I/ GIỚI THIỆU
1.
Phần II của VÔ SỞ HỮU, dài gần một giờ, quay vào tháng 03. 2024, trên Quốc Lộ 1A, Quảng Xương, Thanh Hóa, vừa mới phát hành lên kênh youtube hôm nay, 08.07.2024.
Nhiều bạn bè trên trang, và cả những bạn theo dõi trang, đã vào nhắn tin, báo cho tôi biết. Tôi hiểu, đó lòng tin cậy mà các bạn dành cho tôi. Xin chân thành cảm ơn các bạn.
******
2.
Có nhiều cảnh ở phần I, nay lại được đưa vào một lần nữa ở phần II. Nhạc phim phần II hay hơn, nhưng chất lượng âm thanh thì lại kém phần I. Màu phim, vẫn là màu xanh chủ đạo, rất dễ chịu, tạo cảm giác vừa gần gũi, ấm áp, lại vừa thanh sạch, tôn kính đối với đệ tử của Đức Phật, là sư Minh Tuệ.
Chỉ tiếc là, ở phần II này, youtuber cho quá nhiều quảng cáo xuất hiện.
******
3. Phần Đầu Phim (giọng sư Minh Tuệ)
Vấn đề lớn nhất của con người ở mình đây là sức khỏe, giới hạnh với trí tuệ thôi. Phật đưa ra con đường cho mọi người học tập, đó là con đường đạo đức, phẩm hạnh và trí tuệ.
Thời Đức Thế Tôn, lúa là không cần phải trồng, lúa tự mọc, gặt sáng thì buổi chiều mọc, lấy bao nhiêu cũng không hết được. Hạt lúa không có trấu, ra gặt rồi lấy về nấu ăn thôi. Thiên nhiên ưu đãi. Nhưng do tham, sân, nên mất đi những đầy đủ ấy.
Đức Phật khẳng định có tám cái khổ: sanh, già, bệnh, chết, cầu bất đắc khổ, oán tằng hội khổ, ái biệt ly khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Tám cái đó thì đã là hiển nhiên rồi. Có sự sanh, sự già, sự chết đều là khổ, thì mình đã thấy đó.
Con cũng mong cho mọi người, từ cái chỗ mà con đi, mọi người có thể tìm hiểu về con, hay tra trên google, ông này là như thế nào, ông này tu hạnh gì, pháp môn gì, cái bang hay là gì. Nhờ tra về con như thế, mọi người sẽ có dịp tìm hiểu thêm về kinh sách, về Phật pháp.
******
II/ VÔ SỞ HỮU - PHẦN II
1.
Hỏi: Con chào thầy ạ
Đáp: Không nhận tiền ạ. Không nhận tiền. Nam Mô A Di Đà Phật. Có nước rồi. Có nước rồi. Không lấy nữa.
Hỏi: Con không có gì, con gửi thầy. Hay con lại kia con mua nước.
Đáp: Nước đây rồi, mang nặng.
Hỏi: Thầy đợi con tí, con đi mua nước nhá.
Đáp: Dạ, nước nhiều không mang được.
Hỏi: Giờ con mua hai chai rồi, thầy nhận cho con một chai.
Đáp: Có tấm lòng là được rồi. Mô Phật.
Hỏi: Con chúc thầy thân tâm an lạc.
Đáp: A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy đi Hà Nội, đường này gần hơn.
Đáp: Con đi trong thành phố.
Hỏi: Trong thành phố thì đi đường này.
Đáp: Dạ. Dạ.
******
2.
Đáp: Cảm ơn cái tấm lòng. Có tấm lòng tốt là được rồi.
Hỏi: Vâng, con chụp thầy một bức ảnh.
Đáp: Dạ.
Hỏi: Thầy chụp với con một kiểu ảnh nha.
Đáp: A Di Đà Phật. Bánh hôm nay ăn rồi. Không lấy. Chiều không lấy nữa. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy nhận đủ rồi, thì mang cho thầy chai nước. Thầy không xin nhiều đâu.
Đáp: Đúng rồi, mang không nổi. À đủ rồi. Anh kia cũng cho nước. Có nước đây rồi, mang nặng. À, bánh không ăn nữa, ăn rồi. A Di Đà Phật.
Hỏi: Gặp thầy ở đây ạ. Con chào thầy. Nam Mô A Di Đà Phật. Con chụp kiểu ảnh nha.
Đáp: Dạ vâng. Nam Mô A Di Đà Phật. Tốt đẹp ạ.
Hỏi: Thầy ơi, giờ thầy định đi đâu đấy thầy?
******
3.
(10:00 cùng ngày, trung tâm thành phố Thanh Hóa.)
Hỏi: Cái này là để trưa ăn ạ.
Đáp: Cảm ơn tấm lòng tốt là được rồi. Sáng ăn rồi giờ không ăn nữa. Nam Mô A Di Đà Phật. Đủ duyên rồi. Chưa ăn mới nhận được. Như nay ăn rồi là không ăn nữa.
Hỏi: Bây giờ thầy đi đâu?
