ra sân tập luyện, cứ ở trong nhà chơi game, hưởng mát, thì sao giỏi được. Phải chăm chỉ tập luyện, phải nỗ lực, phải phát bồ đề tâm. Còn tu hành là còn phấn đấu. Siêng năng, tinh cần, rồi sẽ thành tựu.
**
9.
Nhiều người cho rằng, mục đích con cho quay phim rồi đăng tải lên mạng là vì danh lợi, vì muốn quảng bá hình ảnh, chớ không phải tu hành. Không phải. Nhưng họ nghĩ như thế thì con cũng kệ. Con không quan tâm. Họ nghĩ tốt cho con cũng được mà họ nghĩ xấu cũng được. Khi họ nghĩ con tốt, con cũng không lấy làm ưa thích. Khi họ nghĩ con xấu, con cũng không lấy làm ghét bỏ. Họ cứ nói tự nhiên, nói thế nào cũng được. Chủ yếu là giữ tâm. Giữ cho tâm đừng buồn khổ vì những lời khen chê, yêu ghét đấy. Giữ tâm đừng tham, sân, si. Tập làm sao cho, họ nói hay, mình cũng thế, họ nói dở, mình cũng vẫn thế. Nói thế nào thì cũng vẫn bình thường, không vì thế mà dao động. Dao động, nổi sân lên thì khổ sẽ xuất hiện.
**
10.
Đến cõi ta bà này mà chạy theo tham dục, để tham dục chi phối, nghiệp ấy, sẽ phải đi luân hồi. Có nhiều người tu thành Phật được, nhưng cũng có nhiều người phải theo nghiệp, sống đời sống con người, đến khi chết, hoặc đọa ngạ quỷ, súc sanh; hoặc được sinh lên thiên giới, các cõi trời; hoặc được giải thoát niết bàn. Các cảnh giới đi về, là theo nghiệp lực của từng người, do duyên của từng người.
**
11.
Nếu mà chúng sanh thiện thì nó sẽ sanh cây ngon, cây ngọt, không có cây gai, không có cỏ, không có muỗi mòng, rắn rết, Do tâm con người ác nên mới sanh ra cây gai, rồi cỏ, rắn, rết, sự độc ác cũng trở nên nhiều hơn, để nó đối lại.
**
12.
Hỏi cái gì mà con biết, thì con suy nghĩ, rồi con trả lời, con nói trong khả năng của mình, chớ con không thuyết pháp. Con đi để tập học, tập tu hành, khất thực. Con không nghĩ con là thầy, con cũng không phải là sư.
**
13.
Không có duyên trả lời thì sẽ không có ai hỏi con. Mọi người thường hỏi con, đi từ đâu tới, đi tới những đâu rồi, đi có mệt không, có khát nước không, rồi họ xin chụp cái hình, chụp cái ảnh. Nói chung là tùy duyên. Con không đi vì mục đích quay phim. Cách đây sáu năm con đã đi rồi. Đây là lần thứ tư con đi. Con đi không để nổi tiếng.
****
14.
Khi nào con tu thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác rồi con mới thuyết pháp được. Bây giờ thì chưa, con đang tập học, chưa thuyết pháp được.
**
15
Con muốn đi để thực hành lời Phật dạy. Tự sống nơi rừng núi, đi theo hạnh đầu đà, tập học. Đời sống trong chùa không duyên với con nên con bỏ. Giờ thì con không có nhà, không có chùa, cũng không phải là sư hay thầy, con chỉ là một công dân, đi tập học theo lời Phật dạy. Con không thuộc giáo hội. Con cũng không thuộc chùa chiền. Y con đang mặc trên người đây, cũng không xâm phạm giáo hội.
**
16.
Một người tu giỏi, có căn cơ nhiều kiếp, thì tu tại gia, tu ở chùa hay tu ở chợ, họ cũng đều xuất sắc hết.
**
17.
Niệm A Di Đà là niệm một vị Phật, có đầy đủ Giới Định Tuệ, là bậc Chánh Đẳng Giác, có đầy đủ công đức, đầy đủ viên giác, đầy đủ sự giải thoát.
**
18.
Bình thường, như bây giờ là con vẫn còn đang bộ hành. Anh mời con vào đây. Con nghĩ, anh cũng như cha, như anh con vậy, và lúc ấy, trời cũng sụp tối, ghé vào đây cũng là chuyện hợp lý. Tất cả là duyên.
**
19.
Ở đời, những người đem lại lợi ích cho mình, khen mình, thì mình đem tâm thích thú; những người làm trái ý mình, chê mình, thì mình ghét bỏ, như vậy là không được. Mình tập sao cho, người đem lại lợi lộc cho mình, mình thấy cũng bình thường; người hận thù mình, mình cũng xem bình thường. Khi nào mà xem kẻ thù cũng như cha mẹ mình, thì cái tâm lúc ấy mới không còn phân biệt nữa, bình đẳng và trải rộng hết tất cả.
**
20.
Nếu còn phân biệt thì tâm vẫn chưa trải rộng. Con thưa mọi người, là con vẫn cố gắng học tập để đạt được tâm từ bi, chớ không là vẫn khổ.
******
21.
Chỉ những người ly tham, từ bỏ tham sân si, dục lạc, hiểu biết lời Phật dạy, mới giải thoát. Mọi phấn đấu, đều hướng đến con đường ấy, không sanh, không già, không chết. Còn loài người chúng ta đây, sanh ra, chắc chắn sẽ chết. Mà chết thì sợ hãi, đau khổ, vật vã. Chính con đây cũng sợ chết, nên con mới lo tu hành, để khỏi phải chết, phải đau nữa.
**
22.
Con từng bị sét đánh chết. Con từng thấy sự chết. Đó là một không gian trống rỗng, không có ai với mình cả. Mình nhìn thấy mọi người nhưng mọi người lại không thấy mình. Con lúc đó, lơ lửng, lang thang, biết mình chưa chết, chưa tái sanh nhưng cũng không biết đường đi, lối lại. Nó không giống với câu mà người đời thường nói, chết là hết. Chết không là hết. Khi chết, nghiệp dẫn mình đi.
