SƯ MINH TUỆ, HÀNH GIẢ TU HẠNH ĐẦU ĐÀ, TRĂM NĂM TRƯỚC KHÔNG CÓ, TRĂM NĂM SAU, BIẾT CÓ CÒN LẶP LẠI

SƯ MINH TUỆ, HÀNH GIẢ TU HẠNH ĐẦU ĐÀ, TRĂM NĂM TRƯỚC KHÔNG CÓ, TRĂM NĂM SAU, BIẾT CÓ CÒN LẶP LẠI

SƯ MINH TUỆ - BỘ HÀNH VỀ MIỀN ĐẤT PHẬT

PHẦN I. LIVE STREAM (1): AI LAO - NGÀY THỨ MƯỜI CHÍN
(PHÁT TRỰC TIẾP 30.12.2024)

I/ NỘI DUNG

1. ÔNG GIÁP CẦM MÁY QUAY

Ông Lê Khả Giáp: Đây là một ngôi chùa rất lớn. Hôm qua, anh Lam ngủ ngồi, đúng không? Anh ngủ ngồi được mấy tiếng? Và ngủ được mấy bữa rồi? Khó, phải không anh?

Ông Lam: Đúng rồi. Nhưng ngủ tới 12 giờ là chuyển sang ngủ nằm. Ngủ đã được bữa thứ hai. Khó là do mình. Dưới đất không bằng phẳng, nên khó chịu. Cây cũng phải lựa cây phù hợp, mới dựa được đầu, ngủ được lâu hơn. 

Ông Lê Khả Giáp: Bữa trước là ăn một bữa, rồi bây giờ lại học ngủ ngồi. Nếu đi dài ngày cùng các thầy, anh có đợi các thầy xả y, để lấy y của các thầy không?

Ông Lam: Lấy giữ làm kỷ niệm thì được, chứ còn để mặc y lên thì khó. Thứ nhất, duyên chưa tới. Thứ hai, còn nhiều nghiệp mình phải trả, nên chưa thể nào đi theo bước các thầy được.

Ông Lê Khả Giáp: Anh Báu hôm qua ngủ thế nào, có lạnh không?

Ông Báu: Có lửa, có mái che, có túi ngủ nữa, cũng ấm. Đêm nay chưa ngủ ngồi, để coi Lam ngủ ngồi thế nào.

Ông Lê Khả Giáp: Đi đầu là thầy Minh Tạng, kế đến là thầy An Lạc, thầy Chơn Trí, thầy Minh Trí, thầy Vô Sanh, thầy Minh Tuệ.

Trước khi nhận bố thí, thì các thầy lên cảm ơn vị sư trụ trì ở đây. Thầy trụ trì đang quỳ xuống để đánh lễ các thầy.

Anh Lam ăn có ngon không?

Ông Lam: Ngon. Đồ ăn rất là nhiều. Hồi xưa, sáng ra, ăn một tô hủ tiếu, một tô bún riêu, là thấy no. Bây giờ, phải ăn gấp ba, gấp bốn lần như thế. Nãy là ăn hai phần cơm, một phần mì. Ăn thêm hai trái bắp nữa.

Ông Lê Khả Giáp: Sau bốn, năm ngày ăn một bữa, anh có thấy tốt đẹp không?

Ông Lam: Bình thường. Chỉ có sáng nào mà mình hoạt động nhiều hơn bình thường chút xíu, thì lúc ấy hơi đuối thôi, chứ cũng không có vấn đề gì lớn lao cả.

******

2. ÔNG BÁU CẦM MÁY QUAY

Ông Lê Khả Giáp: Ăn ngon miệng không anh?

Ông Đoàn Văn Báu: Ngon. Ăn có nhiêu đâu. Ngày ăn hai bữa, mỗi bữa ba tô, chớ có nhiêu đâu. 

Các thầy ăn một bữa, và làm thế nào để có thể duy trì được sức khỏe, điều đấy cũng là khoa học lắm đó các bạn. Các thầy ăn chậm, nhai kỹ. Bữa thọ thực của các thầy, kéo dài khoảng một tiếng, như vậy mới no lâu được. 

Mình thường quen ăn vội, ăn nhanh. Lý do tôi ăn hai bữa là để duy trì sức khỏe để làm tốt việc hỗ trợ các thầy, suốt từ sáng đến tối.