Đáp: Con đi Cao Bằng. Do hồi sớm, có mấy người cho sớm, nên dùng bữa rồi. Con không có nhận nữa, Cảm ơn tấm lòng tốt. Không phải vấn đề gì cả, nhưng ăn rồi là không nhận nữa. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Con gặp được thầy con mừng quá.
Đáp: Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy bây giờ là định đi về đâu ạ?
Đáp: Con đi Cao Bằng.
Hỏi: Thầy ơi, đây là rau thầy ạ. Rau ăn chay. Đây là chống ẩm rồi. Dạ con xin ạ.
Đáp: Rau chay, nhưng mà ngày hôm nay ăn rồi. Không ăn nữa. À rau, nhưng mà ăn có một bữa.
Hỏi: Nhưng mà thầy để mai thầy ăn.
Đáp: À, không cất được qua đêm. Ngày nào ăn ngày đấy.
Hỏi: Anh ơi, (nói với youtuber), em xin phép chụp ảnh với thầy, anh chụp cho em một tấm được không ạ? Thầy nhận (rau) đi cho con với ạ.
Đáp: À, đâu có được.
Hỏi: Thầy nhận cho con với ạ. Đây là rau.
Đáp: Ăn chay. Nhưng mà ăn rồi là không nhận nữa.
Hỏi: Vâng. Nhưng mà con nghĩ, là lúc nào thầy ăn cũng được ạ. Thế ngày mai thầy ăn.
Đáp: Nam Mô A Di Đà Phật. Buổi sớm chưa ăn mới nhận được. Ăn rồi là nhận tấm lòng. Dạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Con đón thầy mãi. Con đón từ hôm qua.
Đáp: Gặp là tốt đẹp rồi.
Hỏi: A Di Đà Phật.
Đáp: Dạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy ơi.
Đáp: Ngày hôm nay ăn rồi là không ăn nữa. Cảm ơn lòng tốt. Nam Mô A Di Đà Phật. Hôm nay dùng thức ăn rồi. Vâng. Không nhận nữa. A Di Đà Phật.
Hỏi: Để hôm khác cũng được ạ. Cái này là khoai tây ạ.
Đáp: Khoai tây, nhưng mà hôm nay ăn rồi là không nhận nữa.
Hỏi: Thầy ơi, hôm khác cũng được ạ. Hôm khác thầy ăn ạ. Cái này nó còn chưa bóc ạ. Khi nào thầy ăn thì thầy ăn ạ.
Đáp: Biết là chưa bóc, nhưng mà ngày hôm nay ăn rồi là không cầm nữa. Không cất được.
Hỏi: Không, cái này để được nhiều hôm ạ.
Đáp: Không. Con nhận tấm lòng tốt của mọi người. Cảm ơn tấm lòng tốt. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
4.
Đáp: Ăn rồi không nhận nữa. Dạ, ăn rồi. Ngày hôm nay dùng rồi, không nhận nữa.
Hỏi: Không nhận gì nữa à thầy?
Đáp: Ngày mai hữu duyên, khi khác nhận.
Hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Chúc thầy nhiều sức khỏe.
Đáp: Dạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy ơi. (Đưa chai nước)
Đáp: Cảm ơn lòng tốt nhỉ.
Hỏi: Thầy đi như này có vất vả, gặp nhiều khó khăn gì không ạ?
Đáp: Có vất vả, có gặp nhiều khó khăn. Nhưng mà mình khắc phục. Gian nan, gian khổ để mình học tập. À dạ, cám ơn. Có nước rồi. Hôm nay ăn rồi. Hữu duyên, hôm khác. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Nếu mà gặp những ngày trời mưa thì thầy ở đâu ạ?
Đáp: Nếu mà trời mưa, mùa mưa thì ở tìm một cái hộc, nghĩa địa hay là nhà hoang. Nói chung, hữu duyên ở đâu thì ở đó.
******
5.
Đáp: À, có chai nước rồi. Không nhận tiền được. Con nhận tấm lòng rồi. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thế thầy ra kia nghỉ, con ra mua nước cho thầy nha.
Đáp: Có nước đây rồi.
Hỏi: Thế thầy cầm tiền về mua nước đi.
Đáp: À, không nhận tiền. Nhận tấm lòng tốt. Hồi hướng công đức.
Hỏi: Thế để ra chỗ kia con mua nước cho thầy.
Đáp: À nước mang không được đâu. Nặng. Nhận rồi. Hồi hướng công đức.
Hỏi: Thì thầy cứ cầm vài đồng thầy uống nước đi.
Đáp: À, không nhận tiền.
Hỏi: Bây giờ thầy đi hướng Cao Bằng, Hà Giang ạ? Con cảm ơn thầy ạ. Dạ dạ.
Đáp: Hôm nay ăn rồi, nếu chưa thọ thực mới ăn được. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
6.
Đáp: À, bánh không mang được. Không ăn nữa. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Có chút, thầy ăn cho có sức để đi. Dạ, cái này là bánh không thôi, không có gì cả.
Đáp: À, bánh không, nhưng hôm nay dùng bữa rồi, không ăn nữa.