**
23.
Ai ở trong đời bố thí, giữ năm giới, thì đời sau sẽ được tái sanh lại làm người hoặc lên cảnh thiện thú. Còn trong đời không làm gì, thì việc đọa địa ngục là chắc chắn. Tương lai của mình là như thế, không chạy đâu được.
**
24.
Đạt được ly dục, ly ác, bất thiện, thì chắc chắn không còn khổ nữa. Lúc ấy, tràn ngập một trạng thái hỷ lạc. Lạc này, hơn lạc thế gian rất là nhiều. Lạc ấy, là lạc bậc thánh. Nên học để biết, để được an trú tốt đẹp hơn.
**
25.
Người đó, cảnh đó, có thể đã từng là đời trước, nhiều đời trước của mình, mình đã từng quen, từng thân. Từng có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái, lưu lại trong tâm thức, nên bây giờ mới thấy thân thiện, thân quen. Tất cả, đều do nhân duyên đời trước từng hội họp, trải qua ái biệt ly, chia ly, và bây giờ tái sanh lại. Từ những cảm thấy như vậy, mình mới nhận ra, có đời trước, có đời sau, có tái sanh. Nếu không từng có gì với nhau, sẽ không xảy ra những giao cảm ấy.
**
26.
Con tin, mọi thứ đều hiện hữu, do mình tu chưa tới, do tâm mình bất tịnh, nên mình mới không nhìn thấy thôi. Thấy được, chỉ có thần lực. Biết có, thì mới biết sợ, mới biết lo tu hành.
**
27.
Vào đọa lạc rồi thì sẽ khổ vô biên. Giống như trò chơi của ma vương, bạn dục lạc, thì bạn phải chấp nhận sau này rơi vào cảnh đấy; bạn chém giết súc sinh, thì sau này, bạn cũng phải làm thân cho người khác chém giết. Chấp nhận như thế thì vào, cùng chơi. Luân hồi mà, nhân quả sẽ như vậy thôi. Mình bắt cá, con cá nó không chống được mình, thì rồi sẽ đến lúc, mình bị đẩy vào hoàn cảnh đó, để trả nghiệp lại cho họ.
**
28.
Trồng cây xoài, thì tương lai, cây sẽ ra trái xoài. Trồng chuối, sẽ ra quả chuối. Muốn trồng để lấy lõi cây thì không thể trồng xoài, trồng chuối. Như con bây giờ, cầu giải thoát thì con phải đi theo con đường Phật dạy, tứ diệu đế, bát chánh đạo. Con đường đó mới sanh được lõi cây, gieo nhân duyên vào đó, mới thành.
**
29.
Nhân nào quả nấy. Gieo gì gặt nấy. Con không gieo tu hành thì không ra quả tu hành. Ví dụ như con bây giờ, sống được đời khổ hạnh, như thế này cho đến hết đời, chưa giải thoát, thì đến đời sau, con sanh ra, duyên con đã gieo vẫn tồn tại, không bao giờ mất trong tiềm thức. Khi con nghĩ đến tu hành, con sẽ có thể nhớ được ra, từ nhiều đời trước, con đã từng ngồi trong hang đá mà tu hành rồi. Nó thuộc về Ba La Mật. Con tu như thế này đã từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, thuần thục rồi, khổ hạnh, ăn ngày một bữa, giới luật tròn đầy, không chỉ một lần, mà đã nhiều lần; không chỉ một đời, mà đã nhiều đời nhiều kiếp. Đến khi việc tu đầy đủ công năng, sẽ thành giải thoát. Ba La Mật đã được huân tập; kham nhẫn, bố thí đã được tích lũy, gieo duyên; việc tu hành từ các đời trước, sẽ không mất, không quên.
**
30.
Tu hành như thế này, không phải ai muốn cũng được đâu. Cần phải có nỗ lực, cần phải chịu được khổ, muỗi mòng rồi rắn rết, cả chuyện người ta kiếm chuyện, gây khó khăn. Khất thực, có khi không ai cho, hoặc cho ít, hoặc họ khảo mình, hoặc ma tới cho mình những thứ mình không ưa thích. Có nhiều người không kham nhẫn được, không thắng được nghiệp lực, đành dang dở đường tu.
**
31.
Tu hành thì có nhiều con đường, không nhất thiết là ở chùa, không nhất thiết là ở rừng núi, tùy theo hạnh nguyện của người tu.
**
32.
Không sát sanh, không trộm cắp, không tham dục, không nói láo, đó là chú thuật. Đức Thế Tôn nói, những chú thuật ấy, giúp ích người tu hành, bảo vệ người tu hành, đem lại giới luật của bậc thánh viên mãn, thiền định, trí tuệ. Con thường tụng, trì chú, tán thán chú thuật ấy, khuyến khích người khác giữ gìn. Còn các chú thuật khác, con không biết.
**
33.
Đạo hạnh tu hành của con chưa đạt, thì không thể ban phát cho ai điều gì được. Chỉ những vị có đại thần lực, đại thần thông, nhiều đức độ, nhiều công năng, mới trợ lực được cho những người tâm đang bất an, hoặc bị các thế lực ở bên ngoài quấy nhiễu, hoặc bị quỷ thần phá. Con thì chỉ có thể khuyên, cố gắng làm điều thiện, giữ giới luật, làm những điều tốt. Quỷ thần chọc phá thấy mình làm được những điều đó, họ sẽ bỏ, họ không hại nữa, thì được an. Mình tự ban an cho mình.
**
34.
Khi mình tu hành, tạo được phước, giới luật có, thiền định có, công đức có, thì tự nhiên, nhiều vị sẽ đi theo hộ trì, giúp đỡ, Còn khi mình làm điều ác, những vị đó họ bỏ đi, họ không ở với mình nữa. Đó sẽ là cơ hội cho những quỷ thần khác tới xâm chiếm, làm hại, quấy nhiễu đủ thứ, làm cho mình khổ đau. Thiện nghiệp càng tăng thì ác pháp càng bị đẩy lùi.
**
35.