Ông Lê Khả Giáp: Mình phát nguyện, sang Ấn Độ sẽ ăn chay trường. Ngủ ngồi hay ăn một bữa, mình chưa dám chắc, nhưng ăn chay là mình sẽ làm được các bạn ạ.

Ông Đoàn Văn Báu: Tôi ăn ngày hai bữa. Ăn nhiều vào bữa sáng, bữa chiều thì ăn nhẹ. Sáng, tôi ăn một tô phở, một hộp rau trộn, một trái bắp, một tô đậu hũ, là no rồi.

Còn các thầy sẽ ăn khoảng một tiếng, và tất cả các thầy, đều không tích trữ thức ăn. Tài sản thì chỉ vài cây kim, cuộn chỉ, pin năng lượng để nghe kinh. Và số một, là các thầy không cất giữ tiền.

Các thầy, ăn ngày một bữa. Có bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Có bạn hỏi, nhiều như vậy, sao ăn hết? Thường thì các thầy cho lại người khác, và nếu như, sau khi ăn xong, còn dư một chút, các thầy mở gói ra và bỏ vào rừng cho côn trùng ăn, hoặc phân hủy tự nhiên.

Nhóm này là các anh công an Lào, họ cũng ở huyện này. Đêm qua có tới mười mấy người. Chúng tôi bảo vệ vòng trong, còn công an, bảo vệ vùng ngoài.

Giáp sắp tới đây, sẽ về khoảng mười ngày. 

Bữa trước, hội Việt kiều ở Lào, cũng căng băng-rôn, khẩu hiệu, mời thầy vào chùa giao lưu, nhưng thầy từ chối. Thầy nói, thầy không muốn như vậy.

Còn chùa này thì sư trụ trì biết thầy đi ngang, nên nhờ các anh công an, mời thầy vào thăm chùa. Chùa có nhiều cây cối, phía dưới, còn một khu rừng núi đá nữa, nên khi vào đây, thì các thầy chọn xuống rừng và núi đá đó, các thầy nghỉ qua đêm.

Cũng hôm qua, có nhiều bạn hỏi, là tại sao thầy lại đi vòng quanh tượng của Đức Thế Tôn bảy vòng. Điều này có trong quy định của giới luật. Có thể đi ba, hoặc bảy, hoặc mười, hoặc một trăm vòng, là tùy theo nguyện. Các nghi lễ thầy thực hiện, tôi chưa kịp hỏi thầy, nhưng khi tìm hiểu, thì tôi thấy đó là quy định. Thậm chí, bước chân nào trước, bước chân nào sau, đi về bên trái thì bước chân trái trước, đi về bên phải thì bước chân phải trước, rồi đảnh lễ như thế nào, tất cả đều có quy định theo giới luật, chứ không phải thích làm như thế nào thì làm.

Thời tiết ở Lào, ngày se se lạnh, đêm lạnh nhiều, buổi trưa thì có gió lớn. Gió lớn ở đây người ta gọi gió Lào. Gió lồng lộng, cấp bảy cấp tám.

Sắp tới, đoàn đi lên miền Bắc Thái Lan, thì thời tiết của Thái cũng tương đối lạnh. Vào dịp Tết này, người Thái sẽ đón giao thừa. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức một cái Tết nho nhỏ cho các tình nguyện viên.

Nhiều người bàn tán trên mạng, nói đoàn đã sang Thái Lan rồi. Với các thầy, đi không phải để đến, mà đi là để tập học.

Hôm qua, có một chị nhắn tin cho tôi, em nói như vậy là sai với kinh sách, cũng như không thể hiện sự thành kính với thầy và các vị sư. Tại sao lại gọi là bố thí và khất thực? Chị ấy cho rằng, phải dùng từ dâng bát, cúng dường. Chị ấy còn khẳng định, chị ấy đã tra trong từ điển Phật học. 

Tôi trả lời ngay với chị ấy là, thầy vẫn dùng từ khất thực, bố thí, và đây là từ đúng trong hành Pháp. Phật tử sẽ bố thí cho các sư đi khất thực.

Và khi tôi hỏi thầy thì thầy trả lời: Con có là gì đâu mà dâng bát? Con có là gì đâu mà phải cúng dường? Con chỉ là người đang tu tập, nên dùng từ bố thí và khất thực là đúng nhất.

Thầy rất khiêm cung, đúng mực, kể cả hành xử lẫn lời nói. Còn khi chúng ta dùng những từ cao vời, hay còn gọi là “vọng ngữ”, thì thầy cũng sẽ không đón nhận đâu.

