1.
Đạo Phật là đạo đức giải thoát khổ đau, đem đến giác ngộ, trí tuệ, niết bàn. Đạo Phật không mê tín dị đoan, không bày cầu cúng, chỉ cần làm điều thiện, lành. Còn Đức Phật là người đã có đầy đủ Giới Định Tuệ, Tứ Diệu Đế, khổ, tập, diệt, đạo, nên người đã giải thoát ra khỏi những khổ đau đó.
**
2.
Chánh là đem lại điều thiện, lợi ích cho mình và cho người khác, chánh là theo lời Phật dạy. Còn tà là đem lại khổ đau cho mình và cho người khác, là không theo giới luật, là sát sanh, trộm cắp. Ngược lại chánh đạo là tà đạo.
**
3.
Ai cũng là cha mẹ của con cả. Ai khiến mình phạm giới luật, không theo được lời Phật dạy, khiến mình phải ăn năn, thì mình nên tránh. Còn người xa lạ, nhưng lại bày cho mình tu hành, giữ được giới tu hành, khuyến khích, giúp đỡ cho mình, thì đó là người tốt, mình nên học theo. Người thân, cũng có khi bày điều sai. Người không thân, đôi khi, lại cho mình sự tốt đẹp.
**
4.
Người thân, đôi khi cũng là kẻ thù của mình, nhiều đời nhiều kiếp. Oan gia, đều do nhân quả sinh ra. Con cái cũng vậy, hoặc là đến báo ơn, hoặc là đến báo oán, phá mình.
**
5.
Nhân nào quả nấy. Mình bắt chúng sanh đá gà để mình xem chơi cho vui, thì đời sau, nếu làm người, mình cũng phải đá đấm, vật lộn cho người khác xem lại như thế, như nô lệ vậy, mà nếu làm gà, thì cũng phải đá như thế cho họ xem lại. Làm ác, sân hận, si mê, thì rơi vào địa ngục, ngạ quỷ. Nợ máu thì trả máu. Nợ thịt thì trả thịt. Nợ hành hạ, thì trả hành hạ. Ở đời, có những người bị người khác đánh đập hoặc bệnh tật, thì cũng đều do những nhân quả như thế này mà ra.
**
6.
Muốn bỏ được tham thì phải quán bất tịnh, sống xả bỏ, bỏ tham sân hận, tu tập tâm từ bi, thương yêu tất cả mọi chúng sanh, đừng có làm hại ai. Thương yêu kẻ thù của mình cũng giống như cha mẹ mình. Tập học những điều ấy. Còn si mê thì quán mười hai nhân duyên, cái này có thì cái kia có. Có chánh kiến thì bỏ được si mê.
**
7.
Con phát nguyện suốt đời bộ hành, cho đến khi chết. Suốt đời, con không đi xe. Đắc đạo hay không đắc đạo, con cũng đi bộ.
**
8.
Sau khi Phật nhập diệt, thì ngài bày cho các đệ tử của mình, lấy giới luật và giáo pháp làm người thầy dẫn dắt. Nếu mình thấy những vị nào giữ đúng được năm giới, tám giới, mười giới, hai trăm năm mươi giới, thì mình xin các vị ấy theo học tu. Bằng như, thấy họ không giữ được thì thôi. Mình cũng có thể tự mình, ở nhà, phát nguyện trước Đức Thế Tôn, tu theo các giới ấy. Tu cho chắc chắn rồi thì nâng các giới dần lên.
**
9.
Con bộ hành là vì, trước hết, con muốn rèn luyện sức khỏe, được học tập tánh kham nhẫn của mình, sau nữa, nếu hữu duyên thì gieo duyên, như bây giờ con ghé vào đây, để mọi người cho con chai nước, và con cũng được chúc mọi người vui vẻ, hạnh phúc.
**
10.
Tu theo Tứ Niệm Xứ sẽ được an lạc. Tu theo Tịnh Độ, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm thí, đấy cũng là tu. Niệm Phật thì không có gì sai cả. Nếu được cả Tứ Niệm Xứ, cả Tịnh Độ nữa, thì cũng đều tốt đẹp. Pháp môn nào phù hợp với trình độ của mình thì mình học. Cả Tứ Niệm Xứ lẫn Tịnh Độ đều tốt đẹp cả.
**
11.
Nên tu theo khả năng, theo trình độ, theo căn duyên của mình. Học, hiểu kinh sách cho nhiều. Đừng nghe người này, nghe người kia, rồi phản bác lại những điều mà mình chưa hiểu được.
**
12.
Tất cả các pháp môn đều đem lại lợi ích cho người tu, và chúng ta đều có thể tu được cả. Đừng chống, trái; đừng phân biệt.
**
13.
Mình niệm Phật, mình quán, Phật là như thế nào? Phật có những điều gì? À, Phật có đầy đủ Giới, vậy thì mình cũng phải đủ Giới. Phật đầy đủ Định, thì mình cũng phải đầy đủ Định. Phật đầy đủ Trí Tuệ, mình cũng phải đầy đủ Trí Tuệ. Muốn đầy đủ Giới thì mình phải học đủ những Giới đó, rồi thực hành theo. Có Giới, có Định, có Tuệ, là đã có một vị Phật rồi.
**
14.
Ăn chay niệm Phật thành Phật được ạ. Ăn chay ngày một bữa. Còn niệm Phật thì niệm như thế nào? Niệm Giới Định Tuệ. Giới là gì, liệt ra. Cứ như vậy mà niệm miết. Và giữ cho tới khi nào đủ hai trăm năm mươi Giới thì sẽ có Định. Đầy đủ Tuệ thì sẽ thành Phật.