Pháp thì con chưa tu chứng nên con không nói pháp được. Con chỉ có thể chia sẻ, nếu có niềm tin ở Phật, Pháp, Tăng, thì học thêm kinh sách, nghiên cứu thật kỹ càng, hữu duyên, thì lên đường, vào chùa, tập học. Trong chùa có tông phái, mình cứ theo, ý thức trong học tập, trong thực hành. Phải xác định được, tu là để hết khổ, tu là để giải thoát.
**
36.
Thân này, Phật nói là thân bất tịnh, vô thường, nhưng trước khi con rời bỏ nó, con muốn tu học, để đời có chút ý nghĩa, và cũng chính là, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ con. Tuy tham sân si con chưa diệt đoạn, nhưng việc tu tập thì con đã quyết chí rồi, không quay về nữa. Duyên tới, công đức đủ, Ba La Mật đủ, sẽ giải thoát thôi.
**
37.
Nguyên lý chung là lấy thiện để thắng ác. Thiện càng nhiều thì ác sẽ bị tiêu diệt. Nếu cảm thấy, tu im lặng, tu không nói chuyện với ai, điều thiện sẽ được tăng lên, điều ác giảm đi, thì nên làm. Nhưng tu không bắt buộc tịnh khẩu.
**
38.
Khi con nói điều gì, cũng chỉ là trình bày hiểu biết và quan điểm của riêng con. Biết đến mức độ nào, thì con nói đến mức độ đó. Con không phê bình đúng sai. Và con luôn mong cho mọi người được hạnh phúc.
**
39.
Con tu hành không vì danh vì lợi, không tu giả, và cũng không lừa đảo ai. Con chỉ cầu giải thoát. Con cũng biết, nếu con được hạnh phúc thì mọi người chung quanh con mới được hạnh phúc. Tất cả đều có nhân, có duyên. Con cũng mong anh và mọi người được hạnh phúc và vui vẻ.
**
40.
Họ gọi con là thằng điên, thằng khùng, con cũng vẫn vui vẻ. Chẳng qua là vì họ chưa hiểu được con. Con có hiểu biết đầy đủ lời Phật dạy, thì con mới có thể thực tập tu hành. Con cũng thưa với anh, tất cả mọi điều trên đời, phải đủ duyên mới được. Tu, phải an trú, phải hoan hỉ, phải thích thú, mới tu được. Áp đặt thì không tu được.
**
41.
Dẫu con đang tu hành đây, nhưng chưa chắc con đã được giải thoát trước anh. Tu hành liên quan đến tất cả việc học tập và Ba La Mật của mình qua nhiều đời. Ví dụ như đời này, anh bố thí, cúng dường, quảng bá Phật pháp. Chết đi, anh tái sinh vào đời sau, lại bố thí, lại cúng dường, lại quảng bá Phật pháp. Đủ phước, anh sẽ được giải thoát, có khi trước con.
**
42.
Tu mà đi lệch đường, tu không đúng lời Phật dạy, tà kiến, ham danh ham lợi, vẫn rơi địa ngục như thường.
**
43.
Có một điều như thế này, cuộc đời, theo như con biết, là một trò chơi thôi, và tất cả đều bình đẳng trong trò chơi đó. Ví dụ, con tu giả, con không tu hành thật, không tu theo giới luật. Con cạo đầu, con khoác áo cà sa, để cầu người ta bố thí. Người ta, với lòng thanh khiết, bố thí cho con một cái bánh mì, người ta được rất nhiều phước. Nhưng con, ngay sau khi ăn cái bánh mì đó, lập tức, con lao đầu xuống địa ngục liền.
**
44.
Việc nương tựa, xin anh cứ nói với mọi người, tìm về thiện, về giới luật, về Phật pháp mà nương tựa, đó chính là chỗ nương tựa chắc chắn nhất. Chớ còn những gì mà con nói chuyện cùng anh, chỉ là quan điểm cá nhân, là tư kiến của con thôi.
**
45.
Cứ làm việc thiện, bố thí cho nhiều, nhất là với những vị tu hành và người già, sống giữ giới, thì anh sẽ nhận nhiều điều tốt đẹp. Làm được như vậy, chắc chắn anh sẽ không nhận quả khổ đâu. Còn về việc chia sẻ, trên mạng có rất nhiều kinh sách và các bậc thầy giảng pháp, thuyết pháp. Pháp, phải tự mình học tập mới có.
****
46.
Con là Minh Tuệ. Con đang may lại y rách. Vải cũ bị bở rồi, chừng năm, bảy tháng là vải bị mục, nhặt được vải, con thay. Vải này là vải người ta bỏ đi sau đám tang, hoặc ngoài đường, hoặc nhà may họ vứt đi, con thấy còn bền, chắc, còn tận dụng được thì con nhặt. Sau đó con giặt, phơi khô, cất trong túi. Khi nào con rảnh, con ngồi may y. May y là tập hạnh siêng năng, không vì y áo mà làm phiền người khác. Trừ những trường hợp đặc biệt, đột ngột quá thì mới xin.
**
47.
Mảnh nào bị mục, rớt xuống, thì con lại đắp lên mảnh khác. Mỗi ngày, con may hai ba ô, chớ con không may liên tục. Thời gian, con dành phần nhiều cho việc tu hành của mình. Trong kinh dạy, người mất, họ theo nghiệp của họ, đi tái sanh rồi, không đòi lại đâu. Vả lại, theo tâm lý mà nói, đồ mình đã bỏ đi, mà người khác vẫn dùng lại được, thì sẽ rất hoan hỉ, hạnh phúc. Thức ăn cũng thế, khi mình đã đổ bỏ, nếu có một con thú tới ăn, mình cũng nghe vui. Trong mỗi chúng ta, đều đã sẵn lòng từ bi. Những người đi tái sanh, ở cảnh giới khác, hoặc thành chư thiên hay vị thần nào đó, mình không nhìn thấy họ, nhưng họ vẫn nhìn thấy mình, thấy mình sử dụng đồ đã bỏ đi của họ, họ sẽ rất vui vẻ. Nếu có sợ, là sợ mình giặt không kỹ các miếng vải ấy, còn các vi khuẩn, sẽ xâm nhập bệnh cho mình thôi. Một số bệnh, có thể lây qua đường tiếp xúc. Do đó, trước khi sử dụng, mình giặt sạch, phơi ở chỗ có ánh nắng mặt trời.