Hỏi: Thôi, con xin phép thầy, thì thầy cứ cầm giúp con. Nay hữu duyên con gặp thầy chỗ này.
Đáp: Hữu duyên.
Hỏi: Con xin phép thầy, con cũng xem qua rồi. Đúng là hôm nay, thực sự rất là hữu duyên, con gặp thầy ở đây. Con xin phép thầy, không có gì to tát cả. Vì con biết là thầy không nhận gì cả. Mà thầy cũng không tích trữ gì cả. Nhưng mà cái này là con lỡ mua rồi. Con mong là thầy cầm giúp con, để thầy đi trên đường, thầy ăn cho nó có sức khỏe thầy ạ. Dạ, con xin phép, thầy cầm giúp con.
Đáp: Nam Mô A Di Đà Phật. Nhưng mà hôm nay dùng bữa rồi. Mai mới ăn. Giờ không ăn nữa.
Hỏi: Thế cho con gửi chai nước nha.
Đáp: À nước có đây rồi.
Hỏi: Vâng, con xin phép thầy.
Đáp: Không mang được. Mang nặng.
Hỏi: Con xin phép, con gửi thầy hai chai.
Đáp: À, một chai được rồi. Nặng, không mang được.
Hỏi: Ra đây đứng cùng thầy chụp ảnh.
Đáp: Dạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Đây thầy cầm giúp con, bánh không thôi.
Đáp: Bánh không, nhưng mà ăn rồi. Không ăn được nữa. Buổi sáng ăn một lần. Qua giờ ngọ là không dùng nữa.
Hỏi: Thế bây giờ thầy cất đi để mai ăn.
Đáp: À, ngày mai, không cất được qua đêm.
Hỏi: Không, cái này để thoải mái.
Đáp: Không, con không cất được. Mọi người thì cất được, nhưng mà con thì không cất được.
Hỏi: Con xin hỏi pháp danh của sư là gì?
Đáp: Con tên là Minh Tuệ.
Hỏi: Dạ, xin chào thầy Minh Tuệ.
Đáp: Dạ, Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Chúc thầy nhiều sức khỏe ạ. Gặp nhiều may mắn trên hành trình.
Đáp: Dạ, mọi người hạnh phúc, vui vẻ là được rồi
Hỏi: Chúc thầy chứng quả A La Hán.
Đáp: Dạ. Dạ. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy đi bao nhiêu ngày mà thầy ra đến đây rồi?
Đáp: Dạ, con đi từ trong tết.
Hỏi: Từ trong tết? Thế đi ra đến đây là bao nhiêu ngày rồi?
Đáp: Chắc là được một tháng rồi. Vài chục ngày rồi. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
7.
Đáp: Ngày hôm nay dùng bữa rồi. Hữu duyên, hôm khác. À dạ, qua giờ ngọ rồi. Hôm nay ăn rồi, hôm khác.
Hỏi: Hôm nay đi thầy, con gửi thầy.
Đáp: À không, ăn rồi. À, hôm nay ăn rồi ạ.
Hỏi: Thế thầy đi đâu đấy ạ?
Đáp: Con đi Cao Bằng.
Hỏi: Dạ, dạ, thầy ơi, con cho thầy ít lộ phí nha.
Đáp: À không, con không nhận tiền. Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Dạ vâng. Con chào thầy nha.
******
8.
Hỏi: Con gửi thầy một chút.
Đáp: À, thôi, thôi. Nam Mô A Di Đà Phật. Ăn rồi là không nhận nữa.
Hỏi: Thầy cầm giúp con.
Đáp: À thôi, hôm này dùng bữa rồi. Không nhận nữa. Hôm nay, buổi sớm ăn rồi. Ngày hôm nay quá giờ ngọ rồi. Qua giờ ngọ rồi không dùng nữa, hôm khác. Nhận tấm lòng tốt là được rồi. Nam Mô A Di Đà Phật.
******
9.
Đáp: Con nhận tấm lòng của bác rồi.
Hỏi: Thế nhận cái gì?
Đáp: À, con nhận cơm chay. Nhưng mà ngày hôm nay ăn rồi.
Hỏi: Ăn chưa?
Đáp: Ăn rồi.
Hỏi: Thế ăn bún không?
Đáp: Dạ có. Nhưng mà hôm khác.
Hỏi: Thế bây giờ có ăn bún không?
Đáp: Hôm khác. Hôm nay ăn rồi.
Hỏi: Cầm lấy uống nước dừa.
Đáp: Không nhận tiền. Nam Mô A Di Đà Phật. Chúc bác hạnh phúc. Con không nhận tiền. Vâng.
******
10.
(12:30 cùng ngày, tại tượng đài thanh niên xung phong, thành phố Thanh Hóa.)
Đáp: Có rồi. Ngày hôm nay ăn rồi. Con không nhận bánh nữa. À, nhiều quá, con không nhận nữa. À, bánh không ăn được. Ngày mai mới ăn được. Giờ không ăn được. Hữu duyên, tốt đẹp. Nhận tấm lòng tốt. Rồi hồi hướng công đức cho mọi người.
******
11.