**
15.
Mình sống tốt nhưng mình phải giữ giới, thì mới thành Phật được. Tu hành phải có trí tuệ mới thành Phật. Chỉ sống tốt thì thành ngu si, không thành Phật được. Làm thiện, rồi nghĩ, tôi không hại ai cả, mà không chịu tư duy, không giữ giới, không có thiền định, không có trí tuệ thì không thành Phật được.
**
16.
Nếu mình thấy, việc theo đạo Mẫu là tốt đẹp thì mình cứ theo, mình cứ gìn giữ giới, mình đừng có nghe ai. Theo mà thấy mình được lương thiện, được an lạc, thì cứ tiếp tục theo, tiếp tục tập học, và đừng để cho bị ảnh hưởng gì cả. Đạo nào cũng vậy, phải có tâm bình đẳng, không có ghét đạo khác, người khác.
**
17.
Người ta nói với con, người bên phải con đây, là kẻ thù của con, còn người bên trái con đây, là người thân của con. Chẳng lẽ bây giờ, con đuổi người bên phải con đi, để dành chỗ cho người thân của con sao? Như vậy đâu có được. Kẻ thù, mình vẫn thương như thương người thân của mình mới là tốt đẹp.
**
18.
Theo đạo Mẫu hay theo đạo Phật, mọi người cũng bình đẳng như nhau. Mình đừng tạo ra sân, ghét bỏ, phân biệt, đập phá, chê bai. Như thế là đâu có tâm từ bi.
**
19.
Ăn chay cốt để giảm dục. Ăn thức ăn động vật có nhiều đạm, nó khởi dục, mình khó mà thiền ly dục, khó thiền theo lời Phật dạy. Muốn lấp được dòng sông lớn, phải chia dòng ra. Dòng nhỏ, mình mới chặn được. Cũng như thế, dục đang mạnh, làm sao ngăn được? Mình phải ăn chay, để dục giảm dần. Dục giảm, thì mình mới chặn được, mới khống chế được. Ăn chay bao gồm cả mục đích đó.
**
20.
Lên chùa, mà sát sanh; lên chùa, mà vẫn làm điều ác; lên chùa, mà vẫn nói dối, thì cầu sẽ không bao giờ được. Nhưng nếu mình lên thắp hương trước Kim Cang Phật, mình phát nguyện, hôm nay, mình sẽ ăn chay, giữ năm giới, rồi ước nguyện, thì ước nguyện này sẽ được.
**
21.
Nếu con không đi theo lời Phật dạy, con không gìn giữ giới, lang thang, không mục đích, thì cũng chẳng ai bố thí. Không tu, làm ác, sát sanh thì làm sao nhận của bố thí.
**
22.
Khi con bộ hành, khất thực, thấy con khổ hạnh, họ mở lòng từ bi, thương người. Khi bớt một chút để cho con, là chính lúc mọi người đã bớt tham, cũng như, cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn trong hành động san sẻ, cho đi ấy.
**
23.
Con ăn xin, là đi theo con đường tu của Đức Phật. Con ăn xin, nhưng con chỉ xin đồ chay, chừng mực, ăn vào buổi sáng sớm và một ngày một lần thế thôi, rồi con lại đi bộ, tu hành tiếp, con không nhận đồ cho nữa, và nhất là, con không nhận tiền bạc. Nếu cứ giữ hạnh như thế, người ta chắc chắn, sẽ luôn mở lòng từ bi mà giúp đỡ.
**
24.
Nhiều người ăn xin khác, họ không có sự chừng mực và vừa đủ no lòng ấy. Họ xin, rồi họ cất đi, và họ lại xin nữa. Lại có những người giả dạng đói rách, nhưng thực tế, họ không đói nghèo. Ấy là do tham sinh ra. Người cho, là những người nhìn thấy và hiểu rõ. Họ biết hết. Họ không ngu, không dại.
**
25.
Tứ vô lượng tâm mang lại những tác dụng, lợi ích rất lớn. Nó khiến xã hội, khiến con người biết yêu thương hơn, yêu thương lẫn nhau hơn, không mang tâm phân biệt. Khi gặp ăn mày, ăn xin, kẻ khổ, người dư giả sẽ phát tâm bố thí, cho đi. Xem hết thảy mọi người ở nhân gian, ở thế giới, ở vũ trụ này như người thân của mình, đối xử rộng rãi, không ích kỷ, nhỏ hẹp.
**
26.
Từ là tâm từ, tâm yêu thương. Bi, bi ai, bi thương, sầu khổ, không mang tâm oán ghét, không làm hại, không giết hại người khác. Hỷ là tâm hân hoan, hoan hỷ, vui mừng, thích thú, hạnh phúc. Xả là xả bỏ ác độc, xả bỏ tham, sân, si, xả bỏ những thứ mang lại khổ não cho mình, xả đi để thu về thiện pháp. Từ bi hỷ xả, không để bụng, không thù tức, ngay cả khi, người ta vẫn đang sân hận với mình. Xả bỏ, tức là biết cho đi, không tham nữa, sẽ không khổ nữa. Xả bỏ sẽ sanh ra từ, sẽ sanh ra bi. Xả, rồi từ, rồi bi, mình sẽ có hỷ, hoan hỷ, vui vẻ. Có tâm từ bi với người khác, mình mới sinh lòng hoan hỷ. Mà không hoan hỷ, thì không xả bỏ được, sẽ còn mãi những sân hận. Tứ vô lượng tâm này dùng để đối trị với sân hận, tâm ác, tâm tàn hại, tâm sát hại. Trong kinh sách đều có ghi, có dạy đầy đủ.