**
48.
Ngày xưa, con cũng có một cuộc sống bình thường như bao người. Nhưng có lẽ, con có nghiệp tu hành, nên con nhận ra cuộc sống hiện tại của con, và cả những bạn bè của con nữa, là những mệt mỏi cùng với những nỗi buồn khổ. Rồi con nghĩ tới việc tu hành. Con lên trang mạng, con tìm kinh sách con đọc. Con bắt đầu học Phật pháp từ lúc ấy. Bộ kinh đầu tiên con học là kinh Nikaya. Con nói với con, đây, chân lý đây rồi. Lời dạy này cao cả quá, mình phải theo học cho bằng được. Con đặt niềm tin vào đó và thấy mình hạnh phúc.
**
49.
Khi con bắt đầu đi khất thực, con theo lời Phật dạy, thẳng nghĩa địa, thẳng rừng, thẳng núi. Con đi theo hạnh như thế, giống cái bang, nhưng con thấy con hạnh phúc, con đạt được sự thoải mái, không lo âu. Giờ đây, con gặp cha mẹ con, con cũng thấy cha mẹ con như bao người khác. Như con thấy anh đây, cũng hệt như anh em ở nhà của con vậy đó. Tất cả đều bình đẳng. Nghĩa là con đã giảm được sự luyến lưu đối với họ.
**
50.
Ngày xưa, Đức Thế Tôn với các vị Phật, bộ hành từ làng này sang làng khác, tỉnh này sang tỉnh khác, thành này sang thành khác. Con không tự chế ra việc bộ hành này. Đức Thế Tôn bày như thế nào thì con tập học và thực hành theo như thế. Từ lúc ấy, con thấy mình an trú, thoải mái, con cũng không lo lắng. Con tin vào nhân duyên. Ngay cả khi có khó khăn, con vẫn thấy lòng con vui vẻ.
**
51.
Nếu mặc áo vàng theo truyền thống của những bậc A La Hán và bậc chân tu, thì sẽ dễ khất thực hơn. Con dùng áo này, vải nhặt ngoài đường, họ gọi là cái bang, hoặc họ nói con, ông này bị điên, bị khùng, bị bệnh, bị ma ám, thần kinh không ổn định. Khi khất thực như vậy, người cho cũng có; mà đánh đập con, mà chửi mắng con cũng có. May mà họ chưa lấy gậy, lấy dao họ chém con. Nhưng ngay cả khi con bị như vậy, thì con cũng vui vẻ. Tất cả những điều ấy là từ nhân quả của mình, nghiệp của mình mà ra.
**
52.
Ngài nói một chặp xong, ngài nện con một đấm, xịt máu. Ngay lúc ấy, con vẫn mong cho vị ấy sống hạnh phúc. Con đi thêm một đoạn nữa thì có anh kia cho con hai cái bánh mì, hỏi, cái miệng thầy, sao máu không vậy? Con nói, con bị bể cái mụn trên mặt. Bây giờ, con rất muốn tìm lại anh ấy để con nói thật, vì ban đầu, con không muốn nói là con bị người kia đấm. Nói nào ngay, lúc ấy, con cũng không cảm thấy quá đau đớn. Con vẫn mong cho họ được sống vui vẻ, hạnh phúc, rồi con xin con đi.
**
53.
Tất cả những mắng chửi, hành hung đó, là nhân duyên, nhân quả của con, đến để thử thách con, để xem con có chịu nổi hay không, có dám đi khất thực nữa hay không. Họ chửi, họ đánh con, vì họ cho rằng, đi khất thực như con là phạm pháp. Con im lặng và con đi thôi.
**
54.
Nhưng cho dù thế nào, con cũng vẫn tu hành giải thoát, kể cả phải mất mạng, con cũng vẫn vui. Con không phải là sư, là thầy hay bồ tát chi cả. Con là một người bình thường, học tập theo lời dạy của Đức Phật, để tìm ra sự giải thoát cho mình. Con nhận biết được sự khổ. Con đi theo con đường bát chánh đạo để tìm ra cho mình sự tự do. Dù có bệnh tật, dù có phải chết, thì cũng là nhân quả mà ra, và con cũng vẫn vui vẻ.
**
55.
Chuyện vong linh, mắt thường, con không nhìn thấy được. Những người tu thành, có thần lực, thiên nhãn, thì họ thấy, họ biết. Chuyện ma quỷ thì ai mà chẳng bị ám ảnh. Đến những chỗ hoang vắng thì mình sợ là phải rồi. Ngày xưa, con thường bị bóng đè. Nhưng từ khi con tuân thủ các giới luật, thì những việc như vậy không còn xảy ra với con nữa.
**
56.
Các vong linh ấy, họ cũng rất muốn cho con được yên ổn tu hành, vì chính họ, họ cũng muốn tu. Con cũng vậy thôi, con biết ai muốn tu, con cũng sẽ giúp đỡ cho họ hết mình. Khi họ yêu cầu, con sẵn sàng giúp đỡ, kể cả mạng sống của con.
**
57.
Học Phật không phải là chuyện một sớm một chiều. Học Phật là học cả đời và không dễ dàng chút nào cả. Học giải thoát không dễ.
**
58.
Con bắt đầu học Phật từ lúc ba mươi tư tuổi. Giữa năm hai ngàn không trăm mười lăm, ở nhà, con bắt đầu tập ăn chay và ăn ngày một bữa. Năm hai ngàn không trăm mười sáu, con vào chùa. Từ đầu năm hai ngàn không trăm mười tám, con bắt đầu bộ hành.
**
59.
Mặt trời lên là con đi khất thực. Con xin cho đến khi nào đủ dùng, là con ngưng. Khoảng tám giờ sáng thì con thọ thực. Nếu đến buổi trưa, con mới khất được, thì con sẽ dùng trưa. Tất cả những điều này có trong kinh Nikaya, tập II của kinh Trung Bộ số 97. Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) ăn rất là sớm. Ngài còn thọ dụng trước mặt Bà La Môn, bạn của ngài. Ngài dùng xong, ngài vào gốc cây, đợi bạn của ngài đến, rồi chia sẻ Phật pháp với bạn. Bộ Kinh gốc này sát với lời Phật dạy nhất.