Cũng như vậy, quý vị để ý thêm, sẽ thấy, ai đảnh lễ cung kính, ở mức độ vừa phải, thì thầy sẽ đón nhận rất hoan hỷ. Nhưng ai mà quỳ mọp xuống, lạy sùm sụp mấy chục cái như tế sao, rồi khóc, rồi than, sướt mướt, trời ơi, thầy ơi, con nhớ thầy quá, con từ Việt Nam sang, thầy đều quay mặt đi chỗ khác hết.

Hôm qua, có một nhóm đi vào với sư Minh Khổ, chưa gì, đã có một anh, quỳ trước cổng chùa, khóc lóc, trời ơi em từ Việt Nam sang, em mong gặp thầy. Tôi trả lời, em khóc như thế này, thì thôi, đừng vào. Chưa gặp thầy mà em đã như thế này rồi. Gặp thầy, em còn như thế nào nữa?

Hôm nay, sau khi các thầy thọ thực xong, đoàn sẽ đi chừng 20km nữa thì đến cửa khẩu Lào Thái và sẽ ở tại đó. Sáng mai, sẽ nhập cảnh vào đất Thái.

Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện này, nhằm để các bạn hiểu thêm về sự chuẩn mực, cũng như việc nắm rất rõ Phật Pháp của thầy.

Hôm qua, sau khi thầy đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, sư trụ trì của chùa, mới mời thầy vào trong để đàm đạo.

Sư trụ trì đưa thầy đến gian phía sau chánh điện, nơi đó thờ xá lợi, là gót chân, để trong một tháp như ngôi mộ, của vị sư trụ trì đầu tiên nơi đây. Phía trên, có tượng của vị sư trụ trì đó, và sư mời thầy đảnh lễ.

Thầy cẩn thận, hỏi lại anh Ngân. Khi biết đó là xá lợi, thầy chỉ đứng xá xá tay, rồi thầy xin ra chánh điện để đảnh lễ đức Thế Tôn.

Mới thấy, trong giao tiếp, thầy rất khéo. Vậy mà, nhiều người nhắn tôi, cần phải góp ý với thầy cùng đoàn, về nghi thức ngoại giao, nghi lễ ngoại giao.

Nghi lễ, nghi thức trong đạo Phật của tôi, làm sao bằng thầy, làm sao qua được thầy, mà yêu cầu tôi, góp ý về nghi lễ của các vị sư? 

Cứ đi theo thầy học hỏi, tôi đảm bảo với các bạn rằng không sai cái gì hết. Đảnh lễ với ai, lạy ai, lạy tượng gì, thầy cũng đều có lý do hết, chứ không phải tự nhiên. Thầy không vô thức như chúng ta. Thầy chuẩn mực. 

Chúng ta học thầy còn chưa hết, làm sao đủ hiểu biết và trí tuệ mà góp ý cho thầy? Còn góp ý về nghi lễ ngoại giao, thầy có phải là chính trị gia, đi bang giao các nước đâu, mà góp ý?

Anh Hải, anh chạy xe 67, từ Việt Nam sang. Anh ăn sáng chưa anh? Anh đi từ đâu sang đây?

Ông Hải: Đi từ Bảo Lộc. 

Ông Đoàn Văn Báu: Hôm qua xe bị hư hay hết xăng hả anh? 

Ông Hải: Hôm quá, xe bị hết xăng dọc đường, khuya quá, cây xăng đóng cửa, anh đẩy bộ, hên, có người bán xăng.

Ông Đoàn Văn Báu: Tối, anh ngủ đâu? Anh đi từ ngày nào?

Ông Hải: Anh ngủ gây xăng luôn. Ngày 27, có hộ chiếu. Ngày 28, anh bắt đầu đi. Chạy từ Gia Lai, qua tới đây, không ngủ. 

Ông Đoàn Văn Báu: Vậy là chạy một mạch gần 800 cây số. Sáng nay, anh bố thí cho thầy ổ bánh mì. Chỉ một ổ bánh mì thôi, và thầy đã nhận. Anh cũng đã đảnh lễ với thầy, chụp hình chung. Vậy là quá tốt đẹp. 

Anh đội nón màu xanh đứng kia, sẽ là tình nguyện viên tuyến Thái Lan, tên là Hùng.

Anh ấy hơn tôi mấy tuổi, nhưng từng trải, giỏi cả tiếng Thái lẫn tiếng Lào, có mối quan hệ rộng với cả hai nước này.

