Sư Minh Tuệ từng nói, “chỉ có thánh nhân mới biết phàm phu, chứ phàm phu thì không thể biết thánh nhân được”. Điều này là hiển nhiên như những gì được ghi lại trong kinh điển.
Thành tựu tu tập của sư Minh Tuệ đến nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau. Người yêu mến thì gọi sư là Phật, là Thánh; người không thích, đố kị thì phỉ báng sư bằng các kiểu ngôn từ. Cũng dễ hiểu thôi, vì tất cả chúng ta vẫn là phàm phu, nhìn nhận đánh giá bằng mắt trần với những hạn chế bởi sở tri chướng.
Do vậy, để có cái nhìn khách quan hơn về một bậc chân tu và mức độ thành tựu tu hành thì không gì tốt hơn bằng soi chiếu qua lăng kính kinh điển chánh pháp.
Theo kinh tạng Pali của Phật giáo Nguyên thuỷ, trên con đường tu tập có Tứ Thánh quả mà hành giả có thể chứng đắc được và khi ấy sẽ ở địa vị của bậc Thánh.
Quả vị của các bậc thánh dựa trên mức độ tu tập, tăng trưởng giới hạnh, trí tuệ trong quá trình đoạn trừ các kiết sử (samyojana). Các kiết sử được phân thành hai nhóm: Ngũ hạ phần kiết sử ‘orambhāgiya-samyojana’ (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân) và Ngũ thượng phần kiết sử ‘uddhambhāgiya-samyojana’ (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh).
Theo đó, hành giả, trong sự tu tập, hành trì Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) sẽ dần dần phá trừ từng phần các kiết sử và chứng đắc ở các quả vị tương ứng.
Thứ lớp của Tứ Thánh quả như sau:
1. Thánh quả Dự lưu - Tu đà hoàn (Sotāpanna)
Là bậc Thánh đầu tiên, còn gọi là Thất lai. Đắc quả này là mở được pháp nhãn, tức nhìn thấy vạn vật có sinh ắt có diệt (vô thường). Khi ấy hành giả đã đoạn trừ ba kiết sử đầu là: thân kiến(sakkāyadiṭṭhi), nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).
2. Thánh quả Nhất lai - Tư đà hoàn (Sakadāgāmi)
Là quả vị thánh thứ hai trong tứ thánh quả. “Nhất lai” nghĩa là còn trở lại cõi đời này thêm một lần nữa và sẽ tu tiếp sẽ đắc quả A-la-hán.
Đạt quả vị này cũng đoạn trừ được ba kiết sử như quả Dự lưu, nhưng đồng thời đã muội lược được 2 kiết sử tiếp theo - Dục (kāmacchando) và Sân (byāpāda).
3. Thánh quả Bất lai - A Na Hàm (Anāgami)
Là Thánh quả thứ ba, khi ấy vị thánh đã đoạn trừ hoàn toàn Ngũ hạ phần kiết sử (orambhagiya saṃyojana). Khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh cõi Phạm Thiên. “Bất lai” nghĩa là không bao giờ tái sinh ở cõi trần thêm lần nào nữa.
4. Thánh quả A-la-hán (Arahant)
Là Thánh quả cuối cùng, khi vị thánh đã đoạn diệt thêm Ngũ thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo hối và vô minh). Khi ấy đạo đức đã thành viên mãn, không thể tìm thấy bất cứ lỗi lầm nào; đã đạt đến trạng thái của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đắc lậu tận, tự mình hiểu và nhận ra.
Với Tam vô lậu học, vị A-la-hán đã hành trì đầy đủ về giới, trọn vẹn định và toàn phần về tuệ.
Hành giả khi đã chứng đắc bậc Thánh thì có thể xuất nhập trong Thánh quả mà mình đã đạt được một cách dễ dàng. Khi ấy có thể an trú trong thiền định và tận hưởng pháp lạc đạt được tương ứng.
Như vậy, từ đây mọi người có thể quán sát hành trình, hành trạng của sư Minh Tuệ để tự rút ra câu trả lời cho riêng mình.
------------------------
Nha Trang, 27/08/2024
Nguyễn Thanh Huy