**
60.
Khi bố mẹ con phân chia tài sản cho các anh em con, mỗi người mỗi phần, thì con không nhận, con chỉ xin cha mẹ ký giấy đồng ý cho con xuất gia. Ban đầu thì cha mẹ con cũng không đồng ý, sau đó, con dùng kinh Phật và sự hiểu biết của con để thuyết phục cha mẹ, cuối cùng, họ cũng vui vẻ, đồng ý. Con đi tu cũng là để trả ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Con nghe Đức Thế Tôn dạy: dẫu làm vua, để cha mẹ trong cung điện, có người hầu hạ, sung sướng, cũng vẫn không trả nổi ơn sinh thành, dưỡng dục, nhưng nếu làm theo lời Phật dạy, thì có thể trả được. Con hoàn toàn tin ngài và con làm theo.
**
61.
Con cũng tự biết, phước con không đủ. Nếu đủ, con đã được sinh vào thời Phật rồi. Vì con không đủ phước, nên con cũng không chắc, đời này con sẽ được giải thoát. Nhưng con vẫn cứ tạo căn duyên cho mình. Một mai con tái sinh, con đã có sẵn nhân tu hành của ngày hôm nay. Con tích tụ từ đời này, hy vọng đời sau, con sẽ mạnh hơn. Đến đời sau, con lại tiếp tục tu hành nữa thì con hy vọng, sẽ đến lúc, có thể chống được sự chết, chống được ma vương.
**
62.
Tu hành cần huân tập, từ đời này đến đời khác. Tu một đời mà giải thoát thì khó lắm. Tu thành chánh quả, còn tùy thuộc vào nghiệp lực. Khi chưa tu hành, chưa biết Phật pháp, mình vẫn sát sanh, vẫn làm việc ác, những bất thiện ấy sẽ đến đòi, mình có gì để trả? Câu cá, cắt cổ gà, sát hại chó mèo, làm người khác đau khổ, nói láo, uống rượu, uống bia, phạm đủ giới. Đến ba mươi tư tuổi, con mới bắt đầu tu. Ba mươi tư năm đó, con làm biết bao nhiêu điều ác. Nay con tu hành, thì tu hành này sẽ tiêu trừ những điều xấu ấy. Như vậy, con cần phải tiếp tục tu hành, tích lũy, bòn mót thêm công đức. Và những công đức này, sẽ đi theo mình mãi, không ai tước đoạt được.
**
63.
Mình không cẩn thận, khó mà đối phó với dục tham, dục lạc thế gian cám dỗ. Nhiều người rất giỏi, nhưng cũng không chống cự nổi với cám dỗ, đành phải bỏ tu hành. Đường tu còn đầy rẫy nguy hiểm, chớ không chỉ bấy nhiêu thứ mà mình biết.
**
64.
Con không dùng đến tiền. Từ khi con bắt đầu tu hạnh Đầu Đà, hạnh tam y nhất bát, hạnh phấn tảo y cùng những hạnh theo lời Phật dạy, con không dùng đến tiền, con chỉ dùng đồ ăn khất thực đúng giờ, và chỉ thế thôi. Từ giờ cho đến khi chết, con không bao giờ nhận tiền và con cũng không đi xe.
**
65.
Từ giờ cho đến khi chết, con bộ hành. Con không chỉ đi trong Nha Trang, mà con còn đi Sài Gòn, đi trong miền Nam, đi lên Tây Nguyên, đi ra Hà Nội, và các tỉnh phía Bắc. Đi như vậy, con mới thêm tinh tấn, tấn lực. Đi để tập học. Có khó khăn mấy thì con cũng vẫn sẽ đi. Con đi suốt đời. Hữu duyên là con đi.
**
66.
Đa số là con ngủ nghĩa địa. Con cũng ngủ ở gốc cây, ngủ ngoài rừng, trong hang núi, hang đá, nhà hoang, nhà trống, nhà đập hết cửa nẻo. Thuận duyên, hoàn toàn thoải mái, không phải xin, thì chỗ nào con cũng có thể ngủ được.
**
67.
Y màu vàng là y của A La Hán, màu của những bậc chân tu. Y đó, người ta nói, giống như ruộng phước điền, tức vào lúa thời kỳ chín, có màu vàng. Còn con, con lượm vải bất kể màu gì để may y. Vì con là một người tập tu, tập học, con tự thấy mình chưa đủ phước để khoác y vàng đó lên người. Khi nào con chín, con thành tựu, con viên mãn, giới luật có, thiền định có, trí tuệ có, được giải thoát rồi, thì con mới thấy con xứng đáng để khoác y màu vàng.
**
68.
Y của con, giống như cánh đồng mùa lũ về, trắng nước, cũng như con, phước còn bạc, còn ít, không đủ. Con xác định, mình chỉ là hạt bụi, hạt cát. Con đang nhỏ bé, yếu ớt thế này, chưa đủ lực lẫn chưa đủ phước, mà khoác bộ màu vàng lên người, gặp chướng ngại, con sẽ té ngã ngay.
**
69.
Như hôm con đi ra miền Bắc, con bị sốt, có triệu chứng sổ mũi, con vẫn kham nhẫn, tự nhủ, điều này vô thường thôi, con vẫn tiếp tục đi, mà lỡ như con có chết, thì con cũng vui vẻ. Với niềm tin đó, bệnh tự hết, bệnh tự lui.
**
70.
Tu hành là việc suốt đời của con. Mùa mưa thì con an cư. Nhưng con cũng không dính chấp vào nơi nào. Đắc Lắc, Nha Trang, miền Nam, Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, thuận duyên, chỗ nào con cũng ở được. Mùa nắng, thì lại bộ hành, xả bỏ. Tu hoài một chỗ cũng là dính mắc.
**
71.