Ngoài ra, đoàn còn có thêm hai tình nguyện viên khác và một tài xế người Thái. Đây là vợ anh Hùng. Khi nghe anh Hùng nói, sẽ là tình nguyện viên cho đoàn, chị không những đồng ý, mà còn qua đây để hỗ trợ đoàn. Anh Hùng sẽ đưa đoàn qua hết địa phận Thái Lan, đến cửa khẩu Myanmar. Nếu được, anh sẽ đi tiếp. Nhưng tại Myanmar, tôi cũng đã có tình nguyện viên rồi. 

Thầy đi tới đâu, năng lượng tích cực sẽ tới đó. Tôi chỉ cần ngỏ lời, là ngay lập tức, có người tài năng, giỏi giang giúp đỡ. 

Các bạn biết không, anh Phú Ngân, nhìn ảnh hiền và vui, vậy mà là một sĩ quan cao cấp của Lào về an ninh tôn giáo, rất hiểu về tôn giáo, cả ở Lào lẫn Việt Nam. Lễ nghi tôn giáo, hay các sư trụ trì tại các chùa trên đất Lào, anh biết hết. 

******

3. ÔNG GIÁP CẦM MÁY QUAY

Bộ đàm là để các anh em trong nhóm hỗ trợ liên lạc với nhau, mỗi khi có người lên xe đi trước tìm chỗ nghỉ, và anh em phía sau, đi bộ tháp tùng đoàn. 

Hành trình đi qua nước Lào là ngắn nhất. Qua Thái Lan sẽ lâu hơn. Myanmar cũng xa và nhiều khó khăn nữa, vì bên đó, đang nội chiến, rất căng thẳng. Ấn Độ là lâu nhất, vì đất nước Ấn rộng lớn và các điểm quan trọng, nơi các thầy cần đến cũng nhiều: nơi Đức Phật thành đạo, nơi Đức Phật nhập niết bàn, nơi Đức Phật lần đầu giảng đạo. Nơi Đức Phật đản sinh thì ở Nepal. 

Tuy vậy, mình lại có cảm giác như, đi tới đâu, các khó khăn lại được mở ra tới đó, như được chư thiên phù trợ.

Cũng có thể, sau hành trình này, thầy sẽ ẩn cư tại Nepal, hay tại núi Himalaya, hoặc duyên sang Butan nữa. Cũng có thể Nepal là lâu nhất. 

Bên Ấn Độ, rất ít người theo đạo Phật. Đa số họ theo đạo Hindu.

Các thầy đang bắt đầu đốt rác sau khi thọ thực, và chuẩn bị lên đường.

Mình ăn chay mới có mấy ngày thôi, vậy mà mùi cơ thể, dù trời nóng, cũng không tiết ra nhiều. Nên các thầy, ăn chay nhiều năm rồi, lại chỉ ăn ngày một bữa, cho dù không phải ngày nào cũng tắm, nhưng da thịt cũng không toát ra mùi khó chịu.

Ngoài bộ hành, khất thực, các thầy cũng cần phải có thêm thời gian riêng tư, một mình trong tĩnh lặng để tu tập, nên nhóm hỗ trợ cũng phải ngăn cản những trường hợp muốn gặp thầy trong lúc nghỉ ngơi.

Mong các bạn, các anh chị, cô chú, yêu kính các thầy, hiểu giúp cho điều đấy, cũng như mong, hiểu cho cả anh em bọn mình nữa. 

******

II/ CẢM NGHĨ

1. SƯ MINH TUỆ, HÀNH GIẢ TU HẠNH ĐẦU ĐÀ, TRĂM NĂM TRƯỚC KHÔNG CÓ, TRĂM NĂM SAU, BIẾT CÓ CÒN LẶP LẠI.

Tôi thích cách nói chuyện của ông Lam trong video này, và nhiều video khác: từ tốn, bình tĩnh, chừng mực, câu nói ra tròn trịa, đủ nghĩa câu, không dùng sai từ nên cũng không bị nhầm, bị hố. Còn ông Giáp, kiến thức về Phật học của ông cũng còn yếu, ông rất cần phải bổ sung thêm, thì mới có thể làm tốt công việc thuyết minh của mình. Trong video này, ông cũng nói sai nhiều từ, chẳng hạn như sadhu, lành thay, tốt thay, hay thay, ông lại nhầm, ý nghĩa của “xà thú”, giống như câu niệm A Di Đà Phật. 