**
27.
Từ bi mang vào thực hành, là tránh, là không giẫm đạp chúng sanh, tức là côn trùng, khi bộ hành. Gặp những người nạt nộ, oán hận mình, mình cũng niệm cho họ, nguyện cho họ được hạnh phúc may mắn, mong cho họ được cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Họ muốn xin gì, nếu mình có, mình cũng sẵn lòng cho. Từ bỏ tâm hại, não hại, vui vẻ, niềm nở với mọi người. Mở cho tâm quảng đại, rộng lớn. Xả bỏ, ai chê bai, hoặc nói, hoặc làm những điều khiến mình có thể oán hận, thì mình tự nhủ trong lòng, xả đi, bỏ đi. Sân với ai, thì sám hối, tự nhủ, từ nay trở đi, đừng sân nữa.
**
28.
Trải tâm từ bi, huân tập, một thời gian sau sẽ quen dần. Quen dần chớ không phải một lần là được. Phải sử dụng chánh tư duy, chánh kiến. Chánh tư duy là suy tư. Suy tư về cuộc sống. Suy tư rằng, có sân hận với người ta, thì cuối cùng, cũng chẳng được gì cả, thì thôi, nghe Phật, mình học tâm từ bi, tâm đại từ, đại bi. Hành trì của con là như thế đó.
**
29.
Con bộ hành khất thực, huân tập như thế, cũng là để mọi người có thể kiểm tra con một cách dễ dàng, con tu có thật không, con tu hạnh gì, pháp môn gì, có phải là ăn mày, ăn xin giả dạng không. Khi tra tìm trên mạng, họ sẽ cùng lúc thấy kinh sách, họ sẽ đọc Pháp và sẽ hiểu về Phật Pháp.
**
30.
Thêm vào đó, khi con bộ hành khất thực thế này, tâm sân hận của con mới phơi bày ra hết. Không học suông trên lý thuyết được. Học là phải tập, học là phải hành, phải thực tế, phải trực tiếp, thì mới thay đổi, mới tiến bộ.
**
31.
Lúc con ngồi ăn, họ chạy tới họ xem, thậm chí, họ ghi hình cả lúc con ăn, điều đó, không dễ dàng gì, nhưng con cũng gắng hoan hỷ, xả bỏ. Ngay cả lúc con ngủ cũng vậy, họ tới họ soi đèn, họ quay phim. Khi ngủ, đâu phải lúc nào cũng giữ được tư thế ngay ngắn, tốt đẹp. Có lúc cũng nghiến răng, có lúc cũng ngáy, những xấu xí trong giấc ngủ ấy, họ đều chụp, đều quay. Khi biết, ban đầu tu tập, con cũng bực mình, con sân hận. Nhưng mỗi lần như thế, con lại suy nghĩ, lại tư duy, thôi xả bỏ. Tập học, là chuyện lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà luyện thành được.
**
32.
Qua thân, khẩu, ý, mình sẽ phát hiện được, mình có đang tham, sân, si, hay không. Qua hành động của mình, qua sự biến đổi các trạng thái biểu hiện trên khuôn mặt mình, trên thân mình lúc ấy. Nghe trong giọng nói của mình, không được ôn hòa, không được dịu dàng, khó chịu, gắt gỏng, thì sẽ biết ngay, nhận ra ngay, mình có đang sân hận hay không. Qua chánh mạng, rồi qua cả sự tinh tấn, chánh tinh tấn, thấy mình biếng nhác, mình dễ dãi, không còn muốn tu thiền nữa, thoáng qua ý nghĩ bỏ về, ấy cũng là lúc nhận ra, tham, sân, si còn ở trong mình hay không. Rồi quán sát vào sự gìn giữ giới luật, thấy mình có dễ duôi, có ham ăn, ham ngủ, có thích nghe lời khen, có thích được nhiều người biết, thích được nổi tiếng, thích được quay hình không. Quán xem mình có khởi lên lòng ưa thích việc nhiều người tìm đến, mua nước, mua bánh, tới chắp tay rồi đảnh lễ, có ham sự cung kính, có ham lợi dưỡng không, là biết ngay, tham sân si trong mình, còn hay không còn.
**
33.
Có tánh biết đó, nhưng mà mình không để ý. Không để ý là vì mình không có thực tế, không có sự sâu lắng, quay vào, quan sát nội tâm của mình, nên không thấy đó thôi. Trên đường, dẫm đạp hay vấp phải cục đá, bực. Bị người ta chê, bị người ta chửi, khó chịu. Được người ta khen, vui. Hoặc, có người mách, này, có hai ông nào đang vác đao đi kiếm ông đấy, là lo lắng. Đấy chính là tham sân si trong mình đang khởi lên. Nếu không có tham sân si, thì ai nói gì, mình cũng bình thản, không sợ.
34.
Tham dục, là năm triền cái, là yêu ghét, là sân hận, là hôn trầm, là trạo hối, là nghi hoặc. Tất thảy đó, chính là màng vô minh, nó che mình. Một người đang tu hành giỏi, biết hết, có ngũ thông, bỗng, quan hệ với nữ nhân, là tối đen hết luôn. Tham dục che tối thui luôn. Mất hết.