Mọi người hoan hỉ, vui vẻ là được. Bổ ích cho mọi người là được. Thời gian của con cũng vô thường. Tu hành không chỉ là việc của một, hai tiếng đồng hồ. Con không mong con được nổi danh. Con đã tự nhủ trong tâm con, con không tu hành vì lợi vì danh. Cái con mong chính là sự giải thoát. Trong mong mỏi được giải thoát ấy, con cũng luôn mong mọi người được hạnh phúc.
****
72.
Núi rừng, được như thế nào thì dùng thế đấy. Một bình nước, con cũng không sở hữu. Con đi khất thực, nước con cũng chỉ xin đủ dùng trong ngày. Con không cất giữ qua đêm. Nếu như thực phẩm dùng không hết, con cũng xả bỏ, để nơi đất sạch, cỏ xanh, hoặc đổ xuống nước không có trùng, cho những kẻ khác hoặc muông thú có thể dùng.
**
73.
Tu ở đâu, tất cả đều là do duyên, thuận duyên. Như con mà nói, con quay về nhà tu không được. Họ dùng đồ mặn, con dùng đồ chay. Khi đói thì họ dùng hai, ba bữa. Họ sở hữu và sử dụng tiền bạc. Con thì không. Tu hành như thế sẽ không còn thích hợp. Tu ở nhà dễ ái kiết sử, dễ lưu luyến. Nhưng con vẫn nhớ ơn sinh thành. Cha mẹ cho thân rồi công lao nuôi dưỡng. Ngoài tu tập đạo đức để rồi hồi hướng công đức cho cha mẹ, thì con đâu còn gì để cho họ nữa đâu. Tiền con không có. Chức tước con cũng không. Mà nếu nói cha mẹ ăn chay rồi tu thiền định, chắc họ cũng không làm được. Phật dạy, tu hành sẽ báo ơn được công đức sinh thành, nên con đi theo con đường Phật dạy.
**
74.
Chúng ta đã là con của nhiều đời, của nhiều người, chứ không chỉ riêng đời này và cha mẹ mình hiện nay, chỉ trong vòng trăm năm rồi cũng hết. Khi chết đi, chúng ta sẽ chuyển nghiệp. Hiểu được như vậy, ta sẽ bớt được nhiều nhớ nhung, ái luyến.
**
75.
Quá khứ, luân hồi, không chỉ mỗi một đời này, sống rồi chết đi là hết. Chúng ta sống xong kiếp này, chưa tu được giải thoát, thì khi chết đi, lại đầu thai tiếp. Có thể vào ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, rất khổ; hoặc có thể sinh lên các cõi thiên giới, cõi trời, hưởng dục lạc, tham lam, rồi lại chết đi, và cứ thế, luân hồi không dứt. Bây giờ, tái sanh lại, cho con làm vua, quyền uy tột độ, con cũng không cần. Nhưng nếu nói, con đang học tu để thoát ra khỏi vòng luân hồi, thì đó cũng là điều to lớn quá. Muốn ra khỏi vòng luân hồi, phải học tập, tu hành, tích nhiều công đức, đủ thiền định, đủ giới luật.
**
76.
Con nghe theo lời Phật dạy. Đầu tiên, con học kinh sách, rồi con thực hành tu, giữ giới đức, giới hạnh, bố thí, cúng dường, hướng tâm mình vào đạo giải thoát, gieo nhân, gieo duyên. Có chủng tử rồi thì mình không lo nữa, giữ ước nguyện thoát ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, từ bỏ tham sân si, ăn ngủ đơn giản, không tài sản, không tranh đua, hơn thua, sống nay, chết mai, lòng mình vui vẻ. Kiếp này, mang thân tu hành, chết đi, sang kiếp khác, con cũng sẽ tu tiếp, hướng đến con đường giải thoát.
**
77.
Con vẫn ngủ chứ ạ. Nhưng con không muốn mình ngủ nhiều. Con người ta, chỉ vì lo ăn lo ngủ, ham ăn ham ngủ, hưởng dục ăn vào trong tâm, khó mà tiêu trừ. Biết là khó bỏ nhưng vững niềm tin vào đức Phật thì vẫn có thể.
**
78.
Đạt thiền định, đến nay con vẫn chưa, nhưng niềm tin vào lời Phật dạy, con vẫn luôn luôn. Học đời này chưa xong, sang đời sau, con sẽ học tiếp. Học Phật không dễ. Không dễ vì mình theo điều ác đã nhiều rồi, mình sát sanh, mình chửi mắng người ta, mình hơn thua. Nghiệp ăn vào trong mình đã sâu, nói không dễ là vì vậy. Những ký ức của ngày xưa, khó quên, cứ trở về gây phiền não, nếu tu, thì cũng giảm được phần nào sự khổ, nhưng đoạn tuyệt, dứt sạch thì chưa thể.
**
79.
Đi khất thực, mà người ta không cho, mình không có cái ăn, cái uống, chẳng lẽ mình bỏ tu. Phải có nghị lực, lòng kham nhẫn, chịu khổ, thì mới có thể vượt qua, tiến tới sự giải thoát tốt đẹp.
**
80.
Ba La Mật là hạnh nguyện, là những ước nguyện, không cho ai biết, kín đáo của mình. Ví dụ, tu tinh tấn, vị tu hành ấy phát nguyện, những thành tựu của họ, những phước báu của họ, những công năng của họ, đức độ và giới hạnh của họ, chỗ nào còn khiếm khuyết thì sẽ thực hiện cho đầy đủ những Ba La Mật đó cho phước của họ được viên thành, tu thành Giải Thoát, Chánh Đẳng Giác hoặc Bích Chi Phật. Trong kinh Đại Thừa, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có chỗ có sáu Ba La Mật, có chỗ có mười Ba La Mật, như bố thí Ba La Mật, trì giới Ba La Mật, chẳng hạn. Viên mãn, sẽ thúc đẩy được thiền định trí tuệ, phước báu cao, công đức nhiều, càng dễ dàng cho sự hoàn thiện ước nguyện riêng của vị tu hành đấy.
**
81.