Ông Giáp trong thuyết minh, dẫn chuyện, thường hay dự đoán, và các dự đoán của ông, trật nhiều hơn trúng. Ví dụ như ở phút thứ 10 của video, ông nói, ở Lào, chờ đảnh lễ, cúng dường, đến hàng trăm người, nhưng có khi, qua Thái, sẽ có đến hàng ngàn người (!). 

Ông Giáp có thói quen chủ quan khi phán đoán về ngày mai, tương lai. Tương lai, sư ông Viên Minh vẫn thường nhắc, không bàn tới, chúng ta, chỉ nên sống trong, chỉ nên sống với thực tại mà thôi. Video của ông, hay bị lan man sang ẩm thực, con người, phong cảnh của địa phương đi qua, nên các thước phim quay về sư Minh Tuệ cùng các sư khác trong đoàn, chiếm không tới 1/2 video. Làm video về sư, nhưng hình ảnh và những câu chuyện về các sư lại chiếm một thời lượng rất ít. 

Ông cũng thường nhắc về sự hy sinh của vợ ông khi đồng ý cho ông đi theo đoàn, nhưng tôi thiển nghĩ, việc đi theo đoàn sư sang Ấn Độ, là một may mắn lớn của những người làm công tác hỗ trợ. Không biết bao nhiêu người ngoài kia, mơ ước vị trí của các ông mà không được. Ngoài thu nhập từ YouTube, các ông còn được công nhận như những người có công đức lớn lao, đối với các hành giả tu hạnh Đầu Đà, trăm năm trước không có, trăm năm sau, không biết còn lặp lại hay không. 

Tôi đoán, có lẽ vợ ông Giáp gần ngày sinh, điều đó, ít nhiều, ảnh hưởng và chi phối tâm trí ông, nên sự mạch lạc và nhất quán khi thuyết minh, có phần lung lạc, âu đó cũng là lẽ bình thường, dễ hiểu, dễ thông cảm. 

******

2. SƯ MINH TUỆ, KHÔNG PHẢI LÀ CHÍNH TRỊ GIA NÊN KHÔNG CẦN PHẢI BIẾT CÁC NGHI LỄ NGOẠI GIAO

Ông Báu, khi cầm máy quay, dẫn chuyện tốt. Ông chú mục vào nội dung trọng tâm, nên không đi chệch ra ngoài chủ đích của livestream. Ông cũng có nói về ông, nhưng ông không quên các sư, không lạc đề.

Tuy dẫn chuyện mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết, nhưng chất giọng ông Báu hơi nghiêm, hơi hình sự. So với ông Giáp, thì giọng ông Giáp nghe nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Đôi lúc, ông Báu cũng có nói sai, như hôm nay, Đức Thế Tôn, mà ông cứ nhầm thành Đức Thánh Tôn. 

Hôm sư Minh Tuệ trả lời phỏng vấn BBC, sư có nói, đại loại, điều làm sư rất vui, là ông Báu, giờ đây, đã vui vẻ, và dễ chịu hơn rất nhiều, so với ngày đầu, trong đối xử với những người đeo bám theo đoàn. Còn tôi, trong video này, tôi thấy ra, ông ấy rất kính trọng sư. Chỉ nội điều đó thôi, việc ông làm trưởng nhóm hỗ trợ, cũng xứng đáng, đó là còn chưa kể đến sự tháo vát, có khả năng tổ chức, nhìn xa, trông rộng, và thành thạo việc bảo vệ yếu nhân. 

Ông Báu chỉ cầm máy quay có ba mươi phút, so với ông Giáp, cầm máy quay với thời lượng gấp ba lần, một tiếng ba mươi phút, mà tôi ghi chép được nội dung rất nhiều từ ông Báu, còn ông Giáp, tôi chẳng ghi được gì. Ông Giáp rất lan man, và phong cách cầm máy của ông, đến nay, vẫn là phong cách du lịch trải nghiệm, dù đã có đến hai mươi ngày theo chân đoàn sư Minh Tuệ bộ hành, khất thực. 

******

3. QUÁ KHỨ KHÔNG TRUY TẦM, TƯƠNG LAI KHÔNG BÀN ĐẾN, CHỈ SỐNG VỚI THỰC TẠI

Khi cầm lại máy quay, ở phút thứ 1:45:52, ông Giáp cho biết: cũng có thể, thầy sẽ ẩn cư tại Nepal. Câu này, lại khiến tôi nhớ đến lời của sư ông Viên Minh: quá khứ không truy tầm, tương lai không bàn đến, chỉ sống với thực tại.