Đáp: Đi tới Hoằng Hóa đấy. Hay là Đại Lộc, cái gì Lộc ấy. Dạ, mọi người vui vẻ, hạnh phúc là tốt đẹp. Dạ, Nam Mô A Di Đà Phật.
Hỏi: Thầy đi từ mãi trong Nam ra đây?
Đáp: Dạ. Đi để học tập, rèn luyện sức khỏe, vượt qua thử thách của mình, ở ngoài nghĩa địa, bỏ nhà, bỏ chùa, sống không nhà, không chùa, tập chấp nhận gian khổ, vượt qua gian khổ. Buổi trưa rồi, nghỉ đây một lát đã. Giờ chắc cũng hơn mười hai giờ rồi.
Hỏi: Đường, thầy cứ thế đi thôi, chứ không biết đường trước, đúng không?
Đáp: Dạ. Con cũng xem đường trước rồi. Biết đường trước rồi. Đi theo con đường của mình. Nếu mà chỗ nào không biết thì mình hỏi. Ra ngoài Hà Nội là khó. Hay lạc.
Hỏi: Thầy đi về mãi đâu?
Đáp: Con đi tới Cao Bằng, Hà Giang rồi con đi về.
Hỏi: Lại quay về miền Nam?
Đáp: Dạ, quay về miền trong ấy.
Hỏi: Thầy là ở đoạn nào trong đấy hả thầy?
Đáp: Con cũng như thế ni, đi khắp nơi như thế này.
Hỏi: Trước đây thì thầy tu ở đâu?
Đáp: Trước đây thì con tu ở Nha Trang. Con ở Nha Trang mấy tháng, rồi con lại đi. Đi rồi lại về. Đi rồi lại về.
Hỏi: Hôm trước con xem, con thấy thầy đi gần đến Thanh Hóa rồi. Thấy thầy đi trên đường quốc lộ. Nếu xe buýt 68, Thạch Thành đây chắc là gần Thanh Hóa. Thấy cách đây mấy hôm.
Đáp: Dạ, đúng rồi. Ba hôm trước thì ở Hoàng Mai. Hôm kia thì ở Tĩnh Gia.
Hỏi: Thầy đi qua Nghệ An? Hôm đấy là con xem, thấy thầy đang ở Quảng Bình hay là ở Huế gì đấy. Nhưng mà hôm nay con đi công việc về thì thấy thầy đang đi trên dốc này, con mới quay lại con mua nước. Hôm nay cũng hữu duyên.
Đáp: Gặp hữu duyên.
Hỏi: Đúng rồi. Hôm bữa là xem thầy trên điện thoại rồi, nhưng mà hôm nay mới được gặp, mà thầy lại ăn rồi.
Đáp: Dạ, ăn rồi, dùng bữa rồi. Hồi sớm, đi trong thành phố, họ cũng cho nhiều. Nhưng ăn rồi, là không nhận nữa.
Hỏi: Thầy cho con hỏi, cảm nghĩ của thầy về khó khăn, dễ dàng trong hành trình đi của thầy ạ?
Đáp: Đa số là khó khăn, mệt mỏi, vất vả. Nhưng khắc phục được thì thấy vui. Hoàn thành được thì thấy không mệt mỏi. Mình bộ hành. Đôi khi thấy mình mệt mỏi, họ cho đi nhờ xe, nhưng mình không đi, mình vẫn kiên trì. Sự bền bỉ giúp mình vượt qua khó khăn. Trên đường, luôn có khó khăn, nhưng mà mình chịu đựng được, là sẽ vượt qua.
Hỏi: Rồi thời tiết nữa.
Đáp: Dạ, mưa nắng rồi đói khát, rồi muỗi mòng, rồi nỗi khổ; rồi người tốt, người xấu; rồi người khen, người chê; rồi người đồng ý, người không đồng ý; rồi nắng trên đầu, rồi đá dưới chân; rồi xe cộ; rồi khất thực. Nhiều thứ cộng lại, dồn nén. Khổ mấy, mình cũng vượt qua. Khi vượt được, cảm thấy vui.
Hỏi: Động lực nào để thầy đi một quãng đường dài như vậy?
Đáp: Đi để khắc phục tham, khắc phục gian khổ. Đi để ước nguyện, mong cho mọi người đều được hạnh phúc, vui vẻ và mình cũng hạnh phúc, vui vẻ. Đi để phát tâm Bồ Đề. Đi để phát nguyện trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bộ hành để phát nguyện quả Bồ Đề. Chính phát nguyện đó là động lực để mình đi. Khi nào con cũng tự nhủ là, ô, muốn tu thành giải thoát thì phải vượt qua gian khó, gian khổ. Muốn thành tựu thì phải phát nguyện vượt qua khó khăn, chớ cứ ở trong nhà, sao thành được. Chẳng hạn, một cầu thủ, muốn đá banh giỏi, mà lại không chịu ra sân tập luyện, cứ ở trong nhà chơi game, hưởng mát, mà muốn tài giỏi thì lấy đâu ra. Phải chăm chỉ tập luyện, phải vượt qua khó khăn, phải nỗ lực. Phải phát bồ đề tâm, thì mới có nỗ lực và niềm vui. Còn tu hành là còn phấn đấu, siêng năng, tinh cần, rồi sẽ thành tựu.