Con đã nhìn thấy mục tiêu ngay từ khi con bắt đầu tìm đến kinh sách. Con phải có mục tiêu của mình rồi mới đi theo con đường tu hành. Con học Phật là học giới luật, thiền định để tu thành giải thoát, niết bàn, đạt cảnh giới thoát khổ. Thấy thì thấy rồi. Giờ thì chỉ cần có một niềm tin vững vàng và đi theo con đường của Đức Phật. Tự mình đi, không đi theo ai, bắt chước ai. Nếu có chướng ngại, khó khăn thì đừng có thoái lui, chạy trở về nhà.
**
82.
Ban ngày con bộ hành, tối con về đây. Không ai ngồi thì con sẽ ngồi. Bằng không, con ngồi chỗ khác. Chỗ nào cũng được, con không lựa chọn. Con tập không để bị ái kiết sử. Giống như đi đâu cũng nhớ về nhà mình. Chỗ ngồi cũng giống như căn nhà thứ hai, căn nhà thứ ba của mình vậy đó. Ngồi riết một chỗ, đi đâu về cũng nhớ, vì nó yên ổn, mát mẻ, mưa không ướt. Nhưng con tập không ái luyến, dính mắc. Còn ái luyến, dính mắc, còn tham, thì không thể giải thoát được.
**
83.
Con chỉ sợ con kiến nó cắn, lỡ mà ngứa, con xoa, thì sẽ phạm tội sát sanh. Thường thì con ngồi rất yên, không động đậy, nên con cũng không bị cắn. Còn muỗi, ai mà đạt được từ bi với muỗi thì muỗi sẽ không cắn. Con thì chưa đạt được. Vả lại, con nghĩ, phải có duyên với nó thì nó mới cắn. Tất cả đều là nhân duyên. Do có nhân duyên, có nghiệp, thì mới tìm tới.
**
84.
Đều là nhân duyên hết. Đều là do nghiệp, do nợ, do thù, do hận mà dẫn tới. Như giữa con với anh vậy, có duyên với nhau, khắc sẽ tìm thấy. Phước cũng vậy. Phước giải thoát là sẽ giải thoát. Phước tu thành Phật là sẽ thành Phật. Làm vua là sẽ làm vua, không tránh đi đâu được. Nghiệp bệnh, nghiệp chết là sẽ thúc đẩy bệnh, chết, không né đi đâu được.
****
85.
Ngày xưa, mới ở trong chùa ra, con thấy việc tu của con không thành tựu mà đầu óc, thì cứ nghĩ đến việc chứng đạo, chứng đạt, con đâm ra ức chế, chán nản, không xả bỏ được, trong tâm, lúc nào cũng sợ bị cuộc đời lôi kéo. May sao, có con đường, Phật bày cho cách đi khất thực, tự sống được, tự an trú được. Khi tìm ra được lối đi cho mình, con thấy được niềm vui, con không chán nản nữa, con rất hạnh phúc, con không bị phiền hà, con không bị chi phối, nghĩa là, con đã đạt được thiền định. Con sẽ tiếp tục tu hành, cho đến khi nào đạt được đạo lực, đạt được an lạc, an trú.
**
86.
Tuổi về già, người ta thường hay bận lòng, khi chết, ai lo cho mình, ai thờ phụng mình. Và như con đây, cạo bỏ râu tóc, đầu trọc lóc, da đen thui, tuyệt tự, tuyệt tôn, không con không cái, vậy thì ai lo? Nhưng từ lúc con đi theo con đường Phật dạy, con không còn những nỗi lo như vậy nữa. Ngay cả nỗi lo về ngày mai, về ăn uống, về tiền bạc, con cũng không. Sáng mai, con cầm bát đi khất thực. Họ cho, con cũng hạnh phúc. Mà họ không cho con, con cũng vẫn thấy hạnh phúc.
**
87.
Con vẫn thấy hạnh phúc khi không được cho, là vì Phật dạy, ăn đồ ăn khất thực, không dễ dàng gì, miếng ăn đó, như nuốt hòn sắt. Muốn ăn được, phải đủ giới luật, phải tu hành, giữ giới, mới xứng đáng. Người không giữ giới, ăn rồi, mang nợ, nên không cho con, con cũng hạnh phúc là vì vậy. Cũng như thế, mỗi khi con ăn đồ khất thực, lòng con tự nhủ, phải cố gắng tu hành, đạt được công đức, thì công đức ấy, con hồi hướng cho họ.
**
88.
Dạ, xưa nay, không ai nói, vì ngồi thiền mà chết, nên anh đừng lo. Thiền, thân tâm đều tịnh. Có lúc con ngồi, chân con sưng to, con cũng mặc kệ. Thế rồi, mọi chuyện, đều cũng qua hết. Ngồi thiền, nếu thức, thì không cần dựa. Còn khi ngồi ngủ, không có sức để nâng cơ thể nữa, người như cọng bún vậy, gục xuống, khổ lắm, nên có thể tựa. Đôi lúc, con cũng có tựa vào gốc cây để ngủ. Ngồi riết quen, hai đầu gối sẽ không cao như vậy đâu, nó tự bẹt xuống, thẳng, duỗi mềm như con hiện nay. Trạng thái như con nói, nó gọi là tự điều phục, tự nó thích nghi, tự nó cân bằng, tự nó điều hòa, đừng lo hư chân, càng đừng lo chết. Cần kham nhẫn, cần tập chịu đựng.
**
89.
Đau thuộc về “sân” đó ạ. Mình ráng chiến thắng tham, sân, si, buông xả, đừng để cảm thấy ức chế hay ức nén gì, chiến thắng được nỗi đau, việc ngồi thiền sẽ tăng dần lên. Có vậy, mới đi tiếp được, mới giữ giới, mới tu hành được.
**
90.
Theo Phật dạy, mọi việc, mọi sự đều bằng và phẳng, vốn dĩ, không có khó khăn gì đâu. Ví dụ, đầu tiên, mình ráng tập ăn chay đã, đừng thèm gì. Mục đích của việc bộ hành, khất thực, là cũng giảm tham và sân.
**
91.