Vì vậy, có nên chăng, nhóm hỗ trợ sư Minh Tuệ, nói về những dự báo, dự đoán, nói về những điều, mà ngay cả khi, sư Minh Tuệ có từng nói qua. 

Mọi chuyện ở thì tương lai, thay đổi vô chừng, làm sao biết được? Các ông nói riết về sự ẩn cư của sư Minh Tuệ, sẽ khiến các độc giả, lâu ngày, nhầm tưởng đó là phát nguyện của sư Minh Tuệ, thì không hay chút nào.

Không nên nói thay cho người khác, đặc biệt, với sư Minh Tuệ, một vị hành giả đang được không biết bao người trên hành tinh này kính trọng, ngưỡng mộ, dõi theo từng giờ, từng phút - thì lại càng phải cẩn trọng, không nên nói thay lời cho sư. 

******

Xin được tán thán sư Minh Tuệ, tán thán hạnh nguyện của ngài, kính chúc ngài đạt được thành tựu trọn vẹn trên con đường tu tập.

Cảm ơn và mến chúc các bạn đọc an lạc.

Sài Gòn 09.01.2025
Phạm Hiền Mây

******

Nguồn:

Văn bản tường thuật, trò chuyện trên, được chuyển thoại từ video: Tiến Về Thái Lan - Trụ Trì Chùa Tới Đảnh Lễ Chúc Sư Minh Tuệ Thượng Lộ Bình An. Phát trực tiếp ngày 29.12.2024, trên kênh YouTube Lê Khả Giáp.

Bài mới

SƯ MINH TUỆ, HÀNH GIẢ TU HẠNH ĐẦU ĐÀ, TRĂM NĂM TRƯỚC KHÔNG CÓ, TRĂM NĂM SAU, BIẾT CÓ CÒN ...
Ông Lê Khả Giáp: Đây là một ngôi chùa rất lớn. Hôm qua, anh Lam ngủ ngồi, đúng khô...
NGHĨ VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐÃ DIỄN RA TRONG CHUYẾN HÀNH HƯƠNG VỀ ĐẤT PHẬT CỦA THẦY MINH TUỆ
Chuyến hành hương về miền đất Phật của thầy Minh Tuệ đang thu hút sự chú ý của hàn...
NGOÀI BA Y MỘT BÁT, CON KHÔNG CÓ GÌ NỮA CẢ
Thưa các bạn, BBC News Tiếng Việt, một lần nữa, có dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ vào n...
NGÀY MAI TRONG SỐ CHÚNG TĂNG ẤY / CÓ KẺ RA VỀ BỎ CUỘC CHƠI
Ông Lê Khả Giáp: Còn chừng ba, bốn cây số nữa, đoàn sẽ sang tới đất Thái Lan. Cá...
VÌ SAO SƯ MINH TUỆ TIN TƯỞNG ÔNG ĐOÀN VĂN BÁU?
Ông Đoàn Văn Báu được xem là một nhân tố quan trọng trong chuyến bộ hành của sư Mi...
HẠNH ĐẦU ĐÀ ĐÃ LAN XA
Một năm trôi qua với nhiều sự kiện nổi bật, có bi ưu, hỷ ái. Song có lẽ sự kiện nổ...
NGÀY HÔM NAY, BỘ HÀNH CÁI ĐÃ. NGÀY MAI, CÒN THỞ THÌ CÒN TIẾP TỤC
Thưa các bạn, BBC Tiếng Việt đã có mặt tại Quận Phibun Mangsahan, Tỉnh Ubon Ratcha...
CÓ KHI NGƯỜI TA ĂN MẶN, MÀ LẠI BỎ ĐƯỢC THAM SÂN SI TRƯỚC NGƯỜI ĂN CHAY
CÓ KHI NGƯỜI TA ĂN MẶN, MÀ LẠI BỎ ĐƯỢC THAM SÂN SI TRƯỚC NGƯỜI ĂN CHAY, Trong vide...
Ngày 31/12/2024 Thầy Minh Tuệ kết thúc hành trình trên đất nước Lào, bắt đầu hành trình t...
Ngày 31/12/2024 Thầy Minh Tuệ kiết thúc hành trình trên đất nước Lào, bắt đầu hành...
Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật
Ngày 12/12/2024 Thầy Minh Tuệ bắt đầu bộ hành về miền đất Phật

Are you sure?