**
35.
Năm triền cái, năm ngũ dục công đức, qua các căn, mắt nhìn thấy sắc, thấy bạc tiền rồi khởi lên si mê; thân xúc chạm, rờ rẫm rồi khoái lạc, muốn chiếm đoạt; mũi ngửi được mùi hương, sinh ưa thích; lưỡi ăn uống sơn hào, hải vị, sinh tham đắm. Ai đồng ý với mình thì mình ưa. Ai không đồng ý quan điểm với mình, chê bai mình, chống đối mình, làm trái mình, là kẻ thù của mình, khiến mình không thành công, khiến mình không đạt được, thì mình sân hận, ghét bỏ. Hôn trầm là ngủ, sự buồn ngủ, ưa thích ngủ, mê ngủ, khiến không tỉnh táo, không tỉnh giác. Trạo hối là hối hận, là nuối tiếc, là cảm thấy lỗi lầm, cảm thấy day dứt, cảm thấy tội lỗi. Ví dụ, xuất gia tu hành rồi mà vẫn thấy thương cha nhớ mẹ, thương vợ thương con, nghĩ tới trách nhiệm này kia. Nghi hoặc là nghi ngờ, có hay không có, thật hay không thật, không còn niềm tin. Đây có phải là lời Phật dạy không? Mình tu được hay không? Giữ giới, làm thiện liệu có được gì không? Hay buông thả theo đời, nó tới đâu thì tới. Nghi ngờ bậc Chánh Đẳng Giác. Nghi ngờ Đức Phật. Năm triền cái ấy, nó che mình lại. Nó khiến mình, không có tinh tấn, không siêng năng để mà tu hành nữa.
**
36.
Muốn giảm đau nhanh chóng là việc khó, không dễ. Nghiệp của những người ấy nặng, họ phải biết khởi tâm, tự tay, tự mình bố thí, cúng dàng Phật, cúng dàng A La Hán, những bậc thánh, những bậc có công đức; họ phải trì luật, giữ giới, thì mới tạo được phước.
37.
Khi đổ vỡ, người ta mang tâm tiêu cực, khi tâm tiêu cực, người sẽ không đủ phước đức. Tiêu cực, khiến họ nghĩ quẩn, đi tìm đến rượu, tìm đến những cái chỗ buồn bã, sầu não, đã bệnh lại càng bệnh nhiều hơn, không lời an ủi nào có thể khiến họ nguôi ngoai, vui tươi, tin tưởng.
**
38.
Năm triền cái đó ngày mỗi tối hơn, ngày mỗi che hơn nữa. Sân hận càng không nguôi. Người cứ chìm đắm mãi. Giống dòng nước ô nhiễm, ngày càng thêm ô nhiễm. Những người đó, nếu họ may mắn, được gặp những người có đức cao, thì những bậc ấy mới khai thị được. Chớ những người bình thường, không đủ đức, như mình đây, còn chưa thể giúp được mình, thì lấy gì để giúp cho những người như thế?
39.
Mình muốn giúp cho những người đó thì trước hết, mình phải phát tâm tu hành, tinh tấn, siêng năng. Rồi đạt Giới, Định, Tuệ. Có trí tuệ, có công đức, có phước báu to lớn rồi, thì mình mới chuyển cho họ được. Mình chưa có phước báu thì chưa thể giúp được cho họ đâu.
**
40.
Chỉ có thể, tùy theo nhân quả, tùy theo phước báu của người đó thôi. Phải gặp được những bậc thiện hữu tri thức ấy, thì mới giúp được cho họ. Bây giờ mà họ không làm thiện, thì họ sẽ mãi gặp điều ác thôi. Nhỡ mà đọa xuống địa ngục, thì sẽ mãi muôn đời ở trong đấy.
**
41.
Nếu đất nước Việt Nam này mà ai cũng đi tu cả, thì đất nước khác sẽ mang gạo cơm tới cúng dàng, nhập cho nước Việt Nam ăn. Lúa gạo của đất nước Việt Nam, là không cần phải trồng gặt, tự có, cây cối tốt tươi. Do thiện, do phước báu, tự nhiên thiên nhiên có ưu đãi, tự nhiên thành ra như thế, tự nhiên có người khác mang tới cống nộp. Những nước mà không có người tu ấy, những nước giàu có, họ sẽ mang cho. Khi ấy, ăn không hết chớ đừng nói là lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc.
**
42.
Cũng như thế, nếu cả thế giới mà tu hành, làm điều thiện, không làm ác, là tự nhiên sẽ tạo ra, có sẵn, con người ăn không hết. Như thời Đức Thế Tôn, con người lúc ấy chưa tham, sân, si, nên lúa không cần phải trồng, gặt buổi sáng thì buổi chiều mọc, lúa không có trấu, ra gặt về nấu ăn thôi. Tự nó mọc, lấy bao nhiêu cũng không hết được ấy. Thiên nhiên, trời đất ưu đãi, cái gì cũng đầy đủ. Nhưng rồi do tham, sân, si, nên mất đi. Mất đi rồi, con người tìm lại không được nữa, tìm lại rất khó khăn.
**
43.