Tham ăn, tai hại lắm, không được như ý là không ưa liền. Lòng đang muốn ăn quả chuối, mà ra đường, người ta cho quả cam là thấy trong bụng bất ưng. Khất thực, nghĩa là cho gì ăn nấy. Khất thực, mà đầu còn nghĩ, có thể, đến đây, đến đó, họ sẽ cho món này, món kia, nghĩa là lòng mình còn tham, còn phóng dật. Đi khất thực riết, những thèm khát giảm dần, người ta cho cái gì, cũng giống nhau thôi.
**
92.
Đời này, có sáu cái tham: tham sắc, tham hương, tham vị, tham nghe, tham xúc chạm, tham ý pháp. Dính vào tham, là nó vẫn mị mình, là mình vẫn còn chạy theo mình.
**
93.
Hôm con đi từ Đà Lạt xuống Lâm Đồng, rồi Phan Rang, huyện Ninh Sơn, nắng quá, con bị sốt. Con cảm thấy người mệt mỏi. Mệt mỏi là cảm giác của đời, đời mà bệnh, thì phải dùng thuốc, thấy lo lắng, thấy khổ. Trong tâm con thì khác, con tự nhủ mình, phải khắc phục. Chẳng lẽ, tới Phan Rang, Nha Trang rồi, mình phải bỏ nơi này để quay lại Lâm Đồng cho phù hợp khí hậu? Thế là con cứ tiếp tục đi, và, sốt tự lui. Con nghĩ, chắc do nhờ vào niềm tin của con. Từ đó đến nay, con đi đã năm năm. Sốt cũng đã mấy lần, đều là tự hết. Đó là nhờ hạnh xả ly. Có những bữa, đầu hôm nghe cũng mệt mệt, nhưng rồi đến chiều, con lại nghe khỏe nhẹ hơn.
**
94.
Muỗi a nô phen mà chích thì bị sốt xuất huyết. Nhưng con không thấy sợ. Con chỉ sợ, con bị chích nhiều quá, ngứa, con chịu không nổi, con xua đuổi. Như có lần con đến Bạc Liêu, hoặc An Giang, hòn Sơn, muỗi nhiều lắm, muỗi thành đàn như ong, đốt, đau nhức khắp mình mẩy. Không chỉ riêng con, các sư tu hành khác cũng bị muỗi chích, đốt nhiều lắm, cũng không sao. Con tin vào sự nhiệm màu, tin vào tu hành tạo ra công năng, thêm vào việc giữ được giới luật, nên Phật pháp luân chuyển. Có nhiều điều ở đây, con cũng không thể hiểu hết.
**
95.
Chỉ ở cảnh giới này, mới tu được. Chỉ con người có hạnh phúc, có khổ đau, mới tu thành A La Hán và Phật được. Địa ngục, toàn khổ, không tu được. Mà ở những cõi chỉ toàn sung sướng, thì cũng không ai tu nữa cả. Con đọc trong kinh Phật, ở cõi trời, họ vô sắc, tâm họ không còn dục, họ thanh tịnh, họ cũng không tu được. Chỉ duy nhứt cõi người này mới chuyển tiếp, mới tu thành. Tùy theo nhân duyên, một là lao vào đường khổ, hai là được sanh lên cõi thiện, thứ ba là con đường giải thoát, niết bàn.
**
96.
Có Phật thì có ma, có quỷ thần, có đầy đủ cả. Con đọc trong kinh, nghe rằng, ma vương, chỉ đợi mình sảy chân, làm điều ác là họ bắt ngay. Một số sư giảng dạy thì nói không có thế giới siêu hình, nhưng nhiều điều đã phơi bày ra như thế thì còn tránh đi đâu được nữa. Cũng như vậy, giờ ai nói, không có Phật Thích Ca Mâu Ni, là nói tầm bậy. Không thể nói như thế được.
**
97.
Thân của ta, như cái nhà vậy đó. Khi ta làm điều ác, không có ai bảo vệ nữa. Các bậc bảo vệ, không ai đến nhà ta nữa. Kẻ ác hơn, đuổi mình ra khỏi nhà cho hắn ở. Quỷ, nó mạnh hơn ta, nó mượn cái nhà, cái thân ta, nó làm điều gì đó, có chớ sao không. Cái thân của mình là cái chỗ ở tạm của tâm, là cái nhà di động, là cái nhà đi lại được, có phải thành trì gì khó khăn đâu mà quỷ ma không mượn được? Có hết. Chỉ là chúng ta chưa đủ thiên nhãn để thấy, để biết.
**
98.
Trong kinh, thì Phật đều nói có. Có ma giới, thiên giới, phạm thiên giới. Có súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, đủ hết. Nhưng không phải vì thế giới này có vong, có quỷ, có ma, mà mình sợ. Mình biết có mà mình không sợ, vì mình biết làm điều thiện, sống theo điều thiện, thì không có ai làm gì mình đâu. Nhưng mình ác thì kẻ ác sẽ tìm đến.
**
99.
Như một đất nước, quân đội không đủ mạnh, thì bị nước khác tới chiếm, thế thôi. Thân cũng thế. Con đọc trong kinh như thế này, tất cả mọi chúng sinh trong cõi người này, khi sinh ra, đều có các vị thần hộ mệnh theo họ. Phước thiện nhiều, thiện nghiệp tăng, họ lại đạo đức, tu hành, công đức lại ngày càng bồi đắp, nên người hộ trì, vì thế, đi theo cũng nhiều hơn. Những người kém phước, không tích đức cho mình, hộ trì ít, nên mới bị người khác bắt nạt.
------------------------
MINH TUỆ NGỮ LỤC
(明 慧 語 錄 )
Ngữ Lục (語 錄) là chỉ các sách ghi chép pháp của các Thiền Sư. Khi nói pháp, các Thiền Sư "không dùng những lời văn hoa bóng bẩy, mà dùng những từ ngữ bình dị, để nói ngay vào tông chỉ, sau đó, các đệ tử hoặc người tham học mới sưu tập, ghi chép lại thành sách, gọi là Ngữ Lục".
Thể loại Ngữ Lục bắt đầu thấy có từ ngài Lục Tổ Huệ Năng người Lĩnh Nam với Pháp Bảo Đàn Kinh.
------------------------
Biên Soạn: Phạm Hiền Mây