Hỏi: Thầy xuất gia từ năm nào?
Đáp: Dạ, con bắt đầu đi từ tháng 12 năm 2018. Tính đến bây giờ là sáu năm. Và con ra bắc vào nam như thế này, đã là lần thứ tư. Ba lần trước thì con đi Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Tây Bắc.
Hỏi: Tối thì thầy ngủ như thế nào?
Đáp: Tối thì con ngủ ở nghĩa địa hay là nhà hoang. Trời không mưa thì con đến những chỗ có tượng đài như thế này, hay đền, miếu, hay bãi cây, bãi cát, bãi sông, dưới chân cầu. Con đi từ trong tết. Dạ, hữu duyên. Có chỗ thì con nghỉ một thời gian, rồi con lại đi tiếp, Cao Bằng, Hà Giang.
******
12.
Đáp: Nhiều người cho rằng, mục đích con cho quay phim rồi đăng tải lên mạng là vì danh lợi, vì muốn quảng bá hình ảnh, chớ không phải tu hành. Không phải. Nhưng họ nghĩ như thế thì con cũng mặc, cũng kệ họ. Con không quan tâm. Họ nghĩ tốt cho con cũng được mà họ nghĩ xấu cũng được. Khi họ nghĩ con tốt, con cũng không ưa thích. Khi họ nghĩ con xấu, con cũng không ghét bỏ. Xấu tốt gì cũng mặc kệ. Họ cứ nói tự nhiên. Họ nói thế nào cũng được. Chủ yếu là giữ cái tâm mình. Giữ cái tâm mình đừng có buồn khổ vì những lời khen chê, yêu ghét đấy. Giữ tâm đừng tham, sân, si. Tập sao, họ nói hay, mình cũng thế, họ nói dở, mình cũng vẫn thế. Nói thế nào thì cũng vẫn bình thường. Không vì thế mà dao động. Dao động, nổi sân lên thì khổ xuất hiện.
Tùy theo từng người, tùy theo hữu tình, tùy theo nghiệp. Đến vì nghiệp thì đi cũng theo duyên, theo nghiệp. Có nhiều người tu thành giải thoát, họ đi về cảnh giới niết bàn của họ. Lại có nhiều hữu tình khác, thì phải rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nói chung là theo luân hồi. Luân hồi tùy theo hạnh, nghiệp của họ.
Tất cả các loài hữu tình đều như thế. Do cái nghiệp của chúng sinh hữu tình mà đến cõi ta bà này. Có người thì đến để sống cuộc sống vì tiền bạc, vật chất. Có người thì đến để tham danh lợi. Nhưng đa số chúng sinh, đến cõi ta bà này để chân chánh tu hành, để thực hành thiện nghiệp, để tu hành đạt đạo quả giải thoát cho mình, nghĩa là, để trở về niết bàn.
Đến cõi ta bà này mà chạy theo tham dục, để tham dục chi phối, nghiệp ấy, sẽ phải đi luân hồi. Có nhiều cái mình không thể nói được. Chỉ có thể nói, có nhiều người tu thành Phật được, nhưng cũng có nhiều người không tu thành được, phải theo nghiệp, sống đời sống con người, đến khi chết, phải chịu theo nghiệp là đọa ngạ quỷ, súc sanh, hoặc được sinh lên thiên giới, các cõi trời, hoặc được giải thoát niết bàn.
Các cảnh giới đi về, là theo nghiệp lực của từng người, do duyên từng người. Vào cõi người này là do vô minh với duyên hành thôi.
******
13.
Hỏi: Nghĩa là, mình cứ đến rồi lại đi. Vòng vòng như thế là luân hồi ạ?
Đáp: Cứ trôi lăn luân hồi miết. Cứ đời này qua kiếp khác miết. Trở lại con người, rồi lại lên trời, rồi lại xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Hết đời này, rồi nhiều kiếp nữa.
******
14.
Hỏi: Con thắc mắc là tại sao mình lại rơi vào cái vòng luân hồi này ạ?
Đáp: Rơi vào luân hồi là do vô minh với duyên hành, do tham sân si, do mình không có tu hành. Người tu hành diệt tham sân si được thì không luân hồi. Trở về A La Hán. Trở về Phật. Trở về quả vị giải thoát. Trở về niết bàn của họ.
Vẫn còn tham sân si thì vẫn còn chịu luân hồi, vẫn bị nghiệp lực dắt dẫn, chi phối. Đó là vô thường, tất yếu, buộc phải như thế.
Ai tu hành được, thoát khỏi tham sân si được, thì không phải chịu theo luân hồi nữa, theo cái làm chủ của họ.
******
15.
Đáp: Làm chủ. Hôm kia có nói đến: vô thường, khổ, vô ngã. Vô ngã là nó. Nó cứ dắt đi, không phải là của mình nữa. Mình không nói như thế này thế kia được. Đau khổ là do nghiệp lực chi phối chứ mình không làm chủ được nữa.