Cả thế giới mà tu thì cũng sẽ ít bệnh tật, ít trộm cắp. Vứt ra ngoài, ai muốn ăn thì lấy ăn, giống như loài chim, loài thú ấy, chúng đâu có đi gieo trồng như mình đâu? Tự thiên nhiên ra quả, tự thiên nhiên ra thức ăn cho chúng ăn đấy thôi. Do tham, sân, si, rồi chiếm đoạt, rồi cất giữ, rồi tích trữ, nên mới khó khăn, khan hiếm.
**
44.
Những vị sư trong chùa, họ lo tu hành, có làm gì đâu. Tự khắc có người mang đến cúng dàng. Cũng như thế, cả nước Việt Nam, ai cũng tu cả thì người ở nước khác, họ sẽ tới cúng dường thôi. Mà các nước khác cùng tu hết, thì thiên nhiên sẽ tự có. Cái đấy không lo. Phước đức càng nhiều thì càng không có người ăn xin, hạ liệt.
**
45.
Những điều ấy, bây giờ, chỉ trong cõi Tây Phương cực lạc, cõi Phật A Di Đà, mới có. Cõi đó, không phải làm gì, khi nào cũng đầy đủ, không có kẻ ác, cũng không còn người khổ. Cả thế giới này, ai cũng tu hết, thì cả thế giới này, trở thành Tây Phương cực lạc, A Di Đà.
**
46.
Trung thổ khó sinh. Trung là ở giữa. Thổ là đất. Là được sinh vào quốc độ, nơi có Phật, có Pháp xuất hiện.
**
47.
Thân người khó được. Đức Phật từng ví, để được làm người, cũng khó như con rùa mù, một trăm năm chỉ được một lần, ngoi lên giữa biển, sóng xô qua đánh lại, sao cho tìm đúng được duy nhứt một bọng cây trôi nổi, để mà chui vào, tìm cơ hội sống sót. Được quay trở lại làm người, còn khó hơn như thế.
**
48.
Làm người, rơi vào dục tham, đọa địa ngục, đọa vào hàng súc sanh, thì sẽ muôn đời muôn kiếp ở trong đấy. Ở địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ chúng hại nhau, ăn nuốt lẫn nhau, toàn sân hận, si mê, không thể ra được, không thể thoát được, không ai giúp đỡ mình được.
**
49.
Chánh Pháp khó gặp. Khi phát nguyện, cầu tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cần phải trải qua ba A Tăng Tỳ kiếp. Tu thành liên tục như thế, tu tinh tấn liên tục nhiều đời, nhiều kiếp, cúng dường được nhiều Đức Phật, khi đó mới trở thành một vị Chánh Đẳng Giác. Đạt Chánh Đẳng Giác rồi mới có thể nói Chánh Pháp được. Khó khăn lắm chớ không dễ. Muốn có được Chánh Pháp, phải đạt từ vô lượng, vô biên kiếp rồi mới thành. Chánh Pháp khó gặp, chính là như vậy.
**
50.
Sinh ra làm người đã khó. Sinh ra mà gặp Chánh Pháp thì còn khó hơn nữa. Sinh ra mà gặp thời Như Lai đang nói Pháp lại còn khó hơn nhiều nữa. Hiếm có ở trên đời.
**
51.
Vì biết là khó, nên mình hãy nghe theo lời Phật, hãy tu hành dần đi. Chớ đừng nghe nói khó, rồi bảo, thôi kệ, thì cái sự biết khó ấy, nó vô nghĩa quá.
**
52.
Biết khó rồi thì mình phải thực hành. Biết thân người là quý, thì hãy làm sao cho xứng với sự quý này. Ấy là làm theo lời Phật dạy để tìm ra chân chánh, tốt đẹp. Tu hành, trì giới, làm thiện; tu bốn phạm trú Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Bi Hỷ Xả; tu Giới, Định, Tuệ. Hướng tới việc phát tâm tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng, Chánh Giác. Rồi sẽ đến một ngày, một đời nào đó, có thể nói cho mọi người biết Pháp.
**
53.
Không thành này thì cũng thành khác. Không lo. Hãy cứ tu, cứ giữ miết đường tu. Không thành danh thì cũng thành nhân. Tu miết, đời này, đời sau. Giữ gìn giới luật nghiêm minh, lên đường, noi theo lời dạy của Phật và các vị A La Hán, sống cuộc sống phạm hạnh, ba y, một bát, trì giới, tu thiền. Gặp tham dục thì bỏ chạy, chưa chống được nó thì cố gắng né tránh ra. Ở gầm cầu, gầm cống, ở bụi bờ, ở nhà hoang, ở nơi miếu mả, ở bãi tha ma, ở rừng, ở núi, ở hang, ở chỗ nào mọi người không ở được, thì mình tìm đến, mình ở hết.
**
54.
Dẫu như mà chỉ còn ngày mai, ngày mốt, con cũng sẽ vẫn còn bộ hành. Mà có già, con cũng không ở tịnh thất, không ở tịnh xá, cũng không ở chùa, con sẽ ra nghĩa địa con ở. Không đi được nữa, con sẽ loanh quanh một cái núi nào đó. Đi khất thực gần gần rồi con về núi tu thiền. Đi tỉnh thì con sẽ vào rừng nguyên sinh, con vào rừng cổ thụ, con ở trong đấy.
**
55.
Con chưa từng gặp thầy Giác Khang ngoài đời, nhưng con có từng nghe mọi người nhắc tới thầy ấy. Thầy Giác Khang tu theo Khất Sĩ nhưng mà sau này, chắc thầy ngộ ra điều gì đấy, thầy mới theo Tịnh Độ Tông. Tịnh độ là tu theo Đại Thừa, tốt lắm ạ. Tịnh Độ tâm là phát tâm, bồ đề tâm, phát tâm tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Còn đi theo Khất Sĩ thì giải thoát thành A La Hán. Mọi pháp môn đều là hữu duyên, tùy duyên.
**
56.
Do giới luật cộng thêm vào phước báu của mình, tương ưng với vị đấy nên khi mình nghe vị ấy giảng, mình sẽ thấy hợp lý.
**
57.
Khi con chưa tu hành, con cũng hay nghĩ, thầy này hay, thầy kia dở. Nhưng khi con tu hành rồi, thì con không giữ tâm khen chê, tâm đúng sai ấy nữa. Do căn cơ, do nguyện hạnh, trở thành như thế nào là việc của họ. Có duyên với người nào, giảng hay giảng dở, giảng đúng giảng sai thì cũng là việc của họ.
**
58.
Trên đời này, còn có ai giỏi hơn Đức Thế Tôn nữa đâu, nhưng ngài cũng luôn để cho mọi sự theo hữu duyên mà diễn ra, chớ ngài không có cố tìm mọi phương tiện để độ cho ai cả.
**
59.
Nhân quả tự nhiên. Mọi sự do duyên mà thành, chớ Đức Phật cũng không có ép ai tu cả. Ngài nói cho biết, rồi ai muốn học, muốn làm theo, thì cứ học, cứ làm theo. Hữu duyên thì tự nguyện hành trì, đấy là phước báu riêng của mỗi người. Mỗi người mỗi duyên, vì thế nên, mình thích nghe vị nào, vị nào nói mình hiểu, thì mình học vị đấy. Mình tư duy để vững thêm niềm tin.
**
60.
Hiện nay, có rất nhiều chùa, nhiều sư giảng pháp, và cũng rất nhiều kinh sách. Nhưng nên lựa kinh sách gốc mà đọc.
**
61.
Có nhiều gia chủ, họ tự xây chùa to bằng khả năng của họ chớ không quyên góp từ Phật tử. Ví dụ như anh, gặp sư Giác Khang, mến mộ sư, anh xây một tịnh xá to đẹp rồi mời sư về ở. Nhưng ở hay không, thì lại là quyền của sư Giác Khang. Và sư cũng sẽ không bao giờ nói anh phải xây chùa, hay xây chỗ này, hay xây chỗ kia. Vào ở trong những ngôi chùa to lớn, đẹp đẽ, là do phước báu, phước phần của vị sư ấy.
**
62.
Còn tu theo lối phạm hạnh, thì lại thường không muốn ở những nơi ấy. Họ thường ở rừng, ở núi, ở những chỗ hạnh A Lan Nhã. Thời Đức Thế Tôn, cũng có một số sư họ ở tịnh xá, ở với chúng, chứ cũng không nhất thiết phải ra rừng, ra núi. Không phải ai cũng Hạnh Đầu Đà. Không phải ai cũng giống ngài Ca Diếp. Mỗi người mỗi căn duyên, miễn sao mình đạt được trí tuệ giải thoát, hạnh nguyện giải thoát.
**
63.
Tùy theo mức độ phát nguyện. Chẳng hạn như họ phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì chắc chắn phải tu khổ hạnh rồi, phải đi khất thực rồi. Nhưng có người phát nguyện tâm giải thoát để được Phật độ, thì họ cũng không cần phải sống đời sống phạm hạnh như thế. Cho đến khi, họ gặp được một vị Chánh Đẳng Giác, họ độ cho như thế là xong. Nên tùy theo duyên, tùy theo căn cơ của từng người. Như thế nào thì cũng vui vẻ, và tốt đẹp.
**
64.
Nếu mình tán thán những người không xứng đáng được tán thán, mình vẫn bị đọa địa ngục. Nếu mình vào hùa, đóng góp cho những người sai trái, để họ thực hiện điều sai trái, là mình cũng bị mắc nghiệp.
**
65.
Chỉ tán thán những người đáng được tán thán. Và với những người đáng bị chỉ trích, thì mình sẽ lên tiếng, chớ không im lặng. Những sai trái, những mê tín dị đoan, những tà ma ngoại đạo, lừa đảo dân chúng, thì mình phải nói. Đức Phật dạy là, chỉ trích khi đáng bị chỉ trích, tán thán khi đáng được tán thán.
**
66.
Tu hành là nhân duyên. Khất thực là nhân duyên, là phước báu, không phải ai cũng có thể đi được như thế. Ngài Xá Lợi Phất, đi khất thực một mình, nhưng ngài Sivali, khi đi khất thực, đi cả tăng đoàn. Trốn đi, ngồi trên núi rồi mà dân chúng vẫn gánh đồ lên để cúng dàng. Là do duyên, do phước của ngài Sivali.
**
67.
Trước khi con thọ thực, thì thời điểm đó là thanh tịnh nhất, ai muốn bố thí cho con bao nhiêu cũng được. Nhưng khi con ngừng, con đủ, con không nhận nữa, và khi con ăn xong rồi, là sẽ không nhận thêm bất kỳ gì nữa. Nhận nhiều mà dùng không hết, trước là lãng phí, sau nữa là mang nặng, lôi thôi lếch thếch, mất oai nghi của người tu hành. Nhiều người không biết, nên họ thường bị lỡ những cơ hội bố thí.
**
68.