Nhưng mà nhờ cái cõi ta bà này, mà mình mới tu được. Mình vượt qua cái khổ, mình tu hành. Một số thì tu hành, một số do tham mãi rồi quên, không tu nữa. Quên, lo mải miết làm ăn, đâu có thấy sáng đâu mà biết. Chỉ có thể nhờ Phật nói, nhưng đủ duyên thì mới nghe được.
******
16.
Đáp: Tứ Diệu Đế thì ở trong kinh sách cũng có rồi, là bốn chân đế: khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế.
Khổ Đế thì Phật nói có tám cái khổ: sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.
Tập Đế là nói đến nguyên nhân để sanh ra cái khổ đấy: do tham sân si, do vô minh, duyên hành, hành duyên thức, rồi sinh ra năm ngũ uẩn là khổ. Tham dục, hôn trầm, sân hận, trạo hối, nghi hoặc, năm triền cái ấy sinh ra khổ.
Diệt Đế nghĩa là diệt được tham sân si thì khổ diệt.
Đạo Đế nghĩa là có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thì nó diệt khổ, nó diệt tham sân si.
******
17.
Hỏi: Là giới, định, tuệ ạ?
Đáp: Đi theo con đường đó thì sẽ diệt khổ.
******
18.
Hỏi: Mình giữ giới, sau là có định, có trí tuệ thì trí tuệ sẽ diệt khổ đúng không ạ?
Đáp: Đúng rồi. Trí tuệ đó diệt tham sân si. Hết tham sân si thì hết khổ. Ý nghĩa nôm na là như thế. Nói về Tứ Diệu Đế thì nói mãi không hết đâu. Cái đấy nó rộng lắm. Trong kinh sách, có nói đầy đủ về Tứ Diệu Đế, tức Bốn Thánh Đế. Bốn sự thật ấy không ai thay đổi được.
******
19.
Hỏi: Tứ Diệu Đế là bốn sự thật kỳ diệu.
Đáp: Ai mà hiểu được bốn sự thật đó thì là người có trí. Hiểu rồi phải thực hành được. Chớ hiểu rồi mà để đó thì coi như chưa làm gì cả. Giờ con cũng đi thực hành trên con đường đó để diệt khổ. Con hành trì pháp theo lời Phật dạy, theo đạo đế, làm cho muội lược, giảm tham sân si đi. Rồi dần dần mình tu hành thiền định, có trí tuệ rồi mới diệt hẳn.
Từ giờ cho đến hết đời. Đời này, đời khác, rồi đời khác nữa. Tu hành nhiều đời liên tục thì may ra mới có thành tích.
******
20.
Hỏi: Như Bồ Tát là phải thực hành hàng A Tăng Kỳ, thầy nhỉ. Thầy có thể giải thích về A Tăng Kỳ được không ạ?
Đáp: A Tăng Kỳ là đơn vị tính thời gian của thời Đức Thế Tôn. Một A Tăng Kỳ kiếp là rất dài, nhiều năm, nhiều nghìn năm, không thể đếm, không thể tính được, đấy là A Tăng Kỳ.
Đức Phật lấy ví dụ, A Tăng Kỳ giống như là một cái hộc. cao rộng một Do Tuần, đổ đầy hạt cải trong đấy.
******
21.
Hỏi: Một Do Tuần là mười sáu cây ạ?
Đáp: Mười sáu ki lô mét, đổ đầy hạt cải trong đấy. Cứ một trăm năm lấy ra một hạt. Lấy hết hạt cải trong một Do Tuần đó rồi, mà A Tăng Kỳ kiếp vẫn còn. Nghĩa là, A Tăng Kỳ rất dài, không đo, không lường được, nhiều lắm, vô lượng năm. Càng không lường được một A Tăng Kỳ nữa. Do Tuần, Do Tha, Sát Na, Vi Trần, đều là đơn vị tính thời gian ở thời Đức Phật.
Đức Phật cũng có nói đến Kiếp Thành, Kiếp Hoại, Kiếp Trụ, của kiếp trái đất, nó dài lắm.
******
22.
Hỏi: Như giờ đây, khoa học có hạt Quark đấy ạ.
Đáp: Vâng, Đức Phật nói, lấy một cái sợi tóc mà trẻ ra một trăm phần. Nó nhỏ li ti, mình không thấy được. Mắt thường không nhìn thấy được.
******
23.
Hỏi: Con có xem trên youtube, có một khái niệm, thế giới này là do tâm mình suy nghĩ nó tạo ra, chứ còn vật chất thì cũng không phải có thật.
Đáp: Vâng. Là do tâm. Là do tham. Khiến nghiệp lực dẫn tới. Do ý niệm mà tâm sanh, rồi hình thành ra như thế này. Nghiệp lực và chiêu cảm thành ra như thế, chớ không phải tự nhiên nó có.
Nghiệp lực của con người, tất yếu phải sanh ra như thế. Như phải sanh ra cỏ để cho trâu bò ăn này. Có chúng sanh thì có sanh. Cây cối sanh ra để cho loài ăn lá cây. Cây để giữ nước.