Khi phước báu hết, sát sanh đòi mạng hay là nghiệp tới, bệnh tật thì còn khổ nữa. Giờ mình phải làm điều thiện cho thiệt nhiều, rồi hồi hướng công đức cho chúng sanh mà mình sát hại, mong cho họ được siêu thoát, được tới những chỗ an lành, tốt đẹp. Họ tốt đẹp thì mình cũng tốt đẹp. Họ khổ đau thì họ cũng oán thán, khiến mình cũng sẽ khổ đau.
**
69.
Cho dù có chết, con cũng không vì những chướng ngại mà bỏ cuộc học tập.
**
70.
Con bây giờ, không là sư là thầy gì cả. Con cũng không nhờ giáo hội, nhờ cha mẹ hay bất kỳ một ai, công an hay chính quyền để bảo hộ cho mình. Con đi tu, con bỏ hết, không cần những điều đó nữa. Người ta tốt với con thì con cũng vui vẻ. Người ta gây khó khăn cho con, con cũng vui vẻ, cũng đều chấp nhận chứ không sợ sệt, không hối tiếc, hối hận, không lo lắng rằng ai sẽ bảo vệ cho mình.
**
71.
Trước đây, con cũng sát sanh, làm điều ác, giờ con đi để bòn chút công đức, hồi hướng công đức cho những nghiệp mà con đã tạo ra, sửa lại nghiệp, hướng tới tương lai giải thoát cho mình.
**
72.
Con tập cuộc sống không nhà, không chùa. Chỗ nào ở cũng vui vẻ, không cần to, không cần sạch. Sống với hoang dã, thiên nhiên, xả bỏ, có bị tạt, có ướt một tí thì con cũng vui vẻ.
**
73.
Tùy sở nguyện, nguyện hạnh, tùy nghiệp lực, căn cơ, phước báu của người tu. Có khi người ta ăn mặn mà người ta lại bỏ được tham sân si trước người ăn chay. Đạt được thiền định, trí tuệ, quả vị Phật rồi hãy nói, hãy khuyên người khác ăn chay hay ăn mặn. Lúc ấy, lấy chính thành tựu của mình ra rồi nói, thì người ta mới nghe theo.
**
74.
Ai muốn học Phật pháp thì phải nghe kinh, và hiểu được kinh. Đúng sai, chánh pháp hay không chánh pháp, phải chờ Đức Phật Vị Lai Maitreya ra đời.
**
75.
Theo nhà Phật, thì tất cả mọi điều, đều là có nhân quả, nghiệp duyên, mệnh chung. Tuổi thọ, phước báu, nghiệp duyên đã tận, thì phải chết thôi, không có chuyện trùng, không có chuyện bắt. Việc thiện của mình đã tạo thì không ai đoạt được cả. Còn như làm điều ác, nghiệp đã tới rồi, kiểu gì cũng phải chết chớ không cần trùng tang.
**
76.
Những người làm việc ác nhiều quá, phước yếu, không được ai hộ mệnh, bị các thế lực ở ngoài họ quấy phá, khiến điên loạn, khiến đoản mệnh cũng có nữa. Họ đang sống, bị các thế lực khác chọc ghẹo, trêu ghẹo, lại không có thế lực nào bảo vệ, bênh vực, bèn loạn tâm, tức riết, buồn khổ riết, trầm cảm riết, u uất riết, ưu sầu riết mà sanh bệnh.
**
77.
Trong kinh, Phật có kể câu chuyện, có người, từng giết năm trăm con dê để cúng tế. Người đó, cũng phải tái sinh lại, năm trăm lần hóa thành con dê để bị giết mà trả mạng lại cho chúng sanh. Sau bốn trăm chín mươi chín lần, lần cuối cùng thành dê thì được Bà La Môn mua về để mổ thịt cùng tế. Vì Bà La Môn nghe được tiếng dê, nên mới nói, thôi, ta tha chết cho ngươi đó. Nghe vậy, con dê bèn vừa khóc vừa cười mà bạch: nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông, to lớn thay là nghiệp lực của ta đã làm từ đời trước. Nên, kể cả Bà La Môn có tha mạng, không nỡ giết để tế lễ, nhưng rồi, sau đó, ngọn sét đánh vào mảnh đá, đá văng vào cổ dê, cắt chết.
**
78.
Con chỉ nghe kinh sách thôi, con không nghe radio, mà cũng không nghe điện thoại nữa.
**
79.
Nhiều sư không thích quay hình đâu. Vì con đang tập hạnh buông bỏ, xả bỏ, kham nhẫn, nên họ quay lung tung, video, clip, youtube, con cũng không nói gì và cũng không né tránh. Nhưng cần gì, thì cứ thắc mắc, con sẽ dành ra một hôm để chia sẻ cho mãn nguyện, chớ đừng ngày nào cũng tìm lên, không tốt. Hoặc quay nhiều lần để dựng thành phim về con là cũng không nên, vì con vẫn còn đang tập học.
**
80.
Việc quay phim hoài cũng dễ khiến cho người được quay nổi lên tâm ưa thích. Mọi người thấy vui vẻ, hạnh phúc là được nhưng con cũng cần thời gian riêng để tu tập. Lo mà tu để sau này không phải hối tiếc.
**
81.
Con bây giờ chưa chứng đạt gì cả. Con chỉ đang học theo lời Phật dạy, lên đường, tu hạnh ba y một bát, sống nơi rừng rú, nghĩa địa, hoàn thiện cuộc sống không lệ thuộc. Tu để mình không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hướng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, để giải thoát.