******
24.
Hỏi: Có cây độc lại có cây chữa được bệnh.
Đáp: Đúng, đúng rồi. Nó sanh ra như thế để ứng dụng vào đời sống con người. Do chiêu cảm nên nó như thế, có cái thiện, có cái ác, như những cây gai, cây ác là cũng do tâm người cả. Do phước báu, do chúng sanh nên nó mới sanh. Nếu mà chúng sanh thiện thì nó sẽ sanh những cây ngon, cây ngọt, không có cây gai, không có cỏ, không có muỗi mòng, rắn rết, Do tâm con người ác nên mới sanh ra cây gai, rồi cỏ, rắn, rết, sự độc ác cũng trở nên nhiều hơn, để nó đối lại.
******
25.
Đáp: Họ hỏi cái gì mà mình biết, thì mình suy nghĩ, mình trả lời, mình nói trong khả năng của mình. Chớ mình không phải thuyết pháp.
Con đi để tập học, tập tu hành, khất thực. Con không nghĩ con là thầy, con cũng không phải là sư.
******
26.
Hỏi: Tức là thầy đi gieo duyên ạ.
Đáp: Vâng. Anh hỏi cái gì mà con biết được, con suy nghĩ thế nào, con sẽ trả lời như thế. Chẳng hạn như anh vừa hỏi con về A Tăng Tỳ Kiếp.
******
27.
Hỏi: Tức là tùy duyên mà trả lời ạ.
Đáp: Vâng. Không có duyên trả lời thì sẽ không có ai hỏi con. Mọi người thường hỏi con, đi từ đâu tới, đi tới những đâu rồi, đi có mệt không, có khát nước không, rồi họ xin chụp cái hình, chụp cái ảnh. Nói chung là tùy theo họ, tùy theo cái sở thích của họ, tùy duyên của họ.
Con không đi vì mục đích quay phim. Cách đây sáu năm con đã đi rồi. Đây là lần thứ tư con đi. Con đi không để nổi tiếng.
******
28.
Hỏi: Vậy sáu năm trước, đã nhiều người biết thầy chưa ạ?
Đáp: Dạ không, không ai biết. Đi khất thực, tới nhà nào, thì nhà đó biết. Khi đó, người bố thí cũng ít, chỉ ai là Phật tử mới cho, không nhiều như bây giờ. Đến lần thứ tư này, nhờ kênh youtube, mà mọi người biết tới con.
******
III/
1.
Nhiều bạn đọc cho rằng, hiểu biết về Phật pháp của sư Minh Tuệ là hạn chế. Và, họ tìm được đâu đó trên các video, một vài điểm mắc mứu, khi sư trả lời các câu hỏi, rồi quy kết, nếu sư Minh Tuệ không biết thì đừng nói sẽ tốt hơn, còn nếu nói thì không được sai, kẻo di hại cho người nghe, cho Phật tử.
Tôi nghĩ khác. Hết thảy chúng ta trên thế gian này, bao gồm cả các bậc tu hành, đức cao vọng trọng hiện nay, ai là người dám tự nhận mình là thông suốt kinh kệ, nắm vững giáo lý, cả cuộc đời không hề sai, không hề sót, khi nói pháp và thực hành pháp?
Không ai dám vỗ ngực tự nhận mình là thông tuệ, sáng bừng, chiếu rọi mọi lẽ. Nhưng, việc nói pháp, giảng pháp để giáo hóa chúng sanh, vẫn là công việc bắt buộc và tối cần thiết của các bậc tu hành. Biết đến đâu, thì nói, thì trả lời, thì giải đáp đến đó. Việc xiển dương đạo pháp ấy, phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây, không được buông lỏng, không được bê trễ, không thể coi nhẹ. Sư Minh Tuệ cũng phải mang vác trách nhiệm ấy, không được từ nan.
Huống hồ, sư Minh Tuệ không khấn nguyện tịnh khẩu.
Huống hồ, sư Minh Tuệ chưa bao giờ, tự nhận mình là bậc thầy thuyết pháp.
Sư Minh Tuệ, trước sau, vẫn luôn cho rằng, mình chỉ là một người tập học, đang trên đường tập học, đang thực hành theo lời dạy của đấng Thế Tôn, để cầu giải thoát.
Các câu hỏi, câu cật vấn, từ mọi người, sáng cũng như tối, liên tục, được đặt ra cho sư. Người ta thắc mắc, thì sư phải thưa, phải hồi, phải đáp, không dám bỏ sót, không thể phớt lờ người nào. Câu hỏi nào cũng nhằm tra vấn đời tư sư, câu hỏi nào cũng đa phần, là một dạng trắc nghiệm trình độ Phật pháp của sư. Sư biết chớ. Nhưng nếu sư lặng im, trơ ra, không trả lời, thì có được xem là tốt không? Hoặc nếu sư từ chối, tôi sợ tôi sai, nên tôi không trả lời đâu, thì có được xem là hay không?
Ai hỏi gì mặc, ai hỏi gì kệ, cứ giả ngơ, cứ giả điếc, mình cứ bảo vệ, giữ gìn mình trước đã, để khỏi hố, để khỏi bị bắt lỗi. Ngại ngần ấy, sợ lo ấy, thủ thân ấy, liệu có phải là hạnh dấn thân của người xuất gia, nhận của bố thí, quyết tâm học Phật không?
Trả lời các thắc mắc của người đời, đó là trách nhiệm bắt buộc, không được trốn tránh của người đang trên đường tu học.
******
2.
Tất cả những câu trả lời của sư Minh Tuệ đều rất nghiêm chỉnh; không nhạo báng hay mạo phạm ai.
Sư luôn nói lời tử tế, đạo đức. Tuy lối diễn đạt không gãy gọn và trơn tru, từ dùng không hoa mỹ, nhưng sư luôn nghĩ về người khác, sư luôn hướng thiện, từ bi, khuyên mọi người quay về với sự tự nhiên, đơn giản, đồng thời, kêu gọi mọi người nên nghe theo lời Phật dạy mà tu tâm, mà dưỡng tánh.
Có xem từ đầu cho đến cuối những video về sư Minh Tuệ, mới thiệt là ái ngại cho những tình huống người hâm mộ, người mộ đạo, bao vây, đeo bám, nằn nì sư điều này, ỉ ôi sư điều kia. Mới thấy vô cùng khâm phục tính chịu đựng và kham nhẫn của sư, khi mà, cứ một bước là có người chào, hai bước là có người xin cúng dường, ba bước là có người xin được chụp hình cùng, thậm chí, có cả những kẻ, vì tín cuồng, mà xông đến, đưa tay chạm vào người sư, hoặc cố giúi cho bằng được tiền của, vật dụng vào trong tay nải, vào trong nồi cơm điện của sư. Thế mà sư vẫn cúi chào, không sót. Thế mà sư vẫn cười tươi, không sót. Thế mà sư vẫn cúi đầu niệm A Di Đà Phật, không sót. Thế mà sư vẫn cương quyết giữ gìn giới hạnh của mình, không sót.
Là không sót cung kính với một ai, bất luận già trẻ, sang hèn, nam nữ. Sư không đắc tội với một ai. Sư ân cần, chu đáo, với tất cả những tấm lòng kính trọng, thành tâm muốn cúng dường, tích phước; thành tâm muốn bố thí, mót phước - từ những người dân thiện lành, và từ những Phật tử mộ đạo.
Sư không trục lợi ai. Sư chỉ duy nhứt mong cầu: được giải thoát và hồi hướng đến tất cả để mọi người hạnh phúc.
Sư tìm đến đạo pháp cũng chỉ mới khoảng mười năm nay, nên chắc kiến thức cũng khó mà hơn được những nhà nghiên cứu Phật học đã vài mươi năm. Nên, nếu chúng ta có ngợi ca, tán thán, là tán thán pháp tu khổ hạnh rất đặc biệt của sư. Chúng ta kính trọng, là kính trọng sự đơn giản, chơn thành, mộc mạc; kính trọng khi nhìn ra, đó là bậc chân tu, mà nay, đang ngày càng trở nên hiếm hoi, thậm chí, tuyệt tích.
******
3.
Một trong những điều khiến tôi rất tôn kính sư, đó là, ngoài sự chân thành trong hành vi, trong lời ăn tiếng nói, thì còn là việc, sư không hề diễn xuất, sư không hề đóng phim.
Ánh mắt sư thuần hậu, chính trực, lời nói sư chân thành, tha thiết, dễ nghe, khiến dễ chịu khi nghe. Thần, khí và sắc ấy, không thể nào thuộc về người diễn kịch, thuộc về người đóng tuồng trên sân khấu.
Phải khen là hình ảnh cuối phim rất tuyệt. Sư vẫn đi giữa cuộc đời đầy bụi bặm. Sư không tách lìa mình ra khỏi cuộc đời. Hình ảnh đó khiến tôi vô cùng xúc động.
Tôi gõ những dòng này lúc ba giờ sáng nay, cùng câu hỏi quẩn quanh trong đầu, sư Minh Tuệ bây giờ, đang ở đâu?
Đang về đâu?
******
4.
Sư tu bộ hành ở ngoài lộ, hay sư tu trong rừng sâu, núi thẳm, điều đó, nằm ngoài sự kiểm soát và mong muốn của chúng ta. Sư đi tu cũng là duyên. Chọn con đường đầu đà, tam y nhất bát cũng là duyên. Nổi tiếng hay mang tiếng, cũng là do nhân quả của sư, gieo gì gặt nấy.
Được nhìn thấy sư trong đời này, kiếp này, cũng là duyên của chúng ta. Mà sư biệt tăm biệt tích, mất dấu, cũng là do, duyên của chúng ta và sư, chỉ đến đó.
Nguyện cầu cho sư Minh Tuệ tu hành đạt đạo và trên bước đường tập học của mình, sư luôn được Đức Phật soi sáng, độ trì.
Thân mến chúc quý bạn đọc được hạnh phúc!
Sài Gòn 09.07.2024
phạm hiền mây