**
82.
Những việc ác, tuy có lợi trước mắt nhưng sau này, nghiệp tới, thân hại mệnh chung, nhân quả đến với mình, sợ nhất là đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, khổ lắm.
**
83.
Cuộc đời là thế, luôn có nhân duyên, nhân quả. Phước hết, phước báu hết, các thế lực ác đến tấn công, làm cho mình quay cuồng, mệt mỏi, rã rời, mất đi sự tỉnh táo. Nghiệp đến, bệnh tật đến, sức khỏe tiêu tan, dẫn đến lo lắng. Suy nghĩ lại, mới nhận ra, do mình đã làm những điều ác trong quá khứ. Giật mình, muốn làm việc thiện bù đắp, cũng không kịp được nữa, muộn mất rồi.
**
84.
Nghiệp xô tới thì mình phải chấp nhận nhưng không bỏ cuộc. Hãy vẫn cứ gắng làm việc thiện để chuộc lại phần nào việc ác đã gieo, và dứt khoát, không tiếp tục làm ác nữa, để dành dụm chút phước cho tương lai sau này của mình.
**
85.
Con đường bộ hành khất thực là nhân duyên tốt của con. Tốt nên con mới thấy hạnh phúc. Chủ yếu là con học tập thêm đạo đức khi con bộ hành. Bây giờ còn khỏe thì mới đi được. Già rồi, làm sao đi.
**
86.
Con bỏ chùa, bộ hành, khất thực là nhân duyên thôi ạ. Điều này cũng giống như việc, con đang ở nhà, thì con xuất gia, vào chùa. Và khi vào chùa một thời gian, thì con lại bỏ ra ngoài tu thôi, chẳng tham đắm gì trong chùa nữa.
**
87.
Con đi tới chỗ nào có nhà hoang của người ta bỏ, hoặc nghĩa địa, hoặc nhà dân cũng được, nhưng họ có đồng ý, cho phép, thì con mới ngồi lại nghỉ. Con đi như thế này cũng nhờ có dân giúp đỡ, con mới tập học được, chớ con cũng không tài giỏi gì. Như cây rừng tựa vào nhau mà sống. Con vừa đi vừa cố gắng học và vui vẻ với nhân duyên của mình.
**
88.
Con cứ đi thôi, con không đặt mục đích nào cả. Bao giờ tới thì tới. Mọi sự tùy thuộc vào duyên ạ.
**
89.
Con bộ hành là để thực tập Chánh Niệm. Con thực tập tỉnh thức, không để mình bị mê mờ. Con bước đi trong tỉnh thức. Bằng bước chân của mình, con tập cho mình luôn tỉnh thức.
**
90.
Con bộ hành còn là để thực tập sống đạo đức. Ba y một bát, hôi hám, bẩn thỉu, dơ dáy, không nhà, không chùa, không tiền, nhưng không vì thế mà con xấu hổ, không vì thế mà con buồn khổ.
**
91.
Con bộ hành còn là để vượt qua các thiếu thốn, thiếu tiện nghi, bất tiện khi phải ở ngoài đường. Ngày thì xin ăn. Đêm thì muỗi cắn, chưa kể rắn rết, chưa kể có chỗ, người ta đuổi xua, không cho mình nghỉ lại trên đất nhà người ta, vì người ta nhìn con thế này, người ta nghi ngờ con là kẻ bất lương.
**
92.
Con bộ hành còn là để vượt qua các chướng ngại trong thời tiết, trong khí hậu, nắng, mưa, nóng, rét.
**
93.
Dù có khó khăn đến thế nào, con cũng vẫn tiếp tục bộ hành, khất thực, tập học.
**
94.
Con đang bộ hành mà mưa thì con sẽ ghé nhà, hoặc các chòi lá bên đường, con xin người ta tá túc, qua cơn mưa rồi con sẽ đi tiếp. Con đi là để tập luyện tâm bình thản. Con không có mục đích gì nên con cũng không vội vã, bao giờ đến thì đến, bao giờ đến cũng được.
**
95.
Khi xuất gia, con có xin phép cha mẹ con, cha mẹ con có đồng ý thì con mới đi. Nhiều lúc, con cũng định về thăm, mà lại thôi. Vì trở về, lại sinh ra ái luyến, buồn bã, phiền não thì không nên.
**
96.
Con chưa giúp được cho mình thì làm sao giúp được cho cha mẹ. Con luôn cầu mong cho cha mẹ con được sống hạnh phúc.
**
97.
Khi con bộ hành, khất thực, sống ở ngoài đời, theo lời Phật dạy như thế này, thì con cũng đã xem anh, xem cô đây, đều như người thân của con, đều là anh em, cha mẹ của con. Sao cho mọi chuyện tốt đẹp là được ạ.
**
98.
Tu để được giải thoát khó khăn lắm chớ không dễ dàng gì, phải có đủ nhân duyên. Nghiệp con còn đầy rẫy, nặng nề, biết đến khi nào mới thoát ra được. Trước mắt, con đi là để học tập đạo đức, làm việc thiện, bòn mót chút công đức.
**
99.
Công đức chưa có, không làm sao mà giải thoát được. Bòn phước. Bòn phước. Việc bòn mót này còn cần nhiều lắm. Phải năng làm việc thiện cho công đức ngày mỗi nhiều lên, thì mới có cơ may giải thoát được. Nam Mô A Di Đà Phật.